Bị lệch vách ngăn mũi ở mức độ nặng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đường thở và hình dạng của mũi. Tiến hành phẫu thuật vách ngăn mũi là cách duy nhất để khắc phục tình trạng này. Vậy phương pháp điều trị này áp dụng với trường hợp nào, thực hiện ra sao, bài viết sau sẽ giúp bạn đọc có được hình dung một cách đầy đủ nhất.
06/10/2022 | Tình trạng lệch vách ngăn mũi có gây nguy hiểm cho người bệnh không?29/07/2022 | Xông mũi họng như nào để vừa an toàn, vừa hiệu quả?09/09/2021 | Vách ngăn mũi bị đục lỗ: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
1. Tổng quan về bệnh lệch vách ngăn mũi
1.1. Lệch vách ngăn mũi là như thế nào?
Vách ngăn mũi thuộc cấu tạo của mũi, nằm bên trong hốc mũi và chia đôi 2 khoang mũi. Lệch vách ngăn mũi là hiện tượng vách ngăn mũi bị dịch chuyển sang một bên, khiến cho đường dẫn không khí ở hai bên mũi không đều nhau, mũi bị xiêu vẹo và biến dạng.
Mô phỏng tình trạng lệch vách ngăn mũi
Bệnh lệch vách ngăn mũi được chia thành các dạng:
– Lệch hình chữ C: chủ yếu gây ra ngạt mũi phía bên vách ngăn bị vẹo.
– Lệch hình chữ S: vừa bị vẹo vách ngăn sang bên trái lại vừa có thể vẹo sang phía bên phải. Trường hợp bị vẹo cả hai bên thì người bệnh sẽ bị ngạt ở cả hai bên mũi.
– Mào hoặc gai vách ngăn mũi: chủ yếu xảy ra ở phần tiếp giáp xương và sụn của vách ngăn, có thể chạm đến niêm mạc mũi khiến người bệnh bị chảy máu mũi và đau nhức dữ dội.
– Dày chân của vách ngăn: phần thấp của vách ngăn có hiện tượng xương bị dày lên.
1.2. Dấu hiệu cảnh báo lệch vách ngăn mũi
Hầu hết trường hợp bị lệch vách ngăn mũi sẽ có các dấu hiệu sau:
– Nếu bị lệch từ giữa vách ngăn trở xuống sẽ gây ngạt mũi kéo dài khiến cho người bệnh chỉ thở được ở một bên mũi, nghe kém hoặc ù tai phía bên bị ngạt mũi.
– Nếu bị lệch từ phần ngách giữa trở lên sẽ gây đau sâu ở giữa hai bên của hốc mắt, đau lan về sau đầu và đau âm ỉ suốt ngày. Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi trời bỗng nhiên lạnh hoặc nóng hơn, có cảm giác giống như có kiến bò trong mũi kèm theo hắt hơi thường xuyên.
– Một số dấu hiệu khác: ngửi kém, họng khô rát, ngủ ngáy, viêm mũi xoang, chảy máu mũi,…
2. Phẫu thuật vách ngăn mũi – khi nào cần và thực hiện ra sao?
2.1. Khi nào cần phẫu thuật điều trị lệch vách ngăn mũi?
Không phải mọi trường hợp đều cần phẫu thuật vách ngăn mũi. Can thiệp phẫu thuật lệch vách ngăn mũi chỉ diễn ra với những trường hợp lệch vách ngăn ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng mũi xoang, người bệnh thường xuyên chảy máu điểm mạch mũi và bị ngủ ngáy.
Phẫu thuật vách ngăn mũi cần được thực hiện bởi bác sĩ giàu kinh nghiệm và có trình độ chuyên môn giỏi
Điều trị lệch vách ngăn mũi bằng phẫu thuật giúp làm thẳng lại phần xương và sụn phân chia hai hốc mũi đã bị lệch. Nhờ việc cắt tỉa, thay thế hoặc định vị lại vách ngăn cho về đúng khu vực trung vị mà đường thở của người bệnh sẽ được thông thoáng trở lại.
2.2. Phẫu thuật điều trị lệch vách ngăn mũi được thực hiện ra sao?
Tùy thuộc vào tình trạng lệch vách ngăn của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra phương hướng phẫu thuật phù hợp để đạt được mục đích mong muốn. Trước khi phẫu thuật diễn ra, bệnh nhân sẽ được gây mê. Bước tiếp theo bác sĩ sẽ tách các phần niêm mạc phủ 2 bên vách ngăn mũi để lấy bỏ phần vách ngăn bị lệch rồi đặt lại niêm mạc về đúng vị trí của nó. Khi phần xương sụn thừa được loại bỏ tức là vách ngăn sẽ được nắn thẳng về trạng thái bình thường.
Kết thúc phẫu thuật vách ngăn mũi, bác sĩ sẽ đặt miếng xốp mềm ở một bên hốc mũi giúp cho vách ngăn được cố định. Cuối cùng, người bệnh được đưa vào phòng hồi sức cho đến khi tỉnh lại.
Sau khi người bệnh tỉnh lại và có thể thở bằng 1 bên mũi thì buổi sau đó sẽ rút miếng xốp ra để bệnh nhân thở bằng cả 2 bên mũi. Bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 1 ngày nếu kết quả phẫu thuật thành công và được hẹn tái khám sau 1 tuần.
2.3. Một số điều cần lưu ý sau phẫu thuật
Người bệnh có thể bị ngạt mũi nhẹ sau phẫu thuật nhưng hiện tượng này chỉ kéo dài trong 2 – 3 ngày. Sau phẫu thuật bệnh nhân cần lưu ý những việc sau để tránh bị lệch vách ngăn hoặc chảy máu:
Sau phẫu thuật lệch vách ngăn mũi người bệnh cần nằm ở tư thế đầu cao hơn so với toàn thân
– Nằm ngủ ở tư thế đầu cao hơn so với thân mình.
– Hai tuần đầu không được phép dụi hay xì mũi.
– Trước khi mũi hồi phục về trạng thái bình thường tuyệt đối không được dùng rượu bia, thuốc lá.
– Tránh tuyệt đối các hoạt động thể dục thể thao mạnh.
– Tốt nhất nên dùng trang phục cài cúc thay cho trang phục chui đầu để không gây ảnh hưởng đến mũi.
– Cố gắng thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa bệnh đường hô hấp.
Thường thì sau khi phẫu thuật vách ngăn mũi khoảng 3 tháng – 1 năm hoặc lâu hơn, các mô và sụn mũi sẽ ổn định trở lại, các vấn đề về đường thở do lệch vách ngăn trước đó sẽ được giải quyết. Có một số trường hợp vách ngăn bị lệch quá nặng nên sau phẫu thuật một thời gian dài lại tái phát, lúc này bác sĩ sẽ cân nhắc về việc phẫu thuật lần thứ hai.
Mặc dù tỷ lệ biến chứng sau phẫu thuật vách ngăn mũi là rất thấp nhưng nếu điều trị tại cơ sở y tế kém uy tín, người bệnh vẫn cần lưu tâm để kịp thời phát hiện các vấn đề sau:
– Nhiễm trùng và chảy máu hoặc phản ứng với thuốc gây mê.
– Thay đổi hình dạng mũi hoàn toàn.
– Bị suy giảm khứu giác.
– Tê tạm thời phần răng, nướu trên.
– Có lỗ ở vách ngăn mũi.
– Không thuyên giảm các triệu chứng do lệch vách ngăn mũi gây ra trước đó.
Muốn tránh gặp phải rủi ro không đáng có, tốt nhất người bệnh cần tìm hiểu kỹ để thực hiện phẫu thuật vách ngăn mũi tại địa chỉ y tế được trang bị đầy đủ thiết bị y khoa hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên khoa có trình độ giỏi, bề dày kinh nghiệm lâu năm.
Quý khách hàng có thêm thắc mắc gì về phẫu thuật vách ngăn mũi có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC để chia sẻ, tổng đài viên của bệnh viện luôn sẵn lòng giải đáp cặn kẽ về vấn đề mà quý khách đang quan tâm.