Đau răng hàm là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến. Khi gặp phải triệu chứng này, người bệnh sẽ cảm thấy đau buốt xung quanh bề mặt răng và lợi hoặc đau sâu bên trong răng. Trong trường hợp bạn chưa thể thu xếp thời gian đi gặp nha sĩ ngay thì có thể áp dụng cách giảm đau răng hàm dưới đây để giảm nhức răng tạm thời.
Nguyên nhân gây đau răng hàm
Đau răng không phải là một bệnh lý mà là triệu chứng của nhiều bệnh lý hoặc vấn đề về răng miệng khác. Một số nguyên nhân phổ biến gây đau răng hàm bao gồm:
- Sâu răng;
- Viêm tủy;
- Áp xe răng;
- Bệnh về nướu;
- Mọc răng khôn.
Ngoài ra, đau răng có thể do một số nguyên nhân ít gặp hơn như gãy răng, nghiến răng quá mức, đau do quy trình điều trị hoặc cân chỉnh răng, tụt lợi khiến cho bề mặt chân răng bị lộ,…
Cách giảm đau răng hàm hiệu quả, nhanh chóng
Khi bị đau răng, người bệnh cần sắp xếp thời gian đi khám nha sĩ sớm để biết được nguyên nhân và có phương hướng điều trị. Nếu bạn chưa thể đi khám ngay thì có thể áp dụng các cách giảm đau răng hàm dưới đây để giúp dễ chịu hơn.
Chườm túi nước lạnh
Chườm lạnh tạo ra nhiệt độ thấp tác dụng lên vùng răng bị đau nhức, giúp hạn chế lưu lượng máu dồn vào và làm tê liệt các dây thần kinh. Do đó mà với nhiều tình trạng đau nói chung và đau răng nói riêng, chườm lạnh thường được áp dụng để giúp làm giảm đau nhức tức thì.
Để chườm lạnh đúng cách và tránh gây ra các tổn thương răng lợi, bạn thực hiện như sau:
- Chuẩn bị một túi chườm bên trong chứa đá hoặc nước lạnh. Nếu không có túi chườm thì bạn có thể sử dụng khăn bông sạch để thay thế.
- Đặt túi chườm lên vùng má bên ngoài gần khu vực bị đau răng.
Lưu ý, bạn không nên áp dụng cách này nhiều vì có thể ảnh hưởng đến răng và các dây thần kinh liên quan.
Súc miệng bằng nước muối
Một trong những cách giảm đau răng hàm tại nhà đơn giản nhất đó là súc miệng bằng nước muối ấm. Biện pháp này vừa có tác dụng loại bỏ vi khuẩn, vừa đẩy lùi tình trạng viêm nhiễm trong khoang miệng. Nếu bị đau răng do viêm lợi, viêm nướu thì có thể súc miệng nước muối nhiều lần trong ngày.
Bạn có thể tự pha dung dịch nước muối loãng hoặc mua nước muối sinh lý, súc miệng và họng đều đặn 2 – 3 lần/ngày. Kể cả khi cơn đau răng đã được khắc phục thì bạn vẫn nên duy trì thói quen súc miệng nước muối hàng ngày để làm sạch khoang miệng và ngăn ngừa cơn đau tái phát.
Uống thuốc giảm đau
Việc uống thuốc giảm đau răng cũng là một giải pháp giảm đau răng được nhiều người lựa chọn. Các nha sĩ khuyên dùng loại thuốc acetaminophen để giảm đau răng đối với trẻ em. Còn người lớn có thể mua thuốc như ibuprofen.
Nếu sử dụng thuốc aspirin để giảm đau răng thì bạn hãy uống trực tiếp. Không nên đặt trong nướu hoặc hàm răng vì làm như vậy sẽ không hiệu quả, thậm chí có thể gây hại đến sức khỏe răng miệng.
Khi mua thuốc đau răng, cần nói rõ tình trạng sức khỏe của bản thân với dược sĩ để được tư vấn loại thuốc và liều dùng phù hợp.
Sử dụng thuốc gây tê
Bạn có thể bôi trực tiếp các loại gel hoặc thuốc gây tê vào răng và vùng nướu xung quanh để giảm đau. Thành phần benzocaine trong các loại thuốc này có tác dụng gây tê miệng trong thời gian ngắn, từ đó giúp phần nào giảm bớt cơn đau răng.
Tuy nhiên, việc bôi thuốc tê hoặc hợp chất gây tê cũng cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn y tế để tránh làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Dùng tinh dầu cỏ xạ hương
Tinh dầu chứa nhiều chất kháng khuẩn, làm sạch, giảm viêm nhiễm nên có tác dụng giảm đau hiệu quả. Trong đó, tinh dầu cỏ xạ hương được nhiều chuyên gia khuyên dùng trong việc điều trị các bệnh nhiễm trùng nói chung và viêm trong khoang miệng nói riêng.
Để sử dụng tinh dầu cỏ xạ hương trị đau răng, bạn hãy nhỏ một vài giọt tinh dầu vào nước ấm, sau đó dùng để súc miệng. Ngoài ra, bạn có thể nhỏ tinh dầu vào bông gòn rồi thấm trực tiếp lên vùng răng lợi bị đau.
Chữa đau răng với tỏi
Tỏi có chứa chất Allicin có hoạt tính kháng khuẩn rất mạnh. Vì thế, dân gian lưu truyền bài thuốc sử dụng tỏi để xoa dịu đau nhức răng và làm giảm sưng viêm.
Bạn áp dụng phương pháp này bằng cách nghiền nát tỏi tươi rồi đem trộn với nước và muối hạt, sau đó đắp hỗn hợp lên vùng răng bị đau. Không nên sử dụng mỗi tỏi tươi nghiền nát mà phải trộn với nước để tránh nồng độ cao có thể gây bỏng niêm mạc miệng.
Cách phòng ngừa tình trạng đau răng hàm
Đau răng ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe và sinh hoạt, có thể trở nên nghiêm trọng nếu không được điều trị sớm. Do vậy, cần phòng ngừa và biết chăm sóc sức khỏe răng miệng đúng cách để tránh gặp phải những cơn đau răng khó chịu.
Những điều cần làm để chăm sóc và bảo vệ răng miệng bao gồm:
- Đánh răng với kem đánh răng có chứa Fluoride ít nhất 2 lần/ngày.
- Sử dụng chỉ nha khoa ít nhất một lần trong ngày để vệ sinh kẽ răng và loại bỏ thức ăn thừa.
- Súc miệng hàng ngày để tránh sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
- Hạn chế hút thuốc lá và dùng thực phẩm, thức uống chứa nhiều đường.
- Khám răng định kỳ 6 tháng/lần để lấy cao răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng.
Trên đây là các cách giảm đau răng hàm tại nhà mà bạn có thể áp dụng để xoa dịu cơn đau. Nếu thấy tình trạng không thuyên giảm, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị kịp thời. Sau khi chữa trị ở nha khoa xong cần có biện pháp chăm sóc đúng cách để duy trì sức khỏe răng miệng và tránh cơn đau tái phát.
Cẩm Ly
Nguồn tham khảo: Medlatec.vn