1Uống nhiều nước
Khi cơ thể bị thiếu nước, niêm mạc của các xoang mũi sẽ bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho các độc tố trong cơ thể ứ đọng, vi khuẩn phát triển mạnh gây viêm nhiễm.
Vì vậy, việc người bệnh uống nhiều nước sẽ làm loãng dịch trong mũi, nhờ đó mà việc tống các chất dịch nhầy ra cũng dễ dàng hơn, cảm giác nghẹt mũi cùng sẽ giảm bớt.[1]
Cung cấp đầy đủ lượng nước mỗi ngày còn có tác dụng thúc đẩy quá trình trao đổi chất trong cơ thể, các cơ quan trong cơ thể hoạt động hiệu quả.
Người bệnh có thể bổ sung thêm các nước ép hoa quả, trà gừng,… cung cấp thêm các vitamin cần thiết hỗ trợ cơ thể hồi phục.
2Bổ sung thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn
Người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm kháng khuẩn. Tỏi từ lâu được biết đến như một chất kháng sinh tự nhiên nhờ hoạt chất Allicin, có khả năng tiêu diệt các loại vi khuẩn gây viêm nhiễm trong các xoang, đồng thời còn làm giảm tình trạng tắc nghẽn xoang mũi.
Ngoài ra, tỏi còn là một tác nhân chống oxy hóa mạnh, chống viêm giúp làm giảm cảm giác đau nhức, sưng phù do viêm xoang gây ra.[2]
Ngoài ra, các lợi khuẩn probiotic lactobacillus trong sữa chua làm tăng khả năng miễn dịch của người bệnh, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn có hại, giảm thiểu các triệu chứng viêm xoang gây ra.
Bên cạnh đó, sữa chua còn giúp hệ tiêu hóa tăng hoạt động chuyển hóa, hấp thụ thức ăn tốt hơn, hạn chế các tình trạng ợ nóng, ợ chua,… đây là tác nhân khiến lớp niêm mạc xoang dễ bị kích thích và gây ra viêm cho người bệnh.
Ngoài ra, một số loại thực phẩm có đặc tính kháng khuẩn khác người bệnh nên bổ sung vào chế độ ăn như:
- Hành tây.
- Giấm táo.
- Sữa chua.
- Các loại trái cây có vitamin C,…
3Cấp ẩm
Vào các mùa lạnh, không khí ngoài trời dễ hanh khô, độ ẩm trong nhà sẽ giảm, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi các vi khuẩn và virus có hại phát triển. Việc sử dụng máy tạo độ ẩm phun hoặc máy làm hơi nước cấp ẩm không khí giúp người bệnh giảm thiểu các triệu chứng do viêm xoang gây ra.
Lưu ý: không nên sử dụng máy dạng sương mù, vì chúng có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn và nấm có hại.
4Dùng dầu khuynh diệp
Dầu khuynh diệp hay còn được gọi là tinh dầu bạch đàn, chúng được chiết xuất trực tiếp từ lá cây khuynh diệp. Tinh dầu mang tính ấm, có công dụng thông khí vùng mặt, đầu.
Do đó, dân gian thường sử dụng loại tinh dầu này để làm ấm cơ thể, trị một số bệnh về đường hô hấp như: viêm xoang, viêm mũi, viêm phổi, viêm mũi dị ứng,…
Nghiên cứu mới đây nhất đã phát hiện ra trong dầu khuynh diệp chứa hàm lượng lớn Eucalyptol, chất có tác dụng rất tốt trong kháng viêm, chống oxy hóa, giãn phế quản, giảm đau, giảm tình trạng sưng, phù nề. Hơn nữa, khuynh diệp còn có tác dụng kháng khuẩn, loại bỏ virus gây bệnh đây là những tác nhân chính trực tiếp gây bệnh viêm xoang.[3]
Khi bị khó chịu bởi các triệu chứng viêm xoang, người bệnh có thể dùng dầu khuynh diệp xông hơi sẽ giảm bớt các biểu hiện khó chịu của bệnh.
5Rửa mũi
Ngoài các cách nêu trên, người bệnh viêm xoang thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý giúp loại bỏ bụi bẩn, chất dịch khô đặc chứa vi khuẩn gây bệnh tụ trong khoang mũi.
Các bước rửa mũi bằng nước muỗi sinh lý:
- Bước 1: đổ nước muối sinh lý vào bình sạch có đầu xịt (nếu không có bạn cũng có thể thay thế bằng chai hay lọ thuốc nhỏ mắt đều được).
- Bước 2: tiến hành xịt nhẹ nhàng vào từng bên lỗ mũi. Trong quá trình xịt rửa mũi bạn nên nghiêng đầu sang một góc 45 độ để nước muối sinh lý có thể dễ dàng chảy sang lỗ mũi bên cạnh và thoát ra ngoài. Tiến hành lặp lại động tác tương tự với bên mũi còn lại.
- Bước 3: trong quá trình xịt, bạn có thể sử dụng một đầu tăm bông sạch, nhẹ nhàng lau chất dịch dính bên trong, vệ sinh thông thoáng 2 bên trong mũi.
Lưu ý: trong quá trình chuẩn bị dụng cụ rửa mũi bạn nên giữ vệ sinh cho bình xịt thật sạch, khô thoáng, tránh trường hợp để dụng cụ bị vi khuẩn có hại bám lên, khiến bệnh thêm nặng.
6Chườm ấm
Chườm ấm là phương pháp tận dụng nhiệt độ hơi ấm của nước nóng từ khăn để tăng dẫn lưu dịch trong các xoang, làm dịu niêm mạc và cải thiện các triệu chứng nghẹt mũi. Khi chất dịch nhầy được thoát ra bên ngoài, áp lực lên các xoang mũi sẽ giảm đi đáng kể.
Cách thực hiện và lưu ý khi chườm:
- Bước 1: Chuẩn bị một chiếc khăn sạch (hoặc có thể sử dụng một túi chườm ấm).
- Bước 2: Nhúng khăn bông vào một chậu nước ấm, vắt hơi khô rồi đắp trực tiếp lên vùng chữ T, từ 10-15 phút, đồng thời tư thể ngã ra phía sau góc 45 độ hoặc ngồi thẳng để dịch mũi dễ dàng thoát ra bên ngoài.
- Bước 3: Sau khi chườm ấm xong, người bệnh có thể xì mũi nhẹ để làm sạch hết những chất dịch nhầy ứ đọng.
Lưu ý: tránh dùng nước có nhiệt độ quá cao để thấm khăn chườm vì chúng có thể khiến da bị bỏng rát.
7Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi đầy đủ cũng là một trong những cách chữa viêm xoang hiệu quả. Một giấc ngủ tốt giúp cơ thể người bệnh tự hồi phục một cách nhanh chóng. Cơ thể được nghỉ ngơi điều đồ sẽ sản sinh ra nhiều bạch cầu hơn, yếu tố quan trọng giúp bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn và virus có hại.
8Khi nào gặp bác sĩ?
Triệu chứng cần gặp bác sĩ
Nếu bạn hoặc người nhà gặp các triệu chứng nhiễm trùng xoang như:
- Sốt cao liên tục từ 3 – 4 ngày.
- Các triệu chứng ho, nghẹt mũi, sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày không thuyên giảm.
- Đau đầu dữ dội ở các vị trí quanh mắt, mũi, chán kèm cảm giác áp lực ở mặt tăng.
- Hôi miệng.
- Giảm khứu giác hoặc vị giác.
Các bệnh viện có chuyên khoa tai, mũi, họng uy tín
- Tại TP.HCM: Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, bệnh viện Tai Mũi Họng Sài Gòn, bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM,…
- Tại Hà Nội: Khoa Mũi xoang – Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh viện Bạch Mai,…
Xem thêm:
- Viêm xoang có lây không? Lây qua đường nào? Cách phòng ngừa viêm xoang
- Các biến chứng viêm xoang gây nguy hiểm cho sức khỏe
- Viêm xoang kiêng ăn gì? Top 4 thực phẩm cần tránh để bệnh nhanh khỏi