9 Cách gọi sữa về nhiều “ướt áo” cho mẹ sau sinh nhanh nhất

Tắc sữa, sữa không về, sữa về chậm… đều là những hiện tượng phổ biến đối với mẹ sau sinh. Vậy, làm thế nào để khắc phục tình trạng trên? Đâu là các cách gọi sữa về nhiều nhanh nhất cho mẹ sau sinh? Hãy cùng Nutrihome tìm hiểu ngay trong bài viết sau.

Sữa mẹ là thức ăn hoàn hảo nhất cho bé sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc mẹ đang cố gắng tìm cách gọi sữa về là điều rất đáng trân trọng vì nó cho thấy mẹ luôn là người thấu hiểu và biết yêu con thương theo một cách khoa học nhất.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu tiên và tiếp tục cho con bú đến hết 24 tháng là mong mỏi của rất nhiều người mẹ hiện nay. Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có đủ điều kiện để thực hiện điều đó, bởi tắc sữa, sữa không về, sữa về chậm… là những hiện tượng phổ biến mà mẹ sẽ gặp phải sau sinh. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Vì sao sữa về chậm, ít sữa sau sinh?

Cơ thể mẹ có 2 loại hóc-môn (nội tiết tố) khác nhau chịu trách nhiệm cho việc sản xuất sữa và tiết sữa, đó là hormone Prolactin và Oxytocin. Nếu cơ thể mẹ bị thiếu hụt một trong hai loại hormone trên, mẹ sẽ gặp hiện tượng ít sữa, tắc sữa, thậm chí là mất sữa. (1, 2)

Lưu ý:

  • Hiện tượng sữa mẹ về chậm sau sinh không có nghĩa là mẹ sẽ không có sữa hoặc ít sữa cho con bú trong suốt những tháng đầu đời của trẻ mà nhiều khả năng, sữa sẽ về ào ạt sau đó vài ngày.
  • Tuy nhiên, sữa càng về chậm, bé sẽ càng giảm hoặc mất đi cơ hội được bú những giọt sữa non quý giá – loại sữa chỉ tồn tại trong vòng 72 giờ sau sinh nơi bầu ngực của mẹ..

Mẹ nào trong quá trình cho con bú mà thấy ít sữa, hoặc sữa đột nhiên giảm dần, có nguy cơ mất hẳn thì càng cần phải nắm rõ các cách gọi sữa về thuần thục hơn các mẹ khỏe mạnh. Để thực hiện các cách gọi sữa về nhanh và hiệu quả, trước hết mẹ cần nắm được cơ chế sản sinh sữa trong cơ thể:

  • Đầu tiên, sau khi sinh bé, nồng độ prolactin trong cơ thể mẹ sẽ tăng cao, lượng hormone này sẽ đi vào máu đến tuyến vú, sau đó kích thích các tế bào tiết sữa.
  • Sau đó, khi sữa được sản xuất sẽ được tích trữ tại các nang sữa thì cần đến sự tham gia của oxytocin để giải phóng sữa.
  • Oxytocin sẽ làm co bóp các cơ trơn quanh nang, sau đó đẩy sữa khỏi nang, đi vào các ống sữa và chảy ra ngoài theo tác động và lực mút của bé.

Vì thế, để đảm bảo sữa mẹ tiết ra đều đặn thì cơ thể của mẹ cần phải đảm bảo tiết ra đầy đủ Prolactin và Oxytocin. Bằng cách cho trẻ bú càng sớm càng tốt và càng nhiều càng tốt, mẹ có thể chủ động cải thiện tăng vấn đề tiết sữa trong cơ thể.

Khi trẻ bú càng nhiều, cơ thể mẹ được kích thích tạo ra càng nhiều hormone, ngược lại khi trẻ bú ít hoặc bú không thường xuyên, cơ thể sẽ điều chỉnh giảm prolactin để tiết bớt sữa lại.

Cách gọi sữa về nhiều, về nhanh và đặc cho mẹ mới sinh

Sau khi đã hiểu được cơ chế sản sinh sữa trong cơ thể mẹ, thì bạn đã có thể áp dụng các phương pháp làm sao để sữa về nhiều. Dưới đây là một số cách gọi sữa về nhanh nhất và đặc sánh sau sinh:

Cách 1: Cho con bú mẹ ngay sau khi sinh

Đối với cả mẹ sinh mổ và sinh thường, sau khi nhau thai bị bong ra, cơ thể mẹ sẽ tự động phát đi tín hiệu sản xuất sữa. Ban đầu có thể sữa sẽ về rất ít nhưng mẹ cũng không cần quá lo lắng mà hãy cứ tự tin cho bé bú bình thường. Như vậy sẽ tận dụng được những giọt sữa non quý giá đầu tiên, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ gọi sữa về nhanh hơn. (3, 4)

Theo các chuyên gia, tiếp xúc da kề da sau sinh giữa mẹ và bé là một trong những cách gọi sữa về nhanh nhất, hiệu quả nhất và thuận tự nhiên nhất. Khi tiếp xúc da kề da, bản năng của trẻ là sẽ tự tìm và bú mẹ một cách tự nhiên. (5)

Lúc này, niềm hạnh phúc và cảm xúc khi nhìn con mới chào đời của mẹ cũng sẽ thúc đẩy nồng độ oxytocin trong cơ thể mẹ tăng lên, hỗ trợ cải thiện tình trạng ít sữa, tắc sữa. Mặt khác, khi môi bé trực tiếp tiếp tiếp xúc với đầu ti sẽ kích thích phản xạ tăng tiết hóc-môn prolactin tự nhiên của cơ thể mẹ, giúp kích thích sản xuất sữa nhiều hơn.

Rất hay:  Cách làm cà tím xào thịt băm thơm ngon

Tiếp xúc da kề da là mẹo gọi sữa về rất thuận lợi đối với các mẹ sinh thường. Tuy nhiên, các mẹ sinh mổ sẽ có chút bất lợi hơn bởi mẹ sẽ cần một quá trình hồi phục sau sinh nên khó thực hiện da kề da. Mẹ sinh mổ cần lưu ý nên cho con bú trong vòng 4 giờ sau sinh, nếu kéo dài thời gian này bé sẽ gặp nhiều khó khăn, mẹ có thể bị tắc tia sữa hoặc sữa về chậm.

Cách 2: Tích cực cho con bú đúng cách

Cho con bú đúng cách được xem là mẹo gọi sữa về được nhiều chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo. Nhiều mẹ thấy mình ít sữa, sữa về chậm mà nhanh nản chí, hạn chế cho con bú hoặc chuyển qua bắt con dùng sữa công thức. Hành động này dễ khiến cơ thể mẹ “hiểu lầm” rằng nhu cầu sữa của bé không còn nữa nên không kích thích sản xuất thêm sữa.

Về bản chất, cơ thể mẹ có có đặc tính “thích nghi” theo nhu cầu dinh dưỡng của con. Sữa mẹ về cơ bản sẽ sản xuất theo quy luật cung – cầu, nghĩa là mẹ càng cho con bú thường xuyên thì tuyến sữa càng được kích thích và sữa về càng nhiều hơn. Do đó, sữa về chậm hay tắc sữa, mất sữa,…. có thể một phần là do cơ thể mẹ chưa “nhận biết” được nhu cầu về sữa của bé nên không kích thích sản xuất thêm sữa nữa. (6)

Trong trường hợp này, thay vì chuyển sang dùng sữa công thức, mẹ nên kiên trì cho bé tập bú nhiều để kích thích tiết sữa. Trong trường hợp bé không chịu bú thường xuyên, mẹ có thể dùng máy hút sữa hút đều đặn rồi trữ đông và cho vào bình để trẻ bú dần.

Đặc biệt, khi cho bú, mẹ cũng cần cho bú đúng cách để bé bú được nhiều sữa hơn và kích thích sữa ra nhiều hơn. Cho bé bú đúng cách là cho bé bú theo các nguyên tắc dưới đây:

  • Khi cho bé bú, bế bé áp bụng vào bụng mẹ, để bé ngậm sâu quầng đen núm vú, mỗi lần bú kéo dài từ 20 – 30 phút.
  • Để bé bú hết một bên bầu vú rồi mới chuyển sang bầu vú thứ 2, nguyên nhân là do sữa mẹ có 2 lớp.
  • Nên cho bé bú càng kiệt sữa trong mỗi bầu vú thì sữa sẽ càng về nhanh và nhiều hơn trong cữ bú tiếp theo.
  • Lớp sữa đầu thường là sữa non (có màu vàng nhạt), cực kỳ nhiều đạm, vitamin, khoáng chất và các huyết thanh thanh miễn dịch. Sau lớp sữa này sẽ đến lớp sữa trưởng thành đặc sánh (có màu trắng đục) vì có nhiều chất béo. Đây cũng chính là lớp sữa giúp bé tăng cân, phát triển toàn diện nên mẹ đừng thấy sữa đổi màu mà hoang mang, hãy tiếp tục cho trẻ bú đều đặn như bình thường.

Cách 3: Cho con bú kết hợp hút sữa

Những ngày đầu sau sinh, việc sản xuất sữa của bầu ngực thường phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống nội tiết tố trong cơ thể mẹ. Do đó, không phải lúc nào “nhà máy sản xuất sữa” này cũng hoạt động hiệu quả và ổn định. Đặc biệt, nếu mẹ bị trầm cảm hoặc căng thẳng sau sinh,… thì tình trạng khan sữa, tắc sữa còn có nguy cơ xảy ra nhiều hơn.

Trong tình huống sữa “lúc nhiều lúc ít” không ổn định, việc dùng máy hút sữa được xem là cách gọi sữa về thông minh, giúp sữa mẹ tiết ra sau đó được dễ dàng hơn. Nguyên nhân là bởi việc hút sữa thường xuyên giúp đánh lừa cảm giác của cơ thể mẹ, khiến cơ thể mẹ “tưởng” rằng bé vẫn còn nhu cầu bú nên tăng cường sản xuất thêm sữa. (7)

Theo các chuyên gia, từ ngày thứ 2 đến thứ 5 sau sinh là thời điểm sữa bắt đầu về nhiều. Mẹ nên chú ý khoảng thời gian này để tận dụng vừa cho bé bú vừa vắt sữa 8 – 12 lần mỗi ngày (kể cả ban đêm) rồi trữ đông cho bé dùng dần. Nếu bé có nhu cầu nhiều hơn, số cữ vắt và hút sữa có thể nhiều hơn.

Để duy trì nguồn sữa ổn định:

  • Mẹ cần tập thói quen cho bú hoặc hút sữa ít nhất 8 lần mỗi ngày trong ít nhất 4 tuần đầu sau sinh.
  • Khoảng cách giữa các lần vắt / hút sữa không nên quá 6 tiếng.
  • Khi hút sữa, mẹ nên thực hiện hút sữa sau khi cho bé bú xong bởi việc hút cạn số sữa còn lại ở hai bầu ngực sẽ kích thích sữa về nhiều hơn.
Rất hay:  Xuống dòng bằng Alt Enter và cách bỏ xuống dòng trong Excel - Gitiho

Cách 4: Cách gọi sữa về ướt áo bằng cách uống nhiều nước

Để đảm bảo đủ sữa, sữa về nhiều, mẹ nên tích cực uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm. Trong trường hợp cơ thể thiếu nước, sữa cũng sẽ sản xuất ít hơn bình thường.

Bạn có thể uống các loại nước thảo dược dân gian như nước trà vằng, nước gạo lứt, nước lá đinh lăng, nước rau má… hoặc cũng có thể uống một ly sữa ấm 15 phút trước khi cho bé bú. Uống nhiều nước được xem là cách gọi sữa về đơn giản, hiệu quả mà nhiều mẹ áp dụng.

Cách 5: Ăn uống khoa học, đảm bảo dinh dưỡng

Dinh dưỡng vẫn là nhân tố quan trọng trong việc điều tiết sữa mẹ. Nếu mẹ không bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thì cơ thể ko đảm bảo cung cấp sữa đầy đủ cho bé được.

Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Việt Nam) khuyến cáo, trong thời gian cho con bú, mẹ:

  • Không nên áp dụng các chế độ ăn kiêng: Mẹ sau sinh thường muốn giảm cân nhanh; tuy nhiên, thực tế cho thấy mẹ cho con bú sẽ giảm cân nhanh hơn các mẹ chỉ ăn kiêng. Về bản chất, hoạt động sản xuất sữa và cho con bú mỗi ngày có thể giúp mẹ đốt cháy từ 500 – 700 calo mỗi ngày.
  • Ăn nhiều bữa: Tối thiểu từ 3 – 6 bữa / ngày bao gồm 3 bữa chính và 3 bữa phụ.
  • Ăn đa dạng: Cần có tối thiểu từ 10 – 15 loại thực phẩm trong chế độ ăn mỗi tuần, bao gồm đầy đủ 8 nhóm thực phẩm sau:
    • Nhóm 1: Lương thực (gạo, ngô, khoai, sắn,…);
    • Nhóm 2: Các loại hạt và đậu (vừng, mè, đậu phộng, đậu xanh,…);
    • Nhóm 3: Sữa và các chế phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai,,…);
    • Nhóm 4: Thịt, cá và hải sản (đặc biệt là các loại cá biển béo như cá hồi, cá ngừ, cá trích, cá thu,…);
    • Nhóm 5: Trứng và các sản phẩm từ trứng (bánh flan, bánh tart, bánh bông lan,…)
    • Nhóm 6: Rau củ quả có màu da cam, đỏ và xanh thẫm (rau bó xôi, bông cải xanh, bí đỏ, cà chua,…)
    • Nhóm 7: Rau củ quả khác có màu trắng hoặc xanh nhạt (củ cải, bắp cải, su hào,…)
    • Nhóm 8: Chất béo (dầu ăn, dầu olive,, mỡ động vật, trái bơ,…);
  • Ăn đủ lượng: Với mỗi nhóm thực phẩm, mẹ đang cho con bú cần ăn đầy đủ liều lượng theo mức khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia như sau:

Lưu ý:

  • Ăn đủ lượng không có nghĩa là mẹ phải cố gắng ăn thật nhiều những món ăn “vỗ béo”, “lợi sữa”, dễ gây tăng cân theo quan niệm của dân gian như bào ngư, vi cá, hàu, tinh bột, móng giò,…
  • Đặc biệt, mẹ nên ưu tiên các loại thực phẩm giàu chất xơ vitamin khoáng chất, vừa giúp mẹ không bị tăng cân, táo bón, vừa là cách hữu hiệu quyết định chất lượng sữa mẹ, giúp sữa mẹ sánh đặc và nhiều dinh dưỡng hơn.

Cách 6: Không nên cho bé ti bình quá sớm

Mẹ không nên cho trẻ ti bình nhiều hơn ti mẹ trong vòng 6 tuần đầu tiên sau sinh. Khi ti bình, trẻ không cần hoạt động cơ miệng quá nhiều nên việc bú bình nhiều sẽ khiến kỹ năng bú mẹ của bé dần biến mất, lâu dài sẽ hình thành phản xạ khiến bé bỏ bú, biếng ăn. Khi bé lười ti mẹ, cơ thể người mẹ sẽ tưởng rằng nhu cầu sữa của bé không cao nên tiết ra ít sữa, dẫn đến hiện tượng sữa không về, ít sữa dần về sau.

Cách 7: Kích sữa, massage vùng ngực gọi sữa về

Một trong những cách gọi sữa về đơn giản và hiệu quả là massage ngực. Mỗi ngày mẹ nên massage ngực mỗi bên từ 5 – 10 phút để làm thông các tia sữa, giúp sữa về nhiều hơn. Cách làm như sau:

  • Mẹ dùng 3 ngón tay cái, ngón trỏ và ngón giữa vuốt nhẹ từ gốc của bầu ngực hướng về phía đều nhũ hoa.
  • Mẹ có thể chụm 3 ngón tay theo hình chữ “C” hoặc xòe 3 ngón tay ra theo hình nan hoa giống “kiềng ba chân” đều được
  • Vuốt liên tục theo chiều từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài.

Lưu ý: Mẹ nên vuốt đúng chiều như hướng dẫn, không nên đổi chiều hay vuốt cùng lúc 2 chiều.

Rất hay:  Công thức tính cạnh huyền tam giác vuông và bài tập vận dụng

Cách 8: Nghỉ ngơi và giữ tinh thần thoải mái

Tinh thần ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động ổn định của hệ thống nội tiết. Một tâm trạng thoải mái chính là “liều thuốc” tự nhiên, là cách gọi sữa về “thần thánh” mà bất kỳ mẹ nào cũng mong muốn.

Vì thế, sau khi sinh mẹ cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý cũng như cần có sự hỗ trợ chăm sóc từ gia đình. Để tinh thần luôn thoải mái, mẹ nên nghĩ đến những điều vui vẻ và tích cực, không nên nghĩ tiêu cực bởi tâm trạng mẹ sẽ ảnh hưởng đến bé.

Cuối cùng, mẹ cũng không nên tự tạo áp lực thêm hay thấy có lỗi vì không nhiều sữa như mong đợi sau khi đã cố gắng nhiều cách, vì điều đó sẽ chỉ làm mẹ ngày càng ít sữa hơn và dễ dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Cách 9: Mẹo dân gian gọi sữa về nhanh và nhiều sau sinh

Ngoài các phương pháp kể trên, còn có một số cách gọi sữa về theo mẹo dân gian mà mẹ có thể tham khảo ngay bên dưới đây. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý, các mẹo gọi sữa về theo dân gian đều chưa được khoa học chứng minh hay được bác sĩ ủng hộ. Mẹ nên cẩn trọng khi áp dụng các mẹo vặt này hoặc tốt nhất, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng.

Các cách gọi sữa về theo dân gian bao gồm:

  • Chườm ngực bằng cơm nóng hoặc xôi nóng: Chú ý độ nóng để không bị bỏng;
  • Ăn các món lợi sữa: Chân giò hầm đu đủ, rau lang luộc, rau ngót, …
  • Dùng men trộn rượu trắng bôi lên bầu ngực: Massage cho đến khi bầu ngực có cảm giác ấm nóng lên, hỗ trợ tăng lưu thông máu huyết khu vực gò ngực.
  • Uống nước lá đinh lăng ấm: 150-200g lá đinh lăng tươi rửa sạch, cho vào nồi với 200ml nước sạch và đun sôi khoảng 5-7 phút, để nguội và uống khi còn ấm. Bạn có thể cho thêm nước để nấu lấy nước lần 2.
  • Cách gọi sữa về nhiều bằng lá mít: Theo dân gian, trai 7 lá, gái 9 lá. Lá mít đem rửa sạch, cho vào nồi và đun sôi. Mẹ dùng chiếc lược chải đầu nhúng vào nước lá mít rồi chải lên bầu ngực theo chiều hướng về phía đầu ti. Tương tự, con trai chải 7 lần, con gái thì chải 9 lần. Sau khi chải xong, mẹ dùng khăn khô, sạch nhúng vào nước rồi vệ sinh đầu ti để làm sạch các cặn bẩn bám trên đầu ti giúp tia sữa được thông dễ dàng hơn.
  • Dùng sữa ông thọ:
    • Phương pháp 1: 3-4 thìa sữa ông thọ pha với một nửa lon bia rồi uống trước khi cho bé bú khoảng 1 tiếng hoặc uống ngay sau khi cho con bú. Tuy nhiên, do có sử dụng bia nên mẹ cần cân nhắc trước khi sử dụng phương pháp này.
    • Phương pháp 2: mẹ hãy pha sữa ông thọ với nước nóng, rồi uống hết cốc sữa khi còn nóng hoặc uống sữa tươi đun nóng thì sữa cũng sẽ về khá nhiều.
  • Sử dụng lược: Dùng lược chải lên mỗi bên ngực theo chiều hướng về đầu ti, 7 lần nếu là con trai, 9 lần nếu là con gái.

Những lưu ý để phòng mất sữa và sữa về nhiều

Để tránh mất sữa và làm sữa về nhiều, mẹ cần lưu ý một số điểm sau:

  • Ăn uống đủ chất và uống đủ nước theo đúng khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về chế độ ăn cho mẹ đang cho con bú;
  • Tránh xa đồ ăn gây mất sữa và các chất kích thích như rượu bia;
  • Cho bé bú thường xuyên và đúng cách;

Trên đây là 9 cách gọi sữa về nhiều “ướt áo” và một số lưu ý để tránh mất sữa mà Nutrihome muốn giới thiệu đến các bạn. Trong trường hợp mẹ đã áp dụng nhiều cách gọi sữa về mà lượng sữa vẫn không như ý, hãy nhanh chóng đến ngay Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được thăm kháp kịp thời.

Đến với Nutrihome, mẹ sẽ được các bác sĩ, chuyên gia đầu ngành thăm khám và tư vấn đầy đủ về tình trạng sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng sau khi sinh nở. Đặc biệt, Nutrihome còn cung cấp dịch vụ xét nghiệm thành phần sữa mẹ, thiết kế thực đơn dựa trên sở thích để tăng chất lượng sữa mẹ, hướng dẫn mẹ cách chế biến thực phẩm, cách vận động hợp lý cũng như các cách gọi sữa về khoa học, mang đến cho mẹ một thời kỳ nuôi con viên mãn.