Phù chân là một triệu chứng phổ biến ở người cao tuổi, gây cảm giác khó chịu, hạn chế đáng kể khả năng vận động và có thể là biểu hiện của một số bệnh lý nguy hiểm. Việc tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và các bệnh lý thường gặp là cần thiết giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bài viết sau đây, hãy cùng Bác sĩ Hà Phạm Trọng Khang tìm hiểu kĩ hơn về bệnh phù chân ở người già.
Thế nào là tình trạng phù chân ở người cao tuổi?
Phù chân là một vấn đề thường ảnh hưởng đến người lớn tuổi. Trong phần lớn trường hợp, phù chân gây khó chịu, nhưng không gây nguy hiểm nặng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, phù bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe mới hoặc một tình trạng mạn tính đang diễn tiến.
Phù chân khá “lành tính” và không liên quan đến tình trạng sức khỏe nguy hiểm, triệu chứng này có thể là một yếu tố nguy cơ chính gây ra nhiều vấn đề cho da và gây suy giảm khả năng vận động ở người lớn tuổi.
Phù chân xảy ra khi dịch trong cơ thể di chuyển ra ngoài mạch máu và đi vào nơi các khoảng kẽ của cơ thể, là không gian ẩm giữa các tế bào, cơ quan và bộ phận cơ thể. Nếu lượng dịch này đi ra khỏi mạch máu nhiều hơn bình thường và hiện tượng này xảy ra ở chân hoặc gần bề mặt cơ thể, nó trông giống như một vùng sưng hoặc phồng rộp dưới da. Chất lỏng có thể di chuyển vào các khoảng kẽ và gây phù nề vì một vài cơ chế khác nhau:
1. Mạch máu bị “rò rỉ”
Đôi khi các tế bào mạch máu không kết dính với nhau chặt chẽ như bình thường. Điều này có thể cho phép máu trượt qua các kết nối giữa các tế bào mạch máu. Nguyên nhân này có thể xảy ra do nhiễm trùng hoặc viêm nhiễm nặng.
2. Protein trong máu thấp
Protein (ví dụ albumin), giúp giữ chất lỏng bên trong mạch máu. Điều này là do các phân tử protein trong máu tạo ra một áp suất thẩm thấu máu giúp giữ lại chất lỏng bên trong mạch máu. Nếu lượng protein giảm, ngay cả khi màng của mạch máu còn nguyên vẹn, chất lỏng sẽ di chuyển ra ngoài tĩnh mạch hoặc động mạch để cân bằng áp suất thẩm thấu qua màng. Điều này tạo ra triệu chứng phù nề.
Một số bệnh lý gây ra giảm albumin thấp trong máu bao gồm một số loại bệnh thận, bệnh gan và suy dinh dưỡng.
3. Quá tải thể tích
Nếu mạch máu chứa đựng một lượng dịch nhiều hơn mức bình thường, sẽ trở nên quá tải. Sau đó, lượng dịch thừa sẽ được đẩy qua thành mạch máu do áp suất thủy tĩnh cao.
Triệu chứng phù chân ở người già
Các triệu chứng phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản, nhưng phù, sưng, căng và đau là phổ biến nhất. Một người bị phù cũng có thể kèm theo các triệu chứng:
- Da sưng, căng và bóng.
- Lõm da hình đồng tiền sau vài giây ấn.
- Bọng mắt cá chân, mặt hoặc mắt.
- Các bộ phận cơ thể đau nhức và cứng các khớp.
- Tăng cân hoặc giảm cân.
- Giảm sản xuất nước tiểu.
- Xuất hiện các tĩnh mạch nông trên da.
- Các triệu chứng cũng có thể phụ thuộc vào loại phù nề và vị trí mà một người mắc phải.
Nguyên nhân bị phù chân ở người cao tuổi
Sau đây là một số nguyên nhân thường gặp gây phù chân ở người già:1
1. Suy tĩnh mạch mạn tính
Suy tĩnh mạch mạn tính là nguyên nhân chính khiến người cao tuổi bị phù ở chi dưới. Ở người cao tuổi, các van tĩnh mạch trở nên kém hiệu quả hơn và máu có thể lưu lại trong tĩnh mạch lâu hơn mức cần thiết, hay gọi là suy tĩnh mạch. Khi tình trạng này kéo dài, có thể gây ra giãn tĩnh mạch và phù nề, do có chứa nhiều trong tĩnh mạch.
Suy tĩnh mạch cũng có thể gây ra các biến chứng viêm tĩnh mạch, loét da và thậm chí đôi khi là viêm mô tế bào (nhiễm trùng da). Các yếu tố nguy cơ của suy tĩnh mạch mạn tính bao gồm:
- Tuổi cao.
- Tiền sử gia đình.
- Đứng lâu.
- Béo phì.
- Hút thuốc lá.
- Lối sống ít vận động.
- Chấn thương chi dưới.
- Huyết khối tĩnh mạch trước đó (máu đông trong tĩnh mạch).
2. Suy tim sung huyết
Suy tim sung huyết là nguyên nhân phổ biến nhất của phù toàn thân (ảnh hưởng đến chân, bụng, và đôi khi là lưng dưới và thậm chí phần cao trên cơ thể). Đây là nguyên nhân chính gây phù chân.
Suy tim là một bệnh lý mà cơ tim bị suy yếu và khả năng bơm máu không còn hiệu quả như bình thường. Suy tim sung huyết là tình trạng dòng máu bị ứ đọng hoặc chảy ngược vào các tĩnh mạch trong phổi (nếu là suy tim bên trái) hoặc chân và các phần dưới của cơ thể (nếu là suy tim bên phải).
Trong suy tim sung huyết, cơ chế bệnh gây nên phù chi dưới không phải chỉ có sự ứ đọng máu trong các tĩnh mạch chi dưới mà còn do giảm lưu lượng máu đến thận. Do đó, cơ thể phản ứng bằng cách gây ra tình trạng giữ muối và nước trong cơ thể. Đây là một yếu tố đặc biệt quan trọng khi điều trị phù liên quan đến suy tim.
3. Phù chân liên quan đến thuốc
Một số loại thuốc có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng phù chân. Trong hầu hết các trường hợp, thuốc làm tăng giữ nước và muối, gây ra phù nề, nhưng đối với một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn kênh canxi dihydropyridine (như amlodipine), các mao mạch trở nên “rò rỉ” hơn. Một số các loại thuốc có thể gây phù nề:
Thuốc điều trị tăng huyết áp
- Thuốc chẹn kênh canxi.
- Thuốc chẹn beta.
- Clonidine.
- Hydralazine.
- Minoxidil.
- Methyldopa.
Thuốc nội tiết
- Corticosteroid.
- Estrogen.
- Progesterone.
- Testosterone.
Thuốc khác
- Thuốc chống viêm không steroid (bao gồm cả thuốc giảm đau không kê đơn).
- Pioglitazone.
- Rosiglitazone.
- Chất ức chế monoamine oxidase.
Tình trạng phù chân mới hoặc nặng hơn phải luôn được đánh giá để đảm bảo rằng phù chân không phải do tác dụng phụ của thuốc.
4. Bệnh gan
Xơ gan là tình trạng tế bào gan bị xơ hóa do các tổn thương gan lâu dài. Tình trạng này làm hạn chế các chức năng chính của gan. Trong xơ gan, phù có thể xảy ra ở chi dưới hoặc phổ biến hơn là khu trú ở bụng (gọi là cổ trướng).
Gan là nơi tạo ra albumin, một thành phần chính của protein trong máu. Trong bệnh xơ gan, tế bào gan bị tổn thương không còn có thể duy trì sản xuất đầy đủ albumin và các protein quan trọng khác. Kết quả là nồng độ protein trong máu thấp hơn, có nghĩa là dịch sẽ dễ dàng rò rỉ ra các khoảng kẽ, có thể gây ra phù chân và báng bụng đáng kể. Ngoài ra, cơ chế phù trong xơ gan còn do gan bị xơ hóa đáng kể, gây nên sự gia tăng áp lực tĩnh mạch cửa làm tăng thể tích máu ở nội tạng.
Bên cạnh triệu chứng phù, bệnh nhân xơ gan còn xuất hiện các triệu chứng nổi bật khác, bao gồm vàng da, vàng mắt, tuần hoàn bàng hệ, trĩ, giãn tĩnh mạch thực quản có thể gây xuất huyết tiêu hóa,…
Điều trị triệu chứng bao gồm thuốc lợi tiểu có thể được sử dụng để giúp những người bị xơ gan.
5. Bệnh thận
Bệnh thận mạn
Đây là tình trạng thận mất khả năng loại bỏ các chất thải và dịch dư thừa khỏi cơ thể. Khi lượng nước này tích tụ, các hệ thống cơ quan bị ảnh hưởng. Nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh thận mạn là tăng huyết áp và đái tháo đường.
Giai đoạn đầu của bệnh thường không gây nên triệu chứng. Khi bệnh thận mạn tiến triển dần đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ xuất hiện phù (mắt cá chân, bàn chân, bắp chân), chán ăn, mất ngủ, buồn nôn, nôn, co rút cơ, thiếu máu, huyết áp cao,…
Hội chứng thận hư
Đây là tình trạng mất protein qua nước tiểu > 3 g/ngày do tổn thương cầu thận. Giảm protein huyết tương làm giảm áp lực keo trong lòng mạch, khiến dịch thoát ra ngoài mô kẽ gây phù.
Phù trong hội chứng thận hư thường phù toàn thân, bắt đầu ở mặt, nhiều vào buổi sáng lúc mới ngủ dậy. Phù có thể diễn tiến thành tràn dịch đa màng (màng phổi, màng bụng) khiến bệnh nhân khó thở. Ngoài ra, bệnh nhân có thể mắc những biến chứng khác của hội chứng thận hư là nhiễm trùng, tăng đông dễ tạo huyết khối, suy dinh dưỡng, rối loạn lipid máu.
6. Phù bạch huyết
Mặc dù hầu hết dịch trong cơ thể di chuyển qua các mạch máu, nhưng cơ thể cũng có một mạng lưới các mạch bạch huyết, kết nối với các hạch bạch huyết và di chuyển dịch và các tế bào của hệ thống miễn dịch khắp cơ thể.
Phù bạch huyết có nghĩa là phù do quá tải thể tích trong mạch bạch huyết. Phù bạch huyết thường liên quan đến tiền sử ung thư hoặc phẫu thuật hạch bạch huyết và thường ảnh hưởng đến một bên chân, thay vì cả hai.
Khoảng 70% những người sống sót sau ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú bị phù bạch huyết. Khoảng 80% những người bị béo phì nặng cũng bị phù bạch huyết.2
7. Suy giáp
Tuyến giáp là tuyến nội tiết nằm ở vùng cổ, có chức năng sản xuất các hormone giáp (T3, T4) giúp cơ thể trao đổi chất và sử dụng năng lượng cho toàn cơ thể. Khi nồng độ hormone giáp giảm thấp, được gọi là suy giáp. Khi đó, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của suy giáp bao gồm da khô, lạnh, dễ mệt mỏi, trầm cảm, táo bón, phù mặt và phù niêm trước xương chày, lông, tóc thưa và dễ gãy.
8. Một số nguyên nhân khác gây phù chân ở người già
Đứng lâu
Những người bất động trong thời gian dài có thể bị phù. Điều này có thể là do chất lỏng tích tụ trong các khu vực phụ thuộc vào trọng lực.
Bỏng da và cháy nắng
Da phản ứng với bỏng bằng cách giữ lại chất lỏng. Điều này gây ra sưng cục bộ vùng da tiếp xúc.
Nhiễm trùng hoặc viêm
Bất kỳ mô nào bị nhiễm trùng hoặc bị viêm đều có thể bị sưng phù lên. Điều này thường dễ nhận thấy nhất ở da. Ngoài ra, dấu hiệu nhiễm trùng còn kèm theo sốt, đỏ, nóng, đau ở vùng da bị phù.
Chẩn đoán bệnh phù chân ở người già
Khám lâm sàng1
Khám sức khỏe toàn diện là việc cần thiết, cùng với tiền sử lâm sàng để xác định căn nguyên của phù chân. Mặc dù triệu chứng chính của bệnh nhân là ở chi dưới, đánh giá tim, phổi và bụng là rất quan trọng để đánh giá các nguyên nhân hệ thống hoặc các yếu tố thúc đẩy bệnh.
Triệu chứng tĩnh mạch cổ nổi và nghe thấy tiếng ran trong phổi có thể là do suy tim, bụng căng cổ trướng kèm theo tuần hoàn bàng hệ gợi ý bệnh gan. Béo phì với bụng to cũng có thể góp phần gây ra phù hai chi dưới.
Bác sĩ cần phải đánh giá cả hai chi dưới, ngay cả khi chỉ phù ở một bên. Vị trí phù cũng cần được lưu ý.
Phù ở bắp chân nhiều có thể là do tắc tĩnh mạch chi dưới, nhiễm trùng hoặc sau chấn thương.
Phù toàn bộ chân hoặc hai chi bên có nhiều khả năng là do bệnh lý toàn thân. Thăm khám bàn chân cũng rất quan trọng. Trong bệnh phù bạch huyết, phù ảnh hưởng đến mặt sau của bàn chân trong hầu hết các trường hợp và có liên quan đến biến dạng móng chân, da dày. Ở giai đoạn nặng, da trở nên tăng sừng với các sẩn, mảng và nốt sần. Đau, giới hạn mức độ cử động và sự hiện diện của các bất thường thần kinh có thể giúp xác định các vấn đề về cơ xương khớp, thần kinh và thuyên tắc tĩnh mạch sâu chi dưới.
Cận lâm sàng13
Hầu hết bệnh nhân cao tuổi bị phù chân đều bị suy tĩnh mạch, nhưng nếu nguyên nhân chưa được xác định rõ ràng. Các xét nghiệm thăm dò thêm sẽ giúp loại trừ bệnh hệ thống: công thức máu toàn bộ, tổng phân tích nước tiểu, điện giải, urê, creatinine, đường huyết, hormone tuyến giáp, và albumin. Albumin huyết thanh dưới 2 g/dL thường dẫn đến phù và nguyên nhân có thể do bệnh gan, hội chứng thận hư hoặc bệnh ruột mất protein. Các xét nghiệm bổ sung được chỉ định tùy thuộc vào biểu hiện lâm sàng:
- Những bệnh nhân có bệnh tim mạch nên được thực hiện điện tâm đồ, siêu âm tim và chụp X quang tim phổi. Bệnh nhân khó thở nên được làm định lượng peptide natri lợi niệu (BNP) để giúp phát hiện suy tim.
- Ở những bệnh nhân bị phù cấp tính (< 72 giờ), xét nghiệm D-dimer bình thường về cơ bản sẽ loại trừ huyết khối tĩnh mạch sâu. Khi D-dimer tăng cao, bệnh nhân cần được siêu âm Doppler tĩnh mạch chi dưới để xác định chẩn đoán.
- Bệnh nhân có dấu hiệu bệnh lý gan cần thực hiện các xét nghiệm chức năng gan như AST, ALT, bilirubin, ALP, PT, albumin máu.
- Bệnh nhân có tiền căn hoặc nghi ngờ bệnh thận được xét nghiệm thêm về định lượng protein nước tiểu 24 giờ, cặn lắng nước tiểu.
Điều trị bệnh phù chân ở người cao tuổi
Điều trị phù chân ở người già bao gồm: điều trị nguyên nhân nền tảng, giảm lượng muối (natri) trong chế độ ăn uống và trong nhiều trường hợp, sử dụng thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng dịch dư thừa.4
1. Giảm muối (natri) trong chế độ ăn uống
Natri, có trong muối ăn và thực phẩm chế biến sẵn, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng phù nề. Giảm lượng muối tiêu thụ có thể giúp giảm phù.
2. Thuốc lợi tiểu
Đây là một loại thuốc làm cho thận bài tiết nhiều nước và natri hơn, có thể làm giảm phù. Thuốc lợi tiểu phải được sử dụng cẩn thận vì loại bỏ quá nhiều chất lỏng quá nhanh có thể làm giảm huyết áp, gây choáng váng, ngất xỉu và làm suy giảm chức năng thận.
3. Vớ áp lực
Phù chân có thể được ngăn ngừa và điều trị bằng cách sử dụng vớ áp lực. Vớ tạo ra một lực nén được xác định lên chân, ở khu vực mắt cá chân là mạnh nhất, giảm dần khi càng lên cao. Áp lực này làm gia tăng áp lực bên trong mô dưới da, làm giảm sự rò rỉ dịch dư thừa ra ngoài mô kẽ.
Tuy nhiên, loại vớ này không được chỉ định cho bệnh nhân suy tim, viêm da nặng, bệnh lý thần kinh ngoại biên nặng hoặc bệnh động mạch xơ vữa ngoại biên.
4. Nâng cao chân
Triệu chứng phù chân, mắt cá chân và bàn chân có thể được cải thiện bằng cách nâng chân cao hơn mức tim trong 30 phút ba hoặc bốn lần mỗi ngày. Nâng cao chân có thể đủ để giảm hoặc loại bỏ phù nề đối với những người bị bệnh tĩnh mạch nhẹ, nhưng những trường hợp nặng hơn cần có các biện pháp khác. Ngoài ra, nó có thể không phù hợp với những người làm việc nâng cao chân nhiều lần mỗi ngày.
Ngoài ra, điều trị phù còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây phù như suy tim, xơ gan, hay hội chứng thận hư. Mỗi bệnh lý đều có những hướng dẫn điều trị riêng không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn cải thiện về mặt lâu dài.
Cách phòng tránh phù chân ở người già
Một số biện pháp giúp hạn chế triệu chứng phù mà bệnh nhân có thể thực hiện ở nhà:
- Đặt chân lên gối để nâng cao hơn tim khi nằm.
- Tập thể dục. Điều này giúp bơm chất lỏng từ chân trở lại tim.
- Thực hiện theo chế độ ăn ít muối, có thể làm giảm sự tích tụ dịch.
- Mang vớ hỗ trợ (được bán ở hầu hết các hiệu thuốc và cửa hàng cung cấp dụng cụ y tế).
- Khi đi du lịch, hãy thường xuyên giải lao, đứng dậy và di chuyển xung quanh.
- Tránh mặc quần áo bó sát hoặc quấn vòng quanh đùi.
- Giảm cân khi thấy cần thiết.
- Không bao giờ ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào mà bạn cho rằng có thể gây phù mà không nói chuyện trước với bác sĩ.
Phù chân là triệu chứng thường gặp ở người cao tuổi. Mặc dù trong đa số trường hợp, phù chân là biểu hiện của một bệnh lý lành tính, bệnh nhân cần được thăm khám, làm xét nghiệm để loại trừ những bệnh lý nguy hiểm.