Cuộc sống ngày càng hiện đại, nhộn nhịp thì con người ta lại càng bận rộn, căng thẳng. Nó có thể khiến đời sống tinh thần của chúng ta khô khan hơn, thậm chí là có nhiều điều tiêu cực. Vậy cách giảm stress nào sẽ hiệu quả với bạn? Hãy cùng Bác sĩ Đào Thị Thu Hương bước qua giai đoạn khó khăn này bạn nhé!
11 cách giảm stress hằng ngày
Khi phải đối mặt với khó khăn, căng thẳng, stress, mọi người thường bị cuốn trôi vào vòng xoáy đó. Đôi khi những cảm xúc tiêu cực này có thể khiến bạn cảm thấy choáng ngợp và dường như không thể tìm cách thoát khỏi chúng. Nếu bạn đã từng trải qua cảm giác đó, hãy thực hiện những cách làm giảm stress dưới đây mỗi ngày. Chúng sẽ giúp bạn xây dựng một đời sống tinh thần lành mạnh, tránh đối mặt với căng thẳng thường xuyên:
Thiền tập – cách giảm stress hiệu quả
Một ngày của bạn sẽ trở nên đầy năng lượng hơn nếu bạn dành khoảng 20 – 30 phút ngồi thiền. Thiền tập như là một liều thuốc bổ cho tinh thần, giúp bạn giảm bớt lo âu, căng thẳng. Trong thời gian thiền, hãy để cơ thể thả lỏng và tập trung vào hơi thở của mình. Bằng việc này, những suy nghĩ rối ren về thế giới thường ngày sẽ tự động biến mất.
Hãy tìm cho mình một nơi yên tĩnh, một khoảng thời gian hợp lý, ngồi thẳng lưng, nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở.
Ngủ đủ giấc
Chắc hẳn ai cũng biết rằng, thiếu ngủ có thể là nguyên nhân chính gây căng thẳng. Trung bình một người cần ngủ 7 – 8 tiếng mỗi ngày. Đây là khoảng thời gian cần thiết để não bộ và các cơ quan được hồi phục. Cách giảm stress khá đơn giản, nhưng không phải ai cũng có thể ngủ sớm và ngủ đủ giấc.
Trong trường hợp bạn bị khó ngủ, bạn có thể thử mẹo sau đây: hãy đặt các thiết bị điện tử xa tầm với của mình, tắt đèn và để bản thân nhắm mắt thư giãn trước khi đi ngủ. Giấc ngủ sẽ dễ dàng đến với bạn hơn nếu bạn không tiếp xúc quá nhiều ánh sáng xanh từ các thiết bị.
Xem thêm: Hé lộ công dụng bất ngờ của thuốc bổ não Ginkgo Biloba
Khởi đầu ngày mới lành mạnh
Buổi sáng có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cả ngày dài của bạn. Chính vì vậy, thay vì nằm lướt mạng xã hội mỗi sáng, hãy thử bật dậy, gấp chăn gối và ăn uống khoa học. Không chỉ vậy, thức dậy sớm sẽ mang lại một nguồn năng lượng tích cực khổng lồ cho chúng ta. Bạn sẽ có nhiều thời gian để làm việc, làm những điều mình thích, bên những người mình yêu thương.
Vậy nên, hãy thử đi ngủ sớm và dậy sớm để có thời gian ăn uống khoa học, làm điều mình thích. Bạn sẽ bất ngờ về những thay đổi về cả tinh thần và thể chất của mình đó!
Tạo không gian sinh hoạt, làm việc thoải mái
Bạn có để ý khi ngồi làm việc trên 1 chiếc ghế không thoải mái, hay quá nhiều tiếng ồn có thể khiến bạn bực dọc, khó chịu hơn không? Vì vậy, hãy tạo cho mình không gian riêng, để mỗi khi cần tập trung hay cần giải tỏa, bạn có thể tìm đến đó. Nếu ở văn phòng, hãy đặt những món đồ có thể làm bạn thư giãn nơi bàn làm việc. Nó có thể là một chậu cây nhỏ, một con thú nhồi bông nhỏ,… Tuy nhiên, đừng đặt quá nhiều thứ tại nơi bạn làm việc nhé, bừa bộn, chật chội đôi khi cũng gây căng thẳng đó!
Tóm lại, hãy làm những gì bạn có thể để tạo ra một không gian làm việc yên tĩnh, thoải mái và nhẹ nhàng.
Tránh xa xung đột
Xung đột, mâu thuẫn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn. Tuy nhiên, không thể nào tránh khỏi hoàn toàn những mâu thuẫn trong cuộc sống thường ngày. Bạn có thể hạn chế xảy ra các cuộc mâu thuẫn, xung đột bằng cách tránh ngồi lê đôi mách, bàn tán về người khác. Thay vào đó, hãy nghĩ, nói và làm những điều tốt đẹp. Đây là một cách giảm stress hiệu quả mà bạn nên áp dụng hằng ngày.
Nghe nhạc
Nếu bạn đang cảm thấy ngột ngạt khi gặp phải một vấn đề gì đó, hãy thử nghỉ ngơi và nghe nhạc thư giãn. Những bản nhạc êm dịu tác động tích cực đến não bộ và là một cách giảm stress nhanh chóng. Nếu bạn không thích nghe những bản nhạc này, bạn có thể tìm nghe âm thanh của đại dương hoặc thiên nhiên.
Hãy thử ngay đi, bạn sẽ bất ngờ về khả năng xoa dịu tâm hồn của âm nhạc đấy!
Tâm sự với người bạn tin tưởng
Khi bạn cảm thấy căng thẳng, hãy thử dành thời gian gọi điện, tâm sự với người khác. Một cuộc trò chuyện thật lòng sẽ đặc biệt có tác dụng giải tỏa lo âu. Một giọng nói trấn an, hoặc đơn giản chỉ là sự có mặt của người đó có thể giúp bạn bình tĩnh, an yên trở lại.
Nhưng hãy đảm bảo đó là người bạn tin tưởng nhất nhé!
Tự trò chuyện với bản thân
Bạn nên dành khoảng 2 giờ mỗi tuần chỉ để không làm gì cả. Cách giảm stress này nghe có vẻ điên rồ, nhưng đây là cơ hội để bạn trò chuyện với mình. Hãy tự hỏi tại sao mình lại căng thẳng, mình phải làm gì để đẩy lùi chúng. Sau đó, hãy lên kế hoạch và bắt tay thực hiện. Đây chính là cách tự trấn an bản thân vượt khỏi lo lắng hiệu quả nhất.
Ăn đúng cách
Khi lo lắng, chúng ta thường quên ăn uống đầy đủ và hay ăn các loại đồ ăn vặt có đường, nhiều dầu mỡ. Tuy nhiên bạn có biết không, ăn uống lành mạnh có thể giảm căng thẳng, mệt mỏi đấy.
Hãy cố gắng tránh xa những món ăn vặt nhiều dầu mỡ. Thay vào đó, hãy ăn trái cây và rau quả, chúng luôn tốt cho sức khỏe. Hoặc bạn có thể ăn cá, nó chứa hàm lượng omega-3 cao, giúp giảm căng thẳng. Một chiếc bánh sandwich cá ngừ thực sự là một món ăn tốt cho trí não.
Hãy cười nhiều hơn
Có thể bạn chưa biết, nhưng tiếng cười giải phóng endorphin giúp cải thiện tâm trạng. Dù bạn đang lo lắng, hãy cười, vì nó sẽ đánh lừa hệ thần kinh để làm cho bạn hạnh phúc. Cách giảm stress này tuy đơn giản nhưng sẽ mang lại hiệu quả nhanh chóng đấy.
Tập thể dục
Khi vận động, máu lưu thông sẽ giải phóng endorphin, giúp cải thiện tâm trạng gần như ngay lập tức. Không nhất thiết là phải đi đến phòng tập để nâng cao sức khỏe. Đi bộ một tí quanh văn phòng hoặc đơn giản là đứng dậy vươn vai trong giờ giải lao là cách giảm stress trong 30 giây cho bạn.
4 bước đơn giản khi bạn gặp căng thẳng
Trên đây là các cách bạn có thể áp dụng hằng ngày để tránh căng thẳng, lo âu. Vậy trong tình huống cụ thể, bạn phải làm sao để vượt qua nỗi căng thẳng của mình? Hãy cùng đọc tiếp 4 bước dưới đây bạn nhé!
Xác định nguyên nhân
Đầu tiên, hãy bình tĩnh và cảm nhận sâu bên trong cơ thể. Tự hỏi điều gì đang khiến bạn lo lắng và tìm ra nguyên nhân tận gốc rễ. Hãy nhớ là phải xác định được nguyên nhân chính và thật cụ thể bạn nhé.
Quyết định xem có nên hành động không?
Xong rồi, bạn đã tìm ra được nguyên nhân khiến mình căng thẳng. Vậy hãy thử đánh giá xem chúng có nằm trong tầm kiểm soát của bạn không? Bạn có thể thay đổi được phần nào để sự việc trở nên tốt hơn không? Nếu nó vượt quá tầm kiểm soát của bạn, hãy nhẹ nhàng buông bỏ. Bởi vì dù có cố gắng thì bạn cũng không thể thay đổi được, nó chỉ càng khiến bạn thêm căng thẳng áp lực hơn thôi.
Lập kế hoạch giải quyết các vấn đề trong tầm kiểm soát
Hành động là một cách truyền năng lượng tích cực, giúp bạn yên tâm hơn. Đối với những vấn đề bạn có thể kiểm soát được, hãy lên kế hoạch từng bước để thực hiện. Bạn có thể không giải quyết được toàn bộ vấn đề, nhưng nó cũng có thể giảm đáng kể sự lo lắng. Hãy nhớ, phải cố gắng hết sức để thực hiện những việc mà mình có thể kiểm soát được bạn nhé!
Chấp nhận kết quả là một cách giảm stress
Một khi bạn đã cố gắng làm tất cả những gì có thể, dù kết quả như thế nào, hãy cứ để nó trôi qua. Thật sự không có gì hối tiếc nếu như ta đã nỗ lực hết mình để giải quyết vấn đề đúng không nào. Vậy nên, hãy tự hào với những việc mình đã làm và yêu thương bản thân nhiều hơn bạn nhé! Học cách chấp nhận cũng là một cách để giảm stress đó nha!
Tóm lại, lo lắng, căng thẳng là một vấn đề khá phổ biến và gần như ai cũng phải đối mặt. Qua bài viết trên hi vọng đã đưa cho bạn một liều thuốc với đầy đủ những liệu pháp giúp chữa lành tinh thần. Tuy nhiên, nếu bạn đã thử những cách giảm stress trên mà vẫn cần được hỗ trợ, bạn nên đến gặp chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn có một cuộc sống tươi vui, ổn định trở lại.