Ngồi thiền có thể đem lại cho bạn rất nhiều lợi ích về sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Tuy nhiên, cách ngồi thiền như thế nào là đúng thì không phải ai cũng nắm được. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu cách ngồi thiền đúng.
Tác dụng của ngồi thiền
Khi ngồi thiền, bạn cần tập trung vào hơi thở, đồng thời lắng nghe những chuyển động của cơ thể. Việc ngồi thiền đúng cách đem lại những lợi ích về sức khỏe như: Giảm đau, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ, cải thiện tình trạng sức khỏe tinh thần, giảm thiểu căng thẳng, kiểm soát lo âu, hỗ trợ điều trị chứng suy giảm trí nhớ…
Khi bắt đầu tập ngồi thiền, bạn có thể gặp phải tình trạng khó tập trung và cảm thấy vô cùng khó chịu. Tuy nhiên, nếu bạn ngồi thiền đúng cách và cố gắng vượt qua được khó khăn của những ngày đầu, chắc chắn bạn sẽ tìm được niềm yêu thích với bài tập này.
Cách ngồi thiền như thế nào là đúng?
Để đạt được hiệu quả khi ngồi thiền, bạn cần đảm bảo có một tư thế thiền đúng. Vậy cách ngồi thiền đúng là gì?
Trước tiên, bạn cần tìm một không gian khiến bạn cảm thấy thoải mái và yên tĩnh. Bạn có thể lựa chọn ngồi trên ghế, trên đệm, trên thảm hoặc ngay trên sàn nhà, miễn là điều đó làm bạn thấy dễ chịu.
Sau khi đã tìm được một vị trí ngồi thiền lý tưởng, hãy ngồi với tư thế sau:
Ngồi thẳng lưng
Bạn cần đảm bảo đầu, cổ và cột sống của bạn tạo thành một đường thẳng trong suốt quá trình ngồi thiền. Một số tình trạng như cong vẹo cột sống, gai cột sống lưng… có thể khiến lưng bạn mất tư thế thẳng sau khi ngồi một thời gian. Hãy điều chỉnh lại ngay khi bạn nhận ra điều đó nhé!
Tư thế ngồi
Nếu bạn ngồi trên đệm hoặc trên thảm, đầu tiên, bạn hãy để hai chân duỗi thẳng, sau đó co đầu gối, dùng tay đặt bàn chân phải lên đùi trái và bàn chân trái lên đùi phải. Đây là tư thế ngồi hoa sen. Thời gian đầu, nếu bạn gặp khó khăn với tư thế ngồi này, hãy tập trước với tư thế bán hoa sen – chỉ cần bắt chéo 1 trong 2 chân.
Trong trường hợp bạn ngồi thiền trên ghế, bạn chỉ cần đảm bảo từ đầu gối đến mắt cá chân vuông góc với sàn nhà, cẳng chân vuông góc với đùi.
Thả lỏng hai tay
Bạn có thể để hai tay úp xuống đùi hoặc đầu gối, cách này sẽ giúp bạn thư giãn và tập trung hơn.
Một cách đặt tay khác là ngửa hai tay, chồng bàn tay phải lên bàn tay trái rồi điều chỉnh hướng cho hai ngón tay cái chạm nhau, sau đó đặt hai tay vào trong lòng. Tư thế đặt tay như vậy sẽ giúp bạn tạo ra năng lượng cho cơ thể.
Thả lỏng vai
Bạn cần đảm bảo hai vai được thả lỏng và thoải mái trong khi lưng được giữ thẳng. Trong quá trình ngồi thiền, bạn cũng cần chú ý đến sự cân bằng của hai vai. Nếu cảm thấy có một vai cao hơn bên vai còn lại, hãy điều chỉnh lại ngay.
Để khuôn mặt thư giãn trong khi thiền
Bạn nên để thả lỏng toàn bộ cơ mặt, để khuôn mặt được thư giãn khi thiền, không để đầu và cổ bị gồng hay căng cứng. Điều này cũng sẽ hỗ trợ hơi thở của bạn được điều hòa tốt hơn.
Bên cạnh đó, hãy thư giãn quai hàm bằng cách thả lỏng, để hàm hơi mở và lưỡi chạm vào vòm miệng. Tư thế này sẽ giúp làm chậm việc nuốt nước bọt trong khi thiền, đồng thời hỗ trợ điều hòa hơi thở.
Ngoài cơ hàm, bạn cũng nên thả lỏng vùng mắt bằng cách khép mắt nhẹ nhàng. Vậy liệu khi thiền có được mở mắt hay không? Câu trả lời là có, nhưng bạn chỉ nên lựa chọn 1 trong 2 cách: Nhắm hoặc mở mắt khi thiền. Bạn có thể mở mắt và nhìn vào một điểm nào đó trên sàn nhà cách bạn chỉ vài bước chân. Tuy nhiên, không nên nhìn quá lâu vào một điểm và tránh nheo mắt trong lúc thiền.
Tập trung vào hơi thở khi ngồi thiền
Hơi thở là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định tính hiệu quả của thiền. Dưới đây là một số lưu ý giúp bạn thở đúng khi thiền:
- Giữ hơi thở tự nhiên: Bạn không nên cố gắng hít thở sâu mà hãy giữ hơi thở của mình một cách tự nhiên nhất, hít vào thở ra nhẹ nhàng.
- Khi thở, phần ngực sẽ mở rộng, cơ thể chuyển động nhịp nhàng theo nhịp thở.
- Nếu nhận thấy sắp bị mất tập trung bởi một suy nghĩ hay cảm xúc nào đó, bạn hãy dồn sự chú ý của mình vào việc điều chỉnh nhịp thở.
- Bạn có thể đếm nhịp thở để hơi thở được đều đặn hơn. Cứ 10 nhịp thở là 1 chu kì thở, mỗi nhịp gồm 1 lần hít vào và 1 lần thở ra. Hãy đếm từ 1 đến 10 nhịp thở, rồi lại bắt đầu lại từ đầu.
Một số lưu ý khi ngồi thiền
Bên cạnh cách ngồi thiền đúng tư thế, một số lưu ý dưới đây cũng sẽ giúp việc ngồi thiền của bạn trở nên hiệu quả hơn:
- Chọn không gian phù hợp để ngồi thiền: Một không gian yên tĩnh cùng không khí trong lành sẽ giúp bạn cảm thấy thư thái và dễ chịu hơn trong suốt quá trình thiền.
- Không cố ngồi thiền quá lâu: Khi mới bắt đầu, bạn nên tập thiền trong một thời gian ngắn và dần dần tăng thời gian lên khi đã cảm thấy thoải mái. Bên cạnh đó, việc ngồi thiền quá lâu trong những ngày đầu tiên cũng có thể khiến bạn dễ chán vào những hôm sau.
- Không để bụng đói khi thiền: Việc bạn để bụng đói có thể khiến bạn bị mất tập trung và không thoải mái trong lúc thiền. Do đó, bạn có thể ăn nhẹ trước khi thiền để cơ thể được dễ chịu hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên ăn quá no.
- Đảm bảo ngồi thiền hàng ngày: Bạn nên đặt mục tiêu cho bản thân dành ra tối thiểu 3 phút mỗi ngày cho thiền định. Thời gian lý tưởng để ngồi thiền là vào sáng sớm hoặc buổi tối trước khi đi ngủ. Điều này có thể giúp bạn có được nguồn năng lượng dồi dào để bắt đầu một ngày mới hoặc giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
- Có thể nghe nhạc nhẹ khi ngồi thiền: Một bản nhạc nhẹ không lời có thể giúp bạn cảm thấy thư giãn và thoải mái hơn trong khi ngồi thiền.
Ngồi thiền mỗi ngày không chỉ giúp bạn có một tinh thần thư thái mà còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã có thể nắm được cách ngồi thiền đúng cũng như một số lưu ý giúp việc ngồi thiền hiệu quả hơn. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và mong rằng bạn sẽ tiếp tục đồng hành và ủng hộ Nhà Thuốc Long Châu trong tương lai!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp