Ngày nay, việc thanh toán tiền hàng rất nhanh chóng và tiện lợi, vì vậy rất nhiều khách hàng khi mua sản phẩm từ doanh nghiệp đã thanh toán sớm trước hạn để nhận được khoản ưu đãi từ người bán. Đây được gọi là chiết khấu thanh toán, một việc có lợi cho cả người bán và người mua hàng.
1. Chiết khấu thanh toán là gì?
Chiết khấu thanh toán (tiếng Anh: Payment Discount) là khoản tiền mà người bán tự nguyện chi/giảm trừ cho người mua khi người mua thanh toán tiền hàng trước thời hạn hợp đồng.
Tìm hiểu về chiết khấu thanh toán tại Việt Nam hiện nay
Khoản chiết khấu này không liên quan đến hàng hoá hư hỏng, bị lỗi hay bất cứ thỏa thuận nào, chỉ liên quan đến thời hạn thanh toán. Vì vậy, nó chỉ được hạch toán khi khách hàng trả tiền mua hàng trước thời hạn mà hai bên đã ký kết trong hợp đồng mua bán song phương. Khác với chiết khấu thương mại là khoản mà doanh nghiệp giám giá niêm yết cho khách hàng khi mua hàng với số lượng hoặc khối lượng lớn.
Quy định về chiết khấu thanh toán: Người bán không cần phải xuất hoá đơn chiết khấu thanh toán cho bên mua. Với bên bán, chiết khấu thanh toán sẽ tính vào chi phí được trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế. Với cá nhân có kinh doanh, thuế suất áp dụng với chiết khấu thanh toán thuộc diện chịu thuế TNCN là 1%. Người bán sẽ lập phiếu chi và hạch toán vào tài khoản 635, còn người mua sẽ lập phiếu thu và hạch toán vào tài khoản 515.
Có nhiều lý do để phát sinh khoản chiết khấu thanh toán này, nó cũng tương tự như một hình thức khuyến mãi, lôi kéo khách hàng về với doanh nghiệp.
2. Quy định và phí về chiết khấu thanh toán
Quy định về chiết khấu thanh toán:
Những quy định về chiết khấu thanh toán hiện nay
Người bán không cần phải xuất hoá đơn chiết khấu thanh toán cho bên mua:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Thông tư 219/2013/TT-BTC thì khi nhận tiền chiết khấu thanh toán không cần thiết phải xuất hoá đơn. Bên bán sẽ lập phiếu chi, bên mua lập phiếu thu là được.
Bản chất của hoá đơn là việc ghi nhận thông tin bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ của người bán theo quy định của pháp luật, cho nên, chỉ tạo lập/xuất hoá đơn trong trường hợp bán hàng, cung ứng dịch vụ. Còn chiết khấu thanh toán là một khoản phí tài chính bên bán chấp nhận chi cho bên mua vì họ thanh toán tiền hàng trước thời hạn.
Với bên bán, chiết khấu thanh toán sẽ tính vào chi phí được trừ trong quá trình xác định thu nhập chịu thuế:
Quy định này được trích từ Điều 4 của Thông tư 96/2015/TT_BTC, các khoản chi được khấu trừ không chịu thuế thu nhập gồm:
– Các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất và kinh doanh của đơn vị;
– Các khoản chi có đủ chứng từ và hoá đơn hợp pháp;
– Các khoản chi có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt, có hoá đơn mua hàng hoá và dịch vụ từng lần có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên (giá này đã bao gồm thuế VAT).
Như vậy, chiết khấu thanh toán sẽ được khấu trừ trong thu nhập chịu thuế khi đủ hợp đồng mua bán với đủ chứng từ thanh toán và ghi rõ việc chiết khấu thanh toán.
Với bên mua, khoản chiết khấu thanh toán được tính vào khoản thu nhập chịu thuế căn cứ vào chứng từ thu tiền (theo quy định tại khoản 15 Điều 7 Thông tư 78/2014/TT-BTC).
Quy định về việc nộp thuế TNCN khi cá nhân được nhận chiết khấu thanh toán:
Với cá nhân không kinh doanh, trong trường hợp mua hàng về để sử dụng không bán lại thì khoản chiết khấu này sẽ không phải chịu thuế TNCN.
Với cá nhân có kinh doanh, thuế suất áp dụng với chiết khấu thanh toán thuộc diện chịu thuế TNCN là 1% (tham khảo Danh mục ngành nghề tính thuế TNCN kèm Thông tư 92/2015/TT-BTC).
3. Cách tính chiết khấu thanh toán
Người bán sẽ lập phiếu chi và hạch toán như sau:
– Nợ TK 635 (chi phí tài chính)
Có TK 131 (bù trừ luôn vào khoản phải thu)
– Có TK 111, 112 (trả bằng tiền mặt/chuyển khoản)
Người mua sẽ lập phiếu thu và hạch toán như sau:
– Nợ TK 331 (giảm trừ công nợ)
– Nợ TK 111, 112 (nhận tiền mặt/chuyển khoản)
– Có TK 515 (doanh thu từ hoạt động tài chính)
Công thức tính chiết khấu thương mại nhanh chóng và chính xác
Cách tính chiết khấu thanh toán:
Chiết khấu thanh toán = Tổng giá thanh toán x phần trăm chiết khấu
Lấy ví dụ:
Công ty A xuất bán cho doanh nghiệp B số hàng hoá có tổng trị giá thanh toán là 200 triệu đồng. Do doanh nghiệp B thanh toán chuyển khoản ngay nên công ty A chi chiết khấu thanh toán 2% bằng chuyển khoản.
Cách tính và hạch toán chiết khấu như sau:
Bên công ty A:
Nợ 635: 2% x 200 triệu đồng = 4 triệu đồng
Có 112: 4 triệu đồng
Bên doanh nghiệp B:
Nợ 112: 4 triệu đồng
Có 515: 4 triệu đồng
Như vậy, trên đây là các kiến thức cơ bản về chiết khấu thanh toán và cách hạch toán cũng như các quy định liên quan đến chiết khấu thanh toán. Hy vọng bài viết mà TOPI mang đến đã cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin để phân biệt với chiết khấu thương mại.