Sứa biển chứa rất nhiều chất dinh dưỡng, thường được chế biến thành nhiều món ăn ngon như nộm sứa, bún sứa,… Tuy nhiên, rất nhiều người vẫn còn e ngại khi ăn sứa biển. Vì vậy, bài viết sau đây từ BepXua sẽ giúp bạn sơ chế sứa ngon hơn và không bị tanh. Cùng tham khảo ngay nhé!
Sứa biển ăn có tốt không?
Sứa biển là loại động vật thân mềm, thuộc lớp nhuyễn thể, sống ở môi trường nước mặn. Chúng có khả năng di chuyển khi co bóp dù và đẩy nước qua lỗ miệng, đồng thời tiến về phía ngược lại.
Có rất nhiều loại sứa ăn được và mỗi loài chứa hàm lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Nhìn chung, sứa có lượng calo thấp, nhiều protein, chất chống oxy hóa và một số khoáng chất tốt cho cơ thể. Ngoài ra, sứa không chỉ được chế biến thành nhiều món ăn ngon mà còn được sử dụng trong rất nhiều bài thuốc dân gian.
Một số công dụng của sứa biển đối với sức khỏe con người có thể kể đến như:
- Bổ sung nhiều dưỡng chất cho cơ thể như protein (chất đạm), vitamin và một số khoáng chất quan trọng khác
- Sứa biển chứa nhiều axit béo không bão hòa như omega-3 và omega-6 giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh tiểu đường và các bệnh mãn tính khác.
- Sứa là một nguồn giàu selenium, giúp ngăn ngừa ung thư và bệnh mất trí nhớ Alzheimer
- Cung cấp collagen dồi dào
- Có công dụng chữa một số chứng huyết ứ gây nhiệt nổi mụn, ho đờm, táo bón, nhức mỏi,…
Cách sơ chế sứa biển không bị tanh cực đơn giản
Cách chọn sứa ngon
Trên thị trường đang có hai dạng sứa, là sứa tươi và sứa khô. Nếu bạn lựa chọn mua sứa tươi, bạn nên chọn thịt sứa có độ dày và có màu phớt hồng, được phủ một lớp phấn như muối. Sứa tươi ngon sẽ có thịt chắc, không bị nhũn nát, không bị chảy nước và dính bết.
Nếu bạn chọn mua sứa đông lạnh hoặc sứa khô, bạn hãy nắm rõ nguồn gốc, hạn sử dụng cũng như thông tin của nhà sản xuất. Bạn không nên tự đánh bắt sứa biển và tự chế biến mà không có kiến thức để xử lý các chất độc có trong sứa.
Cách sơ chế sứa tươi
Bước 1: Sau khi mua sứa tươi về, bạn nên rửa sạch với nước lạnh. Tiếp đến, bạn dùng dao mổ thịt sứa để loại bỏ các chất độc có trong nang trâm ban của sứa
Bước 2: Bạn cắt sứa thành từng miếng vừa ăn, và rửa sạch lại với chanh hoặc giấm pha loãng để hết nhớt. Sau đó, bạn ngâm sứa trong chậu nước muối có pha thêm phèn chua. Điều này sẽ giúp giữ nước trong thân sứa và không bị teo khi sơ chế.
Lưu ý: Trong quá trình ngâm sứa, bạn nên thay nước khoảng 3 lần để sứa sạch hết chất độc và nhớt. Đối với nước mới thay, bạn vẫn tiếp tục cho muối và phèn chua tương tự như trên.
Bước 3: Khi thịt sứa đã chuyển sang màu hồng nhạt (hoặc màu vàng nhạt). bạn lấy sứa ra và ngâm lại vào nước lạnh.
Bước 4: Cuối cùng, bạn cắt sứa thành từng lát mỏng, rửa bằng nước đun sôi để nguội hoặc có thể ngâm qua nước gừng trước khi chế biến để khử hoàn toàn mùi tanh của sứa.
Cách sơ chế sứa khô
Đối với sứa khô thì cách chế biến sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Sau khi mua sứa về, bạn cần xả chúng qua nước sạch nhiều lần để loại bỏ các hóa chất cũng như độ mặn của muối trong quá trình bảo quản.
Tiếp đến, bạn ngâm sứa trong nước gừng khoảng 30 phút để loại bỏ hoàn toàn chất bẩn cũng như mùi tanh của sứa. Cuối cùng, bạn chần sơ sứa với nước sôi khoảng 80 độ C, sau đó vớt ra để ráo nước trước khi chế biến.
Kết luận
Sứa biển là loại thực phẩm rất bổ dưỡng, tuy nhiên chúng sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn nếu không biết cách chế biến sạch sẽ. Hy vọng với một số cách chế biến mà BepXua giới thiệu, bạn có thể thực hiện nhiều món ngon từ sứa cho gia đình. Chúc bạn thành công!