Cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra ngoài đúng cách, an toàn

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất đối với mọi trẻ nhỏ. Do đó, ngoài việc cho con bú trực tiếp, nhiều mẹ đã chọn hút sữa và tìm cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt đúng cách để con luôn có đủ sữa bú nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, để an toàn cho trẻ sử dụng, mẹ cần phải biết trữ sữa mẹ đúng cách và khoa học.

Trong thành phần của sữa mẹ có rất nhiều kháng thể và các dưỡng chất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ như chất đạm, chất béo, đường, các axit amin, vitamin và khoáng chất… Vì vậy, các chuyên gia khuyên nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn 6 tháng đầu đời và nên kéo dài thời gian bú sữa của trẻ tốt nhất đến khi 2 tuổi.

Do đó, bên cạnh cho trẻ bú mẹ trực tiếp, việc trữ sữa mẹ cho trẻ bú khi mẹ vắng nhà hoặc không đủ sữa luôn được nhiều người quan tâm. Đồng thời, việc lưu trữ sữa mẹ thế nào để tránh mất chất, đảm bảo an toàn vệ sinh, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ cũng là một mối bận tâm lớn. Tất cả những thắc mắc trên sẽ được giải đáp ngay sau đây!

cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt

Vắt và trữ sữa mẹ đúng cách để đảm bảo có đủ sữa cho con bú luôn là mối quan tâm của rất nhiều bà mẹ

Bảo quản sữa mẹ sau khi vắt, hút bằng vật dụng gì?

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, chất lượng sữa mẹ sau khi vắt ra chịu ảnh hưởng rất nhiều vào các dụng cụ đựng/ trữ sữa. Theo đó, trước khi vắt sữa, tùy vào điều kiện và nhu cầu sử dụng mẹ có thể tham khảo cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt ra như dưới đây nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh, sức khỏe cho con khi sử dụng:

1. Bình trữ sữa

Dùng bình trữ sữa để bảo quản sữa mẹ vắt ra là cách khá phổ biến hiện nay được nhiều mẹ áp dụng. Có 2 loại bình để trữ sữa là bình thủy tinh và bình nhựa có nắp đậy kín. Tuy nhiên, bình thủy tinh có xu hướng được chọn lựa nhiều hơn (vì chất lượng tốt hơn và hạn chế bị biến dạng, đóng băng sữa).

Dù vậy, mẹ cũng cần cẩn thận khi sử dụng bình thủy tinh để tránh vỡ, sứt mẻ. Trường hợp thích sử dụng bình trữ nhựa, cần tránh các loại bình có ký hiệu tái chế số 7 vì chúng được làm từ nhựa BPA không tốt cho sức khỏe. Tuyệt đối không lưu trữ sữa mẹ trong các chai nhựa/ chai nước suối dùng 1 lần. (1)

Để trữ sữa bằng bình an toàn, trước tiên mẹ cần vệ sinh bình sạch sẽ bằng dung dịch rửa chuyên dụng, rửa sạch bình bằng nước ấm, để thật khô sau đó mới đổ sữa vào. Cần nhớ, khi cho sữa vào bình không nên cho quá đầy, cần để lại phía trên bình một khoảng trống để sữa “thở”.

cách bảo quản sữa mẹ vắt ra, dùng bình trữ sữa chuyên dụng

Mẹ nên lựa chọn bình trữ sữa chuyên dụng để bảo quản sữa mẹ đã hút ra ngoài, giúp giữ nguyên thành phần dinh dưỡng có trong sữa mẹ

2. Túi trữ sữa

Ngoài bình thủy tinh và bình nhựa, túi trữ sữa chuyên dụng cũng được nhiều mẹ chọn dùng vì sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí, tránh chiếm quá nhiều khoảng trống trong ngăn đông, hạn chế sự đổ vỡ… Lưu ý khi chọn túi trữ sữa, mẹ nên chọn mua chúng ở những thương hiệu uy tín, chất lượng để tránh nguy cơ mua phải hàng kém chất lượng bị rách, hoặc làm ảnh hưởng/ thậm chí phá hủy các chất dinh dưỡng có trong sữa.

bảo quản sữa mẹ đúng cách bằng túi trữ sữa chuyên dụng

Bảo quản sữa mẹ bằng túi nhựa chuyên dụng là một trong những lựa chọn của các mẹ hiện nay bởi chúng tiết kiệm và tiện dụng.

Tương tự trữ sữa bằng bình, để trữ sữa bằng túi an toàn sức khỏe trẻ, đảm bảo dinh dưỡng mẹ không nên cho sữa vào túi quá đầy, chỉ nên khoảng 60 – 120ml (để tránh lãng phí khi không sử dụng hết, làm lạnh và rã đông nhanh hơn). Khi đóng túi nên ép hết không khí ra ngoài và đặt túi trong ngăn đông (nơi nhiệt độ luôn duy trì ở mức âm), hạn chế di chuyển túi quá nhiều lần trong quá trình trữ đông.

Rất hay:  9 cách nhận biết mật ong thật và giả - Pháp Luật và Xã hội

Cách bảo quản sữa mẹ đúng cách, an toàn

Nếu sữa mẹ được bảo quản đúng cách, sau khi rã đông sẽ vẫn giữ gần như trọn vẹn các dưỡng chất, đảm bảo sức khỏe, tăng cường sức đề kháng và sự phát triển toàn diện cả thể chất lẫn trí não của trẻ. Vì vậy, việc tìm hiểu cách bảo quản sữa mẹ đúng cách sau khi hút ra ngoài rất quan trọng, đừng bỏ qua một số tip nhỏ sau đây:

1. Trước khi vắt sữa mẹ

Dù vắt sữa mẹ bằng tay hay bằng máy, việc đảm bảo vệ sinh tay cũng như các dụng cụ vắt – trữ sữa rất cần được quan tâm. Vậy trước khi vắt sữa mẹ nên làm gì?

  • Vệ sinh sạch sẽ dụng cụ vắt, trữ sữa bằng dung dịch chuyên dụng, rửa lại với nước sạch (nếu cẩn thận nên tráng qua nước sôi, với túi đựng sữa chuyên dụng không cần tráng qua nước sôi) và để khô trước khi cho sữa vào.
  • Kiểm tra, làm sạch công tắc nguồn, nút bấm bằng khăn thấm dung dịch tẩy rửa trước và sau khi sử dụng.
  • Chuẩn bị nhãn dán, ghi ngày giờ vắt sữa và dán lên bình/ túi trữ để có kế hoạch sử dụng phù hợp cho trẻ.
  • Rửa sạch tay bằng xà phòng và nước ấm trước và sau khi vắt sữa.

2. Bảo quản sữa mẹ đúng cách sau khi vắt

Sau khi sữa vắt, mẹ có thể cho vào các túi hoặc bình trữ. Cần nhớ, không nên đổ sữa vào đầy các bình hoặc túi trữ, luôn chừa một khoảng trống phía trên để sữa “thở”.

Tiếp đến, thực hiện dán nhãn thời gian sử dụng trên từng bình sữa/ túi sữa để quản lý và sử dụng hợp lý, đảm bảo dinh dưỡng. Về cách sử dụng, nên cho trẻ bú những bình/ túi sữa có thời gian từ xa đến gần. Trong quá trình trữ đông, nên để chúng sâu trong ngăn đông và tránh di chuyển bình/ túi nhiều lần.

Ngoài ra mẹ cần biết, chất lượng sữa phụ thuộc rất lớn vào cách thức trữ sữa và thời gian bảo quản sữa mẹ. Vì vậy, cần chú ý cách bảo quản và thời gian lưu trữ sữa mẹ như sau:

Bảo quản sữa mẹ đúng cách sau khi vắt, bảo quản trong ngăn đông

Sữa mẹ được bảo quản ở ngăn đông sử dụng tốt nhất nên trong vòng 6 – 12 tháng.

  • Cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đông tủ lạnh: Nên bảo quản sữa ở nhiệt độ ngăn đông nên từ – 18 độ C trở xuống, thời gian sử dụng sữa tốt nhất từ 6 – 12 tháng. (2)
  • Cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh: Nên bảo quản sữa ở nhiệt độ tủ lạnh 4 độ C, thời gian sử dụng sữa tốt nhất từ 1 – 5 ngày.
  • Cách bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ phòng: Nên bảo quản sữa ở nhiệt độ phòng dưới 25 độ C, thời gian sử dụng sữa tốt nhất từ 4 – 8 giờ.

Vị trí lưu trữ và nhiệt độ Loại sữa mẹ

Nhiệt độ phòng

(25°C hoặc thấp hơn)

Ngăn mát tủ lạnh

(4°C)

Tủ đông

(-18°C hoặc thấp hơn)

Mới được vắt/ hút 4 giờ 4 ngày 6-12 tháng Đã rã đông 1-2 giờ 1 ngày (24 giờ) Không cấp đông lại sữa đã rã đông

Còn lại từ một lần bú

(Trẻ không bú hết bình)

Sử dụng trong vòng 2 giờ sau khi trẻ bú xong

Bảng thời gian bảo quản sữa mẹ theo hướng dẫn từ CDC Hoa Kỳ (3)

Với sữa đã trữ đông, trữ lạnh trước khi cho trẻ sử dụng mẹ không đun sôi, không làm nóng bằng lò vi sóng, chỉ nên ngâm bình trong nước nóng để làm sữa ấm từ từ. Với sữa đã rã đông, không trữ đông lại sau khi đã rã đông. Với sữa còn thừa sau khi cho trẻ bú, nên cho trẻ bú hết trong vòng 2 tiếng đồng hồ. (4)

Mùi vị của sữa mẹ có thay đổi sau khi bảo quản không?

Nếu trữ sữa mẹ đúng cách và an toàn vệ sinh, sữa mẹ sau khi rã đông cho trẻ bú mùi vị và lượng chất dinh dưỡng có trong sữa sẽ đảm bảo giữ được khoảng 90% so với sữa mẹ ban đầu. Vì vậy, mẹ hoàn toàn yên tâm trữ sữa cho trẻ dùng dần.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp dưới đây sữa mẹ sau khi bảo quản có thể có mùi khó chịu khiến trẻ không chịu bú mẹ nên lưu ý để tránh:

  • Túi hoặc bình trữ sữa có mùi lạ/ khó chịu do chất lượng của sản phẩm kém hoặc bình không được vệ sinh sạch trước khi đựng sữa. Hoặc cũng có thể mẹ sử dụng dung dịch vệ sinh có mùi khó chịu và rửa không sạch.
  • Mẹ trữ sữa chung với các thực phẩm nặng mùi khác, không làm sạch hoặc để trong hộp gọn gàng (trường hợp này nếu không cẩn thận trẻ có thể bị đau bụng khi uống sữa do nhiễm khuẩn từ thực phẩm).
  • Tủ lạnh không được vệ sinh sạch sẽ khiến sữa bị… ám mùi hôi.
  • Chế độ ăn của mẹ có chứa nhiều thực phẩm, gia vị nặng mùi. Hoặc có thể do mẹ hút thuốc lá, uống thuốc… cũng ảnh hưởng đến mùi vị sữa mẹ cả khi mới vắt ra lẫn trữ đông,
  • Để sữa ở nơi không thích hợp như cửa tủ lạnh, nhiệt độ trữ sữa không phù hợp khiến sữa nhanh bị hư hỏng.
Rất hay:  Cách hết khàn giọng: Giới thiệu về khàn giọng

Típ nhỏ cho mẹ trước và sau khi bảo quản sữa cho trẻ dùng dần, hạn chế tối đa các mùi lạ: Sau khi vắt sữa ra và cho vào bình cũng như khi rã đông mẹ nên kiểm tra mùi vị sữa xem có sự khác lạ nào không trước khi cho trẻ uống. Hoặc mẹ có thể thử trữ đông 1 đến 2 túi sữa và cho trẻ dùng ngay sau đó, nếu trẻ bú ngoan mẹ có thể yên tâm vắt và trữ lượng lớn sữa cho con dùng dần.

trữ sữa mẹ đúng cách bằng cách chia nhỏ

Để trữ sữa mẹ đúng cách mẹ nên ưu tiên chia sữa đã vắt/ hút vào trong các túi nhỏ, phù hợp với nhu cầu của bé mỗi cữ bú

Cách hâm nóng và rã đông sữa mẹ khoa học

Mẹ đã biết cách bảo quản sữa mẹ đúng cách sau khi vắt để đảm bảo an toàn cho trẻ sử dụng cũng như giữ tối đa lượng dưỡng chất có trong sữa mẹ khi lưu trữ. Dù vậy, khi rã đông và làm nóng sữa cho trẻ sử dụng, nếu không biết cách có thể sẽ làm mất dưỡng chất, điều này không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, thậm chí còn có thể khiến trẻ bị đau bụng, tiêu chảy và gặp các vấn đề không mong muốn.

Dưới đây là một số lưu ý cho mẹ trong việc rã đông và hâm nóng sữa cho trẻ sử dụng an toàn vệ sinh và đảm bảo nguồn dưỡng chất nhiều nhất có thể:

1. Rã đông sữa mẹ trữ đông

Các bước rã đông sữa mẹ trữ đông như sau:

  • Cho bình/ túi sữa trữ đông xuống ngăn mát tủ lạnh qua đêm để sữa vừa rã đông, vừa giữ được nhiệt độ lạnh.
  • Hoặc mẹ có thể cho bình/ túi sữa vào chậu nước lạnh sạch ở nhiệt độ phòng để rã đông từ từ.
  • Cần biết, nếu sữa sau khi rã đông xuất hiện hiện tượng kết tủa trắng đục tốt nhất không nên cho trẻ dùng vì có thể sữa đã bị hỏng, trường hợp sữa có lớp váng mỏng thì sữa hoàn toàn bình thường vì đây là lớp chất béo trong sữa mẹ.

cách bảo quản sữa mẹ vắt ra, rã đông từ từ

Nên để sữa đông ở ngăn mát hoặc chậu nước lạnh để rã đông từ từ nhằm giữ nguyên nguồn dưỡng chất.

2. Hâm nóng sữa mẹ sau khi rã đông

Đối với sữa mẹ sau khi rã đông hoặc để ngăn mát, mẹ nên thực hiện các bước hâm nóng như hướng dẫn dưới đây để tránh làm mất các vitamin và khoáng chất:

  • Cho sữa vào bình lắc đều và ngâm sữa trong nước ấm đến nhiệt độ phù hợp, khoảng 40 độ C trước khi cho trẻ bú.
  • Hoặc có thể dùng máy hâm sữa, tuyệt đối không nên hâm nóng sữa mẹ bằng lò vi sóng hoặc đổ sữa vào bình nấu sôi lên.
  • Khi hâm nóng sữa cho trẻ bú chỉ nên lấy lượng vừa đủ không nên lấy quá nhiều, trẻ bú không hết dẫn đến lãng phí. Trường hợp lỡ lấy nhiều nhưng trẻ bú không hết, nên cho trẻ bú nốt trong vòng 2 tiếng đồng hồ tiếp theo, tuyệt đối không cấp đông trở lại.

Bảo quản sữa mẹ và các vấn đề cần lưu ý

Ngoài những hướng dẫn cách bảo quản sữa mẹ sau khi hút ra ngoài như trên, nếu tuân thủ thêm một số lưu ý trong cách bảo quản sữa mẹ dưới đây mẹ có thể đảm bảo nguồn sữa dự trữ cho con luôn an toàn và tươi mới:

Rất hay:  Công thức tính diện tích hình thoi, chu vi hình thoi - QuanTriMang.com

1. Lựa chọn dụng cụ bảo quản sữa an toàn cho sức khỏe

Đầu tiên, hãy chắc rằng mẹ đã lựa chọn dụng cụ trữ sữa an toàn cho sức khỏe của con. Nên chọn mua những dụng cụ có chất lượng tốt, không mùi hôi, mua ở những nơi uy tín và nên kiểm tra chúng cẩn thận trước khi mua.

2. Luôn tiệt trùng dụng cụ hút sữa, trữ sữa

Rửa/ vệ sinh sạch sẽ và tiệt trùng tất cả những dụng cụ có liên quan đến hút sữa và trữ sữa. Đồng thời, mẹ cũng cần vệ sinh tay sạch sẽ trước khi vắt sữa hoặc chạm vào các dụng cụ. Vấn đề vệ sinh là ưu tiên hàng đầu trong bảo quản sữa mẹ.

3. Lượng sữa mẹ vắt ra trong một lần

Nên vắt sữa sau khi cho trẻ xong hoặc vắt khi trẻ đang ngủ bỏ qua cữ bú, tùy vào lượng sữa vắt được mẹ có thể phân chia chúng vào các túi/ bình trữ sữa phù hợp với nhu cầu ăn, độ tuổi của trẻ. Điều này nhằm thuận tiện trong mỗi lần rã đông sữa cho trẻ bú, tránh lãng phí nếu trẻ bú không hết.

cách bảo quản sữa mẹ khi hút ra ngoài, chi nhỏ khẩu phần cho bé

Để bảo quản sữa mẹ đúng cách và khoa học, mẹ nên chia sữa vào bình/ túi trữ sữa với lượng phù hợp để tránh lãng phí nếu trẻ không sử dụng hết.

4. Bảo quản sữa mẹ ngăn nắp trong tủ lạnh

Cho sữa vào bảo quản trong tủ lạnh, hẳn rồi, nhưng mẹ cũng cần sắp xếp chúng sao cho ngăn nắp, hợp lý và dễ lấy. Nên sắp xếp những bình/ túi sữa mới hút sâu vào phía trong để dùng sau.

Mẹo lưu trữ và bảo quản sữa mẹ đúng cách

Trên là hướng dẫn chi tiết các bước lưu trữ sữa mẹ an toàn và khoa học, tuy nhiên chỉ cần bỏ túi một số mẹo nho nhỏ dưới đây mẹ có thể đảm bảo nguồn sữa trữ của con thêm an toàn, lượng dưỡng chất được giữ trọn vẹn nhất:

  • Chỉ nên lưu trữ sữa phía sâu (nơi lạnh nhất) trong ngăn đông hoặc ngăn mát của tủ lạnh, không nên để sữa ở cửa tủ vì khi đóng mở cửa sẽ làm thay đổi nhiệt độ, dễ khiến sữa bị hư hỏng.
  • Trong quá trình trữ nên để sữa nguyên một vị trí, tránh lấy ra lấy vào, di chuyển các túi/ bình sữa nhiều lần, trừ việc lấy sữa cho cho trẻ bú.
  • Nên ghi rõ ngày giờ vắt sữa trên nhãn và dán vào mỗi túi/ bình sữa để có kế hoạch sử dụng sữa phù hợp, tránh để sữa quá hạn sử dụng. Tốt nhất, nên cho trẻ uống những túi sữa có hạn sử dụng từ gần đến xa.
  • Đổ lượng sữa vừa phải vào túi/ bình sữa để thuận tiện cho trẻ uống, tránh trẻ uống không hết gây lãng phí. Hơn nữa, việc tích trữ lượng sữa vừa phải trong túi/ bình sẽ giúp sữa nhanh đông lạnh hơn cũng như rút ngắn thời gian rã đông cho trẻ dùng.
  • Sữa vắt ra nếu không sử dụng cần trữ lạnh ngay để tránh vi khuẩn xâm nhập cũng như bảo vệ nguyên vẹn các chất dinh dưỡng có trong chúng.
  • Kiểm tra kỹ dụng cụ trữ sữa, với bình nên có nắp đậy kín, với túi nhựa nên có khóa kéo an toàn, không bị rách hay thủng lỗ…

Trong trường hợp đưa trẻ đi du lịch, nếu muốn mang thêm sữa trữ đông, cách bảo quản sữa mẹ sau khi vắt/ hút đúng cách, an toàn và phù hợp là cho túi/ bình sữa vẫn còn đông cứng vào túi đá làm lạnh hoặc thùng cách nhiệt. Đến nơi, cần cho sữa vào tủ lạnh ngay để tránh chất lượng sữa bị ảnh hưởng. Hy vọng những thông tin trên sẽ mang tới nhiều thông tin bổ ích cho các mẹ về cách bảo quản và trữ sữa mẹ đúng cách làm sao để tốt nhất cho bé. Rất mong có thể nhận thêm nhiều ý kiến đóng góp khác từ các mẹ bỉm về vấn đề này tại fanpage chính thức của Nutrihome.