Cách trồng và chăm sóc Lan hồ điệp ra hoa đúng kỹ thuật

Lan hồ điệp là giống hoa được nhiều người yêu thích, bởi hoa đẹp, màu sắc mang hơi thở của núi rừng, thiên nhiên. Ngoài ra lan hồ điệp cũng mang biểu tượng của sự vương giả, tài lộc, may mắn, sức khỏe vì vậy được nhiều gia đình trồng, trưng bày. Tuy nhiên để cây sinh trưởng tốt, hoa nở bền lâu cần phải có chế độ chăm sóc, nuôi trồng đúng kỹ thuật. Hãy cùng mobiAgri tìm hiểu các giai đoạn trồng lan hồ điệp ngay tại bài viết này.

Thời vụ trồng, chuân bị trước trồng

Thời vụ trồng

Lan Hồ Điệp có thể trồng được quanh năm.

Chuẩn bị dụng cụ trồng

Trước trồng 7 – 10 ngày, bạn cần mua sẵn các loại dụng cụ, đặc biệt là chọn chậu trồng lan phù hợp. Bạn nên dùng chậu màu trắng trong để cho rễ quang hợp và phát triển thuận lợi.

Cây con mới ra ngôi dùng chậu 1,5 (kích thước 5 x 5 cm). Sau 4 tháng cây nhỡ chuyển sang chậu 2,5 (kích thước 8,3 x 8,3 cm). Sau 12 tháng cây lớn đổi sang chậu 3,5 (kích thước 12 x 12 cm). Bạn chỉ dùng chậu đất nung khi cây lớn trên 12 tháng tuổi. Chọn các chậu đã được nung chín (tay ướt sờ vào không hút bám vào chậu, gõ nghe thanh trong), có nhiều lỗ thoáng (cho cây rễ mập và cây có rễ gió nhiều). Chậu không úng nước, miệng chậu không có gờ vì rất khó gắn ti tơ.

Ngoài ra, bạn chuẩn bị khay để cây, cần 3 loại khay: khay để cây nhỏ (chậu 1,5): 40 cây/1 khay, khay để cây nhỡ (chậu 2,5): 12 cây/1 khay, khay để cây lớn (chậu 3,5): 8 cây/1 khay.

Chuẩn bị giá thể cây giống

Chuẩn bị giá thể

Bạn chọn nguồn vật liệu để làm giá thể chính. Loại này cần có độ thoáng, thoát nước tốt (như than củi, vỏ dừa, rêu/dớn, viên đất nung, vỏ cây).

Trộn 2 nguồn vật liệu giá thể chính và phụ theo tỷ lệ 5 chính : 1 phụ. Giá thể phụ thường dùng là xơ dừa nghiền nhỏ để giữ ẩm.

Nếu bạn luôn đảm bảo được độ ẩm của giá thể, thì bạn chỉ cần sử dụng 1 giá thể chính là được.

Than củi:

Được chặt từng đoạn vừa phải (kích thước 1 x 3 x 2 cm).

Lót than dưới đáy chậu khoảng 1/3 chiều cao của chậu, sau đó cho thêm 1 lớp mỏng xơ dừa băm nhỏ.

Đặt cây lan vào chậu với tư thế đứng thẳng, sau đó cho thêm 1 lớp mỏng xơ dừa vào chậu, vỗ xung quanh chậu cho xơ dừa xuống đều rồi tưới nước.

Bạn cũng có thể chỉ trồng than củi, không cần xơ dừa băm nhỏ cũng được.

Vỏ dừa/xơ dừa:

Được xử lý bớt chất tanin. Vỏ dừa già chặt thành những miếng nhỏ, chiều ngang 2 – 3 cm, chiều dài 4 – 5 cm. Xơ dừa được nghiền nhỏ từ vỏ dừa.

Lót vỏ dừa dưới đáy chậu khoảng 1/3 chiều cao của chậu, sau đó cho thêm 1 lớp mỏng xơ dừa đã được băm nhỏ.

Đặt cây lan vào chậu với tư thế đứng thẳng, sau đó cho thêm 1 lớp mỏng xơ dừa nữa vào chậu, vỗ xung quanh chậu cho xơ dừa xuống đều rồi tưới nước.

Có thể dùng gáo dừa hoặc trái dừa khô để trồng lan.

Vỏ dừa miếng lớn dùng để ghép lan hoặc ép 2 miếng lại tạo thành bầu trồng lan.

Vỏ dừa chặt khúc nhỏ làm giá thể trồng lan.

Dớn (làm từ sợi của thân và rễ cây dương xỉ)

Làm tơi xốp dớn. Tưới phun sương để dớn ướt đều bề mặt, sau đó vắt ráo nước rồi mới bắt đầu trồng.

Rất hay:  5 BƯỚC xỏ chỉ máy may Juki đơn giản - Maysanxuat.net

Sau khi xử lý dớn, tiến hành bó cây đều quanh gốc.

Đặt dớn vào chậu nhựa. Chậu nhựa được lót một lớp xốp hay than củi mỏng (từ 0,5 – 1,5 cm). Bó dớn không quá chặt hoặc quá lỏng.

Sau khi trồng 3 – 5 giờ, phun thuốc trừ nấm và vi khuẩn với nồng độ bằng 1/2 nồng độ khuyến cáo, định kỳ 3 ngày/lần.

Rêu:

Trước khi dùng, ngâm rêu trong nước 24 giờ để khử sạch. Nên dùng rêu với chậu trồng kích thước nhỏ 4 – 10 cm.

Trồng thuần rêu: Nếu sử dụng rêu hoàn toàn để trồng lan, yêu cầu chậu trồng phải thông thoáng, nhiều lỗ để tránh tình trạng ngập úng khi tưới nước. Chỉ tưới nước khi thấy bề mặt rêu đã khô. Mỗi tuần tưới nước 1 lần, mỗi lần tưới thật đẫm. Tuyệt đối không nén chặt rêu trong chậu vì sẽ gây nên tình trạng bí bách. Mỗi năm thay rêu 1 lần.

Kết hợp với than củi hoặc vỏ cây: Xếp 1 lớp than củi hoặc vỏ cây ở dưới đáy chậu sau đó phủ rêu lên trên. Dùng rêu để trồng lan thì phải gia tăng tần suất tưới nước (2 – 3 ngày/lần).

Tạo hỗn hợp trồng lan gồm: 3 phần rêu cắt vụn + 3 phần rễ dương sỉ + 3 phần than củi + 1 phần perlite.

Chuẩn bị cây giống

Bạn nên mua cây lan giống tại các cơ sở bán giống. Lựa chọn dạng cây giống phù hợp với điều kiện chăm sóc của gia đình.

Hoặc bạn trồng cây được nhân giống từ cây lan Hồ Điệp ở nhà. Nếu bạn không có điều kiện để xử lý phân hóa mầm hoa, nên chọn mua cây lan đã được xử lý phân hóa mầm hoa để trồng.

Cách trồng lan hồ điệp

Với cây giống ra ngôi từ phòng nuôi cấy invitro và cây con tách từ cây mẹ.

Lựa chọn chậu có giá thể làm bằng dớn, rêu. Cây con sau khi ra ngôi, dùng giá thể bao bọc xung quanh rễ rồi trồng trong chậu 1,5 (kích thước 5 x 5 cm), độ chặt của giá thể vừa phải, mặt trên của giá thể cách miệng chậu 0,5 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 200 cây.

Với cây giống đã nhân giống ở vườn ươm 3,5 – 4,5 tháng tuổi

Thay chậu lần thứ nhất là chậu 2,5 (kích thước 8,3 x 8,3 cm).

Cách thay chậu: Lấy cây con (bao gồm cả giá thể) ra khỏi bầu, dùng giá thể bọc kín rễ rồi đặt nhẹ vào chậu nhựa 2,5 (kích thước 8,3 x 8,3 cm), đảm bảo bầu không được chặt và cũng không lỏng quá để thoát nước tốt, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, mặt bầu phẳng, không gồ ghề, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 90 cây.

Với cây giống đã nhân giống ở vườn ươm 8 – 9 tháng tuổi

Thay chậu lần thứ hai là chậu 3,5 (kích thước 12 x 12 cm).

Cách thay chậu: Tương tự như cách thay chậu lần thứ nhất, đảm bảo giá thể vừa phải, giá thể cách mép trên của chậu khoảng 1 cm, định mức 1 kg giá thể khô trồng được 45 cây.

Với cây giống từ cây trưởng thành đã qua xử lý phân hóa mầm hoa

Bạn không cần thay lại chậu, giữ nguyên hiện trạng vì trước khi xử lý phân hóa mầm hoa, các chậu đều đã được thay mới.

Cách chăm sóc Lan hồ điệp

Chăm sóc giai đoạn cây con

Thời gian

120 ngày tính từ sau trồng.

Đối tượng chăm sóc

Cây giống có nguồn từ phòng nuôi cấy invitro và cây con tách từ cây mẹ.

Tưới nước

Rất hay:  6 cách trị nấm da đầu dân gian hiệu quả và an toàn ngay tại nhà

Giai đoạn 4 tuần kể từ sau ra ngôi, chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và có lá mới thì tăng lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 8 tuần. Khi cây có 2,0 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 50 – 100% chậu. Duy trì độ ẩm từ 70 – 80%.

Ánh sáng

Trong 4 tuần đầu khống chế ở 5.000 lux (20 – 25% ánh sáng tự nhiên), sau đó tăng dần, tối đa 8.000 lux (30 – 35% ánh sáng tự nhiên) sau 4 tháng. Nhiệt độ tốt nhất ở khoảng 23 – 25°C.

Phân bón

Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20 + TE = 30-10-10 + TE), pha với tỷ lệ 3 g/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 7 – 10 ngày 1 lần. Hoặc phun NPK 30-10-10 với nồng độ 0,5 g/lít, định kỳ 3 ngày/lần.

Giai đoạn thay chậu lần 1

Thời gian

270 ngày tính từ khi ra ngôi hoặc từ khi chồi tách từ cây mẹ.

Đối tượng chăm sóc

Cây giống có nguồn từ vườn ươm, cây đạt tiêu chuẩn đã quy định của nhà nước.

Tưới nước

Giai đoạn 4 tuần kể từ sau khi đổi bầu chỉ cần tưới nhẹ trên bề mặt lá, khi thấy đỉnh rễ xuất hiện ở vách chậu và có lá mới thì tăng lượng nước tưới lớn hơn từ 1/3 – 1/2 chậu trong thời gian khoảng 10 tuần.

Đến khi cây có 2,0 – 2,5 lá mới và rễ phát triển xuống đáy chậu thì tưới với lượng nước 50 – 100% chậu. Duy trì ẩm độ từ 70 – 80%.

Ánh sáng

Trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 7.000 lux, dưới 35% (thấp nhất 20%) ánh sáng tự nhiên. Sau đó tăng dần, tối đa 12.000 lux sau 8 – 9 tháng, nhiệt độ từ 25 – 31°C.

Phân bón

Sử dụng phân bón HT-Orchid (N-P205-K20 + TE = 20-20-20 + TE) với tỷ lệ 4 gram/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 – 7 ngày/lần. Hoặc phun xen kẽ NPK 30-10-10 và NPK 20-20-20; nồng độ NPK 1 g/lít, định kỳ 5 ngày/lần.

Giai đoạn thay chậu lần 2

Thời gian

600 ngày tính từ khi ra ngôi hoặc từ khi chồi tách từ cây mẹ.

Đối tượng chăm sóc

Cây giống đã thay chậu lần 1.

Tưới nước

Tưới tương tự như giai đoạn thay chậu lần thứ nhất. Duy trì độ ẩm từ 70 – 80%.

Ánh sáng

Trong 4 tuần đầu thay chậu duy trì ở 10.000 lux (tối ưu 40% ánh sáng tự nhiên), sau đó tăng dần và đạt tối đa 20.000 lux sau 4 – 5 tháng, (tối ưu 45 – 50% ánh sáng tự nhiên); nhiệt độ từ 25 – 31°C.

Phân bón

Sử dụng phân bón HT-Orchid (20-20-20 + TE) với tỷ lệ 4 g/10 lít nước, phun và tưới định kỳ 5 – 7 ngày 1 lần. Phun xen kẽ NPK 30-10-10 và NPK 20-20-20; nồng độ NPK 2 g/lít, định kỳ 5 ngày/lần. Lan Hồ Điệp thường ra hoa tự nhiên từ tháng 3 – 5, đa số các giống không ra hoa vào dịp Tết nguyên đán. Muốn có hoa vào dịp Tết cần phải xử lý điều khiển ra hoa.

Giai đoạn phân hóa mầm hoa

Điều khiển chế độ nhiệt độ, ánh sáng

Trong nhà lưới:

Nhiệt thích hợp nhất cho sự sinh trưởng giai đoạn sau phân hóa mầm hoa là 18 – 25°C. Cường độ ánh sáng 20.000 – 25.000 lux (tối ưu 50% ánh sáng tự nhiên), trong thời gian 6 – 8 tiếng/ngày.

Ở miền Bắc rất khó đạt được yêu cầu trên, vì vậy cần đưa cây sau phân hóa mầm hoa vào điều kiện nhà lưới có các thiết bị điều khiển nhiệt độ để đảm bào chất lượng hoa thương phẩm. Cây lan Hồ Điệp sau khi đã được xử lý phân hoá mầm hoa, thời gian từ khi xuất hiện mầm hoa đến khi hoa đầu tiên nở là 111 – 115 ngày, căn cứ vào đó để điều khiển sinh trưởng nở hoa vào đúng dịp Tết.

Rất hay:  MÁCH BẠN CÁCH LÀM ỐC HƯƠNG XÀO BƠ TỎI SIÊU NGON, CỰC ĐƠN GIẢN

Ngoài tự nhiên:

Chậu lan trồng trong nhà cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với nhiệt độ, độ ẩm, cường độ ánh sáng vào giai đoạn nuôi hoa này. Bạn có thể di chuyển chậu hoa và nơi râm mát, thoáng, có mái che, có đầy đủ ánh sáng. Nếu ánh sáng yếu bạn có thể dùng bóng đèn.

Bón phân

Sử dụng phân HT-Orchid (10-20-20 + TE), với liều lượng 4 gram/10 lít nước, cách 5 – 7 ngày phun 1 lần. Hoặc phun xen kẽ NPK 10-30-30 + NPK 10-60-10; nồng độ NPK 2 gram/lít, định kỳ 5 ngày/lần.

Tưới nước

Thường xuyên kiểm tra độ ẩm giá thể, không nên để giá thể khô quá hoặc ướt quá. Tưới lúc sau 10h sáng và trước 3h chiều. Nếu điều kiện cho phép, sau khi tưới nước nên để cây nơi thoáng khí thông gió, để cho nước đọng trên mặt lá bay hơi hết, nhằm giảm sự phát sinh của bệnh hại. Sử dụng nước tưới sạch, nước được lọc có pH từ 6,0 – 6,5; EC từ 0,03 – 0,10. Duy trì độ ẩm 50 – 60%.

Quản lý kỹ thuật vườn lan

Lan Hồ Điệp sản xuất theo quy mô công nghiệp cần có biện pháp sắp xếp chiều cao mầm hoa theo thứ tự tăng dần theo chiều dài nhà lưới (mầm hoa thấp để gần quạt hút gió và chiều cao mầm tăng dần về phía tấm làm mát) để khi thu hoạch sẽ cho sản phẩm hoa lan nở đồng đều nhau.

Khi cành hoa dài 15 – 20 cm, cần dùng que thép và kẹp để cố định mầm hoa cho mọc thẳng ngay từ gốc. Khi cành hoa dài 30 – 40 cm sẽ xuất hiện nụ, khi cành dài 60 – 70 cm hoa bắt đầu nở.

Thu hoạch lan hồ điệp

Thời điểm thu hoạch

Bạn có thể bước vào giai đoạn thu hoạch, hay chính xác là chậu hoa lan Hồ Điệp có thể được sử dụng khi cây có từ 1 – 3 nụ nở. Lúc này, bạn có thể đem bán hoặc trang trí thành những chậu hoa đẹp để chơi trong nhà.

Chăm sóc hoa

Giai đoạn này chủ yếu duy trì độ ẩm cho lan từ 70 – 80%. Lan Hồ Điệp có thời gian nở hoa khá lâu. Thông thường, thời gian tính từ khi hoa nở đến khi tàn là khoảng 3 tháng. Nếu được chăm sóc tốt, lan Hồ Điệp có thể nở hoa suốt 4 – 6 tháng mới tàn. Tuy nhiên nếu chơi quá dài thì sẽ ảnh hưởng đến lứa hoa sau.

Vận chuyển đi xa

Khi đóng thùng cần phải bao gói từng cành bằng giấy mềm rồi xếp nằm lần lượt theo chiều của cành hoa vào thùng carton và lấy dây buộc hoặc băng dính cố định chậu hoa vào cạnh thùng.

Trong quá trình vận chuyển cần đảm bảo điều kiện mát và đủ thoáng cho cây, nếu trong xe lạnh để ở nhiệt độ từ 15 – 20°C. Thời gian trong thùng không quá 4 ngày để tránh rụng nụ hoa.

Bài viết trên đây đã tổng hợp tất tần tận quy trình trồng hoa lan hồ điệp theo đúng kỹ thuật. Chúc bạn có thể áp dụng thành công và có một vườn lan đẹp, nâng cao hiệu quả kinh tế.