Nếu bạn đã từng cố quên/ngừng thương nhớ ai đó mà dùng mệnh lệnh của lý trí ép buộc được, thì hẳn triết gia David Hume đã sai bét khi viết: “Lý trí là, và phải là nô lệ cho cảm xúc, và không bao giờ giả đò làm gì khác, ngoài việc phụng sự và tuân lệnh nó”.
Gặp những người phải rửa tay 200 lần 1 ngày và cứ thử bảo họ dùng lý trí để nhận ra rằng đó là hành vi phi lý, tốn nước, vô nghĩa, bạn sẽ thấy năng lực của lý trí yếu đuối và vô dụng tới mức nào.
Bạn (chính xác hơn là phần lý trí trong bạn) thường nghĩ mình là chủ ngôi nhà này, nhưng nếu bạn học được gì từ tâm lý học thì câu trả lời dứt khoát là không. Chính xác hơn là cơ thể & tâm trí bạn giống như phòng ký túc, có ít nhất là 10 người ở cùng và bạn nhiều không phải là chủ nhà duy nhất.
Vậy nên, đây là một số câu trả lời tốt hơn, cho câu hỏi làm sao để quên, thôi thương nhớ về ai đó. Ví dụ như trong các tình huống, bị bồ đá, tương tư nặng, yêu xa mà không làm việc được, nhớ một người mãi không thể quên, đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống, chứ nhớ vu vơ, một năm 3-4 lần thì không sao đâu.
1. Dùng cảm xúc đấu lại cảm xúc
Cách tốt nhất mà lý trí có thể sử dụng để phó với cảm xúc là dùng cảm xúc chống lại cảm xúc. Tuy hơi phũ, nhưng cách nhanh nhất bạn mình dạy, nếu không thể chịu đựng được nỗi đau sau chia tay là thích, yêu luôn một ai đó.
Tất nhiên là nên hoàn toàn thành thật hoàn cảnh của mình với người kia để đỡ hiểu lầm không đáng có. Dùng tình yêu để chiến đấu lại tình yêu (thế thì nó mới ngang cơ). Dùng nỗi nhớ người mới để chống lại nỗi nhớ người cũ. Dùng cảm xúc để chống lại cảm xúc, đó là câu thần chú.
Cách này rất hiệu quả, nhưng chú ý là vì tác dụng nhanh, giống như uống thuốc Tây Y, thì nhiều khi lại mất sức đề kháng tâm lý. Tuy nhiên, “In the long run we are all dead”, vậy nên có thể cứ sống sót qua 1-2 tháng đầu đã.
2. Hãy quên họ bằng cách “quên” họ
Trong Zen, có một câu chuyện rằng một thiền sinh lên đền và hỏi mất bao lâu để anh ta giác ngộ nếu mình tu tập. Sư phụ bảo “10 năm” – “Nếu con nỗ lực gấp đôi thì sao?” – “20 năm”, ông đáp.
Nếu bạn càng cố buông bỏ ham muốn, thì nghịch lý là nó lại càng sinh ra ham muốn, khiến bạn lại càng khó buông bỏ.
Nỗi nhớ và sự quên cũng thế. Càng cố quên, thì bạn sẽ càng nhớ. Vậy nên, như trong truyền thống Zen dạy chúng ta “overcome desire without desiring that we overcome it” .
Vì vậy theo bậc thầy Zen thì: “Gaining enlightenment is an accident. Spiritual practice simply makes us accident-prone.” Bạn giác ngộ bằng cách đi gánh nước, chẻ củi, chơi nhạc, giải koan… mọi thứ có vẻ không liên quan trực tiếp đến giác ngộ và sự giác ngộ sẽ tình cờ đến.
(Trong phim Tân Thiếu Lâm Tự, Thành Long tìm thấy sự giác ngộ bằng cách thay vì làm sư thì ông làm đầu bếp cho cả chùa)
Vậy nên, bạn có thể quên một người bằng cách làm những thứ không liên quan gì đến việc quên: đi học, đọc sách, đi du lịch… rồi 3 tháng sau, bạn bỗng dưng sẽ thấy mình quên cô ấy.
3. Hãy nhớ họ để quên họ
Trong phân tâm học có bàn về nghịch lý của việc cấm đoán: Nếu bạn muốn người ta nhớ gì đó, hãy cấm họ làm việc đó. Giống như bảo bạn đừng nghĩ đến con gấu đen, khi cấm ai đó nghĩ một điều gì đó, thì trước hết họ phải nghĩ đến nó đã, rồi họ thôi không nghĩ được.
Khi bạn cố quên họ, thì bạn sẽ lại càng nhớ họ, giống như khi bạn càng vùng vẫy thì bạn sẽ càng tiếp sức mạnh cho nỗi nhớ.
Nếu bạn có thể buông bỏ như Phật dạy thì có lẽ bạn sẽ không ngồi đây hỏi Tiệm, vậy nên, mình sẽ đưa ra phương pháp thực tế hơn.
Hãy quên họ bằng cách nhớ họ, thử xem bạn tha thiết với được bao lâu.
Cách thực hành hiệu quả (nhưng cũng khá đau xót) là hãy viết mọi cảm xúc của bạn về họ lên Blog. Viết giống như vận chuyện nỗi nhớ từ trong lòng bạn ra trang giấy (hữu hình hoá nỗi nhớ), và khi đó bạn sẽ thấy tâm yên lạ thường.
Bạn mình từng làm cách này, tuy nhiên, nó buồn là khi nó cạn kiệt tư liệu để viết (những kỷ niệm, cảm xúc, nỗi tức giận…), thì nó cũng hết thương người kia.
–
Bài viết của tác giả Minh Đào, dựa theo cuốn sách On Desire: Why We Want What We Want (bản dịch tiếng Việt với tựa đề BÀN VỀ HAM MUỐN: TẠI SAO CHÚNG TA MUỐN THỨ MÀ TA MUỐN)
https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=10211450586819645&id=1812173040