Cách giảm sổ mũi, nghẹt mũi không dùng thuốc – Thanh Niên

Uống nhiều nước

Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng Đơn vị Điều trị Ban ngày, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cơ sở 3, chia sẻ, nếu bị chảy nước mũi kèm với triệu chứng nghẹt mũi, nên uống nhiều nước, không để cơ thể mất nước. Nước sẽ giúp làm loãng chất nhầy trong mũi, giúp xì mũi dễ dàng hơn.

Nếu cơ thể không đủ nước, chất nhầy sẽ dày và dính, khiến tình trạng nghẹt mũi nghiêm trọng hơn. Nên uống nước lọc, nước ấm càng tốt, nước trái cây, nhưng kiêng các loại đồ uống gây mất nước như cà phê hoặc đồ uống có cồn.

Uống nhiều nước giúp làm loãng chất nhầy trong mũi, giúp xì mũi dễ dàng hơn

ảnh minh họa: Shutterstock

Uống trà thảo dược

Trà thảo dược ấm nóng có hơi nước ấm sẽ giúp thông mũi, dễ thở hơn. Bên cạnh đó, các thành phần thảo mộc chứa tinh dầu có thể giúp thông mũi nhẹ, làm ấm, sát khuẩn.

“Nên dùng các loại trà có chứa các loại thảo mộc chống viêm và kháng histamin, chẳng hạn như hoa cúc, gừng, bạc hà. Trà thảo dược còn có tác dụng làm giảm ho và dịu cơn đau họng”, bác sĩ Vũ khuyến cáo.

Xông hơi mặt hoặc tắm nước ấm

Xông mặt bằng nước nóng có thể giúp giảm chảy nước mũi và thông đường hô hấp, giúp dễ thở, cảm thấy thư giãn hơn. Có thể xông mũi ngày 2 lần để làm ấm mũi, giảm phù nề, sát khuẩn. Không nên xông quá nhiều hoặc quá nóng gây tổn thương niêm mạc gây nghẹt mũi nhiều hơn.

Rất hay:  TỔNG HỢP các hàm thống kê trong excel RẤT CẦN THIẾT

Khi xông nên để khoảng cách giữa mặt và nước là 30 cm để tránh bỏng da, hít thở sâu để hơi nước vào mũi, sau đó, xì mũi để loại bỏ chất nhầy. Có thể cho thêm vài giọt tinh dầu hoặc dầu gió vào tô nước để tăng hiệu quả. Một số loại tinh dầu giúp thông mũi như bạch đàn, bạc hà, hương thảo, quế, sả, bưởi…

Đối với xông toàn thân nên sử dụng các loại dược liệu chứa tinh dầu như sả, bạc hà, quế, mùi, bưởi, tràm, màng tang, long não, kinh giới, tía tô, vỏ bưởi, lá bưởi, lá tre, hương nhu… Thời gian xông tùy theo mức độ chịu đựng của mỗi người, trung bình từ 5-10 phút, nhiệt độ từ khoảng 60-70 độ C.

Bác sĩ Vũ lưu ý, khi xông xong phải thay quần áo ngay, lau khô người; uống bù nước, điện giải, không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu. Không dùng xông toàn thân cho người bệnh bị khí huyết hư, khí âm hư và cơ thể suy nhược, không xông cho bệnh nhân ra mồ hôi nhiều, phụ nữ có thai, phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt, tiêu chảy, cao huyết áp và người có bệnh lý nền về tim mạch, tâm thần…

Ngoài ra có thể xông phòng bằng tinh dầu như sả, quế, tràm, khuynh diệp, trầm hương, chanh… Cho khoảng 0,5 ml (tương đương 5 giọt) một trong các loại tinh dầu này vào ly nước 80-90 độ C cho phòng khoảng 20 m2 để diệt khuẩn.

Rất hay:  Cách uống chanh mật ong giảm cân hiệu quả và những lưu ý khi uống

Nên tắm với nước ấm, hơi nước ấm sẽ giúp làm loãng chất nhầy, giúp dễ xì mũi hơn.

Súc miệng bằng nước muối ấm

Súc miệng bằng nước muối ấm làm đờm và chất nhầy tích tụ trong cổ họng, khoang mũi sẽ được làm loãng và dễ khạc. Đồng thời, liệu pháp này còn làm sạch cổ họng và loại bỏ vi khuẩn.

Ăn thực phẩm cay, nóng làm chảy nước mũi nhiều hơn, giúp giảm nghẹt mũi như ớt, wasabi và gừng. Chất capsaicin trong ớt có thể khiến cơ mũi giãn ra tạm thời, do đó bạn có thể hít thở dễ hơn. Tuy nhiên, khi ngưng ăn chất cay nóng thì sẽ bị nghẹt mũi trở lại.

Xoa xát vùng xoang, vùng trán giúp làm ấm vùng, thông mũi: dùng cạnh bên ngón trỏ của 2 bàn tay xát hai bên cánh mũi; dùng 2 bàn tay xoa vùng mặt từ dưới lên trên, từ trong ra ngoài; dùng lòng bàn tay xát vùng trán theo chiều ngang.

Chườm ấm vùng trán, vùng đỉnh đầu bằng khăn ấm hoặc túi chườm thảo dược đã được làm nóng sẽ giúp thông mũi, giảm sổ mũi ngay nhanh chóng.