Các câu hỏi thường gặp – Sở Lao động TB & XH

PHẦN 1:

MA TÚY, NGHIỆN MA TÚY VÀ TÁC HẠI CỦA NGHIỆN MA TÚY

Câu hỏi 1: Ma túy là gì?

Trả lời:

Luật Phòng, chống ma tuý của Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, định nghĩa về chất ma túy như sau:

Chất ma tuý là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành.

+ Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

+ Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Câu hỏi 2: Có những loại ma túy nào?

Trả lời:

Theo Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PDS, các chất ma túy được phân chia thành nhiều loại dựa theo những căn cứ khác nhau tuy nhiên phổ biến hiện nay là phân loại theo nguồn gốc được phân chia thành 3 loại: Ma túy có nguồn gốc tự nhiên, ma túy bán tổng hợp và ma túy tổng hợp.

– Ma túy tự nhiên: là sản phẩm của các cây trồng tự nhiên và các chế phẩm của chúng như thuốc phiện, cần sa, cocain…

– Ma túy bán tổng hợp: là các chất ma túy được chế từ ma túy tự nhiên và một số chất phụ gia khác, có tác dụng mạnh hơn chất ma túy ban đầu. Ví dụ: Heroin là một loại ma túy bán tổng hợp được chiết xuất từ cây thuốc phiện, bằng cách chế thuốc phiện với các hóa chất để tạo ra morphine và sau đó kết tủa thành heroin dạng thô.

– Ma túy tổng hợp: là các loại ma túy được điều chế bằng phương pháp tổng hợp hóa học toàn phần từ hóa chất như: thuốc lắc, ma túy đá…

Câu hỏi 3: Nghiện ma túy là gì?

Trả lời:

Theo tổ chức y tế thế giới (WHO), nghiện ma túy được định nghĩa như sau:

Nghiện ma tuý là tình trạng lệ thuộc về mặt tâm thần hoặc thể chất hoặc cả hai khi một người sử dụng ma tuý lặp đi lặp lại theo chu kỳ hoặc dùng kéo dài liên tục một thứ ma tuý và tình trạng lệ thuộc này làm thay đổi cách cư xử, bắt buộc đương sự luôn cảm thấy sự bức bách phải dùng ma tuý để có được những hiệu ứng ma tuý về mặt tâm thần của ma tuý và thoát khỏi sự khó chịu, vật vã do thiếu ma tuý. Tình trạng lệ thuộc này có thể kèm theo hiện tượng quen ma tuý hoặc không và một người có thể bị lệ thuộc vào nhiều loại ma tuý.

Câu hỏi 4: Dùng ma tuý 1 lần có thể nghiện được không?

Trả lời:

Không ai có thể khẳng định dùng 1 hay 2 lần có thể gây nghiện. Chính vì vậy, bạn không lên thử dù chỉ 1 lần, vì bạn có thể nghiện ngay từ lần dùng thử đầu tiên. Hãy tránh xa ma túy !

Câu hỏi5: Tôi muốn hỏi các dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy?

Trả lời:

Người nghiện ma túy thường có những đồ dùng và biểu hiện như sau:

– Các vật dụng “lạ”:

+ Thuốc lá “lạ” được cuốn thủ công, giấy cuốn thuốc (giấy OCB)…

+ Lưỡi dao cạo, ống hút, bơm kim tiêm…

+ Thìa, bình nhựa đục lỗ, giấy bạc…

– Nếp sinh hoạt thay đổi:

+ Ăn uống thất thường.

+ Mất ngủ hoặc ngủ nhiều một cách bất thường (mang tính bệnh lý).

+ Giảm hứng thú các hoạt động giải trí, bắt đầu xuất hiện những hành vi xấu như: tập hút thuốc, uống rượu…

+ Đi lại có quy luật. Đặc biệt, lúc đi mệt mỏi, lúc về lanh lợi, hoạt bát.

+ Sạch hoặc bẩn thái quá hoặc ít chú trọng vệ sinh cá nhân.

– Tâm lý thay đổi bất thường:

+ Khi tỉnh táo, minh mẫn khi lơ đãng, mất tập trung.

+ Hay cáu gắt, khó chịu, bực bội.

+ Xuất hiện hành vi chống đối, hay nói dối.

+ Thích ở một mình, ngại giao tiếp hoặc tụ tập nơi đông người.

– Sức khỏe giảm sút:

+ Sức đề kháng giảm, hay ốm đau, người lừ đừ, mệt mỏi, xanh xao…

+ Có những dấu vết lạ trên cơ thể: dấu kim tiêm trên mu bàn tay, cổ tay, mặt trong khuỷu tay, cổ, vết cào xước da. Vết bỏng trên môi, ngón tay….

– Khả năng lao động:Lười lao động, sức lao động giảm.

– Tiếp xúc với nhóm bạn xấu:

+ Tụ tập với những người có đời sống buông thả, tập hợp với bạn thành từng băng nhóm để đua xe, chơi cờ bạc…

+ Kết thân với những bạn bè có dùng ma túy.

– Nhu cầu chi tiêu bất thường: Sử dụng tiền quá nhu cầu cần thiết.

Ngoài ra, gia đình muốn có kết quả chính xác về mặt khoa học phát hiện con em mình có sử dụng ma túy hay không thì có 2 cách test kiểm tra: Thử máu hoặc thử nước tiểu để tìm chất gây nghiện.

Câu hỏi 6: Kiểm tra người nghiện ma túy bằng que thử nước tiểu hoặc xét nghiệm máu có chính xác không?

Trả lời:

Biện pháp thử ma túy bằng cách xét nghiện máu tại các cơ sở y tế hoặc thử nước tiểu là chính xác. Tuy nhiên cần lưu ý khi kiểm tra nước tiểu bởi vìtùy từng loại ma túy có thể sẽ bị đào thải hết ra khỏi cơ thể sau khi người nghiện thực sự ngừng sử dụng ma túy sau (1 đến 2 ngày hoặc lâu hơn). Vì vậy, nếu kết quả xét nghiệm nước tiểu tìm ma túy của bệnh nhân là dương tính thì chứng tỏ, lần gần nhất bệnh nhân dùng ma túy chỉ cách đó vài ngày. Việc dùng que thử nước tiểu tìm ma túy cho kết quả âm tính chỉ cho phép kết luận rằng người được thử không sử dụng ma túy trong khoảng thời gian ngắn trước đó chứ chưa thể khẳng định là người đó không nghiện.

Để đối phó với gia đình, người nghiện có thể nhịn ma túy vài ngày là có thể có kết quả âm tính. Những người dùng ma túy, có thể uống thuốc tránh thai khẩn cấp, pha xà phòng giặt vào nước tiểu, hoặc pha loãng nước tiểu bằng nước lọc, để làm sai lệch kết quả xét nghiệm, tuy nhiên chỉ có thể sai lệch ở kết quả xét nghiệm nước tiểu khi dùng que thử mà thôi.

Hiện trên thị trường có nhiều loại que thử ma túy, gia đình người có thể tới các hiệu thuốc, cơ sở y tế để mua.

Nguồn: http://xetnghiemdanang.com/xet-nghiem-ma-tuy-trong-nuoc-tieu/

Rất hay:  Điện thoại bị hư loa ngoài - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục

Câu hỏi 7: Ma túy đá có gây nghiện không? Tôi đã bắt đầu sử dụng ma túy đá, nhưng tôi không nghĩ ma túy đá là thứ gây nghiện và nguy hiểm như heroin hay thuốc phiện. Vậy ma túy đá có ảnh hưởng thế nào, khi tôi thường xuyên sử dụng?

Trả lời:

Ma túy đá là hợp chất vô cùng độc hại. Về mặt tác dụng dược lý, ma túy đá rất nguy hiểm, nó tác động trực tiếp đến hoạt động của hệ thần kinh trung ương và gây ảo giác bằng cách kích thích não bộ tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamin.

Khi bạn sử dụng ma túy đá nhiều lần, não bộ mất đi khả năng tự tiết ra các chất dẫn truyền thần kinh, thay vào đó, phải lệ thuộc vào quá trình dung nạp ma túy đá từ bên ngoài, dẫn đến tình trạng người sử dụng có nguy cơ cao phụ thuộc (nghiện) ma túy đá. Tùy vào mức độ, tần suất sử dụng và thời gian sử dụng, thể trạng và đặc trưng tâm lý của mỗi người, nghiện ma túy đá thường có những hậu quả như sau:

Về thể chất: Mất ngủ, mệt mỏi tột độ và kiệt sức, cơ thể suy nhược, sử dụng thời gian dài dễ dẫn đến mất cảm giác ở cơ quan vận động, đặc biệt là phần cơ mặt, cơ quan phát âm, giảm khả năng tình dục…

Về tâm lý: Tâm trạng thất thường như lo lắng, bồn chồn, bất an, sợ hãi, tức giận dễ nổi cáu và dễ kích động; ngủ không ngon giấc, hay gặp ác mộng, dễ rơi vào trầm cảm, có sự thèm nhớ và tìm mọi cách để sử dụng lại ma túy đá. Bên cạnh đó, người sử dụng sẽ thay đổi tính nết, nhân cách theo chiều hướng xấu: Lười biếng, ích kỉ, vô cảm, nóng tính, cục tính, trở nên thô bạo, bạo lực mà không có lý do cụ thể, tập trung kém, chóng quên, cảm thấy chán nản, buồn bã… đặc biệt khi nghiện ma túy đá nặng, người sử dụng sẽ gặp phải những triệu chứng hoang tưởng, ảo giác, mất khả năng phân tích thực tế và tin vào những điều không có thật. Hậu quả là thường gây nguy hiểm cho chính mình và mọi người xung quanh như: Ghen tuông vô cớ, tấn công bạo lực, tự gây thương tích và tự sát.

Mặt khác, người sử dụng ma túy đá có nguy cơ mắc các bệnh dễ lây qua đường tình dục khi dùng ma túy đá, con người bị kích thích ham muốn quan hệ tình dục và khó kiểm soát hành vi tình dục của bản thân, dẫn đến việc có hành vi không an toàn khi quan hệ với bạn tình.

Như vậy, khi bạn sử dụng ma túy đá thường xuyên, bạn hoàn toàn có nguy cơ nghiện ma túy đá và mức độ nguy hiểm khi nghiện ma túy đá thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với việc sử dụng và nghiện các chất nhóm Opiads như heroin, thuốc phiện.

Câu hỏi 8: Tôi có con trai đang học cấp 3, tôi bắt gặp trong đồ dùng của con có chứa 1 túi nhỏ có hình dạng như bột mì chính, liệu đó có phải ma túy đá không? Làm sao để tôi nhận biết được con mình có sử dụng ma túy đá hay không?

Trả lời:

Ma túy đá là một loại ma túy tổng hợp, hình dạng bên ngoài trông giống tinh thể đá, tinh thể kết tinh thành những mảnh vụn li ti, gần giống hạt mì chính hoặc muối, óng ánh giống đá. Ngoài dạng như trên, ma túy đá còn tồn tại dưới dạng cục, bột, viên nén, khi sờ có cảm giác dính tay.

Ma túy đá là một trong những chất gây nghiện có chứa chất độc cực mạnh, thường sử dụng bằng cách hút bằng tẩu thuỷ tinh (dân chơi đá thường gọi là cóng đá). Khói hút không có mùi. Cảm giác tạo ra khi hút có thể kéo dài trong vòng 12 giờ hoặc lâu hơn.

Cách nhận biết người sử dụng ma túy đá bằng mắt thường:

– Có vết cào, chà xát trên da hay trên mặt

– Uống nhiều nước, đặc biệt nước ngọt

– Thích làm những việc tỉ mỉ, chi tiết

– Không ngủ nhiều ngày liền hoặc ngủ rất nhiều, chán ăn, giảm cân nhanh

– Có vết bỏng trên môi hoặc ngón tay

– Tâm lý thất thường, dễ cáu gắt

– Có những suy nghĩ, hành vi kỳ quặc

Ngoài ra ở tuổi học sinh còn có biểu hiện:

– Đi học muộn, bỏ học, trốn học, thường hay rời khỏi trường không rõ lý do;

– Thường xuyên tiếp xúc với nhóm bạn xấu:

– Sử dụng tiền quá nhu cầu cần thiết.

Khi sử dụng ma túy “đá” liều lượng và cấp độ cao, người dùng sẽ bị mất ngủ, chán ăn, nhạy cảm với âm thanh, tiếng ồn, nói nhiều, khả năng tập trung kém, diễn đạt không logic, nặng hơn sẽ nôn ọe, chóng mặt, có cảm giác sâu bò dưới da…

Giai đoạn nghiêm trọng sẽ dẫn tới hoang tưởng ảo giác, lo sợ, bị kích động, lên cơn loạn thần hay các triệu chứng dễ nhận thấy như ảo thị, ảo giác như môi khô, mắt đỏ, đi loạng choạng, nói một mình, sợ bị đuổi đánh, sợ có người theo dõi.

PHẦN 2:

CÔNG TÁC CAI NGHIỆN PHỤC HỒI CHO NGƯỜI NGHIỆN MA TÚY TẠI CƠ SỞ

Câu 9: Quy trình điều trị ma túy tại Cơ sở như thế nào?

Trả lời:

Quy trình cai nghiện ma túy cho người nghiện tại Cơ sở được thực hiện theo Thông tư liên tịch số 41/2010/TTLT/BLĐTBXH-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2010 gồm các giai đoạn sau:

1. Giai đoạn tiếp nhận, phân loại;

2. Giai đoạn điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội;

3. Giai đoạn giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách;

4. Giai đoạn lao động trị liệu, học nghề;

5. Giai đoạn phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Câu hỏi10: Tôi có người thân muốn đi cai nghiện tự nguyện, vậy thủ tục hồ sơ, để được tiếp nhận cai nghiện tại Cơ sở gồm những gì? Trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở có cần người nhà ở lại chăm sóc không?

Trả lời:

Khi đến làm thủ tục cai nghiện tự nguyện, người nghiện và thân nhân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân đến Cơ sở, cán bộ tiếp nhận sẽ hướng dẫn, hoàn thiện hồ sơ để vào cai nghiện tự nguyện.

Rất hay:  Gợi Ý Top 19 liabilities là gì [Quá Ok Luôn]

Hồ sơ cai nghiện tự nguyện gồm:

1. Đơn xin tự nguyện cai nghiện và chữa trị tại Cơ sở

2. Bản khai về tình trạng sử dụng ma tuý

3. Bản cam kết của gia đình

4. Sổ hộ khẩu có tên người đi cai nghiện (bản phô tô và bản gốc để đối chiếu)

5. Một trong các giấy tờ: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân, giấy khai sinh hoặc giấy phép lái xe của người đi cai nghiện và người bảo lãnh (bản phô tô và bản gốc để đối chiếu). Trường hợp người đi cai nghiện không có giấy tờ tuỳ thân thì phải có giấy xác nhận nhân sự có ảnh của xã hoặc phường, thị trấn nơi người đó đăng ký hộ khẩu thường trú.

6. Hợp đồng trách nhiệm ký kết giữa gia đình người nghiện hoặc người nghiện với Cơ sở.

7. Quyết định tiếp nhận người nghiện tự nguyện vào Cơ sở của Giám đốc Cơ sở.

Đối với người chưa thành niên phải có sự đồng ý, bảo lãnh của cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp.

– Trong các giai đoạn cắt cơn, giải độc và lao động trị liệu phục hồi sức khoẻ tại Cơ sở người nghiện sẽ được cán bộ y tế điều trị, theo dõi, chăm sóc đồng thời để đảm bảo an toàn, thuận lợi trong việc điều trị cắt cơn, Cơ sở quy định người nhà không ở lại để chăm sóc người nghiện.

Câu hỏi11: Chồng tôi muốn đi cai nghiện tự nguyện,tôi muốn hỏi kinh phí đóng góp đối với người đi cai nghiện tự nguyện như thế nào? Khi vào cai nghiện, chồng tôi có được mang theo đồ dùng sinh hoạt cá nhân hay điện thoại không?

Trả lời:

Người cai nghiện tự nguyện từ 6 tháng trở lên theo quy định tại Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND và Hướng dẫn số 09/HD-SLĐTBXH, Gia đình phải đóng góp các khoản kinh phí sau:

1. Chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ; điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường:

1.1. Chi phí sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện, thực hiện các dịch vụ kỹ thuật xét nghiệm y tế theo chỉ định của bác sỹ (bao gồm cả xét nghiệm HIV/AIDS): Mức chi theo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cấp có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập thực hiện dịch vụ;

1.2. Chi điều trị nhiễm trùng cơ hội và thuốc chữa bệnh thông thường tại cơ sở cai nghiện ma túy không ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế: Theo chi phí thực tế phát sinh và hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp. Cơ sở cai nghiện ma túy công lập lập dự toán phù hợp với tình hình thực tế hàng năm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

  1. Tiền ăn hàng tháng: 0,24 mức lương cơ sở/người.

3. Tiền mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân (chăn, màn, chiếu, gối, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân và băng vệ sinh đối với học viên nữ): 0,27 mức lương cơ sở/người/năm.

4. Tiền hoạt động văn nghệ, thể thao: 70.000 đồng/người/năm.

5. Tiền điện, nước, vệ sinh: 80.000 đồng/người/tháng.

– Người nghiện khi vào Cơ sở người cai nghiện không cần mang theo bất cứ đồ dùng cá nhân nào và không được sử dụng điện thoại di động cá nhân khi ở trong Cơ sở.

Câu hỏi12: Chồng tôi đi cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Toà án. Tôi xin hỏi Cơ sở, khi vào chồng tôi được mang theo những đồ dùng gì và có cần phải đóng góp thêm khoản kinh phí nào ko?

Trả lời:

– Trong thời gian chấp hành quyết định của Tòa án tại Cơ sở cai nghiện bắt buộc người nghiện được khám sàng lọc, điều trị cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần và các bệnh nhiễm trùng cơ hội; được tư vấn nhằm thay đổi hành vi nhân cách, nâng cao kỹ năng sống và kỹ năng phòng chống tái nghiện; được chăm sóc, ăn uống và cung cấp các đồ dùng sinh hoạt cá nhân theo quy định của Nhà nước mà không phải đóng góp bất cứ khoản nào.

Trường hợp học viên bị ốm nặng hoặc mắc bệnh hiểm nghèo vượt quá khả năng điều trị của cơ sở cai nghiện bắt buộc thì được chuyển tới cơ sở Y tế hoặc đưa về gia đình để chữa trị, chăm sóc. Chi phí điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do bản thân học viên hoặc gia đình học viên tự thanh toán.

Ngoài ra gia đình cần phối hợp với Cơ sở trong công tác thăm nuôi và giúp đỡ người nghiện trong quá trình cai nghiện tại Cơ sở.

– Để đảm bảo an toàn khi vào chữa trị, cai nghiện tại Cơ sở người nghiện không được mang theo bất cứ đồ dùng cá nhân nào.

Câu hỏi 13: Trong thời gian điều trị, cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở,tôi muốn học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm, vậy cụ thể Cơ sở mở các lớp dạy nghề cho người cại nghiện như thế nào?

Trả lời: Thực hiện chức năng nhiệm vụ theo Quyết định số 776/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, căn cứ vào nhu cầu của học viên, hàng năm Cơ sở có tổ chức các lớp dạy nghề hàn, may công nghiệp, uốn tỉa cây cảnh… cho người nghiện, trong thời gian chữa trị, cai nghiện tại Cơ sở. Thời gian đào tạo 3 tháng và được cấp chứng chỉ sơ cấp nghề. Sau khi được học nghề, người nghiện được Cơ sở tổ chức lao động trị niệu, rèn luyện kỹ năng để nâng cao trình độ, tay nghề vì vậy hầu hết người nghiện sau khi được đào tạo, rèn luyện đều có tay nghề vững vàng. Các chương trình dạy nghề hàng năm đã giúp cho nhiều học viên sau khi về tái hoà nhập cộng đồng có cơ hội tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.

Câu 14: Con tôi bị nghiện ma túy đã 5 năm và đã thực hiện cai nghiện tại nhà 02 lần nhưng không khỏi. Tôi muốn đưa con tới điều trị tại Cơ sở vậy sau thời gian chữa trị cai nghiện liệu con tôi có bỏ được hoàn toàn ma túy không?

Trả lời:

Theo y học, nghiện ma túy là bệnh mãn tính do rối loạn của não bộ, vì vậy việc trợ giúp cho người nghiện ma túy là lâu dài và khó khăn với tỷ lệ tái nghiện cao. Giống như các bệnh mãn tính khác, nghiện ma túy cần được điều trị dài lâu, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và điều trị bằng tâm lý.

Rất hay:  Cách sử dụng "Because Of" hiệu quả trong giao tiếp

Nghiện ma túy được gọi mà mãn tính, tái diễn của não bộ bởi lẽ nó biểu hiện ở chỗ:

Thứ nhất, người bệnh khi chưa được điều trị cắt cơn giải độc buộc phải tìm kiếm và sử dụng ma túy, bất chấp các hậu quả về sức khỏe và xã hội liên quan tới hành vi sử dụng ma túy.

Thứ hai, dù đã cai nhiều lần nhưng họ vẫn dễ bị tái nghiện. Bởi dù đã được đi cai nghiện nhưng ma túy giống như là “miếng ngon nhớ lâu” khi sử dụng vẫn thấy rất thích thú, thoả mãn cảm giác thèm nhớ làm cho người nghiện bị thôi thúc tìm kiếm ma túy để sử dụng.

Trong quá trình nghiên cứu dựa trên nền tảng lý thuyết về sinh lý học thần kinh và thực tiễn của những người cai nghiện ma túy thành công sau khi điều trị tại Cơ sở trở về, có thể khẳng định nếu bản thân người nghiện quyết tâm, lựa chọn đúng phương pháp và thời gian cai nghiện cũng như tuân thủ các biện pháp phòng chống tái nghiện thì nghiện ma túy có thể ngăn ngừa và điều trị được.

Câu hỏi15: Con tôi bị nghiện ma tuý cách đây khoảng 5 năm. Cháu bị lây nhiễm HIV do sử dụng bơm kim tiêm chung. Hiện cháu đang uống thuốc ARV điều trị tại nhà. Gia đình tôi muốn cho cháu vào Cơ sở để cai nghiện ma tuý vậy khi vào cai nghiện tại Cơ sở thì con tôi có được tiếp tục uống thuốc điều trị HIV hay không?

Trả lời:

Khi người đi cai nghiện, chữa trị tại Cơ sở mà đã bị nhiễm HIV đang được uống thuốc điều trị tại gia đình thì trong thời gian cai nghiện, chữa trị tại Cơ sở học viên sẽ được cán bộ y tế của cơ sở hỗ trợ tiếp tục sử dụng thuốc điều trị HIV.

Khi đến Cơ sở cai nghiện, gia đình đề nghị Cơ sở Y tế đang điều trị thuốc ARV cho học viên cung cấp sổ khám chữa bệnh, sổ lấy thuốc, bệnh án theo dõi điều trị của học viên và thuốc điều trị. Học viên sẽ được cán bộ y tế tại Cơ sở thăm khám sức khoẻ thường xuyên và cho sử dụng thuốc đúng giờ, đúng liều theo chỉ định điều trị của Bác sỹ tại bệnh án;

Câu hỏi 16: Người nghiện ma túy thuộc diện chế độ chính sách khi vào cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở có được miễn, giảm chi phí trong quá trình điều trị không và thủ tục để được hưởng chế độ miễn, giảm như thế nào?

Trả lời: Theo quy định tại Hướng dẫn số 09/HD-SLĐTBXH, ngày 30 tháng 8 năm 2019 Sở Lao động TB&XH tỉnh Nam Định, người nghiện thuộc 1 trong các đối tượng sau được miễn 100% các khoản đóng góp:

1. Người thuộc diện hưởng chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

2. Người thuộc hộ nghèo, cận nghèo;

3. Người chưa thành niên;

4. Người bị nhiễm HIV/AIDS;

5. Đối tượng bảo trợ xã hội.

Thủ tục miễn đóng góp như sau:

– Người nghiện thuộc đối tượng được miễn đóng góp, làm đơn đề nghị được hưởng chế độ miễn các khoản đóng góp gửi Giám đốc Cơ sở, kèm theo bản sao có công chứng các giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được miễn đóng góp.

– Giám đốc Cơ sở lập danh sách đối tượng được miễn đóng góp, báo cáo Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; thực hiện chế độ miễn đóng góp theo quy định.

Lưu ý: Bên cạnh các điều kiện, thủ tục nêu trên, người nghiện ma tuý vào cai nghiện tự nguyện thuộc các diện chính sách phải thực hiện hợp đồng cai nghiện tối thiểu 6 tháng mới được hưởng chính sách miễn chi phí theo quy định.

Câu 17: Tôi phát hiện con tôi nghiện ma túy khá lâu rồi nhưng vận động đi cai cháu không đi, tôi không biết phải làm sao để đưa cháu đi cai nghiện. Cơ sở có cách nào để giúp tôi đưa cháu đi cai nghiện không?

Trả lời:

Nếu con bác đã nghiện ma túy nhưng không muốn cai nghiện thì gia đình có thể hình thành cho con ý muốn cai nghiện bằng cách khuyên bảo, lựa thời điểm để tâm sự và phân tích những lợi ích, tương lai của bản thân người nghiện khi từ bỏ con đường nghiện ngập ma túy và những hậu quả mà ma túy gây ra cho sức khỏe của bản thân, cho gia đình và xã hội khi tiếp tục sử dụng ma túy, tránh những lúc, thời điểm dễ gây ức chế gây nên hiệu quả ngược.

Không sử dụng những lời miệt thị, mắng chửi hay hành động kỳ thị người sử dụng ma túy. Cần động viên, tạo động lực, giúp khơi dậy lòng quyết tâm từ bỏ ma túy của người nghiện sớm quay lại cuộc sống bình thường.

Ngoài ra gia đình có thể liên hệ với Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Nam Định để được trực tiếp tư vấn giúp đỡ.

Câu hỏi 18: Tại sao người nghiện ma túy không muốn đi cai nghiện?

Trả lời:

Khi đã nghiện ma túy thì mỗi lần sử dụng, người nghiện có cảm giác nhẹ nhàng, êm dịu, không thấy lo lắng, không buồn phiền, cảm thấy vui vẻ phấn khích, hoạt bát trong giao tiếp… đây là những cảm giác rất mạnh mà người nghiện ma túy khó có thể quên nó khiến họ muốn được tận hưởng lần nữa lần nữa.

Khi dừng sử dụng ma túy người nghiện gặp phải hội chứng cai rất đáng sợ, họ mệt mỏi, đau bụng, đi ngoài, đặc biệt là hội chứng giòi bò trong xương khiến họ không thể vượt qua được mà từ bỏ. Họ lo sợ khi vào điều trị cắt cơn, không được sử dụng ma túy họ cũng sẽ phải trải qua hội chứng như vậy.

Tuy nhiên việc được điều trị theo phác đồ tại Cơ sở sẽ giảm được những hội chứng như trên, người nghiện sẽ được hỗ trợ để nhanh chóng vượt qua và trở lại trạng thái cơ thể bình thường, sau thời gian điều trị cắt cơn, phục hồi sức khỏe thì sức khỏe và tâm lý của người nghiện sẽ tốt hơn rất nhiều.