Cách Phân Chia Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ – Giáo Phận Cần Thơ

Cách Phân Chia Các Bài Đọc Trong Thánh Lễ

Hỏi: Thưa cha, các bài đọc trong thánh lễ được sắp xếp như thế nào ? Thỉnh thoàng người phụ trách phụng vụ phân công con đọc sách thánh, con không biết tìm bài đọc nào cho đúng. Xin cha vui lòng giúp con.

Trả lời:

  1. Công Đồng Vatican II làm phong phú bàn tiệc Lời Chúa.

Công đồng Vatican II đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Lời Chúa trong phụng vụ, cách đặc biệt phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ. “Trong các việc cử hành thánh, cần phải tu chỉnh việc đọc Kinh Thánh cho dồi dào hơn, thay đổi hơn và thích hợp hơn.” (PV 35,1). “ Để bàn tiệc lời Chúa được phong phú hơn cho các tín hữu, phải mở rộng kho tàng Thánh Kinh hơn để trong một số năm ấn định đọc cho dân chúng nghe phần quan trọng của Thánh Kinh.”( PV 51). Ghi nhận ở khía cạnh thực hành: Bộ Phụng Tự đã dọn lại bộ sách các bài đọc trong thánh lễ và các bài đọc trong các nghi thức bí tích rất phong phú từ Cựu Ước đến Tân Ước. Mục đích: Khi công bố Cựu Ước và Tân Ước trong các cử hành phụng vụ, Hội Thánh loan báo cùng một mầu nhiệm của Chúa Ki-tô (Dẫn nhập các sách bài đọc, số 5).

Hiện nay, các bài đọc Thánh Kinh trong thánh lễ khá phong phú. Do đó, việc hiểu biết căn bản về cách sắp xếp các bài đọc trong: Lễ Chúa Nhật, Lễ Trọng, Lễ Kính và các ngày lễ thường trong tuần cũng là điều hợp lý.

  1. Bộ sách các bài đọc trong Thánh Lễ gồm có:
    • Sách bài đọc Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh
    • Sách bài đọc Mủa Chay và Mùa Phục Sinh
    • Sách bài đọc Mùa Thường Niên (I và II)
    • Sách bài đọc Ngoại Lịch gồm (1) các lễ chung như: Cung hiến nhà thờ, chung về Đức Mẹ, các thánh…(2) các lễ có nghi thức riêng (các bí tích hay á bí tích); (3) các lễ tùy hoàn cảnh (cầu cho Hội Thánh, cầu cho công ích…), các thánh lễ ngoại lịch (lễ Chúa Ba Ngôi, lễ Mình Máu Thánh Chúa, lễ Thánh Tâm…) (4) phần riêng lễ các Thánh theo lịch phụng vụ trong năm.
    • Sách các bài đọc Tin Mừng (sách này chỉ có các bài Tin Mừng trong các thánh lễ). Sách này được sử dụng khi có đoàn rước vào thánh lễ và công bố Tin Mừng.
    • Các sách Nghi Thức Bí Tích: Rửa Tội, Hôn Phối, Phong Chức, An Táng…
  1. Cách sắp xếp các bài đọc trong thánh lễ
  • Các bài đọc Chúa nhật, lễ trọng có những đặc điểm chung như sau: Mỗi lễ đều có 3 bài đọc. Bài 1 trích từ Cựu Ước, Bài đọc II từ các Tông Đồ (Các Thư, Công Vụ Tông Đồ hay Khải Huyền theo thời gian khác nhau trong năm phụng vụ), bài III là bài Tin Mừng.
  • Các bài đọc Chúa Nhật được phân chia theo chu kỳ 3 năm A,B,C.
  • Các bài đọc lễ Trọng, lễ Kính và lễ Nhớ, đặc biệt nếu có những bản văn riêng cho từng vị. Tuy nhiên, nếu thấy có bản văn nào thích hợp hơn trong phần lễ chung. Các lễ này, các bài đọc được soạn theo quy luật riêng phù hợp với nhu cầu mục vụ của lễ cử hành.
  • Các ngày thường trong tuần Thường Niên được chia theo Năm chẵn, năm lẽ (theo số chẵn – lẽ của niên lịch) các bài đọc 1. Riêng bài Tin Mừng thì đọc theo trật tự: Mác-cô từ tuần 1 đến tuần 9; Mat-thêu từ tuần 10 đến tuần 21; Luca từ 22 đến 34. Ngày thường trong các mùa đặc biệt: Mùa Chay, Mùa Phục Sinh, Mùa Vọng và Mùa Giáng Sinh, việc lựa chọn và sắp xếp các bài đọc giúp người giáo dân nhận thức sâu xa hơn về đức tin và lịch sử cứu độ, được lập lại mỗi năm.
  • Nếu người giáo dân siêng năng tham dự thánh lễ Chúa nhật suốt ba năm, họ sẽ nghe và đọc phần lớn bộ Thánh Kinh. Nếu họ tham dự thánh lễ ngày thường trong tuần, họ cũng nghe và đọc phần lớn bộ Thánh Kinh, trong một năm. Nhất là bốn quyển Tin Mừng, Sách Tông Đồ Công Vụ…
  1. Cách tính các năm A,B,C và năm lẻ, chẵn của các bài đọc.
  • Cách tính các năm A,B,C như sau: lấy các số của năm niên lịch cộng lại và chia cho 3, nếu số dư là 1 thì là năm A, số dư là 2 thì là năm B và chia chẵn thì là năm C. Thí dụ: năm 2021 (2+0+2+1 = 5); lấy 5:3 dư 2 như vậy năm 2021 là năm B; Năm 2022 cộng lại là 6; lấy 6 : 3 chẵn, vậy năm 2022 là năm C.
  • Ngày thường trong tuần Thường Niên các bài đọc 1 được tính theo năm lẻ năm chẵn. Thí dụ: năm 2021 (số đuôi lẻ (21) nên là năm lẻ. Người chuẩn bị đọc sách, cần lưu ý cách chia này để đọc cho đúng bài !
  1. Cách đọc sách thánh trong phụng vụ Lời Chúa
  • Người đọc sách cần chuẩn bị trước bài sẽ đọc trong thánh lễ, nên xem bài đọc nằm ở trang nào trong sách để khỏi nhầm lẫn.
  • Người đọc chỉ rời vị trí để tiến lên giảng đài khi chủ sự thánh lễ kết thúc Lời Nguyện Nhập Lễ, hay ít ra khi chủ tế đọc câu kết lời nguyện (chúng con cầu xin…)
  • Người đọc sách đến giảng đài, nhìn xem trang sách bài đọc có đúng chưa, xem micro đã được mở chưa, ngước nhìn cộng đoàn đã ngồi và ổn định chưa. Tiếp đến, người đọc sách bắt đầu với câu: Bài trích sách…, đọc khoan thai chậm rãi với cung giọng đọc phù hợp với địa phương. Kết thúc bài đọc, ngưng lại một khoảnh khắc rồi đọc: Đó là Lời Chúa.
  • Lưu ý người đọc sách:
  • KHÔNG NGƯỚC NHÌN “giao lưu” với cộng đoàn khi đang đọc sách. Vì đây là Lời của Chúa chứ không phải của bản thân !
  • KHÔNG ĐỌC các chữ: Bài đọc 1 hay Bài đọc 2 và câu trích được in nghiêng trong sách ở đầu bài đọc. Vì đây là các chữ được dự trù, để khi chuẩn bị, người đọc phân biệt bài đọc này với bài đọc khác, cũng như nội dung bài đọc cần nhấn mạnh được gợi ý từ câu in nghiêng.
Rất hay:  Mẹo đổ rau câu sơn thủy ngon – đẹp như tiệm

Lm. Gs. Lê Ngọc Ngà