Tư thế cho bé bú đúng cách, mẹ khỏe, trẻ bú không bị sặc – Nutrihome

Hiện nay, có rất nhiều tư thế cho bé bú được truyền tai nhau trên internet. Việc lựa chọn đúng tư thế cho bé bú sẽ giúp bé tiêu hóa dễ dàng, không bị sặc đồng thời hạn chế được tình trạng nôn trớ sau khi bú. Vậy, đâu mới là tư thế cho con bú đúng cách và an toàn cho cả mẹ lẫn bé? Hãy cùng Nutrihome khám phá ngay trong bài viết sau.

Tư thế cho bé bú đúng cách cần đảm bảo các yếu tố nào?

Mẹ có thể thoải mái lựa chọn các tư thế cho bé bú khác nhau nhưng phải đảm bảo cả mẹ và bé đều cảm thấy thoải mái nhất thì khi đó trẻ mới bú được nhiều nhất (1, 2). Một tư thế cho bé bú đúng cách cần đảm bảo các yếu tố sau:

  • Đầu và thân bé phải thẳng nhau;
  • Bụng bé áp sát vào bụng mẹ;
  • Mặt bé quay vào vú mẹ;
  • Mũi bé đối diện với núm vú của mẹ;
  • Mẹ đồng thời đỡ đầu, mông bé.

10 tư thế cho bé bú phổ biến, mẹ đã biết chưa?

Để bé bú được thoải mái và hiệu quả, dưới đây là 10 tư thế cho bé bú phổ biến mà mẹ có thể tham khảo:

1. Tư thế cho bé bú ngả lưng

Đây là một tư thế cho bé bú tạo cảm giác thoải mái nhất cho cả mẹ và bé. Theo bản năng tự nhiên, khi bé được đặt trên ngực mẹ, bé sẽ có xu hướng tự dò tìm bầu ngực của mẹ và ngậm lấy đầu ti. Lúc này, tiếp xúc da kề da với mẹ giúp kích thích bản năng tìm sữa của trẻ, trong khi trọng lực sẽ giúp bé bám chặt hơn vào bầu sữa.

Tư thế cho bé bú này không chỉ dành cho trẻ sơ sinh mà nó có thể hiệu quả với trẻ đang bú mẹ ở mọi lứa tuổi, đặc biệt hữu ích khi bé không thích đầu của mình bị mẹ chạm vào khi bú.

Mẹ có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu ngả lưng nhẹ nhàng thay vì nằm ngửa. Mẹ nên ưu tiên sử dụng đệm hoặc gối để nâng đỡ phần lưng. Tư thế ngả lưng này giúp mẹ có thể nhìn thấy con mình dễ dàng hơn so với nằm ngửa.

2. Tư thế cho bé bú kiểu giữ nôi

Cho bé bú kiểu giữ nôi chính là tư thế cho bú cổ điển nhất. Tư thế này yêu cầu mẹ ngồi thẳng lưng, đặt em bé nằm nghiêng sao cho đầu và cổ của bé nằm dọc theo cẳng tay của mẹ còn cơ thể của bé áp sát vào bụng của mẹ. Điểm đặc trưng của tư thế này chính là tay trụ mẹ dùng để đỡ bé sẽ nằm cùng phía với bầu ngực mà mẹ dự định cho trẻ bú.

Để hạn chế mỏi tay, mẹ có thể sử dụng thêm một chiếc gối đặt ngang đùi để nâng đỡ phần thân dưới của em bé lên cao hơn. Khi sử dụng gối, hãy đảm bảo gối không nâng con lên quá cao so với đầu ti bởi khi con nằm ở vị trí quá cao, ngực của mẹ sẽ dễ bị đau, căng và gây ra hiện tượng tắc sữa, nghẽn sữa hoặc nặng hơn là bị áp xe vú.

3. Tư thế đỡ chéo

Tư thế này tương tự như tư thế giữ nôi bên trên nhưng bạn cần để cơ thể bé nằm dọc theo cẳng tay ngược bên với bầu ngực trẻ bú. Hiểu đơn giản, nếu mẹ cho trẻ bú ngực phải thì hãy dùng tay trái để đỡ bé (và ngược lại).

Mục đích chính của tư thế này là nhằm hỗ trợ quanh vị trí cổ-vai-gáy của bé, cho bé thêm điểm tựa để nghiêng đầu trước khi ngậm ti, cũng như giúp mẹ có thể sử dụng tay còn lại để điều chỉnh ngực của mình. Đây được xem là một tư thế phù hợp cho những trẻ khó bú, đồng thời giúp mẹ chủ động kiểm soát tốt vị trí của bé.

Trong những ngày đầu, mẹ đừng ôm trẻ quanh đầu vì có thể vô tình nhấn cằm của trẻ vào ngực, khiến trẻ ngậm núm vú bị nông (núm vú chạm vào đáy lưỡi thay vì vòm miệng của trẻ) nên làm mẹ bị đau đầu vú. Khi em bé của bạn lớn hơn, kỹ thuật này trở nên dễ dàng hơn.

Rất hay:  Cách chụp ảnh full màn hình iPhone X, XS Max

4. Tư thế bú đôi bàn tay “vàng”

Nếu bé yêu của bạn gặp khó khăn trong việc ngậm ti do sức khỏe yếu (thường xảy ra khi trẻ sinh non, nhiễm bệnh, mắc hội chứng Down hoặc khuyết tật), hãy áp dụng cách bế đôi tay “vàng” để nâng đỡ cả phần đầu của bé và phần ngực của bạn.

Theo đó, mẹ hãy dùng 3 ngón tay gồm ngón giữa, ngón áp út và ngón út để nâng đỡ phần bầu ngực dưới. Trong khi đó, ngón tay trỏ và ngón cái tạo thành hình chữ U để nâng đỡ cằm bé.

5. Tư thế ôm nách

Ở vị trí này, bạn ngồi thẳng lưng và đặt em bé ngay phần nách, dọc theo cẳng tay của bạn. Cơ thể bé nằm nghiêng về phía ngực bạn trong khi phần chân hướng về phía sau lưng của bạn.

Đây là một tư thế cho con bú vừa giúp mẹ nhìn rõ khuôn mặt bé, vừa giúp bé cảm thấy an toàn. Tư thế cho bé bú này đặc biệt thích hợp cho những bà mẹ đã sinh mổ, sinh đôi, sinh non, hoặc mẹ có vùng ngực quá lớn.

6. Tư thế nằm nghiêng cho con bú

Nằm nghiêng là tư thế cho bé bú áp dụng khi con bạn đã khá cứng cáp, trẻ không cần trợ giúp nhiều trong việc tìm núm vú hoặc nâng đỡ đầu của chúng. Ở tư thế này, mẹ nằm nghiêng, đặt bé nằm song song với mẹ với phần đầu quay về cùng một hướng.

Khi nằm nghiêng cho con bú, mẹ cần cẩn thận không ngủ quên vì có thể vô tình chặn đường thở của bé. Đây là lý do chính để đợi cho đến khi bé lớn hơn trước khi thử tư thế này.

7. Tư thế gấu Koala

Tư thế gấu Koala là tư thế cho bé bú mang tính ứng dụng cao, phù hợp cho cả mẹ và bé trong mọi không gian và hoàn cảnh; bất kể mẹ đang đứng, ngồi, di chuyển, ở nhà hoặc ở môi trường công cộng.

Theo cách bế này, em bé sẽ ngồi trên chân mẹ, quay mặt trực tiếp vào lòng ngực của mẹ, chân bé bắt chéo đùi mẹ còn mẹ thì ôm đầu bé trong tay khi bé bú. Đây là một cách bế đặc biệt thích hợp với những bà mẹ đã sinh mổ vì đó là tư thế cho con bú tự nhiên, mang lại sự kết nối mạnh mẽ giữa mẹ và con.

8. Cho con bú trong địu

Đây thực chất là tư thế cho bé bú theo kiểu gấu Koala được kết hợp với bọc địu cho bé làm từ chất liệu vải thun. Phương pháp này chỉ nên áp dụng khi bé đã có kinh nghiệm bú sữa mẹ và có thể tự ngẩng đầu lên một cách cứng cáp.

Cách bế này rất thuận tiện khi mẹ cho bú ở công viên, công sở hoặc môi trường công cộng. Thậm chí, để tiết kiệm thời gian, cho con bú trong địu thường được nhiều mẹ bỉm áp dụng ngay cả trong lúc làm việc nhà.

Mẹ có thể cho con bú với nhiều loại địu có kiểu dáng khác nhau, chẳng hạn như địu quấn co giãn, địu vòng và địu đan chéo phía trước. Cho dù mẹ chọn loại địu nào, hãy đảm bảo rằng bé luôn có thể nhìn thấy khuôn mặt của mẹ và cằm của bé không bị ép vào ngực quá sát.

9. Tư thế mẹ bò sấp

Tư thế này yêu cầu mẹ đặt bé nằm ngửa trong khi mẹ ở tư thế bò bằng 2 chân, 2 tay và chủ động đưa bầu ngực của mẹ vào miệng bé. Mẹ có thể cần sử dụng đệm và gối để hỗ trợ bản thân không bị mỏi lưng hoặc vai.

Cách cho bú này rất phù hợp với mẹ bị viêm vú, đang sưng nhức bầu ngực nên không muốn vú bị bóp hoặc chạm vào. Trong trạng thái bò sấp, trọng lực sẽ giúp sữa chảy đều hơn, cả mẹ và bé đều không cần dùng quá nhiều lực bóp, nặn hoặc mút.

10. Tư thế cho bú song sinh

Nếu bạn may mắn hạ sinh được một cặp sinh đôi, tư thế cho bé bú song sinh gần như là lựa chọn duy nhất để mẹ có thể cho 2 bé bú cùng một lúc. Tư thế này giúp mẹ quan sát được khuôn mặt của cả hai em bé một cách dễ dàng. Để cố định vị trí của bé, mẹ hãy dùng thêm 2 chiếc gối để kê cũng như dùng 2 tay để đỡ lấy phần đầu cho các bé.

Rất hay:  Cách reset iPhone 11 (Pro, Pro Max) nhanh và đơn giản nhất

Hướng dẫn tư thế cho bé bú đúng cách, không lo sặc sữa

Để bé bú đúng cách và tránh sặc sữa, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:

1. Tư thế ngồi cho bé bú đúng cách

Để cho bé bú đúng cách trong tư thế ngồi, mẹ cần làm theo các bước sau:

  • Bước 1: Mẹ nên chọn một chỗ ngồi có điểm tựa thật thoải mái, có thể là ở trên giường hoặc trên ghế sofa bởi mỗi cữ bú của bé có thể kéo dài đến 30 phút.
  • Bước 2: Bế bé nằm ôm vào lòng, hai tay mẹ tạo thành vòng cung ôm lấy bé.
  • Bước 3: Dù cho bé bú bên bầu ngực nào, mẹ cũng phải đảm bảo đầu, lưng, mông bé phải được thẳng hàng, bụng bé chạm bụng mẹ, mặt bé chạm ngực mẹ.

2. Tư thế cho bé bú nằm đúng cách

Ngoài tư thế ngồi cho bú, mẹ cũng có thể nằm trên giường và cho bé nằm nghiêng bên cạnh để bú. Tư thế này sẽ giúp bé ti được nhiều sữa hơn. Để thực hiện tư thế này, mẹ chỉ cần nằm nghiêng song song với bé, sau đó đặt bé nằm sát người rồi lấy tay đỡ lấy đầu bé, hướng dẫn bé quay vào đầu vú của mẹ để bú.

Thực tế, đây được xem là tư thế thoải mái nhất cho cả mẹ và bé nên rất hay xảy ra tình trạng cả mẹ và bé đều ngủ quên. Trong trường hợp ngủ quên quá lâu, đầu ti mẹ sẽ đè lên mũi bé dẫn đến tình trạng ngạt thở rất nguy hiểm. Do đó khi áp dụng tư thế cho bé bú này, mẹ phải thật tỉnh táo để quan sát và đảm bảo an toàn cho bé.

Tư thế cho con bú sau khi sinh mổ như thế nào?

Khác với mẹ sinh thường, mẹ sinh mổ thường có một vết thương lớn giữa bụng đang chờ lành hẳn. Vì thế, sau sinh mổ, tư thế cho con bú đúng cách là mẹ nằm ngửa, đặt con nằm ngang ngực rồi cho trẻ bú.

Trong tư thế này, phần thân dưới của trẻ sẽ dồn trọng lực lên nệm, phần đầu của trẻ sẽ kê lên phần ngực của mẹ. Do đó, không có bất kỳ áp lực nào tì đè lên vùng ổ bụng và vết thương sau sinh mổ của mẹ, giúp chúng mau lành hơn.

Tư thế cho bé bú nào mẹ nên tránh?

Tùy theo độ tuổi và đặc điểm cá biệt của trẻ mà mỗi bé nên tránh những tư thế cho bú khác nhau. Chẳng hạn:

  • Với trẻ quá nhỏ: Hạn chế cho trẻ bú trong tư thế nằm nghiêng, tư thế cho con bú trong địu và tư thế bò sấp vì nguy cơ cao khiến bé ngạt thở. Thay vào đó, mẹ nên cho trẻ bú theo cách truyền thống như tư thế ngả lưng, tư thế giữ nôi hoặc tư thế đôi bàn tay vàng.
  • Với trẻ quá yếu: Khi bú, nếu cơ cổ của trẻ chưa thể cố định được vị trí phần đầu, mẹ cần tránh bất kỳ tư thế cho bé bú nào không cho phép mẹ dùng 1 tay để đỡ đầu bé, chẳng hạn như tư thế bú trong địu, tư thế bò sấp, tư thế nằm nghiêng. Thay vào đó, tư thế ôm nách, tư thế đỡ chéo và tư thế ngả lưng sẽ phù hợp hơn với trẻ kém khỏe mạnh.
  • Với trẻ dễ bị nôn trớ: Nếu bé dễ bị đầy hơi, ọc sữa, nôn ọe thì mẹ nên tránh cho bé bú trong tư thế nằm nghiêng, tư thế bò sấp hoặc tư thế ôm nách. Thay vào đó, tư thế cho con bú thẳng đứng (kiểu gấu Koala) có thể sẽ hiệu quả hơn.

Những lưu ý mẹ cần biết để nuôi con hiệu quả

Ngoài các tư thế cho bé bú đúng cách, mẹ cũng cần nắm được một số mẹo sau để việc nuôi con bằng sữa mẹ đạt được hiệu quả tối ưu:

Rất hay:  9 Cách nghe nhạc trên youtube khi tắt màn hình iphone, android

1. Nắm được tín hiệu đói của bé

Trẻ khi đói sẽ luôn có một số hành động như ngoảnh đầu tìm kiếm bầu vú mẹ, mút tay. Khi thấy có vật chạm vào má, trẻ có thể quay về phía đó ngay lập tức, sẵn sàng để bú. Đây được gọi là phản xạ tìm kiếm tự nhiên của trẻ.

Chỉ cần mẹ chú ý một chút vào hành động của bé là có thể nhanh chóng nhận biết tín hiệu đói của con. Khi thấy có dấu hiệu này, mẹ hãy cho bé bú. Nếu đến khi bé khóc mẹ mới cho bú sẽ khiến việc bắt vú trở nên khó khăn hơn bởi lúc này bé đang trong tình trạng cáu gắt.

2. Quan sát thói quen bú của bé

Khi cho bé bú, mẹ nên quan sát và lắng nghe các dấu hiệu hình thể của con. Thông thường, bé luôn tự nhả vú mẹ khi đã no và sau đó sẽ ngủ luôn. Nếu bé bú hết sữa một bên mà vẫn chưa đủ thì mẹ hãy chuyển bé sang bú bên kia.

Thực tế, sẽ có nhiều trẻ bú cả hai bên bầu ngực trong mỗi cữ bú, nhưng cũng có một số khác chỉ cần bú một bên. Do vậy, mẹ cần tự đúc kết để hiểu rõ thói quen bú sữa của con, thay vì rập khuôn tin theo các hướng dẫn trên mạng.

3. Ôm bé sát người

Khi mới sinh, bé vẫn còn khá xa lạ với thế giới bên ngoài. Vì vậy, người mẹ nên ôm con thường xuyên, gần gũi và âu yếm con nhiều hơn. Mẹ và bé tiếp xúc da kề da trong một khoảng thời gian đầu sau sinh sẽ giúp nhịp tim và nhịp thở của trẻ đều đặn, trẻ vì thế mà ít khóc hơn. Không chỉ vậy, hành động ôm bé sát người còn góp phần làm tăng cường sự gắn bó giữa hai mẹ con; từ đó, việc áp dụng các tư thế cho bé bú đúng cách cũng trở nên dễ dàng hơn.

4. Hạn chế sử dụng núm vú giả

Những tuần đầu sau khi sinh, mẹ nên hạn chế cho bé sử dụng sữa công thức, núm vú giả, bình sữa, trừ khi theo chỉ định của bác sĩ. Điều này sẽ giúp bé có khả năng cảm nhận được núm vú thật trong thời gian học bú mẹ. Thực tế cho thấy, rất nhiều mẹ cho con bú bằng núm giả vài tuần đầu sau sinh, từ đó khiến trẻ quen với ti giả, về lâu dài sẽ rất khó để làm quen với ti mẹ.

5. Xác định được thời gian đánh thức bé

Sau khi sinh 2 – 3 tuần, nếu bé ngủ quá 4 tiếng kể từ thời điểm bắt đầu cữ bú trước thì mẹ cần đánh thức trẻ dậy. Có thể áp dụng một vài cách như cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ, thay tã, mát xa lưng, bụng và chân của bé….để báo hiệu cho bé biết đã đến cữ bú.

Tóm lại, sữa mẹ được xem là thức ăn tốt nhất cho trẻ khi mới chào đời. Bên cạnh đó, việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng đem lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và con. (3, 4, 5)

Nếu không may mẹ bị thiếu sữa, tắc sữa, sữa quá loãng hoặc ngực có dấu hiệu căng nhức, sưng viêm,….hãy đến ngay Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

Đến với Nutrihome, mẹ sẽ được trải nghiệm hệ thống máy phân tích thành phần sữa mẹ hiện đại bậc nhất để tầm soát hàm lượng vi chất có trong sữa. Nếu sữa mẹ thiếu vi chất, đội ngũ bác sĩ dinh dưỡng tại Nutrihome sẽ trực tiếp giúp mẹ xây dựng thực đơn ăn uống “lợi” sữa để mẹ kịp cung cấp cho bé yêu nguồn sữa đảm bảo cả về lượng và về chất.

Hy vọng với các thông tin bổ ích trên, mẹ đã lựa chọn được một tư thế cho bé bú thoải mái và an toàn. Nutrihome xin chúc mẹ thật nhiều sức khỏe, có thêm nhiều kiến thức dinh dưỡng khoa học để hành trình nuôi con bằng sữa mẹ thật hoàn hảo và trọn vẹn.