HƯỚNG DẪN KỸ THUẬT CHĂM SÓC CÂY HÀNH CỦ VỤ ĐÔNG

Vụ Đông năm 2018 đến thời điểm này bà con nông dân tại 12 xã trên địa bàn Huyện ta đã trồng được gần 40 ha Hành củ trên đất 2 vụ lúa. Hành củ là một cây trồng ưa lạnh có giá trị kinh tế cao, có phổ thích nghi rộng, lại có khung thời vụ xuống giống khá dài nên tạo điều kiện rất tốt cho bà con mở rộng diện tích trong những năm sau.

Hành củ sau trồng 15 – 20 ngày là giai đoạn cây hay bị nhiễm nấm, vi khuẩn gây bệnh nhất, nên việc chăm sóc giai đoạn này là hết sức quan trọng, quyết định sự thành công sau này. Để giúp bà con chăm sóc cây Hành củ trong giai đoạn này, Trạm Khuyến nông Huyện xin hướng dẫn một số biện pháp kỹ thuật quan trọng sau đây:

1. Bón phân cho cây Hành

+ Bón thúc lần 1: 10 – 20 ngày sau trồng ( Hành nhú cao khỏi mặt rạ): Dùng 5 – 6 kg/sào phân NPK 15.15.15 hòa loãng tưới thúc, chú ý giai đoạn này tuyệt đối không tưới thúc bằng phân Đạm cây dễ bị bệnh héo xanh rất nguy hại.

+ Thúc lần 2: sau lần 1 từ 10 – 15 ngày: Bón gốc 10 kg NPK 15.15.15

+ Thúc lần 3: sau trồng 55 – 60 ngày (Khi hành bắt đầu xuống củ): 5 kg NPK15.15.15.

* Chú ý: Hành rất cần các nguyên tố vi lượng (Cu, Bo, Mn), nếu thấy ruộng hành phát triển kém, đầu lá khô hoặc cong queo thì dùng 1 gói phân vi lượng + 30 – 50 gram kali trắng (Nửa lạng) /bình 18 lít phun vào ngày hôm sau khi tưới thúc sẽ giúp tăng hiệu quả sử dụng phân và hạn chế các loại bệnh. Sử dụng phân bón lá cho cây hành cũng rất tốt. Phun phân bón lá có hàm lượng Lân cao (Siêu lân) vào thời kỳ sau trồng 10 – 20 ngày giúp cây phát triển bộ rễ, cứng cây, hạn chế gẫy lá, tăng sức đề kháng chống chịu điều kiện bất lợi.

Rất hay:  Cách làm tóc nhuộm trở lại màu đen hiệu quả đơn giản tại nhà

+ Trong quá trình chăm sóc hành, không nên tưới trực tiếp phân vào khóm hành sẽ dễ làm cho cây nhiễm bệnh nấm, vi khuẩn… Tốt nhất, nên tưới phân vào giữa các hàng

+ Tuyệt đối không té nước lên thân, lá, dọc hành, nhất là khi trời tắt nắng. Cần tưới theo phương pháp tưới ngấm rãnh để bảo đảm cây hành ít có nguy cơ bị nấm bệnh . Riêng những ngày có sương muối cần dùng bình bơm phun nước rửa sương vào buổi sáng sớm.

2. Phòng trừ sâu bệnh :

+ Bệnh hại: Cây hành dễ nhiễm bệnh vi khuẩn héo xanh nhất là khi hành vượt khỏi mặt đất khoảng 5- 10 cm. Nếu thấy bệnh chớm xuất hiện trên ruộng cần tiến hành nhổ bỏ và tiêu hủy sớm các cây hành bị bệnh. Tưới nước vôi hoặc rắc vôi bột vào gốc hành vừa nhổ để hạn chế bệnh lây lan. Nếu thời tiết có ẩm độ cao, âm u ít nắng, có thể dùng kết hợp thuốc trừ Nấm và Vi khuẩn để phun theo hướng dẫn trên bao bì. Sau khi dùng thuốc 3 – 5 ngày nên dùng phân vi lượng qua lá cùng kali trắng (K2S04) để bổ sung và tăng cường sự hồi phục cho cây hành.

+ Bệnh đốm khô lá hành, bệnh mốc xám, thán thư: Dùng Nativo 750 WG; Antracol 70 WP hoặc Rovral 50 WP khi bệnh mới xuất hiện trên lá.

+ Đối với bệnh sương mai: Dùng Aliette, Ricide 72WP, ZiNeb 80WP… Phải đảm bảo thời gian cách ly trước thu hoạch 7 – 14 ngày.

Rất hay:  Cách ngâm sấu với đường ngon, giòn mà không bị nổi váng

+ Sâu hại: Phòng trừ bọ trĩ, nhện trắng dùng Confidor 100SL hoặc Confidor 700 WG.

+ Sâu xanh da láng, dòi hại lá hành dùng Regent 800WG, Buldock 025 EC hoặc Decis Repel 2,5 EC

3. Thu hoạch:

Thu hoạch hành chọn ngày nắng ráo, khi để giống cần loại bỏ những củ bị sâu bệnh, giập nát, sây sát và không cắt lá khi hành chưa khô. Để bảo quản hành sau khi thu hoạch cần chú ý phơi khô cả mặt trên và mặt dưới của bó hành. Trong quá trình bảo quản củ hành cần chú ý đảm bảo khô ráo, thông thoáng vì nhiệt độ cao và ẩm ướt là yếu tố cơ bản dẫn đến củ hành giống bị hao hụt và sâu bệnh phá hại, hành thu để làm giống hoặc bảo quản lâu phải để thật già, khô dọc mới thu hoạch./.

TRẠM KHUYẾN NÔNG YÊN ĐỊNH