Khi đi làm đăng ký biển số xe, có một thủ tục tất cả mọi người đều phải làm, đó là “cà” số khung số máy. Không phải ai cũng biết vị trí của số khung số máy, tại sao phải cà số khung số máy, chúng có ý nghĩa như thế nào,… Các thắc mắc này sẽ được trả lời cụ thể trong bài viết dưới đây.
Số khung số máy là gì?
Số khung số máy giúp nhận dạng xe, xác minh tính duy nhất của chiếc xe đó. Dãy số này có tối đa 17 ký tự, được đục trên khung xe trước khi xuất xưởng, từ đó người dùng có thể biết được nhiều thông tin như thời gian, nơi sản xuất, loại xe, loại động cơ, thứ tự xe trong dây chuyền sản xuất đó.
Các chủ xe cần phải cà số khung số máy để được cấp đăng kiểm.
Ý nghĩa của số khung số máy:
- Đối với nhà sản xuất: Những ký tự này giúp họ kiểm tra, đối chiếu các phụ tùng với nhau.
- Đại lý: Họ có thể xác định được dòng xe, năm sản xuất, hỗ trợ sửa chữa và bảo dưỡng xe cho khách hàng.
- Đối với cơ quan chức năng: Xác định xuất xứ, nguồn gốc của xe, hoàn tất thủ tục pháp lý.
Cà số khung số máy để làm gì?
Theo quy định thì chủ xe mới mua phương tiện hoặc làm đăng kiểm xe lần đầu đều phải cà số khung số máy để được cấp đăng kiểm. Việc cà số khung số máy giúp tránh tình trạng xe gian, số khung số máy bị đục lại, đảm bảo quyền lợi cho chủ xe.
Số khung và số máy có giống nhau không?
Mặc dù đều có ý nghĩa là để xác minh tính duy nhất của xe nhưng số máy khác số khung. Trong đó, số máy là dãy số được ghi trên động cơ xe hoặc một miếng tem và dán vào một bộ phận nào đó trong khoang động cơ. Cung cấp thông tin về kiểu động cơ, thông số vận hành, các thông tin khác giúp người dùng có kế hoạch bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng phù hợp.
Số khung được viết tắt là VIN (Vehicle Identification Number), là chuỗi ký tự gồm cả chữ và số, các số từ 0 – 9, ký tự từ A-Z (trừ I, O, Q vì dễ nhầm với số), cung cấp các thông tin về cơ sở sản xuất, nhãn hiệu, động cơ được lắp đặt trên xe.
Số khung xe được viết tắt là VIN
Cách cà số khung số máy
Cà số khung số máy tưởng chừng đơn giản nhưng lại khiến nhiều người phải đau đầu, chán nản. Việc xác định vị trí số khung và số máy lại khá phức tạp, bởi mỗi nhà sản xuất lại thể hiện thông số này ở vị trí khác nhau, thậm chí là ở những nơi “hiểm hóc”.
Xác định vị trí số khung và số máy
Đây là 2 chuỗi ký tự khác nhau, đặt ở vị trí khác nhau (số khung thường nằm trên khung xe, còn số máy nằm trên lốc máy). Bản cà số khung phải cà trên khung, bản cà số máy phải cà trên lốc máy.
Mỗi nhà sản xuất sẽ đục số khung và số máy ở những nơi khác nhau, thậm chí có các vị trí rất khó tìm và khó để cà (nhất là ở xe ô tô). Do vậy, chủ xe cần biết vị trí của số khung số máy này để việc cà diễn ra nhanh chóng.
Đối với ô tô
– Số khung thường được đặt dưới chân kính chắn gió, chân khung cửa bên lái, vách ngăn khoang động cơ, cửa bên của lái xe, bảng điều khiển, phía trước khối động cơ,…
– Số máy ô tô thường ghi trên phần động cơ, bạn mở nắp capo lên là thấy.
Sô máy ô tô thường nằm ở bên dưới nắp capo, trong khoang động cơ.
Tra số khung số máy xe máy
Cà số khung số máy xe máy dễ hơn so với ô tô vì chúng dễ nhìn thấy và thao tác đơn giản hơn, không cần luồn cúi quá nhiều.
– Số khung xe máy thường nằm ở cốp xe (dòng Yamaha) hoặc tại phần cổ xe, yên xe.
– Số máy sẽ nằm ở lốc máy.
Ví dụ như: Xe Honda Lead thì số khung ở trên thanh sắt ngay ống pô, số máy ở góc phuộc nhún phía sau; Xe Yamaha Exciter: Số khung ở dưới yên (chỗ cảng xe), số máy ở vị trí lốc máy, gần cần số;…
Số khung số máy của xe máy dễ tìm thấy hơn ô tô.
Hướng dẫn cà số khung số máy
Bước 1: Để tra số khung số máy, bạn chuẩn bị giấy FAX nhiệt và 1 chiếc bút chì.
Bước 2: Sau khi xác định được vị trí của số khung số máy, bạn đặt miếng giấy lên và lấy bút chì tô vào, các ký tự sẽ nổi lên trên giấy.
Bước 3: Như vậy là bạn đã cà xong số khung số máy, kế đến chỉ cần dùng hồ dán miếng giấy vào đăng ký là được.
Cách cà số khung số máy
Quy định về xử phạt lỗi số khung số máy theo Nghị định 100/2019-NĐ/CP
Đối với xe ô tô:
Xử phạt từ 4.000.000 – 6.000.000 triệu đồng nếu “Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc”, theo Điểm đ Khoản 5 Điều 16.
Ngoài ra, sẽ bị thu giấy phép đăng ký không đúng quy định, tước GPLX từ 01 – 03 tháng. Nếu không chứng minh được được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện (Điểm đ khoản 6).
Đối với xe máy:
Xử phạt từ 300.000 – 400.000 VNĐ nếu “Sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc do cơ quan có thẩm quyền cấp”, Điểm b Khoản 2 Điều 17.
Bên cạnh đó còn bị tịch thu giấy đăng ký xe không đúng quy định. Nếu không chứng minh được được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện. (Điểm đ Khoản 4 Điều 17).
Sử dụng giấy đăng ký xe không đúng số khung số máy sẽ bị xử phạt theo Nghị định 100/2019-NĐ/CP.
Trên đây là những thông tin về số khung số máy để bạn đọc tham khảo. Hy vọng với những chia sẻ vừa rồi độc giả đã giải đáp được thắc mắc của mình, giúp bạn có thêm kiến thức bổ ích trong quá trình sử dụng xe.
Theo Thanh Niên Việt