Có rất nhiều vấn đề khiến chúng ta cảm thấy nhức đầu khi nuôi dạy con. Không phải lúc nào việc nuôi dạy con cũng diễn ra theo đúng ý của cha mẹ. Nếu chỉ nuôi dạy con theo một cách bản năng mà không phù hợp với suy nghĩ, hành động của trẻ sẽ khiến cha mẹ khó hòa hợp được với trẻ. Dưới đây là bài tổng hợp của mình trong cuốn sách Cách khen cách mắng cách phạt con của tác giả Masami Sasaki và Wakamatsu Aki. Các bố mẹ có thể tham khảo nhé.
1. Khen quá nhiều không tốt cho trẻ
Đừng hiểu lầm rằng chỉ có mắng nhiều làm ảnh hưởng xấu đến trẻ. Khi chúng ta thường xuyên khen trẻ vô tội vạ như ” Con giỏi quá”, ” Con giỏi lắm”, vô tình chúng ta làm trẻ có suy nghĩ rằng ”Nếu như làm thế này sẽ được khen; nếu không làm theo như thế sẽ bị mắng”, điều ấy sẽ tạo nên những đứa trẻ chỉ làm khi được khen.
2. Hãy cùng vui mừng thay vì khen ngợi trẻ
Một vấn đề quan trọng có tính quyết định trong việc dạy trẻ đó là dạy trẻ cảm giác tự khẳng định bản thân. Đó là việc bố mẹ mỗi ngày vừa nuôi dưỡng trẻ, vừa truyền đạt cho bé hiểu rằng mình đang tiếp thu và tôn trọng ý kiến của con.
Bố mẹ thường muốn khen ngợi con, nhưng điều quan trọng hơn cả đó chính là bé muốn bạn truyền đạt những điều để chúng cảm thấy ”mình được yêu thương, mình được quan tâm”. Đối với trẻ nhỏ, nếu không có người nhìn theo và để ý thì chúng sẽ cảm thấy bất an. Cho dù là hoạt động thường ngày đi chăng nữa, thì chúng cũng không nghĩ đó là chuyện đương nhiên phải làm, thế nên khi chúng làm những chuyện thường ngày ấy hãy truyền đạt tới chúng những điều như: “Con làm xong hết rồi à?”, “Con làm được rồi hả?”
Những điều chúng ta nói với con trẻ không chỉ là “khen ngợi” mà còn cần có những từ chỉ sự “công nhận”. Đối với sự “công nhận” thì không cần đến thành quả, chỉ đơn thuần là quan tâm, được yêu thương thì trẻ sẽ cảm thấy thật sung sướng và hạnh phúc.
3. La mắng những điều trẻ đã làm, không chỉ trích nhân cách
Mục đích của việc la mắng là làm sao để trẻ hiểu rằng ”mình bị mắng do việc làm của mình không đúng”. Nếu cha mẹ la mắng kèm những câu nói chỉ trích nhân cách sẽ khiến con có cảm giác tự ti, không hài lòng và tin tưởng vào bản thân mình.
4. Bố mẹ không nên cùng la mắng trẻ, mà một trong hai người phải đứng về phía trẻ
Việc trẻ làm việc xấu hay làm những chuyện nguy hiểm thì la mắng là điều đương nhiên. Tuy nhiên, việc cả bố mẹ nổi giận cùng một lúc thật sự không tốt cho tâm lý của trẻ.
Khi bị la mắng, trẻ vẫn muốn có bố hoặc mẹ đứng về phía mình, muốn có “đồng minh” để “chia sẻ vui buồn”. Vì vậy, bố mẹ cùng la mắng không phải là một cách giáo dục tốt, chúng sẽ cảm thấy buồn và có thể không dám nhận lỗi. Khi có một người la thì cần có một người dỗ dành, vỗ về và an ủi trẻ.
Cùng với việc la mắng, bố mẹ hãy giúp trẻ nhận ra tại sao việc đó là không đúng. La mắng nhưng không được tổn thương đến lòng tự trọng của trẻ.
5. Không chỉ là la mắng, bố mẹ hãy cùng con xin lỗi
Có đôi lúc trẻ gây phiền phức cho bạn bè hoặc những người xung quanh. Những lúc như vậy, không nên chỉ la mắng mà bố mẹ hãy cùng trẻ đến xin lỗi những người đã bị trẻ làm phiền.
Cần phải làm sao để trẻ ý thức được rằng những điều con đã làm là sai là phải xin lỗi. Và bố mẹ nên “làm gương” cho trẻ thấy cách bố mẹ xin lỗi như thế nào. Việc thấy bố mẹ xin lỗi vì mình sẽ khiến trẻ buồn và hối hận, từ đó sẽ ít tái phạm hơn. Cũng không nên nhắc đi nhắc lại những sai lầm đó của trẻ, mà hãy nói ”Mọi chuyện đã qua. Con đã hiểu là tốt rồi”.
6. Không nên đào sâu khi la mắng trẻ
Đừng mắng trẻ quá lâu và nhắc đi nhắc lại điều trẻ làm sai. Nếu những lời la mắng không giúp trẻ tự mình nhận ra và sửa lỗi thì đến một lúc nào đó, trẻ có thể bị chai lì, không bộc lộ cảm xúc nữa. Bố mẹ cũng cần kìm chế cảm xúc của bản thân mình, tránh để cảm xúc tiêu cực của mình ảnh hưởng đến con.
Khi trẻ đang buồn bã vì biết mình làm sai, chỉ đơn giản là ở bên cạnh trẻ, chờ đợi và làm những điều hợp với những việc trẻ đang làm. Cứ như vậy, trẻ sẽ rất dễ cải thiện tâm trạng.
7. Cách truyền đạt những điều bạn muốn trẻ làm
Khi nếu muốn con làm điều gì đó, bạn có thể nói với con rằng: ”Nếu con làm như vậy thì tốt lắm đấy”. Nếu trẻ không làm đúng, bố mẹ có thể nói rõ ràng hơn: ”Mẹ(bố) muốn con làm như thế này …”
Nếu trong tình huống phải la mắng trẻ, nên bình tĩnh và nói với trẻ rằng: Không phải làm như thế, hãy làm như này con nhé”.
8. Không nên so sánh trẻ với người khác khi khen ngợi hoặc la mắng
Khi bị so sánh, trẻ sẽ cảm thấy giỏi hơn hoặc thua kém bạn bè. Với sự ảnh hưởng đó, dẫu cho trẻ có cảm thấy thế nào thì cũng không ảnh hưởng tích cực đến trẻ. Nếu trẻ bị dao động giữa hai trạng thái “Mình làm tốt hơn mọi người” hoặc” Mình thua kém mọi người” thì trẻ sẽ khó có thể kết bạn với những người bạn tốt theo đúng nghĩa. Vì vậy, khen và mắng làm sao để cho trẻ không mang cảm giác về sự hơn thua là điều rất quan trọng.
9. Dạy trẻ về tự tin
Hãy công nhận sự cố gắng, nỗ lực của con, không áp đặt những cạnh tranh , đánh giá của xã hội. Và nên nhìn nhận quá trình biến đổi tâm lý của trẻ, cần xem trẻ có hứng thú với việc đó hay chưa, đã cố gắng làm tốt một việc gì đó hơn ngày hôm qua chưa. Chứ không phải cách đánh giá dựa trên sự so sánh rằng con đã cố gắng hơn người khác chưa.
10. Từ “la mắng”, “nổi giận” đến “truyền đạt” tới trẻ
Phụ huynh có thể thực hiện theo 5 phương pháp sau để truyền đạt thông tin tới trẻ tốt hơn
- Quan sát trước khi mắng: Xem việc la mắng đó có phù hợp với trẻ không. Cần xem xét sự việc “đầu đuôi ra sao” để có cái nhìn tổng quan nhất về sự việc. Từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về hành vi sai phạm của trẻ.
- Nói về điểm tốt: Con người thường không thích nghe những điều mình không thích hoặc không quan tâm. Vì thế, trước hết hãy kể một chuyện vui nào đó cho trẻ nghe rồi hãy nói những gì mình thực sự muốn nói. Hãy dùng cách nói “gián tiếp “ để đánh động tâm lý đối với trẻ trước khi đi trực tiếp vào vấn đề.
- Tỏ ra cảm thông: Khi trẻ đang mải mê chơi nhưng bạn muốn trẻ ngưng lại để về nhà thì bạn sẽ nói với con như thế nào? Nếu đứa trẻ đang say mê chơi đột nhiên bị mẹ nói:” Nào, về thôi con” thì nó sẽ khó chịu; nhưng nếu được mẹ nói:” Con vẫn muốn chơi nữa hả?” thì trẻ sẽ nghĩ là : ”A mẹ hiểu mình quá”. Chỉ nói đơn giản thế thôi nhưng sự thông cảm này sẽ làm cho trẻ cảm thấy thật sự an tâm và gắn kết lòng tin vào mẹ.
- Chỉ ra sai lầm cụ thể: Khi mắng con, không nên nói chung chung con sai hay con hư mà hãy nói với con việc nó làm là sai.
- Đưa ra giải pháp quan trọng hơn truy cứu nguyên nhân: Khi chúng ta hỏi những câu hỏi như” Tại sao?” sẽ không giải quyết được vấn đề gì. Thay vào đó, nên tập thói quen đặt cho trẻ những câu hỏi như: “Con sẽ làm như thế nào?”
11. Tạo sự tin tưởng đối với trẻ
Cha mẹ phải làm cho con cảm nhận được rằng mình chính là người bảo vệ con, có được sự tín nhiệm của con bằng cách lắng nghe những yêu cầu và đáp ứng nguyện vọng của chúng. Khi tin tưởng và an tâm về cha mẹ, trẻ có thể nói với cha mẹ những điều mà trong lòng nó mong muốn. Khi giữa cha mẹ và con cái có sự tin tưởng lẫn nhau thì việc dạy dỗ trẻ sẽ trở nên dễ dàng hơn. Điều ấy cũng giúp trẻ lớn lên vơi một trái tim ngập tràn vui vẻ, phấn khởi.
Tuy nhiên, việc trẻ thích cái gì cũng mua liền và việc đáp ứng mong muốn của trẻ là hoàn toàn khác nhau. Hãy cảm nhận mức độ quan trọng của sự việc mà nuông chiều trẻ một cách phù hợp. Cần có giới hạn về thời gian, kinh tế và tốt nhất là nên có một phạm vi giới hạn nhất định.
Những lúc ta không thể nào đáp ứng được yêu cầu của trẻ thì phải từ chối sao cho thật khéo. Những lúc như vậy, hãy truyền đạt sự cảm thông chân thành bằng câu nói “Vậy à” hoặc”Ừ, đúng là như vậy nhỉ, tuy nhiên/nhưng mà…..”
12. Phương pháp dạy dỗ dành cho những trẻ khó bảo
Để trẻ lớn lên không gặp khó khăn, cha mẹ có nghĩa vụ tập cho bé thành thạo các thói quen sinh hoạt hàng ngày và biết cách ứng xử.
Đầu tiên, hãy truyền đến bé thật nhiều” sự dịu dành của mẹ”. Điều đó có nghĩa là người mẹ cố gắng tạo cho trẻ một không gian mà ở đó trẻ được lắng nghe, được khoan dung và mang lại sự bình yên cho trẻ. Ngay cả khi bị la mắng, trẻ sẽ nhanh chóng cảm thấy được tha thứ bởi có được sự chở che của mẹ.
Sau đó hãy từ từ truyền “ Sự nghiêm khắc của cha”, là thái độ nghiêm khắc với những quy luật, quy tắc, nghĩa vụ hay những lười hứa với trẻ, thậm chí là sự xử phạt trẻ những khi cần thiết.
Dạy dỗ trẻ cũng như đặt nền móng cho một ngôi nhà. Đầu tiên, hãy xây dựng cho bé một nềm móng thật vững chắc rồi sau đó từ từ tiến lên. Nếu nền tảng đã được xây dựng một cách vững vàng rồi thì sau này khi bước ra cuộc sống, trẻ vẫn có thể đứng vững và giữ lập trường của mình trước những sóng gió cuộc đời.
13. Nuôi dưỡng khả năng chia sẻ niềm vui, nỗi buồn
Khi còn nhỏ, nếu trẻ được cha mẹ lắng nghe chuyện của mình và nhận được sự giúp đỡ từ cha mẹ thì lớn lên chúng sẽ giỏi hơn những đứa trẻ khác trong việc tuân thủ luật lệ, quy tắc, lời hứa, biết tiếp thu cảm giác của bạn bè và mọi người xung quanh. Việc dạy trẻ biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn chính là phải làm sao để trẻ trở thành người biết quan tâm, để ý người khác. Trẻ sẽ phát triển theo hướng biết khoan dung với bản thân mình và mọi người, nhờ đó giúp trẻ xây dựng được những mối quan hệ sau này.
14. Dạy con tự lập, giúp đỡ người khác
Hãy hạn chế nói những câu “Con phải làm như thế này, phải làm như thế kia”. Đa số chúng ta thường tự quyết định hướng giải quyết sự việc, tự mình thay đổi cách làm, vì vậy đã giết chết những “mong ước” từ trong trứng nước của trẻ.
Vì như vậy trẻ sẽ không dám dũng cảm đối diện với sự việc mà sẽ rụt rè, nhút nhát. Đôi lúc bạn hãy thật bình tĩnh để giao cho con quyền tự đưa ra giải pháp của mình. Đối với trẻ, hãy để chúng mang theo niềm đam mê tìm tòi, vui chơi, nỗ lực hết mình. Và rồi dần dần con sẽ học được cách tự lập.
Với những trẻ đang trong thời kỳ phát triển, khi nói” Cha(mẹ) muốn con hãy tự lập” sẽ rất dễ làm cho bé hiểu lầm thành “cô lập” vì hai khái niệm “cô lập” và “tự lập” rất gần nghĩa với nhau. Bố mẹ hãy nói với con: ”Con hãy an tâm nhờ vả mọi người và hãy để mọi người cũng trông cậy vào mình”. Tự lập chính là sự phụ thuộc tương hỗ trong mối quan hệ nào đó chứ không phải tách mình riêng biệt.
15. Làm sao để trẻ có thể tâm sự, nói chuyện thoải mái với cha mẹ?
Hãy tạo ra một bầu không khí thoải mái để trẻ có thể dễ dàng bày tỏ mong muốn với mọi người trong gia đình. Cảm giác muốn nói cũng không thể nói, muốn cảm nhận mà cũng không thể cảm nhận sẽ làm cuộc sống của trẻ bị thu hẹp lại. Hãy để cho trẻ tự mình được cảm nhận và suy nghĩ.
Khi trẻ muốn tâm sự thì đừng cắt ngang lời, mà đầu tiên hãy lắng nghe và tỏ vẻ tán đồng”À, vậy à” rồi sau đó mới đưa ra ý kiến của mình” Con nghĩ như vậy nhỉ, nếu là mẹ thì mẹ sẽ nghĩ như vậy nè”…
Cho dù trẻ có nói những điều vô lí, hay sai trái thì cũng không nên nói những lời tổn thương lòng tự trọng của trẻ như:”Con đừng có nói những điều ngu ngốc ấy”…Thay vào đó, hãy truyền đạt tới trẻ những điều dễ hiểu như:” Con nghĩ như vậy hả? Nhưng mà bố mẹ nghĩ ngược lại đó”….
Hãy để đôi mắt của bạn hướng đến con, nở nụ cười hiền, gật đầu và tập trung lắng nghe những lời trẻ nói một cách thật sự.
Tổng kết
Thông qua 15 cách khen cách mắng cách phạt con, mình hy vọng những người làm cha mẹ sẽ có những cái nhìn đúng đắn hơn trong việc lựa chọn những phương thức truyền đạt đến trẻ. Cho dù là khen, mắng, hay phạt thì trẻ không vì thế mà trở nên kiêu căng, tự ti hay có suy nghĩ không tốt với bố mẹ. Con cái là một trong những điều tuyệt vời nhất của bố mẹ, vì thế đừng làm mất đi sợi dây kết nối giữa bố mẹ và con cái nhé.
Xem thêm: Review sách Con không ngốc con chỉ thông minh theo một cách khác
Liên hệ với mình tại:
Fanpage Facebook: Nguyễn Thơm Blog
Youtube: Nguyễn Thơm
Website:nguyenthomblog.com