Kali là thành phần hết sức quan trọng đối với cây trồng nói chung và cây bưởi nói riêng, Kali giúp cây tăng sức chống chịu, tăng khả năng quang hợp, giữ hoa trái không rụng… Tuy nhiên công dụng khiến bà con nhớ tới nhiều nhất có là nhanh chóng cải thiện vị ngọt thơm, đẹp mẫu mã của trái thành phẩm.
Nhìn chung phân bón Kali khá đa dạng về chủng loại (Kali đỏ, trắng, hay Kali siêu ngọt…), mỗi loại có tác dụng và cách dùng riêng, đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức nhất định. Việc dùng bừa phứa sẽ chẳng những không đem lại giá trị tích cực, ngược lại còn làm rụng hoa, lá, đất đai bạc màu, phẩm chất nông sản suy giảm, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
Dưới đây là một vài kiến thức được bưởi Diễn Văn Trì tổng hợp, cũng như áp dụng thực tế trên mô hình cây ăn quả của tôi, xin được chia sẻ với bà con:
Vai trò của Kali với cây trồng
Không giống như đạm, lân, Kali thường ít được quan tâm (ít dùng) do đặc điểm cây trồng cần ít, cũng như trong các nhóm phân chuồng, phần xanh đã có hàm lượng nhất định nên không có biểu hiện bất thường do thiếu hụt Kali.
Tuy nhiên với cây bưởi cũng như một số loại cây lấy củ, lấy quả khác, việc bổ sung Kali là tối quan trọng:
- Đóng góp vào quá trình chuyển hóa các loại men trong cây, giúp bó mạch gỗ dày hơn giúp cây cứng cáp, hạn chế gãy đổ.
- Kích thích quá trình quang hợp, sâu bệnh, tăng khả năng chịu lạnh (rất phù hợp với những vườn trồng mau, ít chăm, ít tỉa cành và tạo tán).
- Thúc đẩy giai đoạn cây phát mầm lộc mới, tăng đẻ nhánh, giúp cành tán xum xuê.
- Đặc biệt, Kali có vai trò giúp củ quả tích trữ lượng đường – tinh bột tốt hơn nhờ cải thiện quá trình chuyển hóa glucoza thành sacaroza, thế nên bón phân Kali sẽ giúp trái thu hoạch ngọt hơn.
- Ngoài ra một số thông tin cho răng phun Kali – Đạm nồng độ cao sẽ diệt được cỏ nhưng phương pháp này khá là tốn kém. Cụ thể giá đạm giờ khoảng 7 ngàn hơn/ 1 kg, kali loại rẻ cũng 8-9k/ 1 kg. 1 bình 25 lít mà pha theo tỷ lệ 1-1-10 thì mỗi bình hết 2,5 kg đạm, 2,5kg kali, nói chung là khá tốn kém. Chưa hết, việc cách này chỉ có giá trị tức thời, thời gian sau cỏ mọc lại sẽ tốt và um tùm hơn nhiều.
Nên bón phân kali vào lúc nào?
Từ những công dụng kể trên, kết hợp với thời gian sinh trưởng và phát triển của loại cây trồng bà con đang chăm sóc, chúng ta sẽ có thời gian bón phù hợp.
Ví dụ: với cây lúa ta sẽ bón vào thời điểm trổ đòng, khoai tây khi thúc củ, trong khi những cây ăn quả lâu năm như cây bưởi ta sẽ bón Kali vào thời điểm đầu đông (có thể bón sớm hơn từ khi trái non định hình – khoảng tháng 6).
Để vỏ sáng màu, múi không bị nát, cũng như tôm ngọt đậm hơn, ta cũng có thể bón bổ sung siêu Kali vào dịp tháng 10.
Để quý bà con dễ hình dùng tôi xin được chia sẻ cụ thể hơn về cách bón Kali cho cây bưởi Diễn 5 năm tuổi (giai đoạn đậu quả, với mục đích giữ quả, tăng độ ngọt trái):
- Lần 1: (tháng 6): 2 – 2.5 NPK
- Lần 2: (tháng 8): 2 – 2.5kg NPK + 0.2kg Kali
- Lần 3: (tháng 10): 2 – 2.5kg NPK + 0.3kg Kali
- Các cây sinh trưởng khỏe, sai quả, hoặc lâu năm hơn anh chị tăng dần lượng tổng lượng NPK + Kali 0.5 – 1kg mỗi lần sao cho phù hợp.
Lưu ý:
Kali khi bón sẽ tồn tại ở dạng dễ tan và khó tan (trường hợp đất nhiều đạm Kali càng khó tan hơn), vì vậy anh chị nên bón lượng vừa đủ, cũng như xới nhẹ khi kết thúc mùa vụ để huy động nốt phần Kali còn dư thừa này.
Bón Kali nhiều có tốt không?
Kali có hiệu quả rất lớn đến độ ngọt trái khi thu hoạch, nên hiện nay nhiều bà con có tâm lý lạm dụng, và nghĩ rằng bón càng nhiều càng tốt. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Qua kinh nghiệm trồng bưởi diễn thực tế, tôi nhận ra rằng những năm bón phân Kali nhiều, liên tục để tăng phẩm chất trái sẽ khiến cành tán đất cằn, bạc màu. Nguyên nhân bởi lượng Kali với dưỡng chất khác trong đất mất tính cân đối, khiến Mg, Ca, Na… bị mất đi. Nếu không điều chỉnh và sử dụng hợp lý, cây sẽ rất nhanh thoái hóa, cành tán và năng suất sẽ kém dần qua các năm.
Qua tìm hiểu, tôi cũng được biết xu hướng những năm gần đây, khá nhiều nhà vườn áp dụng nhóm phân siêu Kali như Kali Super Max K2O 52% S 18% hay siêu Kali 7-5-44+TE (TE là viết tắt của các nguyên tố vi lượng) để trái sáng và đều màu, ngọt và thơm hơn. Nhưng hệ quả là trái dễ thối, khó bảo quản (do bị chín ép).
Cá nhân tôi không thích dùng phân Kali vì trái thành phẩm sẽ có hiện tượng ngọt đầu đắng hậu , mất đi vị ngọt tự nhiên, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng do thừa Kali máu (nhất là người có tiểu sử bệnh tim mạch).
Nói đi nói lại, ta cũng không thể phủ nhận hoàn toàn công dụng của loại phân bón này đối với cây trồng, nhất là với người mới trồng, tài chính hạn chế, hay cây thiếu hụt Kali trầm trọng (biểu hiện vàng lá) cần bổ sung gấp.
Anh chị có thể tham khảo kỹ hơn qua bài viết: nguyên nhân và cách xử lý bưởi bị vàng lá
Phân loại phân Kali và cách dùng
Kali được chia làm khá nhiều loại dựa theo thành phần, mỗi loại có đặc điểm, công dụng và cách sử dụng riêng (cách gọi gần gũi là Kali trắng, đỏ, Kali siêu ngọt…dựa theo cảm quan hoặc công dụng).
Tuy nhiên để bà con hiểu và sử dụng hợp lý tôi xin được chia ra các nhóm sau đây:
Kali clorua – KCL
Kết tinh dạng hạt màu đỏ hồng (số ít có màu trắng xám).
Thành phần K cao chiếm tới 50% – 60%, cũng như lượng nhỏ Natri Clorua.
Đây là loại bấy lâu nay bà con trồng bưởi khá ưa chuộng có thể bón lót hoặc bón thúc khi cây bưởi phát lộc, ra hoa có tác dụng chống rụng, kích ngọt trái. Nhóm phân Kali Clorua dễ bón, phù hợp với nhiều loại đất, nhưng tránh bón trên đất nhiễm mặn.
Kali sunfat – K2SO4
Phân có màu trắng, dạng bột mịn, dễ tan trong nước có thể phun trực tiếp lên lá, hoặc tưới dưới gốc.
Thành phần chính K 45% – 50%, S 18%.
Phân này ít phổ biến hơn Kali đỏ là loại phân chua sinh lý nên dùng lâu dài sẽ làm cho đất bị nhiễm chua.
Kali magiê sunfat (K2SO4.MgSO4.6H2O)
Phân ở dạng bột mịn màu xám, được được dùng chủ yếu bằng cách tưới vào gốc.
Thành phần K 20 – 30%, MgO 10 – 15%, S 16 – 22%.
Kali magiê sunfat thích hợp để bón sau thu hoạch, hiệu quả cao trong việc cải tạo lại đất nhất là đất xám bạc màu, thậm chí đất nhiễm chua. Nếu có nhu cầu bổ sung Kali cho đất thì đây là loại phân tôi khuyên bà con nên lựa chọn.
Kali nitrat – KNO3
Kết tinh màu trắng, có thể phun lên lá hoặc tưới vào gốc cây
Thành phần K 46%, N 13%
Là loại phân Kali tốt nhất, có tác dụng kích hoa lớn, chắc khỏe và đồng loạt, hiệu quả kích ngọt cũng rất tốt.
Kali photphat – KH2PO4
Có tên gọi khác là MKP (Mono Potassium Phosphate), màu trắng mịn, là loại phân bón lá
Thành phần: K 34%, P2O5 52%
Phân được dùng để hỗ trợ cây con phát triển, hiệu quả chống hạn, kích rễ cao. Do giá thành tương đối cao nên khi chăm sóc bưởi người ta thường dùng loại này chủ yếu để kích hoa nở sớm, đồng loạt, cũng như tăng tỷ lệ đậu quả. Phân rất tốt, gần tương tự như nhóm Kali Nitrat (có thể thay thế lẫn nhau).
Kali siêu ngọt (siêu Kali)
Khi thiếu hụt Kali cây sẽ xuất hiện tình trạng vàng lá, cháy lá ban đầu ở lá già sau lan dần sang các lá non. Trong giai đoạn cây có hoa, trái sẽ rụng nhiều bất thường, sâu bệnh cũng dễ xâm hại hơn.
Lúc này việc bổ sung các nhóm phân Kali thông thường (dạng bón gốc) sẽ không thể đáp ứng từ thì lượng Kali cần thiết, thay vào đó ta sẽ sử dụng siêu Kali, hòa với nước rồi phun trực tiếp vào cây.
Ngoài ra để thúc quả giai đoạn thu hoạch (tháng 10) ta cũng có thể dùng nhóm phân này, dưới đây là một số loại phân siêu Kali để bà con tham khảo
7-5-44+TE
Giá bán: 55.000 đồng/ gói
Quy cách: đóng gói 15g
Thành phần: P2O5 5%; K2O 44%; N 7% và bổ sung vi lượng Cu, Mg, Zn, B, Mn…
Nguồn gốc: nhập khẩu Hà Lan
Cách dùng: Pha 10 – 15g với 16 lít nước.
KALI SUPER MAX
Thành phần: K2O: 50%, S: 18%
Quy cách dạng bột đóng gói 0.5kg
Nguồn gốc: nhập khẩu Bỉ
Giá 60.000 đồng/gói
Cách dùng: hòa với nước tỷ lệ 50g KALI SUPER MAX với 25 lít nước
Siêu Kali – BO
Thành phần : N 2%, P2O5 2%, K2O 35%, Bo 3%
Đơn vị phân phối: công ty Thiên Bình
Cách dùng: Pha 25-30ml cho bình 25 lít nước
Phun vào giai đoạn khi hoa mới nhú, khi trái non mới hình thành, định kỳ 15-20 ngày/lần.
Sản phẩm có hiệu quả mạnh nên bà con cần chú ý đến liều lượng và thời gian bón cho chính xác.
Ngoài cách dùng Kali siêu ngọt để tăng độ ngọt trái, bà con có thể sử dụng phương pháp bón phân đâu tương cho cây bưởi, để giúp trái ngọt thơm tự nhiên, cũng như bổ sung các thành phần dinh dưỡng thiết yếu khác cho cây. Đây được xem là giải pháp để thâm canh cao, cũng như xây dựng mô hình cây ăn trái sạch, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu về lâu dài.