Kinh nguyệt không đều (do nhiều nguyên nhân khác nhau) là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn tới khả năng có thai của nữ giới trong độ tuổi sinh sản. Vậy đâu là những lưu ý quan trọng giúp bạn phát hiện và giúp bạn có thai khi gặp tình trạng này?
Thế nào là kinh nguyệt không đều?
Trong độ tuổi sinh sản, kinh nguyệt được coi là không đều khi chu kỳ kinh (từ ngày đầu ra kinh lần này tới ngày đầu ra kinh lần tiếp theo) dưới 21 ngày hoặc trên 35 ngày.
Nếu các chu kỳ kinh có độ dài khác nhau giữa các tháng, ví dụ tháng này 23 ngày, tháng khác 35 ngày, thì kinh nguyệt của bạn cũng có thể xem là không đều.
Nếu sự dao động giữa các chu kỳ kinh là một đến hai ngày giữa các tháng, bạn không phải lo lắng. Nếu sự dao động giữa các chu kỳ dài hơn – trên năm ngày – có thể bạn sẽ khó khăn hơn để có thai.
Khi bạn ốm hoặc căng thẳng, trứng có thể rụng sớm hoặc muộn hơn, làm kinh nguyệt đến sớm hoặc muộn hơn thông thường.
Nếu một năm bạn có một đến hai chu kỳ như vậy, bạn chưa phải lo lắng.
Vậy nếu chu kỳ kinh không đều, bạn có thể có thai không? Câu trả lời là có thể.
Tuy nhiên, bạn có thể sẽ cần nhiều thời gian hơn và có thể khó có thai hơn so với những người có kinh nguyệt đều.
Đôi khi chỉ việc thay đổi lối sống đã giúp chu kỳ kinh của bạn trở nên đều hơn và giúp bạn có thai. Cũng có thể bạn cần phải sử dụng các phương pháp điều trị để có thai.
Với những trường hợp kinh nguyệt thường xuyên không đều hoặc thường xuyên dài, bạn nên thăm khám bác sĩ.
Kinh nguyệt và những chủ đề xung quanh
Những nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều và khó có thai?
Kinh nguyệt không đều, không có kinh là dấu hiệu của rụng trứng không đều hay các rối loạn về rụng trứng. Hiện nay, các rối loạn về rụng trứng chiếm tới 30-40% số các ca phải điều trị vô sinh.
Hiện tượng rụng trứng có thể vẫn xảy ra hàng tháng, tất nhiên ở các thời điểm khác nhau. Nếu có rụng trứng, bạn vẫn có thể có thai mà không cần dùng đến các thuốc kích thích trứng và gây rụng trứng.
Ở một nhóm khác, kinh nguyệt không đều lại là dấu hiệu của tình trạng không rụng trứng. Trường hợp không có rụng trứng, bạn không thể có thai nếu không được điều trị.
Một số nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều, ảnh hưởng tới khả năng có thai:
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
Đây là tình trạng rối loạn nội tiết ở nữ khá thường gặp (khoảng 15% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản).
Không phải tất cả các trường hợp mắc hội chứng buồng trứng đa nang đều khó có thai. Một số trường hợp cần thời gian lâu hơn để có thai, một số khác cần có can thiệp điều trị. Một vấn đề cần lưu ý là khi có thai, phụ nữ mang hội chứng này có nguy cơ sảy thai cao hơn.
Tăng prolactin máu
Tình trạng tăng prolactin máu xảy ra khi tuyến yên tiết quá nhiều prolactin – nội tiết kích thích sản xuất sữa ở nữ.
Bình thường, prolactin ở trong máu với lượng nhỏ và sẽ tăng khi có thai hoặc sau sinh.
Tăng prolactin máu có thể gây rụng trứng không đều thậm chí là không rụng trứng, làm bạn khó có thai.
Biểu hiện của tăng prolactin máu thường là kinh nguyệt không đều thậm chí không có kinh, có hiện tượng tiết sữa mặc dù không cho có thai hoặc cho con bú.
Suy buồng trứng sớm
Là tình trạng buồng trứng mất chức năng bình thường trước tuổi 40.
Suy buồng trứng sớm không đồng nghĩa với mạn kinh sớm. Người bị suy buồng trứng sớm thường là có kinh nguyệt không đều hoặc một năm có kinh vài ba lần, thậm chí là có thể có thai.
Còn với người bị mạn kinh sớm là đã mất kinh hoàn toàn và không thể có thai.
Dấu hiệu của suy buồng trứng sớm là: kinh nguyệt không đều, khó có thai, cảm giác bốc hỏa, ra mồ hôi đêm, khô âm đạo, khó tập trung, giảm ham muốn tình dục.
Béo phì
Đây chính là nguyên nhân gây kinh nguyệt không đều và khó có thai có thể phòng ngừa.
Đôi khi, những rối loạn về cân nặng lại là những biểu hiện của các tình trạng bệnh lý về nội tiết như hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp.
Việc giảm cân trong những trường hợp này là không dễ dàng. Do đó, khi gặp khó khăn trong việc giảm cân, hãy tới gặp bác sĩ.
Nếu tình trạng thừa cân là do mất cân bằng về nội tiết, bác sĩ có thể điều trị.
Thiếu cân
Thiếu cân quá nhiều cũng có thể là nguyên nhân gây nên kinh nguyệt không đều và khó có thai. Các rối loạn về ăn uống là nguy cơ cao với kinh nguyệt không đều và khó có thai.
Tập luyện nặng
Tập luyện nặng, ăn kiêng nhiều có thể làm kinh nguyệt không đều thậm chí là mất kinh. Tình trạng này thường gặp ở các vận động viên nữ.
Làm sao để có thai khi kinh nguyệt không đều?
Xác định thời điểm rụng trứng
Như đã trình bày ở trên, dù kinh nguyệt không đều, bạn vẫn có thể có thai nếu có hiện tượng rụng trứng. Vậy làm sao để biết thời điểm trứng rụng và khi nào nên quan hệ để dễ có thai?
Hãy chú ý hơn tới cơ thể của mình và bạn có thể dần nhận ra một số dấu hiệu cho thấy bạn sắp rụng trứng. Những dấu hiệu này có thể xảy ra khoảng ba tuần trước khi thời điểm dự kiến có kinh của chu kỳ sau. Cố gắng nhận ra:
Tăng tiết nhày âm đạo, ẩm ướt hơn, chất nhày trắng như lòng trắng trứng.
Hơi khó chịu một bên bụng.
Tăng cảm hứng quan hệ
Cách đơn giản nhất để tìm ra thời điểm quan hệ là theo dõi và phát hiện chất nhày như lòng trắng trứng.
Một số phụ nữ sử dụng bộ “test rụng trứng” để xác định thời điểm quan hệ dễ có thai nhất.
Hầu hết các “test rụng trứng” này để kiểm tra nồng độ cao nhất của hormone Luteinising hay LH – tác nhân thực sự giải phóng trứng. Bạn có thể sử dụng “test rụng trứng” này để tìm ra ngày nào bạn có khả nặng thụ thai cao nhất trong chu kỳ của mình.
Khi dùng bộ “test rụng trứng”, một số phụ nữ thấy kết quả dương tính tại nhiều thời điểm trong chu kỳ, đây là trường hợp “dương tính giả”, thường gặp ở nhóm phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Quan hệ đều đặn hai đến ba lần mỗi tuần
Cách tốt nhất để có thai khi kinh nguyệt không đều là quan hệ đều đặn mỗi hai hoặc ba ngày trong suốt chu kỳ.
Việc này cho hiệu quả tốt hơn là tập trung quan hệ trong những ngày bạn nghĩ mình rụng trứng.
Mặt khác, chất lượng tinh trùng trong tinh dịch cũng sẽ tốt hơn khi bạn quan hệ điều độ. Nếu không muốn lên lịch quan hệ một cách cứng nhắc, đơn giản nhất là bạn hãy tận hưởng đời sống tình dục hai đến ba ngày một lần.
Thay đổi lối sống nhằm điều hoà rụng trứng
Tuỳ theo nguyên nhân dẫn đến kinh nguyệt không đều, bạn có thể chưa cần đến thuốc điều trị. Đôi khi việc thay đổi lối sống cũng giúp bạn tăng khả năng mang thai.
Trường hợp bạn thừa cân, giảm vài cân có thể đủ để làm thay đổi việc rụng trứng và giúp bạn có thai.
Ăn kiêng quá mức cũng là vấn đề, thay đổi chế độ ăn và tăng cân khi bạn quá gầy có thể giúp tái hoạt động rụng trứng, giúp kinh nguyệt đều hơn.
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để sinh con tự nhiên
Sử dụng thuốc hỗ trợ rụng trứng
Trong các trường hợp không rụng trứng hoặc một số trường hợp rụng trứng không đều, rụng trứng rất muộn trong chu kỳ, việc điều trị bằng thuốc hỗ trợ rụng trứng có thể cải thiện tình trạng của bạn. Các thuốc thường được dùng trong những trường hợp này là:
– Clomiphen citrat: là thuốc được kê nhiều nhất cho các trường hợp rối loạn rụng trứng, tỷ lệ có thai khi dùng thuốc này tương đối tốt.
– Letrozole: Một số nghiên cứu thấy rằng thuốc này thậm chí còn hiệu quả hơn clomiphen citrat ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Đây là hai thuốc trong nhóm thuốc kích thích sự phát triển của nang trứng. Ngoài ra, một số thuốc khác không thuộc nhóm này cũng có thể tác động tốt tới việc rụng trứng:
– Metformin: hỗ trợ phụ nữ có kháng insulin và hội chứng buồng trứng đa nang có tự rụng trứng.
– Myo-inositol: hỗ trợ rụng trứng trong trường hợp hội chứng buồng trứng đa nang.
Nếu những thuốc này không có hiệu quả, bác sỹ có thể lựa chọn cho bạn các thuốc thuộc nhóm kích thích sự phát triển của nang trứng dạng tiêm (gonadotropin)
Điều trị theo nguyên nhân và can thiệp bằng các biện pháp hỗ trợ sinh sản
Như đã nói ở trên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn kinh nguyệt hay kinh nguyệt không đều. Để được điều trị triệt để và hiệu quả, bạn cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa tại các cơ sở y tế uy tín.
Dựa theo kết quả thăm khám, các bác sĩ sẽ xác định được bạn có hiện tượng rụng trứng hay không.
Nếu có hiện tượng rụng trứng, và dưới 35 tuổi, bạn có thể chờ đợi thêm một khoảng thời gian để có thai tự nhiên. Với trường hợp không có rụng trứng hoặc trên 35 tuổi và mong con, bạn cần được thăm khám và điều trị sớm hơn.
Đồng thời, việc thăm khám giúp các bác sĩ tìm ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến kinh nguyệt không đều ở mỗi trường hợp, từ đó đưa ra phương pháp điều trị hiệu quả nhất.
Trường hợp kinh nguyệt không đều do nguyên nhân tăng prolactin máu hoặc mất cân bằng nội tiết của tuyến giáp, việc đều trị theo nguyên nhân sẽ giúp kinh nguyệt đều hơn, tăng khả năng có thai.
Khi việc sử dụng thuốc kích thích nang trứng phát triển và hỗ trợ rụng trứng không hiệu quả giúp bạn có thai tự nhiên, tùy từng trường hợp có thể bạn sẽ được chỉ định các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) hoặc bơm tinh trùng vào nang noãn (IFI); thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
Xem thêm về phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm tại đây: https://ivfhongngoc.com/thu-tinh-trong-ong-nghiem-ivf-icsi).
Xem thêm về phương pháp Bơm tinh trùng vào buồng tử cung tại đây: https://ivfhongngoc.com/bom-tinh-trung-vao-buong-tu-cung-iui);
Nếu nguyên nhân của kinh nguyệt không đều là do suy buồng trứng sớm, việc điều trị cho bạn có thể sẽ bị hạn chế. Một số trường hợp suy buồng trứng sớm phải sử dụng trứng hiến tặng để có thể có thai. Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng vậy, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn theo trường hợp cụ thể.
Khi nào bạn cần thăm khám bác sĩ?
Bạn nên đi khám bác sĩ phụ khoa nếu kinh nguyệt không đều thậm chí ngay cả khi bạn chưa muốn có con.
Việc được thăm khám bởi bác sĩ phụ khoa là cần thiết khi: Bạn đã 15 tuổi mà chưa có kinh hoặc 3 năm sau khi tuyến vú phát triển mà chưa có kinh nguyệt.
Sau lần có kinh đầu tiên 1 năm mà chu kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 45 ngày. Sau lần có kinh đầu tiên 3 năm mà chu kỳ kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc dài hơn 35 ngày.
Sau lần có kinh đầu tiên mà xuất hiện 1 chu kỳ kéo dài trên 90 ngày.
Việc tìm ra nguyên nhân gây rối loạn rụng trứng với biểu hiện là kinh nguyệt không đều và điều trị sớm thường đem lại tỉ lệ thành công cao.
Vì vậy, đừng ngần ngại và trì hoãn. Hãy đến các cơ sở uy tín để thăm khám và nhận được sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
Bác sĩ Phạm Thị Thuỳ Dương – Trưởng lâm sàng Trung tâm IVF Hồng Ngọc
Mời đọc thêm các bài viết khác về đề tài hiếm muộn, vô sinh do các chuyên gia của Trung tâm IVF Hồng Ngọc biên soạn: https://ivfhongngoc.com/kien-thuc-vi
Tham khảo bài viết Mối quan hệ giữa rối loạn kinh nguyệt và vô sinh nữ: https://ivfhongngoc.com/vi/kinh-nguyet/
Xem thêm các bài viết thuộc chuyên mục vô sinh nữ: https://ivfhongngoc.com/kien-thuc-vi/vo-sinh-nu/