Bé 2 tuổi bị sốt là một triệu chứng thường thấy. Đối với các mẹ chưa có kinh nghiệm, con sốt cao sẽ khiến mẹ lo lắng, bối rối không biết cách hạ sốt nhanh cho trẻ. Trong bài viết này, Góc của mẹ sẽ chia sẻ 12 cách hạ sốt hiệu quả mà mẹ không thể bỏ qua!
1. Nguyên nhân bé 2 tuổi bị sốt
Mẹ có thể đọc thêm: Chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị sốt – 5 điều ba mẹ cần lưu ý
2 tuổi là giai đoạn phát triển vàng của trẻ. Đây là giai đoạn các con bắt đầu tiếp xúc trực tiếp với môi trường xung quanh thông qua chế độ ăn uống, chế độ sinh hoạt, đồ chơi hay môi trường sống… Tuy nhiên sức đề kháng của các bé ở độ tuổi này còn khá yếu nên sự thay đổi này sẽ tác động nhiều dẫn đến việc bé 2 tuổi sốt thường dễ xảy ra.
Nguyên nhân chủ yếu khiến bé 2 tuổi bị sốt:
1.1. Nhiễm trùng
Các bé 2 tuổi bắt đầu tiếp xúc với nhiều môi trường mới nên khả năng bị nhiễm trùng cao. Sốt chính là sự phản công tự nhiên của cơ thể trẻ giúp chống lại tình trạng nhiễm trùng. Các bé bị sốt do nhiễm trùng thường kéo dài từ 3 – 4 ngày, có thể kèm theo các triệu chứng khác như:
- Ho hoặc thở nhanh
- Mụn nước, phát ban hoặc loét da
- Chảy mũi nước
- Đau tai
- Đi cầu phân lỏng
- Đau họng
- Đau bụng
Sốt nhiễm trùng kéo dài có thể nguy hiểm đến tính mạng của bé. Do đó, khi nghi ngờ bé 2 tuổi sốt do nhiễm trùng, bố mẹ nên đưa con tới các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời.
1.2. Tiêm chủng
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, khi được 2 tuổi, bé nên được tiêm đầy đủ 4 loại vắc xin sau:
- Vắc xin MENINGOCOCCAL A+C phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu A+C
- Vắc xin Jevax phòng bệnh viêm não Nhật Bản B (mũi 3)
- Vắc xin TYPHIM Vi phòng bệnh thương hàn
- Vắc xin Tả
Phản ứng sau tiêm thường gặp nhất là sốt. Ngoài ra bé có thể cảm thấy đau và sưng nóng quanh vị trí tiêm. Tuy nhiên, tình trạng này nếu có cũng chỉ kéo dài 1,2 ngày, ba mẹ không nên quá lo lắng.
Trong trường hợp này, ba mẹ có thể thực hiện một số cách giảm đau, hạ sốt sau khi tiêm cho bé như:
- Cho con mặc quần áo thoáng mát.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng hàng ngày và cho bé uống nhiều nước hơn bình thường.
- Mẹ có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường (paracetamol, ibuprofen) với liều phù hợp cân nặng khi bé sốt > 38.5 độ C, quấy khóc.
- Nếu tại vết tiêm sưng, đỏ, mẹ có thể chườm lạnh để giúp giảm đau và giảm sưng cho con.
1.3. Mặc quá nhiều quần áo, ủ trẻ quá kỹ
Dù con đã được 2 tuổi nhưng nhiều mẹ vẫn giữ thói quen ủ ấm cho bé như lúc sơ sinh. Tuy nhiên, mặc quá nhiều quần áo đôi khi lại không tốt cho bé. Vì cơ thể trẻ chưa thể tự điều chỉnh thân nhiệt nên khi được ủ quá kín hay ở lâu trong môi trường nóng, con rất dễ bị sốt.
Khi nhận thấy con sốt do ủ quá kỹ, mẹ nên:
- Cởi quần áo của bé. Lau lại người con bằng khăn ấm rồi thay quần áo mới.
- Mẹ nên chọn những bộ đồ an toàn, thoải mái và giúp trẻ duy trì thân nhiệt tốt.
- Đồ ngủ của bé không nên quá dày và quá bí. Tốt nhất là chọn các trang phục bằng sợi tự nhiên mềm (ví dụ như cotton), giúp làn da bé được “thở” một cách dễ dàng.
1.4. Mọc răng
2 tuổi là độ tuổi mà con đang hoàn thiện về răng nên hiện tượng sốt rất dễ xảy ra. Đặc biệt là với các bé mọc răng hàm 1 và 2. Các bé đang mọc răng thường có một vài triệu chứng đặc trưng như: Sốt; Chảy dãi rất nhiều; Phần nướu răng có dấu hiệu sưng và bé cảm thấy đau nhức, khó chịu vô cùng. Chính vì thế, trong thời gian mọc răng, các em bé thường tỏ ra cáu kỉnh, quấy khóc liên tục, thỉnh thoảng là đờ đẫn.
Khi bị sốt do mọc răng thân nhiệt của trẻ không quá cao nên việc chăm sóc rất dễ dàng:
- Chia nhỏ bữa ăn của bé và cho bé ăn các loại thức ăn mềm như cháo hạt để kích thích răng bé mọc nhanh hơn.
- Dành thời gian trò chuyện, an ủi, ôm ấp yêu thương bé nhiều hơn để giúp con cảm thấy thoải mái hơn.
- Giảm nhẹ cơn đau của bé bằng cách thu hút bé vào một hoạt động, trò chơi mà bé yêu thích như nghe nhạc, chơi đồ chơi mới…
Mẹ có thể xem thêm: DỤNG CỤ VỆ SINH RĂNG MIỆNG CHO BÉ: BÀN CHẢI NÀO TỐT CHO CON?
1.5. Sốt xuất huyết
2 tuổi là giai đoạn đề kháng của bé chưa hoàn thiện nên khi nhiễm sốt xuất huyết sẽ rất nhanh sốt và ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe của bé. Sốt là triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết điển hình vì luôn xảy ra từ lúc bệnh khởi phát. Tuy nhiên, khác với hiện tượng sốt do các loại bệnh khác, khi sốt xuất huyết, bé có thể:
- Sốt đột ngột, sốt cao: 39-40 độ C hoặc cao hơn, sờ vào trán con thấy nóng ran.
- Sốt liên tục kéo dài 2-7 ngày kèm theo đau bụng, thường là đau vùng rốn hoặc bên phải rốn, nôn trớ, phình bụng. Việc dùng thuốc hạ sốt cũng không giảm thiểu bệnh tình.
Ngoài ra, bé bị sốt xuất huyết cũng có một số biểu hiện khác như:
- Nổi mẩn, phát ban dưới da (thể nhẹ), xuất hiện nốt xuất huyết, chảy máu cam, chảy máu chân răng
- Đại tiện ra máu (xuất huyết nội tạng là thể nặng).
Bệnh sốt xuất huyết được chia làm 4 cấp độ từ nhẹ tới nặng.
- Độ 1: Bé sốt nhẹ, chưa có triệu chứng xuất huyết
- Độ 2: Sốt có triệu chứng xuất huyết
- Độ 3: Bắt đầu có dấu hiệu sốc
- Độ 4: Tình trạng sốc nặng
Bé 2 tuổi sốt xuất huyết độ 1 có thể được điều trị tại nhà theo đơn, hẹn ngày tái khám. Với độ 2, tùy trường hợp, con có thể điều trị tại nhà có theo dõi chặt chẽ, hoặc nhập viện nếu thấy cần thiết. Những trường hợp độ 3 và 4 nhất thiết phải nhập viện ngay.
Khi chăm sóc bé sốt xuất huyết tại nhà, mẹ cần theo dõi nhiệt độ của bé vài giờ một lần:
- Nếu nhiệt độ trên 38,5 độ C, cần cho con uống thuốc hạ sốt loại paracetamol đơn chất với liều lượng từ 10 – 15mg/kg trọng lượng cơ thể trẻ. 6 giờ/lần nếu con vẫn còn sốt cao. Sau khi uống thuốc hạ nhiệt 1 giờ, cần đo lại nhiệt độ.
- Nếu thân nhiệt của bé trên 37 độ, dưới 38,5 độ thì không cần cho trẻ uống thuốc hạ nhiệt mà chỉ cần lau mát cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của con vài ba độ) để làm thoát nhiệt cho trẻ dễ dàng.
- Sốt cao trong một thời gian dài (trên 39 độ) sẽ làm cho trẻ bị mất nước và các chất điện giải kèm theo, dẫn đến rối loạn thần kinh. Thậm chí co giật. Vì vậy, mẹ cần cho con uống nhiều nước để bù đắp lượng nước bị mất do sốt.
1.6. Viêm màng não
Viêm màng não trẻ em là một căn bệnh nguy hiểm. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh này có thể để lại nhiều di chứng (Tổn thương não; Mất thính lực, câm; Liệt tay chân…). Thậm chí, bệnh trở nặng còn có thể gây tử vong.
Trẻ bị viêm màng não ban đầu thường có các biểu hiện: sốt, chán ăn, bú kém, rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy hoặc nôn, ho, chảy nước mũi… rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm đường hô hấp thông thường, sốt virus… Do đó mẹ cần lưu ý các dấu hiệu dấu hiệu quan trọng gợi ý viêm màng não:
- Co giật: có thể ở tay, chân, mắt, miệng hoặc toàn thân. Một số bé co giật đơn thuần do sốt cao. Một số khác có thể co giật do rối loạn điện giải, nhưng cũng cần phải theo dõi xem bé có bị viêm màng não không.
- Rối loạn ý thức: lúc đầu bé trong tình trạng dễ bị kích động. Sau đó có thể ngủ li bì, lờ đờ, hôn mê.
- Con thường kêu đau đầu, nôn hoặc có biểu hiện liệt mặt, liệt hoặc giảm vận động ở chân, tay hoặc nửa người.
Viêm màng não là loại bệnh nặng cần được điều trị cấp cứu nên khi nghi ngờ bé 2 tuổi sốt do viêm màng não, hãy lập tức đưa trẻ tới bệnh viện gần nhất!
2. Bé 2 tuổi bị sốt có nguy hiểm không?
2.1. Trường hợp không nguy hiểm
Như đã đề cập ở trên, sốt là một triệu chứng thường gặp ở các bé 2 tuổi. Do đó, ba mẹ không cần quá lo lắng nếu:
- Bé không sốt kéo dài, chỉ giới hạn trong 1 đêm.
- Bé không sốt cao, nhiệt độ đo được dao động từ 38 – 38.5 độ C.
- Khi sốt, con không có các triệu chứng khác thường như co giật, phát ban…
2.2. Trường hợp nguy hiểm
Trẻ nhỏ rất hay bị sốt nhưng không phải tất cả sốt đều nguy hiểm. Tuy nhiên, mẹ cần đặc biệt lưu ý một số trường hợp bé 2 tuổi sốt nguy hiểm như:
- Sốt cao 39 độ C và kéo dài 2 ngày liên tiếp.
- Bé sốt lên tới 40 độ C
- Sốt kèm hiện tượng co giật
- Trẻ có các biểu hiện mất nước nghiêm trọng: khóc không ra nước mắt, da khô lại hay mắt trũng xuống.
- Bé cảm thấy đau đầu, nôn nhiều và cứng cổ.
- Con có biểu hiện sốt kèm phát ban.
- Mẹ đã cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ cơ thể bé không thuyên giảm.
- Bé có biểu hiện tri giác bất thường như: li bì, bứt rứt, quấy khóc nhiều, khó đánh thức,…
- Mẹ đã làm sạch mũi nhưng bé vẫn thở gấp, khó thở.
- Bé không thể uống nước hay ăn đồ ăn.
3. Top 12 cách hạ sốt hiệu quả cho bé 2 tuổi
3.1. Lau mát người bé bằng nước ấm
Một cách giúp hạ sốt tại nhà đơn giản là lau mát cho bé bằng nước ấm theo từng bước. Trước khi tiến hành lau, mẹ cần lấy nhiệt độ của trẻ. Cho ít nước lạnh vào thau, cho nước nóng vào bằng nửa lượng nước lạnh. Mẹ kiểm tra nhiệt độ của nước bằng cách nhúng khuỷu tay vào thau nước, nếu thấy cảm giác ấm giống như nước bé tắm hằng ngày là được.
Sau đó mẹ nhúng cả 5 cái khăn vào thau nước và vắt hơi ráo. Dùng 2 khăn lau ở hai hõm nách, hai khăn lau ở hai bẹn và một khăn lau khắp người. Chú ý: Không đắp khăn lên trán vì ít có tác dụng hạ sốt, và cũng không đắp lên ngực vì tăng nguy cơ viêm phổi.
Cứ cách 2-3 phút mẹ thay khăn một lần. Theo dõi nhiệt độ nước, cho thêm nước nóng nếu thấy nước không còn ấm. Cứ cách 15 phút mẹ nên kiểm tra nhiệt độ của con và ngưng lau mát khi nhiệt độ dưới 38,5 độ C. Cuối cùng mẹ chỉ cần tiến hành lau khô và mặc quần áo mỏng cho con.
Sở dĩ mẹ nên hạ sốt cho bé bằng lau mát bởi khi lau nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu. Từ đó giúp làm mát cơ thể. Thông thường, nhiệt độ của bé sẽ hạ trong khoảng 30 – 45 phút.
3.2. Lau mát bằng giấm táo
Lau người bằng giấm táo là cách hạ sốt cho trẻ nhỏ tại nhà khá hữu hiệu nhưng ít được phổ biến rộng rãi. Để thực hiện theo phương pháp này, mẹ cần pha giấm táo với nước tỷ lệ 1 : 2. Rồi lấy khăn xô thấm hỗn hợp này, vắt khô bớt và chườm lên trán, bụng, lòng bàn chân bé. Ngoài ra, lau dọc cột sống sẽ giúp cơn sốt dịu lại nhanh chóng.
Giấm táo là cách thức trị sốt rất rẻ nhưng lại có hiệu quả cao. Lượng a-xít trong giấm táo sẽ giúp cơn sốt hạ nhanh khi nhiệt độ cơ thể được giải phóng qua da. Hơn nữa, giấm táo còn cung cấp nhiều khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể bé nhanh chóng phục hồi sau cơn sốt.
Lau người bằng giấm táo có thể áp dụng trong trường hợp bé 2 tuổi sốt về đêm, khi mà ba mẹ gặp khó khăn trong việc cho trẻ thăm khám và dùng thuốc hạ sốt.
Lưu ý: Nếu không có giấm táo, mẹ có thể thay bằng giấm gạo.
3.3. Cho bé uống nhiều nước
Khi bị sốt, cơ thể ra mồ hôi nên rất dễ dẫn tới kiệt sức, mất nước, mắt, miệng khô. Mẹ cần phải cho bé ăn thức ăn dạng lỏng để dễ tiêu và uống nhiều nước ấm hơn bình thường.
Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho bé uống các chế phẩm bù nước và điện giải bằng đường uống như oresol, hydrite. Việc này là nhằm bù nước, thanh lọc cơ thể giúp bé mau giảm sốt.
Với các bé 2 tuổi vẫn còn bú mẹ thì mẹ nên cho bé bú nhiều hơn và thường xuyên hơn để hạ sốt hiệu quả, nhanh chóng.
Khi bị sốt, thân nhiệt tăng cao sẽ khiến trẻ nhỏ bị mất nước. Do đó phương pháp này được áp dụng với mọi trường hợp bé 2 tuổi sốt mẹ nhé!
3.4. Dùng tinh dầu xoa bóp
Một cách hạ sốt khá hữu hiệu song ít người biết là sử dụng các loại tinh dầu xoa bóp. Đây là cách hạ sốt tự nhiên tuyệt vời thông qua việc làm giảm nhiệt độ cơ thể.
Mẹ pha 6 giọt dầu trong 1 muỗng dầu nền. Rồi dùng dung dịch đó xoa bóp khắp cơ thể của con. Mẹ nên chú trọng những khu vực đặc biệt như phía sau cổ và gót chân.
Chất rubefacients có trong bạc hà, gừng và vỏ quế có khả năng làm ấm hệ tuần hoàn và gây ra hiện tượng đổ mồ hôi. Việc này phần nào giúp cơ thể bé giảm nhiệt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng tinh dầu bạch đàn, tinh dầu bạc hà và tinh dầu cúc La Mã xoa bóp cho trẻ để hạ sốt. Phương pháp này có thể được áp dụng với mọi trường hợp sốt.
Lưu ý: Tinh dầu có thể chứa các hoạt tính mạnh. Do đó mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng. Đặc biệt, không được để trẻ uống tinh dầu.
3.5. Tắm nước ấm để hạ sốt
Nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe trẻ em cho rằng việc cho trẻ tắm nước ấm là một trong những cách hạ sốt nhanh cho trẻ hiệu quả. Lý do vì khi nước bốc hơi sẽ làm giãn mạch máu từ đó giúp làm mát cơ thể. Tuy nhiên, mẹ cần thực hiện đúng kỹ thuật thì mới đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Để tắm nước ấm cho bé, mẹ cần thực hiện các bước sau:
- Trước khi tắm, mẹ cần chuẩn bị nước tắm. Chú ý nhiệt độ nước tắm cho bé nên thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ là 2 độ C (mẹ nên đo nhiệt độ cơ thể bé trước khi pha để có nước tắm phù hợp cho con).
- Trong khi tắm, mẹ cần gội đầu thật nhanh cho trẻ. Lấy khăn mềm lau vùng mặt, má, cổ, tai, gáy. Sau đó lấy khăn sạch lau khô vùng đầu của trẻ. Cuối cùng mẹ vệ sinh vùng thân bé sạch sẽ để loại bỏ các vi khuẩn bám ngoài da trẻ.
- Sau khi tắm mẹ lấy nước ấm dội nhẹ lên người con để loại bỏ tất cả bọt bám trên cơ thể con. Cuối cùng mẹ lấy khăn choàng lau khô người trẻ trước khi cho con mặc quần áo.
Mẹo này có thể áp dụng cho bé 2 tuổi sốt do mọc răng; Sốt phát ban do nhiễm vi khuẩn, virus; Sốt do cảm lạnh; Sốt do bệnh tay chân miệng… Nhưng không áp dụng cho các trường hợp:
- Khi bé vừa tiêm phòng xong.
- Cơ thể bé bị tổn thương, chốc lở.
- Khi bé đang bị cảm lạnh, nôn nhiều, tiêu chảy.
- Bé đang cơn rét run.
- Khi bé vừa ăn no xong
3.6. Dùng nước muối sinh lý
Với cách hạ sốt cho bé này, mẹ có thể thực hiện bằng cách hòa khoảng ¼ thìa cà phê muối vào 230ml nước tinh khiết. Khuấy đều cho đến khi thấy muối tan hoàn toàn là được.
Hay đơn giản hơn, mẹ có thể mua nước muối sinh lý tại các hiệu thuốc. Mỗi lần dùng, mẹ chỉ cần nhỏ khoảng 2 giọt vào mỗi bên mũi của trẻ. Cách làm này sẽ giúp hạn chế tình trạng nghẹt mũi, giúp con thở dễ dàng hơn nên có thể giảm sốt nhanh chóng.
3.7. Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát
Mẹo hạ sốt cho trẻ là không nên cho con sử dụng quần áo quá dày hoặc đắp chăn. Điều này góp phần làm cho thân nhiệt của bé tăng cao hơn. Thay vào đó, mẹ nên cho bé mặc những bộ quần áo rộng rãi, thoáng mát để tỏa bớt nhiệt. Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, mẹ hãy dùng thêm miếng dán hạ sốt để hỗ trợ. Sản phẩm này rất dễ tìm mua ở các nhà thuốc hoặc siêu thị.
Trong trường hợp, bé sốt song vẫn vẫn chơi đùa linh hoạt, ăn tốt, uống đủ nước và đặc biệt bé đi tiêu, tiểu bình thường, mẹ không cần cho bé dùng thuốc. Thay vào đó mẹ chỉ cần cho con mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể tỏa bớt nhiệt giúp trẻ giảm sốt.
3.8. Dùng thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ
Theo các chuyên gia y tế, thuốc hạ sốt an toàn nhất cho trẻ nhỏ là paracetamol. Cách sử dụng paracetamol cũng rất quan trọng vì nếu mẹ dùng quá liều sẽ gây độc cho gan của bé. Do đó, cần đặc biệt lưu ý khi dùng thuốc hạ sốt cho con.
Để đảm bảo liều lượng thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ, mẹ cần chú ý 3 điều sau:
- Nên dùng thuốc hạ sốt khi bé sốt >38,5 độ C
- Liều dùng phải tính chính xác theo cân nặng: Từ 10 – 15mg paracetamol cho 1 kg thể trọng của bé. (Ví dụ bé nặng 5 kg cần dùng từ 50mg đến 75mg là tối đa). Nếu quá liều dùng này sẽ gây hại cho gan của bé, còn ít hơn thì không hạ được sốt
- Mỗi lần dùng thuốc hạ sốt cho trẻ cần cách nhau từ 4-6 tiếng. Sau khi uống thuốc chừng 30 phút nếu bé chưa hạ sốt thì cũng không được uống thêm thuốc mà phải chườm mát vào trán, lòng bàn tay, chân.
3.9. Bổ sung vitamin C
Vitamin C giúp bé tăng sức đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh. Bổ sung vitamin C cho con thông qua khẩu phần ăn uống hàng ngày với các món ăn và thức uống từ trái cây giàu vitamin C như bưởi, cam, quýt… sẽ giúp bé hạ sốt nhanh chóng.
Vitamin C cũng làm bền thành mạch, ngừa và giảm tình trạng xuất huyết dưới da hiệu quả. Do đó khi bé sốt, mẹ không chỉ cho con uống bổ sung vitamin C mà còn ăn thêm hoa quả có chứa nhiều thành phần này.
Việc bổ sung vitamin C nên được áp dụng cho mọi trường hợp bé 2 tuổi sốt mẹ nhé!
3.10. Bổ sung canxi
Canxi có tác dụng hỗ trợ thúc đẩy quá trình khỏi bệnh diễn ra nhanh hơn. Bố mẹ có thể bổ sung canxi cho bé bằng việc khuyến khích trẻ ăn các món ăn có nguyên liệu từ cá tươi, rau củ và yến mạch…
Theo các chuyên gia, phản ứng sốt sẽ giải phóng canxi vào máu và các ion canxi sẽ có vai trò giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nghiên cứu nhỏ trên một nhóm bệnh nhân sốt xuất huyết cho thấy việc bổ sung canxi và vitamin D (có vai trò tăng cường khả năng hấp thụ canxi) làm giảm thời gian bị sốt của trẻ. Do đó việc bổ sung canxi chính là một cách hạ sốt hay mà mẹ không nên bỏ qua dù bé sốt do nguyên nhân gì.
3.11. Xông hơi cho bé
Đây là một trong những cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà khá đơn giản được nhiều mẹ chia sẻ. Mẹ chỉ việc đổ nước nóng vào bồn tắm hoặc chậu lớn, sau đó cho một vài giọt dầu khuynh diệp vào. Trong khi xông, mẹ nên đảm bảo bé trùm kín, hơi nước không quá nóng để tránh bị bỏng.
Việc hít thở hơi nước nóng sẽ giúp loại bỏ bớt chất nhầy tích tụ trong đường hô hấp. Do đó trẻ bị sốt sẽ thấy dễ chịu hơn. Phương pháp này đặc biệt thích hợp khi bé sốt kèm theo các cơn rét run đó!
3.12. Chườm lạnh cho bé
Mẹo hay để hạ sốt cho trẻ mà mẹ có thể chưa biết là sử dụng băng gạc để chườm lạnh. Việc đặt một lớp gạc lên trên phần trán và gáy sẽ giúp hạ sốt hiệu quả cho bé 2 tuổi.
Cách thực hiện là mẹ trộn chung 2 thìa súp giấm táo với 4 thìa súp nước lạnh. Sau khi pha xong, mẹ dùng vải sạch hoặc băng gạc y tế ngâm trong hỗn hợp một phút, vắt thật kỹ và đặt lên trán và gáy của trẻ trong vài phút.
Giấm táo có khả năng loại bỏ lượng nhiệt thừa khỏi cơ thể nhanh chóng. Kết hợp với nước lạnh sẽ giúp bé hạ sốt hiệu quả. Do đó, trong trường hợp bé sốt nhẹ (dưới 39 độ C) thì mẹ nên thử qua biện pháp này.
Mẹ có thể xem thêm: Chăm sóc trẻ sơ sinh khi bị sốt – 5 điều ba mẹ cần lưu ý
4. Khi nào cần đưa bé 2 tuổi bị sốt đi khám bác sĩ?
Mỗi khi bé bị sốt thì điều đầu tiên và quan trọng nhất chính là phải biết chính xác con đang sốt bao nhiêu độ. Từ đó bố mẹ mới có thể đưa ra cho mình những biện pháp xử trí sao cho thích hợp. Để đo thân nhiệt cho bé một cách chính xác, mẹ có thể áp dụng:
- Nhiệt kế thủy ngân: trước khi đo, mẹ cần vẩy ống nhiệt xuống dưới 36ºC và cần lau sạch đầu nhọn của nhiệt kế với cồn. Thời gian để nhiệt kế ít nhất là 5 phút. Với các bé 2 tuổi, mẹ nên đo tại nách con. Khi đặt ống nhiệt vào nách bé, phải đảm bảo kẹp đúng giữa phần da.
- Nhiệt kế số: cho biết kết quả chính xác và nhanh, có thể dùng để đo thân nhiệt ở miệng, nách, hoặc hậu môn. Cách cặp nhiệt giống cách cặp nhiệt thủy ngân.
- Nhiệt kế đo trán: chỉ cần 3 giây là biết được chính xác nhiệt độ cơ thể của trẻ. Không chỉ thế, nhiệt kế đo trán còn giúp cho đo được nhiệt độ môi trường cũng như đo nhiệt độ của nước bé tắm là bao nhiêu.
Sau khi kiểm tra nhiệt độ cơ thể bé, mẹ cần theo dõi sát sao để nhanh chóng phát hiện các biểu hiện khác thường và đưa bé đi khám bác sĩ:
- Nếu bé 2 tuổi sốt 38 độ trở lên trong 3 ngày: Bé sốt cao đột ngột và kéo dài liên tục từ 2 – 7 ngày chính là biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết. Nếu không đưa bé đi khám kịp thời thì bệnh dễ trở nặng và để lại nhiều biến chứng nguy hiểm cho con.
- Nếu bé 2 tuổi sốt 39 độ kèm các triệu chứng như co giật, sốt tái phát hay trẻ sốt có tiền sử bệnh tim, ung thư, bệnh lupus …: Đây đều là những trường hợp sốt gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của bé. Do đó bố mẹ nên đưa bé đi thăm khám để có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra.
- Nếu bé bị sốt trên 40 độ: Khi trẻ bị sốt cao nhiều khả năng là cơ thể bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn (vi khuẩn, virus, ký sinh trùng…). Bố mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để thầy thuốc khám xác định nguyên nhân và chỉ định dùng thuốc, tránh được những hậu quả nặng nề, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.
5. Những lưu ý mẹ cần tránh khi chăm sóc bé 2 tuổi sốt
Việc chăm sóc bé 2 tuổi sốt tại nhà không quá phức tạp. Tuy nhiên mẹ cần đặc biệt lưu ý:
- Không tự ý mua thuốc và cho bé sử dụng thuốc hạ sốt. Thay vào đó nên hỏi ý kiến bác sĩ để tránh lạm dụng thuốc hạ sốt.
- Khi bé sốt, việc ủ ấm và mặc nhiều quần áo là cấm kị. Mẹ nên cho bé mặc đồ thoáng mát, đắp chăn mỏng để tỏa nhiệt hiệu quả. Qua đó hạ sốt nhanh chóng.
- Không được để bé ở phòng quá kín.
- Khi bé sốt nhẹ, cơ thể có thể tự phản ứng để chống lại bệnh tật. Do đó, mẹ không nên cho bé sử dụng thuốc hạ sốt ngay lập tức.
- Tuyệt đối không áp dụng các bài thuốc dân gian để hạ sốt cho con. Bởi đa số chúng đều chưa được kiểm nghiệm nên có thể để lại tác dụng phụ mà mẹ không biết.
- Tuyệt đối không cho bé dùng aspirin. Vì đây là loại thuốc hạ sốt nhưng có thể gây tổn thương não của trẻ.
Mẹ có thể xem thêm: Nguyên nhân phổ biến và cách chăm sóc trẻ bị sốt phát ban
Sốt là một trong những triệu chứng khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Đặc biệt vào mùa nắng nóng. Khi bé có những cơn sốt dưới 39°C, mẹ đừng vội dùng thuốc mà hãy thử một vài mẹo hạ sốt cho trẻ an toàn để hạ thân nhiệt nhanh.Hy vọng rằng với những mẹo hạ sốt cho trẻ trên đây, mẹ sẽ có thêm cho mình kinh nghiệm chăm sóc bé 2 tuổi sốt thật tốt.