2 – Việc bạn từ chối hay nói không với ai đó, không có nghĩa bạn là người xấu.
Lúc nào cũng đồng ý, lúc nào cũng nói có, chưa hẳn đã tốt. Cái đó gọi là ba phải, hay gió chiều nào theo chiều ấy. Hãy nhớ rằng nói không, không có nghĩa bạn là người xấu (hoặc họ sẽ nghĩ bạn là người xấu), mà bạn là người có chính kiến, có kế hoạch. Vấn đề chỉ là cách từ chối khéo léo sao cho không để lại “sẹo” mà thôi (sẽ bật mí trong Blog này).
3 – Cách từ chối khéo léo cũng là một kỹ năng… cần luyện tập hằng ngày.
Giống như bất cứ kỹ năng nào, nếu bạn cảm thấy khó khi thực hiện, thì đơn giản là nó chưa trở thành phản xạ thói quen, và bạn cần phải dành thêm thời gian tìm hiểu và luyện tập, vậy thôi. Blog này cũng sẽ bật mí những thói quen nhỏ mà có võ, giúp bạn ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, từ đó tạo dựng sự tin tưởng cho mọi người.
Vậy là đối nội đã xong. Ghi nhớ 3 nguyên tắc trên sẽ giúp “ông nội” bên trong bạn yên ổn, giờ bạn có thể áp dụng các bước nói không dưới đây để khiến cho “bà ngoại” cũng được sung sướng nhé!
Cách từ chối khéo léo bước #1: Lập danh sách “nhất quyết nói không”
Một tập thể sẽ rối loạn nếu không có nguyên tắc chung. Tương tự, nguyên nhân hàng đầu khiến cho việc từ chối trở nên khó khăn, là bạn không có nguyên tắc rõ ràng ngay từ đầu. Do đó, bạn càng nhanh chóng lập ra một danh sách “nhất quyết nói không”, mọi việc sẽ càng trở nên dễ dàng.
Bạn có thể tham khảo các gợi ý dưới đây, và tự lập một danh sách nguyên tắc của riêng bạn.
1 – Tôi dứt khoát nói không khi việc đó vi phạm pháp luật, hoặc có dấu hiệu khiến tôi nghi ngờ.2 – Tôi dứt khoát từ chối khi việc đó đi ngược lại với mục tiêu hoặc ưu tiên của tôi vào thời điểm đó.3 – Tôi dứt khoát nói không khi việc đó có thể gây tổn hại tới người khác, tới sinh vật sống khác.4 – Tôi dứt khoát từ chối khi tôi biết chắc mình không thể dành toàn tâm toàn ý tham gia.5 – Tôi dứt khoát nói không với những người đã từng thất hứa hoặc có dấu hiệu lợi dụng tôi.6 – Tôi dứt khoát từ chối những người nhờ vả tôi liên tục các việc không thuộc trách nhiệm của tôi.7 – Tôi dứt khoát nói không với những việc không đem lại lợi ích cho tập thể, và cho người khác.8 – Tôi dứt khoát từ chối khi, v.v…
Danh sách này có thể cập nhật theo thời gian. Ngoài ra bạn cũng có thể lập thêm một danh sách “Nếu phải lựa chọn giữa X và Y, tôi sẽ luôn lựa chọn…” cũng rất có ích. Ví dụ giữa Gia đình và Sự nghiệp, giữa Bạn bè và Bản thân v.v…. Đây là những lựa chọn khó, nên hãy chuẩn bị càng sớm, sẽ càng thuận lợi sau này.
Nếu một ai đó vi phạm nguyên tắc của bạn, hãy dứt khoát từ chối và đừng lo lắng gì cả. Vì nếu họ đã vi phạm nguyên tắc của bạn, có nghĩa là họ không tôn trọng bạn, và không xứng đáng nhận được sự đồng ý của bạn. Hãy yên tâm, thường những người như thế khi không nhờ được bạn, sớm muộn họ sẽ tìm một ai khác mà thôi.
Tất nhiên, sẽ có tình huống một việc nào đó lọt qua được “hàng rào phòng thủ” này, và tin buồn là chúng xảy ra rất nhiều. Khi ấy nếu bạn muốn nói không, thì cách từ chối khéo léo là gì? Hãy cùng đến với bước hai.
Cách từ chối khéo léo bước #2 – Đừng nhận lời vội, đừng từ chối vội.
Hồi còn đi làm, có một mẹo đã “cứu” tôi rất nhiều phen. Đó là mỗi lần ai đó hỏi tôi có rảnh để làm việc gì đó không thì tôi luôn trả lời, “Việc này quan trọng đấy, để mình xem lịch đã nhé.” (rồi rút Smartphone ra coi lịch). Thói quen này tuy nhỏ mà có võ, đem lại rất nhiều lợi ích cho bạn:
1 – Nó là tín hiệu báo cho người kia biết rằng bạn là người làm việc có kế hoạch, chứ không phải lúc nào cũng rảnh rang mà vác tù và hàng tổng.2 – Nó cho bạn một khoảng dừng, một cơ hội nhìn lại xem đó có phải việc nên được ưu tiên hay không, để đưa ra quyết định sáng suốt hơn.3 – Sau khi xem lịch, nếu bạn trả lời rằng bạn sẽ sắp xếp để giúp họ thì “thời gian” của bạn dành cho họ sẽ “đáng giá” hơn là nhận lời ngay từ đầu.
Thói quen này có thể áp dụng cho mọi tình huống, kể cả một ai đó tỏ tình với bạn. Tất nhiên là lúc đó, bạn không thể rút Smartphone ra và nói, “Việc này quan trọng đấy, để tôi xem danh sách những người đã tỏ tình với mình đã,” mà bạn đơn giản chỉ cần nói, “Đây là việc quan trọng, hãy cho tôi thời gian để suy nghĩ.”
Câu “Việc này quan trọng” rất quan trọng, nó thể hiện thái độ lắng nghe của bạn (ai mà không thích người khác nghĩ rằng việc của mình quan trọng cơ chứ, ha ha), nên họ sẽ dễ dàng cho bạn thời gian suy nghĩ hơn. Còn nếu họ liên tiếp “tấn công” bạn, đòi bạn ra quyết định ngay, thì có thể dùng hai từ khóa đầy sức mạnh sau đây.
Đó là “nguyên tắc” và “tôn trọng”. Bạn có thể nói “Nguyên tắc của tôi là v.v… mong bạn tôn trọng…” Chẳng hạn, “Nguyên tắc của tôi là đã tham gia việc gì là sẽ làm hết sức, nên mong bạn tôn trọng và cho tôi thời gian suy nghĩ để ra quyết định.” Làm vậy, họ sẽ cảm nhận được sự nghiêm túc, cũng như uy lực của bạn.