“Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra cho bạn” – Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng nói. Theo đó, một cuốn sách hay nếu được đọc đúng cách sẽ giúp con mở mang kiến thức và bồi dưỡng tâm hồn. Vậy nên rèn luyện cách đọc sách hiệu quả cho con là vấn đề cấp thiết mà bố mẹ cần “uốn nắn” từ nhỏ, giúp con đọc nhanh và nhớ lâu hơn.
>> Tham khảo thêm:
- 10 lợi ích của việc đọc sách cho trẻ
- Những cuốn sách hay cho trẻ 10 tuổi
- Những cuốn sách hay cho trẻ 12 tuổi
- 10 sách tư duy logic hay giúp trẻ phát triển bản thân
1. Xác định mục đích của việc đọc sách
Sách là kết tinh của tri thức nhân loại, là hạt giống cần gieo ở mỗi con người. Đọc những cuốn sách hay chính là chìa khóa mở ra chân trời mới giúp trẻ phát triển trí não, mở rộng thế giới quan, tăng khả năng tập trung, làm giàu vốn từ và cách nhìn nhận vấn đề… Tuy nhiên, để đạt được những “thành tựu” trong việc đọc sách, việc đầu tiên bố mẹ cần hướng dẫn cho trẻ là xác định mục đích của việc đọc sách.
Xác định mục đích của việc đọc sách rất quan trọng. Phương pháp này giúp trẻ lựa chọn nguồn sách phù hợp, sắp xếp thời gian hợp lý và đặt ra cho mình mục tiêu để việc đọc diễn ra tự nhiên và hiệu quả nhất. Nói một cách cụ thể, trẻ cần trả lời được câu hỏi: “Đọc để làm gì? Đọc sách gì, chỗ nào, và đọc như thế nào?”.
Mục đích đọc sách còn quyết định cả cách tiếp cận và khai thác vấn đề trong cùng một cuốn sách. Ví dụ, khi đọc bài thơ Bàn tay cô giáo (Sách giáo khoa tiếng Việt 3 – tập 1, trang 59, 60), với những bạn yêu làm thơ sẽ học cách viết thể thơ bốn chữ, với những bạn yêu mĩ thuật có thể vẽ lại bức tranh từ những lời thơ trong bài… Điều này giúp mỗi bài đọc, mỗi cuốn sách trở nên gần gũi, thu hút sự quan tâm của trẻ hơn. Do đó, xác định rõ mục đích đọc sách là bước quan trọng đầu tiên cho mỗi “mầm non”.
2. Chuẩn bị một cuốn sổ để ghi chú
Mỗi cuốn sách đều chứa đựng những điều thú vị riêng. Do đó, không chỉ người lớn, trẻ cũng cũng cần chuẩn bị một cuốn sổ để ghi lại những điều bản thân học được. Nội dung chính của sách, những chi tiết hay, những điểm chưa hay, những từ vựng mới, những câu nói ấn tượng… khi được ghi lại sẽ giúp trẻ nắm bắt nhiều thông tin hơn, nhớ lâu hơn, đồng thời giúp con rèn luyện tính cẩn thận và tư duy phản biện.
Để ghi chú một cách thông minh và dễ tìm, bố mẹ nên hướng dẫn con chắt lọc nội dung khi viết và phân loại nội dung đã đọc. Khi trẻ viết về nội dung sách, hãy khuyến khích trẻ viết theo cách hiểu của con, bằng giọng văn của con mà không cần viết nguyên văn như tác giả.
Bên cạnh đó, trẻ có thể vẽ sơ đồ tư duy để hệ thống lại những nội dung trong sách. Điều này giúp kích thích tính logic và sáng tạo trong cách trình bày của con, đồng thời giúp con hình thành tính tự chủ trong cách nhìn nhận vấn đề. Bên cạnh đó, bố mẹ hãy quan sát, cùng thảo luận và sửa cho con nếu con viết chưa đúng nội dung để dạy con cách đọc sách hiệu quả.
3. Lựa chọn cuốn sách phù hợp với trẻ
Nhiều nghiên cứu cho thấy việc đọc sách thúc đẩy sự phát triển tư duy và ngôn ngữ của trẻ. Song, phụ huynh cần lựa chọn cho con những đầu sách phù hợp với lứa tuổi cũng như niềm thích thú của con.
Các tiêu chí khi chọn sách cho con gồm chất liệu và hình ảnh. Tiếp đó là thể loại và nội dung sách. Từng loại sách sẽ có tác dụng khác nhau đối với sự phát triển của trẻ. Ví dụ, những cuốn sách về văn học sẽ giúp trẻ nâng cao vốn từ, bồi dưỡng tình cảm, sách về khoa học giúp trẻ thỏa mãn trí tò mò về thế giới xung quanh… Do đó, bố mẹ hãy thật thông minh và tinh tế để lựa chọn cho con “không gian” phù hợp nhất.
4. Rèn luyện kỹ năng tập trung khi đọc sách
Kỹ năng tập trung khi đọc sách là phương pháp đọc sách hiệu quả tiếp theo mà bố mẹ cần rèn luyện cho trẻ. Trẻ con thường sao nhãng và dễ bị thu hút bởi yếu tố bên ngoài, do đó bố mẹ cần khơi gợi niềm yêu thích đọc sách cho con, ưu tiên những đầu sách con chủ động lựa chọn.
Thêm vào đó, không gian đọc sách sẽ quyết định đến khả năng tập trung của con. Nếu trẻ bị tác động bởi những yếu tố gây phiền nhiễu, trẻ sẽ nhanh chóng phân tâm và khó tập trung đọc. Vậy nên, bố mẹ hãy xây dựng cho con một không gian lý tưởng để con dễ dàng tập trung hơn.
5. Tìm hiểu các kỹ thuật và phương pháp đọc nhanh
Đọc nhanh là một trong những minh chứng cho cách đọc hiệu quả. Tuy nhiên, trẻ cần hiểu đúng, đọc nhanh không phải đọc cho xong, đọc bỏ sót nội dung mà là phương pháp đọc đảm bảo đúng và đủ nội dung. Phương pháp này đòi hỏi quá trình rèn luyện lâu dài và nghiêm túc để giúp việc đọc sách của con thú vị, nhanh hơn và có kết quả tốt hơn.
Để làm được điều này, phụ huynh cần hướng dẫn trẻ đọc theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái qua phải, đọc những từ khóa và lướt nhanh những từ không cần thiết. Bố mẹ hãy dạy cho trẻ nắm bắt mấu chốt, thâu tóm nhanh những ý quan trọng, dừng đọc thầm trong đầu cũng như không đọc to bằng miệng. Thường xuyên rèn luyện theo phương pháp này chắc chắn trẻ sẽ tiến bộ. Khả năng đọc của trẻ và khả năng tiếp thu sẽ nhanh hơn.
Một số cách rèn luyện khác để có kỹ thuật đọc sách đạt hiệu quả:
- Không nên đọc sách trong tư thế nằm và nên đọc tại bàn viết để sách vừa tầm mắt và có không gian thoải mái.
- Tránh đọc lùi trở lại quá nhiều.
- Đoạn nào quan trọng thì đọc kĩ, đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh.
- Vở ghi chép và bút để bên cạnh sao cho khi cần có thể dùng ngay.
6. Rèn luyện thói quen đọc sách mỗi ngày cho trẻ
Trẻ chỉ quan tâm và tìm hiểu những điều mà chúng thích. Vì vậy bố mẹ hãy bắt đầu với những cuốn sách mà con hứng thú. Sau đó, hãy dành cho con khoảng không gian riêng để tập trung hoàn thành mục tiêu đặt ra. Ví dụ, trẻ sẽ tập trung đọc sách 15 phút mỗi ngày với số trang đề ra. Bố mẹ duy trì thói quen này đến lúc trẻ tự giác và chủ động đọc sách mà không cần nhắc nhở.
Bên cạnh đó, phụ huynh còn có thể cùng trẻ đọc sách, quan tâm đến nội dung trẻ đọc và học được. Việc có “bạn đồng hành” để chia sẻ sẽ giúp con hào hứng hơn với sách và những điều mới.
7. Thiết lập thời gian đọc sách hiệu quả
Đọc sách là thói quen cực kỳ tốt và cần được khuyến khích thực hiện mỗi ngày. Đọc sách sẽ giúp tinh thần trẻ thoải mái hơn, tăng khả năng tư duy và tập trung. Tuy nhiên, để có cách đọc sách hiệu quả, bố mẹ cần thiết lập thời gian đọc sách cho con.
Theo các nhà nghiên cứu, buổi sáng là thời gian đọc sách tốt nhất. Đây là thời điểm não tập trung và hoạt động linh hoạt. Vậy nên việc đọc sách vào buổi sáng sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn nhiều so với các khung giờ khác trong ngày. Dù vậy, bố mẹ vẫn có thể cho con đọc sách vào buổi tối, khoảng thời gian từ 21 giờ đến 22 giờ. Lúc này trẻ sẽ có không gian yên tĩnh để đọc sách. So với việc chơi điện thoại trước khi ngủ, đọc sách giúp trẻ thư giãn và ngủ ngon hơn, não bộ tiếp thu được nhiều kiến thức hơn.
8. Duy trì tư duy tích cực trong khi đọc sách
Tích cực tư duy khi đọc sách là luôn hình dung những ý tưởng trong sách và đối chiếu, so sánh chúng với những hiểu biết đã có. Trên cơ sở đó, trẻ phát hiện những điều mới, rút ra được kết luận cho bản thân, đồng thời hình thành tư duy phản biện.
Cụ thể, khi trẻ đọc xong một nội dung nào đó, hãy cho con quyền đặt câu hỏi, quyền nêu lên quan điểm và phân tích nội dung đã đọc theo cách của riêng mình. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần “đổi vế” và “chất vấn” trẻ để con có cơ hội bảo vệ quan điểm. Thỉnh thoảng khi kể chuyện, bố mẹ hãy dừng lại và đề nghị con đoán tiếp diễn biến câu chuyện, khuyến khích con liên hệ với thực tế để phát triển tư duy sáng tạo cũng như khả năng diễn đạt của mình. Việc rèn luyện cho con khả năng tư duy tích cực khi đọc sách, tránh lối đọc thụ động không chỉ là cách đọc sách hiệu quả, nhớ lâu mà còn giúp trẻ lớn lên qua từng trang sách.
9. Vận dụng những gì đã đọc được
Để trẻ có cách đọc sách hiệu quả, phụ huynh không thể bỏ qua bước khuyến khích con vận dụng những gì đã đọc, học được vào trong thực tế. Đây chính là mục tiêu chính của giáo dục, giúp trẻ biến kiến thức trong sách thành kiến thức của mình. Ví dụ, sau khi trẻ đọc một bài thơ hãy cho trẻ thử sáng tác những câu thơ về chủ đề con yêu thích. Khi trẻ tìm hiểu về vật lý, về hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng, bố mẹ hãy cùng trẻ tìm hiểu vì sao cầu vồng xuất hiện, cầu vồng có phải chỉ có bảy màu hay không.
Vận dụng những kiến thức trẻ yêu thích sẽ càng giúp con có động lực để đọc sách và mở mang tri thức. Những lúc đó, bố mẹ hãy khích lệ tinh thần con để việc đọc sách của con trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu mỗi ngày.
Trên đây, bài viết đã chia sẻ những phương pháp giúp trẻ có cách đọc sách hiệu quả. Áp dụng những phương pháp trên sẽ giúp trẻ đọc sách chủ động hơn, nuôi dưỡng tình yêu với sách và có cơ hội đến nhiều “vùng đất mới”. Hiểu được điều đó, trường Hội nhập Quốc tế iSchool luôn có các bài học tập trung đến giáo dục cho bé. Chương trình giảng dạy ở đây được thiết kế chuyên nghiệp, tạo hứng thú và giúp con tiếp thu hiệu quả. Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, phụ huynh có thể liên hệ với iSchool thông qua:
- Điện thoại: 0789.166.588
- Email: [email protected]
>> Bài viết liên quan:
- 10 phương pháp dạy học tích cực ở tiểu học
- Các phương pháp dạy học tích cực hiệu quả
- Phương pháp giáo dục thể chất cho trẻ mầm non
- 6 phương pháp giáo dục nổi tiếng nhất trên thế giới