5 Cách Giảm Stress Hiệu Quả – Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh

Những yêu cầu ngày càng tăng của cuộc sống hiện đại không ngừng gây sức ép, căng thẳng lên tinh thần và thể xác của chúng ta. Công việc quá tải, nhu cầu trong gia đình, chăm sóc con cái… và vô số vấn đề khác có thể tạo áp lực khiến bạn nhiều lúc cảm thấy mệt mỏi, tưởng như không thể duy trì sự chịu đựng. Những thay đổi về thể chất, tinh thần, tâm lý cũng như hành vi của chúng ta khi đương đầu với áp lực và căng thẳng gọi là stress.

1. Stress tiêu cực hay tích cực

Stress cấp tính như khi bạn gặp một tình huống nguy hiểm, đe dọa khẩn cấp hay sự lo sợ và chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn. Ví dụ phỏng vấn xin việc hay nguy cơ xảy ra một tai nạn…

Stress mãn tính là đáp ứng của cơ thể không cực độ như stress cấp tính nhưng kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng thậm chí nhiều năm: khó khăn về tài chính, bệnh tật, mâu thuẫn trong các mối quan hệ…

Stress cũng có ý nghĩa tích cực vì là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể trước nguy hiểm. Nó làm bạn trở nên tập trung hơn, nhạy bén hơn, mạnh mẽ hơn, như thúc giục bạn nhanh chóng đạp thắng để tránh một tai nạn đụng xe.

Stress còn là chất kích thích giúp bạn nỗ lực hơn lên để vượt qua thách thức và đạt mục tiêu như vận động viên có thêm sức mạnh để vượt qua đối thủ, cậu sinh viên nỗ lực học để vượt qua kỳ thi. Thăng chức, mua nhà mới, sinh con… là những stress mang tính tích cực.

Tuy nhiên nếu quá một giới hạn nào đó, stress không còn có lợi nữa, trái lại nó có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, khả năng làm việc và chất lượng sống.

2. Nguyên nhân gây stress

Nguyên nhân gây stress có thể là khách quan, từ phía gia đình như chăm sóc con cái, khó khăn tài chính, người thân bị bệnh tật hay qua đời, ly hôn, thay đổi chỗ ở… Hay từ chỗ làm việc như công việc quá tải, thay đổi công tác, mâu thuẫn với người trong cơ quan, hoàn thành công việc kịp deadline …Ngoài ra còn có những sự kiện xảy đến từ cộng đồng, môi trường hay những biến cố không thể biết trước .

Nguyên nhân chủ quan cũng đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra stress, thường là do tính cách, sự nhận thức của mỗi người, ví dụ quá cầu toàn, trông đợi vào những điều không thực tế, bi quan, tự ti, thiếu tính quả quyết…

Đáp ứng stress: Khi gặp stress, cơ thể chúng ta có thể đáp ứng theo từng cấp độ khác nhau: trước một tình huống nguy hiểm khẩn cấp, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra adrenalin và cortisol làm cho tim đập nhanh, huyết áp tăng, nhịp thở nhanh và nông, tăng trương lực cơ và giác quan bạn trở nên nhạy bén hơn. Những thay đổi này làm bạn mạnh mẽ hơn, thêm sức chịu đựng, phản ứng nhanh hơn, tăng sự tập trung để sẵn sàng đương đầu hay lẫn tránh nguy hiểm bạn đang gặp phải; đây gọi là đáp ứng stress (stress response) hay còn gọi là đáp ứng chiến đấu hoặc chạy (fight or flight response).

Rất hay:  Cách làm DƯA CẢI MUỐI CHUA giòn ngon lên màu đẹp, không bị

Nếu nguyên nhân gây stress qua đi hay đựơc giải quyết, các chức năng của cơ thể trở lại mức bình thường. Trong trường hợp stress vẫn tiếp tục, cơ thể đối phó bằng sự thích nghi. Khi đó, mặc dù bạn cảm thấy mọi sự như trở lại bình thường nhưng cơ thể vẫn phải sử dụng năng lượng dự trữ, và đến một lúc nào đó nó không còn khả năng họat động hiệu quả nữa. Bây giờ bạn trở nên mệt mỏi, đờ đẫn hoặc cáu gắt.

3. Tác hại do stress gây ra

Stress kéo dài sẽ dẫn đến sự mất cân bằng hocmon, làm cơ thể suy kiệt và gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng:

  • Già sớm
  • Suy giảm hệ miễn dịch nên chúng ta dễ mắc bệnh nhiễm trùng như cảm cúm, lao…
  • Tăng nguy cơ bệnh tim mạch: khi bị stress , huyết áp tăng, tim đập mạnh và nhanh hơn nên người có sẵn bệnh tim dễ bị cơn đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim hay đột quỵ, bệnh mạch vành cũng gia tăng
  • Người bị hen dễ bị lên cơn hen khi gặp stress
  • Đau dạ dày, hội chứng đại tràng kích thích, ăn khó tiêu…
  • Bệnh về da: chàm, phát ban, vẩy nến, mụn
  • Đau mãn tính làm cho các bệnh như viêm khớp, đau lưng khó trị
  • Rối lọan tâm thần: lo âu, buồn rầu….

Những nguyên nhân gây stress của người nầy có thể hòan tòan khác với người kia. Lý do là sự đáp ứng stress ở mỗi người mỗi khác và chịu tác động của nhiều yếu tố như:

– Sự hỗ trợ của người thân, bạn bè sẽ giúp làm giảm stress rất tốt. Những người sống cô độc hay bị cô lập dễ bị tổn thương do stress

– Khả năng kiểm soát của bạn: nếu bạn tự tin và có thể xử lý tình huống một cách kiên trì để vượt qua thách thức, bạn sẽ dễ dàng chịu đựng stress kéo dài. Những người cảm thấy các áp lực vượt quá khả năng kiểm soát của mình là những người dễ bị stress

– Tính cách: người lạc quan là người có khả năng chịu đựng stress. Họ chấp nhận stress như một thách thức sẵn sàng vượt qua để đạt mục đích cao hơn

– Khả năng chế ngự cảm xúc: bạn sẽ rất dễ bị tổn thương do stress nếu bạn không biết cách tự làm cho mình bình tĩnh, dịu lại khi cảm thấy giận dữ, buồn rầu hay lo sợ. Khả năng đưa cảm xúc trở lại thế cân bằng giúp bạn tránh được những tác hại do stress gây nên.

– Kiến thức và sự chuẩn bị: hiểu rõ về nguyên nhân gây stress, biết sẽ kéo dài bao lâu và tiên liệu điều gì sẽ xảy đến giúp bạn dễ dàng đối phó

Rất hay:  Cách sử dụng máy đo huyết áp điện tử - Siêu Thị Y Tế

– Kinh nghiệm bản thân: khảo sát cho thấy nhũng người lúc nhỏ bị stress nặng đến tuổi trưởng thành dễ bị tổn thương do stress

Stress là một phần của cuộc sống và trong nhiều trường hợp bạn không thể lọai bỏ nó. Vấn đề là làm thế nào để nhận ra được giới hạn của stress tác hại lên sức khỏe và có biện pháp làm giảm sự tác hại đó. Điều nguy hiểm là stress xâm chiếm bạn từ từ khiến bạn quen với nó, trở nên thân thuộc, thậm chí coi nó như là điều bình thường. Bạn không thể cảm nhận stress gây hại cho cơ thể như thế nào ngay cả khi tổn thương đã trầm trọng.

4. Làm thế nào để biết bạn đang bị stress quá mức ?

Hãy tự nhận xét xem bạn có những biểu hiện sau không:

Về nhận thức:

– Rối lọan trí nhớ

– Không thể tập trung

– Phán đóan kém

– Chỉ nhìn thấy khía cạnh tiêu cực của một vấn đề

– Lo âu hoặc thường xuyên lo lắng

Về cảm xúc:

– Buồn rầu, ủ rủ

– Cáu gắt, cộc cằn

– Bị kích động, khó bình tĩnh

– Cảm giác cô đơn hoặc bị cô lập

– Chán nản

Về thể chất:

– Đau nhức

-Tiêu chảy hay táo bón

– Chóng mặt,buồn nôn

– Đau ngực, đánh trống ngực

– Mất ham muốn tình dục

– Hay bị cảm lạnh

Về hành vi:

– Biếng ăn hoặc ăn quá nhiều

– Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều

– Tự cô lập

– Uống rựơu, hút thuốc nhiều

– Nhũng thói quen biểu lộ sự bồn chồn như cắn móng tay, đi tới đi lui

Càng có nhiều những triệu chứng kể trên, khả năng bạn bị stress quá mức càng cao. Nên nhớ những triệu chứng của stress cũng có nguyên nhân bệnh lý hoặc tâm lý khác. Vì vậy bạn cần đi khám bệnh để bác sĩ đánh giá một cách toàn diện và giúp xác định triệu chứng nào liên quan đến stress.

5. Biện pháp làm giảm stress:

1: Xác định nguyên nhân gây stress. Một khi biết được nguyên nhân , mặc dầu bạn không thể lọai trừ được nó nhưng có thể tìm ra hướng giải quyết nhằm làm giảm tác hại của stress lên sức khỏe.

2: Lên kế họach: Ví dụ công việc quá bề bộn trong khi bạn có rất ít thời gian để hoàn thành. Bạn hãy sắp xếp, tổ chức lại công việc; ưu tiên việc nào cần làm trước, lập kế hoạch phân bổ công việc mỗi ngày, nhờ người phụ giúp nếu cần…

3: Thay đổi cách suy nghĩ: Nhiều nguyên nhân gây stress phát xuất từ quan niệm và suy nghĩ của chính bạn. Vì vậy trước một vấn đề gây bức xúc căng thẳng bạn thử phân tích theo một khía cạnh khác . Hãy gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực ,thay vào đó bằng những ý tưởng tích cực, ví dụ: đừng nói tôi không có nguồn hỗ trợ nào cả, hãy nói ‘cái khó sẽ ló cái khôn’… Quan niệm hay niềm tin cũng có thể gây ra stress, ví dụ một người quan niệm rằng anh ta chỉ nghỉ ngơi khi hoàn tất công việc, thế là một công việc quá tải sẽ làm anh ta bị stress quá mức. Cũng có thể người khác không cùng quan điểm với bạn, nếu áp đặt cho họ sẽ sinh ra mâu thuẫn và gây stress.

Rất hay:  Giảm cận thị 1 - 2 độ không cần phẫu thuật tại nhà hiệu quả

Sau cùng, bạn hãy biết chấp nhận, dù bạn có muốn hay không stress vẫn đến và tồn tại. Nên nhớ rằng mọi người ai cũng gặp stress và có thể bạn là người may mắn vì còn nhiều người bị stress nặng nề hơn bạn.

4: Chăm sóc bản thân: Ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Thường xuyên tập luyện, trong khi tập luyện tinh thần bạn sẽ thư giãn và dịu lại. Dành thời gian để tiêu khiển sau những giờ làm việc mệt nhọc. Vui cười và hãy giao du với những người lạc quan, vui tính. Khi cuời làm giãn cơ, tim khỏe hơn và thở dễ dàng hơn. Tập thư giãn và tập thiền.

Theo bác sĩ Herbert Benson, chuyên gia tim mạch thuộc trường đại học y khoa Havard, việc đều đặn tập thở bụng chậm và sâu mỗi ngày trong thư thế ngồi hoặc nằm thả lỏng cơ thể, mỗi lần ít nhất 10- 20 phút sẽ đem lại hiệu quả gọi là đáp ứng thư giãn (relaxation response) có tác dụng làm mất đi tác hại của đáp ứng stress vì làm giảm huyết áp, giảm nhịp tim ,giảm nhịp thở, giảm mức tiêu thụ oxy của cơ thể… Stress là đáp ứng tự động nhưng để có đáp ứng thư giãn bạn cần thường xuyên tập luyện .

5: Biết cách kiểm soát cơn giận dữ. Giận dữ làm cho stress càng nặng thêm và ở người bị bệnh tim mạch, cao huyết áp có thể dẫn đến cơn nhồi máu cơ tim, đột quỵ …Vì vậy chế ngự cơn giận là kỹ năng quan trọng để kiểm soát stress. Trước hết bạn cần nhận biết dấu hiệu của cơn giận sắp xảy ra: mặt đỏ bừng, tim đập mạnh nhanh, thở dồn dập, răng nghiến chặt… Khi ấy bạn hãy cố lãng quên sự việc, hít thở sâu và chậm, đếm đến 10 để cơn giận tan bớt và bộ não bạn có thì giờ nắm bắt cảm xúc và có thời gian suy nghĩ trước khi hành động. Thư giãn bằng cách đi bộ, nghe nhạc, xem phim, làm vườn…

Điều quan trọng cần lưu ý là bạn không nên chờ đến khi có triệu chứng stress xảy ra mới giải quyết hậu quả. Chúng ta cần phải tích cực áp dụng các biện pháp kiểm soát stress thường xuyên để sẵn sàng đương đầu với những áp lực và căng thẳng không thể tránh khỏi trong cuộc sống.

(theo Bs. Đồng Sĩ Tính – Phòng khám 2

Bệnh viện Đa Khoa Vạn Hạnh)

——————————————————————📥 Bệnh viện đa khoa Vạn Hạnh với tiêu chí “Người bệnh trên hết”⏱⏱ Trên 20 năm kinh nghiệm chữa trị đồng hành cùng bạn bảo vệ sức khỏe:📞 Hotline 028.3863.2553🌐 Website benhvienvanhanh.vn🏫 Địa chỉ: 781/B1-B3-B5 Lê Hồng Phong, Phường 12, Quận 10, Hồ Chí Minh