Hiện nay, quá nhiều đứa trẻ xung quanh con bạn bị cận thị và bạn sợ bé cũng sẽ sớm bị cận thị? Tìm hiểu và áp dụng cách chăm sóc, bảo vệ mắt cho bé để tránh cận thị ngay.
Việc chăm sóc, bảo vệ mắt vô cùng cần thiết ở mọi lứa tuổi, nhất là ở độ tuổi nhỏ, trẻ em. Bố mẹ càng chú trọng việc chăm sóc mắt cho trẻ càng sớm thì sẽ càng hạn chế tình trạng bị cận thị và mắc các bệnh liên quan về thị giác sau này.
1Đọc/viết đúng khoảng cách
– Khi trẻ đọc sách, viết chữ, bố mẹ cần tập cho trẻ thói quen tạo 1 khoảng cách giữa mặt với bàn học từ 30 – 40 cm, với trẻ quá nhỏ thì tạo khoảng cách tầm 25 cm, không đọc và viết với khoảng cách gần hơn để tránh làm hệ thị giác phải “cố quá sức” điều tiết, dễ gây mỏi mắt, tăng khả năng bị cận thị.
– Nếu là sử dụng máy vi tính thì phải giữ cho mắt cách khoảng 60 cm để vừa bảo vệ mắt vừa tránh các tác hại xấu của màn hình vi tính tối đa.
2Cung cấp ánh sáng phù hợp
– Bàn học hoặc nơi trẻ đọc sách, học tập phải là nơi có ánh sáng đầy đủ, đèn chiếu sáng lắp đặt ở vị trí có thể chiếu sáng rõ cả khu vực bàn học của trẻ. Hạn chế tối đa việc học tập ở những vị trí khuất bóng, thiếu ánh sáng, rất có hại cho mắt.
3Cho mắt nghỉ đúng lúc
– Khi mắt mỏi, có cảm giác tầm nhìn bị nhòe đi hoặc sau mỗi 20 phút trẻ học, bố mẹ hướng dẫn trẻ nhắm mắt nghỉ ngơi tầm 30 – 60 giây hoặc nhìn ở vị trí xa tầm 2 phút sẽ giúp thư giãn đôi mắt cực hiệu quả.
– Tập chớp mắt để nước mắt phủ đều trên bề mặt mắt cho mắt thoải mái, giảm mệt hơn.
– Bố mẹ không để trẻ học tập, chơi game liên tục quá 45 phút, cần ra ngoài chơi, thư giãn đôi mắt thường xuyên để mắt sáng đẹp, không bị cận.
– Xem tivi không quá 60 phút/ngày, khoảng cách tivi với người xem cần đảm bảo khoảng cách xa gấp 4 lần chiều dài đường chéo của tivi, nếu mắt trẻ có tật khúc xạ nên đeo kính khi xem.
4Đọc sách/viết chữ ở tư thế đúng
– Khi ngồi đọc sách/viết chữ trẻ cần giữ lưng thẳng, ngay ngắn, cổ thẳng để tránh bị vẹo cột sống, gù lưng, mỏi cổ. Không nằm đọc sách vì mắt khó điều tiết, dễ bị mỏi mắt, cũng không đọc sách khi di chuyển trên tàu, xe vì chữ rung lắc, khó đọc, nhức mắt.
5Bổ sung dưỡng chất tốt cho mắt
– Sử dụng nhiều rau củ quả tươi, thịt, trứng, cá ngừ, cá hồi để bổ sung vitamin A, C, E, khoáng chất, axit béo Omega-3 giúp cho mắt tăng điều tiết, chống thoái hóa võng mạc, hạn chế bị cận thị hiệu quả.
– Trường hợp nếu bé bị tăng nguy cơ bị cận cao, có thể bổ sung thực phẩm chức năng, thuốc bổ mắt để giữ cho đôi mắt sáng đẹp, khỏe mạnh.
6Khám mắt thường xuyên
– Định kỳ bố mẹ nên dẫn trẻ đi khám mắt để chỉnh tật khúc xạ hoặc nhận tư vấn cách chăm sóc mắt trực tiếp từ bác sĩ để bảo vệ đôi mắt trẻ tốt hơn.
Bố mẹ cố gắng đốc thúc, tạo thói quen cho trẻ chăm sóc mắt từ sớm sớm để giữ cho đôi mắt trẻ khỏe ngay từ bây giờ, để không còn nỗi lo cận thị học đường nữa nhé.