Chóng mặt, choáng váng là triệu chứng rất thường gặp. Khi tuổi cao con người dễ mắc phải nhiều loại bệnh, trong đó có triệu chứng chóng mặt/choáng váng. Bị chóng mặt khi đứng lên ngồi xuống thường khiến nhiều người nghĩ mình bị bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, đây còn là triệu chứng của nhiều bệnh lý nguy hiểm như: bệnh tim mạch, bệnh thần kinh, các rối loạn về tâm lý…
1Chóng mặt/choáng váng là gì?
Choáng váng thường được sử dụng để mô tả cảm giác xây xẩm hoặc mất thăng bằng. Choáng váng có thể là triệu chứng bệnh lý của một tình trạng rối loạn sức khỏe và làm người bệnh tăng nguy cơ ngã quỵ. Choáng váng còn có thể được hiểu là cảm giác loạng choạng, khi không đủ máu đến não và có thể kèm theo việc giảm tầm nhìn và mất thăng bằng.
Chóng mặt là biểu hiện bất thường của hệ tiền đình. Đây là hệ thống cảm nhận sự thăng bằng của cơ thể, cũng như nhận biết vị trí đầu trong không gian. Khi có sự rối loạn hoạt động của hệ tiền đình, não bộ sẽ không nhận biết được tư thế của đầu, dẫn đến tình trạng chóng mặt. Chóng mặt là một ảo giác người bệnh thấy đồ vật xung quanh xoay tròn hoặc có cảm giác bản thân bị xoay tròn, người bị mất thăng bằng, buồn nôn và nôn uể oải, mệt lả…
Chóng mặt/choáng váng có thể gặp trong các bệnh lý như: rối loạn hoạt động tiền đình (chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm tiền đình ốc tai, bệnh Meniere…), suy giảm tưới máu lên cơ quan tiền đình (viêm hoặc xơ vữa hệ tuần hoàn sau của não), bệnh đột quỵ, tác dụng phụ của một số loại thuốc, tâm lí…
2Nguyên nhân gây nên triệu chứng chóng mặt/choáng váng
Có 2 nhóm nguyên nhân chính:
Nhóm do bệnh về máu và tim mạch (như thiếu máu, bệnh tim mạch…).
Nhóm do bệnh thần kinh: chóng mặt tư thế kịch phát lành tính, viêm thần kinh tiền đình, bệnh Meniere, đột quỵ não…Nhóm này ngoài các triệu chứng hoa mắt chóng mặt còn có các triệu chứng khác như ù tai, rung giật nhãn cầu…
Bệnh chóng mặt tư thế lành tính tự phát
BPPV (Benign Paroxysmal Positional Vertigo), là bệnh chóng mặt tư thế lành tính kịch phát, do sự trôi các mảnh vụn ở ống bán khuyên tai trong. Các mảnh vụn này được gọi là đá tai (thạch nhĩ). Đây là các tinh thể nhỏ dạng calcium carbonate.
Khi tuổi càng cao thì rủi ro mắc bệnh càng lớn, nhất là nhóm người trên 50 tuổi. Các triệu chứng thường thấy như chóng mặt kiểu xoay tròn, tăng khi thay đổi tư thế đầu, giảm khi nằm nghỉ ngơi, có thể kèm buồn nôn, nôn ói.
Tai biến mạch máu não (đột quỵ)
Chóng mặt từng cơn có thể không phải là triệu chứng ban đầu của một cơn đột quỵ, nhưng chóng mặt kéo dài liên tục, đi kèm theo những thay đổi ở một bên cơ thể, thị lực giảm, đau đầu dữ dội hoặc khó phát ngôn thì không thể xem thường, cần đưa người bệnh đi cấp cứu ngay.
Do thuốc
Một số thuốc có tác dụng phụ là gây chóng mặt nên nếu chóng mặt xảy ra khi vừa bắt đầu điều trị thuốc thì cần đến gặp bác sĩ để xem xét và điều chỉnh lại.
Bệnh Meniere
Nhóm người độ tuổi 40-50 là những người có nhiều khả năng dễ phát triển bệnh rối loạn tai trong. Người bị hoa mắt chóng mặt còn xuất hiện cả tình trạng ù tai, thính lực giảm, hoặc một cảm giác áp lực đau trong tai, có cảm giác buồn nôn. Đây là căn bệnh có tên Meniere (bệnh ứ nước nội dịch vô căn), đặc thù là chóng mặt kéo dài từ 20 phút đến 4 giờ. Trước khi chóng mặt, người bệnh có cảm giác giảm thính lực và ù tai, buồn nôn. Khi có tình trạng này cần đến gặp bác sĩ thần kinh thăm khám và có điều trị thích hợp.
Thiếu máu
Trong bệnh lí thiếu máu thiếu sắt, người bệnh có thể có các triệu chứng liên quan đến thiếu máu, gây trạng thái mệt mỏi thường xuyên.
Hạ đường huyết
Khi bị hạ đường huyết, có nghĩa đường huyết tụt cũng có thể gây chóng mặt, choáng váng. Ngoài gây chóng mặt, bệnh nhân tiểu đường cũng có thể bị hoa mắt do có quá nhiều hoặc quá ít insulin.
Nếu làm việc quá sức hoặc luyện tập quá nhiều, không ăn uống phù hợp cũng gây hạ đường huyết và chóng mặt.
Huyết áp thấp
Bệnh huyết áp thấp được xem là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây chóng mặt, choáng váng. Trị số huyết áp dưới 90/60 được xem là thấp.
3Điều trị chóng mặt, choáng váng
Nếu các triệu chứng chóng mặt, choáng váng chỉ xuất hiện thoáng qua rồi hết, thỉnh thoảng có lặp lại nhưng xuất hiện ngắn thì thường là lành tính. Bạn chỉ cần nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống điều độ, tập luyện khoa học là sẽ hết. Còn nếu biểu hiện nặng nề hơn thì bạn cần phải đi khám bác sĩ để phát hiện ra bệnh sớm hơn nữa.
4Phòng ngừa chóng mặt, choáng váng
– Tránh thay đổi tư thế đột ngột như đang nằm đứng nhanh dậy hay xoay nhanh sang hai bên.
– Tránh xoay đầu quá mức như cúi xuống hay ngửa lên hoặc xoay đầu.
– Tránh các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, ăn mặn, ăn kiêng,…
– Tránh các yếu tố nguy cơ như tình trạng căng thẳng, các chất gây dị ứng.
– Không làm các công việc nguy hiểm khi đang chóng mặt như lái xe, leo trèo cao.
Một số thực phẩm sẽ giúp hạn chế bị choáng váng, chóng mặt: uống nhiều nước, trà gừng, nước chanh, nước đường hoặc mật ong ngay khi bị choáng váng, chóng mặt.
(Hình ảnh tổng hợp từ kellybroganmd.com, livescience.com, dizziness-and-balance.com, google,…)
Thạc sĩ Thái Huy Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM (Cơ sở 1)