Cách viết một bài giới thiệu sách

CÁCH VIẾT MỘT BÀI GIỚI THIỆU SÁCH Một bài giới thiệu sách hấp dẫn đòi hỏi nhiều công sức của người giới thiệu nhưng sẽ kích thích đọc giả tìm đọc sách. Thư viện trường Tiểu học Bãi Bông xin được giới thiệu một số điều cơ bản để bài viết giới thiệu sách hấp dẫn.A. Chuẩn bị giới thiệu: Giới thiệu sách thường áp dụng đối với từng cuốn sách cụ thể, một bài giới thiệu sách thường gồm 3 phần chính: Phần 1: Mở đầu Phần mở đầu bài giới thiệu rất quan trọng vì nó tạo được ấn tượng và sự thu hút đối với người nghe. Có nhiều cách để mở đầu một bài giới thiệu sách, thông thường có thể trình bày theo một số cách như sau: – Nêu vị trí, tầm quan trọng của vấn đề chính được trình bày trong tác phẩm. Ví dụ: Tiếng Việt là một bộ môn quan trọng không thể thiếu được trong nhà trường phổ thông, đặc biệt là bậc tiểu học. Để giúp giáo viên nắm bắt được những vấn đề trọng tâm trong quá trình giảng dạy, để giải đáp những băn khoăn, thắc mắc của nhiều giáo viên hiện nay về nội dung phương pháp dạy học tiếng Việt ở tiểu học, tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc cuốn “Giải đáp 88 câu hỏi về giảng dạy tiếng Việt ở Tiểu học” của tác giả Lê Hữu Tình và Trần Mạnh Hưởng do Nhà xuất bản Giáo dục xuất bản năm 2000. – Nêu đặc điểm hình thức của tác phẩm: Tên sách, phụ đề, các tác giả cộng tác, nhà xuất bản, năm xuất bản, lần xuất bản, số trang, khổ sách, tranh ảnh, bản đồ, sơ đồ, hình thức trình bày, cơ quan liên quan đến việc xuất bản hoặc chỉ đạo nội dung sách (nếu có). Ví dụ: Các em học sinh yêu quý! Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, cô xin được giới thiệu với các em cuốn sách “Tuổi thơ im lặng” của nhà văn Duy Khánh. Sách dày 192 trang, gọn nhẹ, in trên khổ giấy 10,2 x 15,2cm do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành. Bìa sách được họa sĩ Tô Ngọc Thành thể hiện chủ yếu bằng mảng màu hài hòa, như một khoảng trời tuổi thơ tràn đầy kỷ niệm. Nổi bật là dòng chữ “Tuổi thơ im lặng” và hình khung ảnh viền vàng như một khung kí ức tuổi thơ. Ở đó có hình ảnh người con của quê hương đang đặt tay lên ngực, thổn thức nghĩ về tuổi thơ xa ở một làng quê yêu dấu. – Nêu vài nét về tiểu sử, sự nghiệp của tác giả. Ví dụ: Cô chào tất cả các em ! Trong buổi giới thiệu sách hôm nay, cô cảm thấy rất vui vì sự có mặt đông đủ của các em. Món quà mà cô mang đến cho các em hôm nay là tập thơ “Góc sân và khoảng trời” của nhà thơ Trần Đăng Khoa, người vẫn được các văn nghệ sĩ ngưỡng mộ gọi tên một cách trìu mến là cậu bé Khoa, thần đồng Khoa. Trần Đăng Khoa sinh năm 1958 tại một làng quê của đồng bằng Bắc Bộ, nơi có con sông Kinh Thầy đã đi vào lịch sử với những chiến công của anh hùng liệt sĩ Mạc Thị Bưởi. Nơi có góc sân và khoảng trời riêng đầy ắp kỷ niệm đã tạo nguồn cảm hứng để Trần Đăng Khoa làm nên những bài thơ tuyệt tác. Ở đó các em sẽ học được nhiều điều bổ ích để bồi dưỡng cho tâm hồn và tình cảm của mình. Đồng thời các em sẽ học tập được ở Trần Đăng Khoa những điều rất hay về bộc lộ cảm xúc thông qua các hình thức biểu đạt độc đáo như: sự quan sát, sự liên tưởng, cách sử dụng từ ngữ, cách vận dụng các biện pháp nghệ thuật trong khi tả, khi kể. Phần 2: Giới thiệu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm Đây là phần chính của bài giới thiệu. Yêu cầu chung của phần này là khái quát, tóm tắt nội dung chủ đề tác phẩm, nêu được giá trị nội dung của tác phẩm đối với xã hội và người nghe. 1. Về nội dung: – Có thể nêu bố cục nội dung của cuốn sách, trong bố cục của sách có thể đi từ chương tới các phần hoặc có thể nêu hết tên chương rồi tới tác phẩm. Ví dụ: Cuốn sách “Mĩ thuật và phương pháp dạy-học mĩ thuật ở tiểu học” có bố cục như sau : Chương I: Vẽ tranh đề tài tự do. Chương này gồm 4 nội dung chính: Nội dung 1: Khái niệm và phân biệt giữa vẽ tranh đề tài và tranh tự do. Nội dung 2: Phương pháp xây dựng bức tranh và đề tài tự do. Nội dung 3: Xem tranh. Nội dung 4: Phương pháp dạy vẽ tranh đề tài và tranh tự do. Chương II: Giảng tranh. Chương này gốm có các nội dung chính : Nội dung 1: Giới thiệu và phân tích một số tác phẩm hội họa và điêu khắc của Việt Nam, thế giới. Nội dung 2: Cách phân tích và đánh giá một tác phẩm hội họa. Nội dung 3: Tranh dân gian. Nội dung 4: Cách phân tích và đánh giá cái đẹp trong tranh thiếu nhi. Nội dung 5: Giảng tranh với các hình thức lôi cuốn được các em học sinh. – Tuy nhiên ngoài các yêu cầu chung, mỗi loại sách lại có những yêu cầu cách giới thiệu nội dung riêng, cụ thể: + Đối với truyện tiểu thuyết, kí: Cần tóm tắt cốt truyện (không phải kể lại) nêu đề tài, chủ đề tư tưởng, lý tưởng, thẩm mĩ (phê phán hoặc ca ngợi, xây dựng cái gì?). Giá trị nội dung và chủ đề tư tưởng của tác phẩm. + Đối với sách chính trị – xã hội: Cần khái quát được những quan điểm cơ bản được trình bày trong sách, những quan diểm về chính trị, các trường phái triết học…Sự đúng đắn và cần thiết của những quan điểm, vấn đề trong xã hội đối với bạn đọc. + Đối với những sách lịch sử: Cần nêu rõ phạm vi thời gian mà tác phẩm đề cập đến cùng những đặc điểm của giai đoạn lịch sử đó. Đối với những sách mang dấu ấn địa lý cần nêu rõ khu vực mà tài liệu đó đề cập tới. + Đối với sách kĩ thuật: Cần nêu được vấn đề kĩ thuật và đặt ra biện pháp giải quyết của tác giả, có thể liên hệ với thực tiễn, nêu lên giá trị ứng dụng của vấn đề đó trong thực tiễn sản xuất, trong phát triển kinh tế và đời sống, nêu rõ đối tượng của sách. + Đối với những sách tái bản: Cần nêu được những thay đổi bổ sung chỉnh lí so với lần xuất bản trước. 2. Giới thiệu nghệ thuật, phương pháp luận của tác phẩm: – Mỗi loại sách lại có những yêu cầu giới thiệu về nghệ thuật khác nhau. Đối với sách văn học yêu cầu cao hơn so với sách chính trị xã hội hoặc sách kĩ thuật. Yêu cầu chung: Nêu được những thủ pháp nghệ thuật, phương pháp luận nghiên cứu tác phẩm của tác giả. Ngoài yêu cầu chung cần chú ý tới những đặc điểm riêng của từng loại sách + Đối với sách văn học nghệ thuật: Nêu những đóng góp về nghệ thuật của tác phẩm đối với nền văn học và lí luận phê bình văn học. + Đôi với truyện, kí và tiểu thuyết: Phân tích kết cấu cốt truyện, tính cách nhân vật điển hình… làm rõ tác dụng của nghệ thuật trong việc thể hiện nội dung chủ đề tư tưởng. + Đối với tác phẩm thơ ca: Sử dụng hình ảnh, tứ thơ, thể thơ. Bố cục thể hiện cảm xúc tình cảm chủ đạo của tập thơ. + Đối với sách khoa học chính trị-xã hội: Cần nêu được những phương pháp luận nghiên cứu khoa học được sử dụng như: Đối chiếu so sánh, phân tích thống kê, chọn mẫu… Tác dụng của chúng đối với việc thể hiện nội dung như thế nào? Ngoài ra cần nêu bố cục chặt chẽ, từ ngữ chính xác. Cách viết dễ hiểu phù hợp với đối tượng người đọc… – Tuy nhiên đối với một bài giới thiệu đôi khi không thể tách bạch một cách rõ ràng giữa phần giới thiệu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm đặc biệt với các tác phẩm văn học. Cũng có thể đan xen hai phần này một cách mềm mại làm cho bài giới thiệu hấp dẫn. Phần 3: Kết luận Khẳng định lại giá trị của tác phẩm. Có thể tìm đọc sách ở đâu vào thời gian nào.B. Nghệ thuật trình bày giới thiệu sách cho bạn đọc: Muốn cho việc giới thiệu sách hiệu quả cao hơn cần phải đặc biệt chú ý tới nghệ thuật diễn thuyết. Yêu cầu không quá thời gian quy định. Từ ngữ dễ hiểu, chọn sách phù hợp với người nghe. Ánh mắt nụ cười, cử chỉ sinh động giọng nói lên bổng xuống trầm. Âm lượng khỏe khoắn thu hút người nghe từ đầu đến cuối. Một số chú ý khác: – Chọn sách để giới thiệu: Sách được mọi người quan tâm, có tính thời sự, sách còn mới, có giá trị cao. – Chọn được những chi tiết điển hình hấp dẫn minh họa cho bài giới thiệu sách. Có thể đặt ra những câu hỏi sử dụng những tình tiết tạo ra những mâu thuẫn gay gắt, những nút thắt và những vấn đề bức xúc tạo sự tò mò, gợi mở cho người đọc nhưng lại không trả lời cho những câu hỏi đó. Mục đích chính của việc này là để thu hút bạn đọc tự tìm đến sách, tự thỏa mãn nhu cầu của mình. Ví dụ: Có khi nào bạn gặp những bông hoa sặc sỡ to bằng cái nong chưa? Bạn đã thấy cây đại thụ 5000 năm tuổi chưa? Bạn thử đoán xem rễ cây nào dài nhất thế giới? Có bao giờ bạn nghĩ rằng các thứ hoa khác nhau lại có thể hợp thành chiếc đồng hồ chính xác hay không? Bạn đã từng nói về cây ăn thịt, nhưng chúng ăn thịt như thế nào? Biết bao câu hỏi về thế giới thực vật mà các bạn đang băn khoăn thì giờ đây, trên tay tôi là cuốn sách :“Chuyện lạ có thật về thực vật’’ của giáo sư Lê Quang Long và Nguyễn Thị Thanh Huyền do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1995 sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn. – Bài giới thiệu cần tránh lạm dụng các hình thức tuyên truyền khác, tránh sa vào kể hoặc phân tích, bình giảng, bình thơ, đánh giá tác phẩm làm thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của người nghe, không gây được hứng thú đọc. – Giới thiệu sách trong thư viện là hình thức tuyên truyền miệng ở trình độ cao. Nó vận dụng một cách tổng hợp, hợp lý các hình thức tuyên truyền miệng khác nhau như kể, điểm sách, nói chuyện… Mục đích cao nhất của giới thiệu sách là làm cho người nghe thấy được cuốn sách cần thiết cho họ, gây được hứng thú nhu cầu tìm đọc cuốn sách đó. Chúc các thầy cô sẽ có những bài giới thiệu hay giới thiệu tới các bạn đọc.

Rất hay:  Cách thêm tin nổi bật trên Facebook - Thủ Thuật Phần Mềm