1. Tại sao cần kiểm tra nợ xấu?
Có thể hiểu nợ xấu là các khoản nợ khó đòi khi người vay không trả nợ khi đến hạn phải thanh toán như đã cam kết trong hợp đồng tín dụng. Theo đó, thời gian quá hạn thanh toán trên 90 ngày thì bị coi là nợ xấu.
Khi bị nợ xấu, người đó sẽ bị liệt kê vào danh sách khách hàng nợ xấu trên hệ thống của Trung tâm Thông tin Tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng vay tín dụng của cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và kế hoạc đầu tư của cá nhân, doanh nghiệp đó.
Việc kiểm tra nợ xấu sẽ giúp người vay nắm được thông tin mình có thuộc trường hợp bị nợ xấu hay không để có phương án giải quyết kịp thời.
Bên cạnh đó, trường hợp bị dính nợ xấu, người vay có thể kiểm tra được cụ thể khoản nợ và thời hạn thanh toán.
2. 3 cách kiểm tra nợ xấu nhanh chóng
2.1 Kiểm tra nợ xấu trên website CIC
Bước 1: Truy cập website CIC qua đường link: https://cic.gov.vn/#/register
Bước 2: Thực hiện đăng ký theo hướng dẫn, bao gồm các thông tin như:
– Họ tên;
– Ngày tháng năm sinh;
– Số điện thoại;
– Thông tin Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân.
Trong đó, đối với mục ảnh Chứng minh nhân dân, người dùng chụp 03 bức ảnh gồm mặt trước, mặt sau và ảnh chân dung.
Lưu ý: Những mục đánh dấu (*) không được bỏ trống.
Bước 3: Nhập mã OTP được gửi về số điện thoại đã đăng ký, sau đó ấn “Tiếp tục“
Bước 4: Sau khi thực hiện xong các bước, sau 1 ngày hệ thống CIC sẽ gọi để xác thực thông tin, thông tin khớp kết quả sẽ được gửi qua Email.
Bước 5: Khi thông tin đã được xác nhận, người dùng truy cập vào website và thực hiện đăng nhập, sau đó chọn “Khai thác báo cáo” để kiểm tra nợ xấu CIC của bản thân.
2.2 Kiểm tra nợ xấu thông qua Ứng dụng CIC
Bước 1: Tải ứng dụng và đăng ký/đăng nhập
Đối với điện thoại Android: Tải ứng dụng CIC Credit Connect – Kết nối nhu cầu vay
Đối với điện thoại IOS: Tải ứng dụng iCIC NATIONAL CREDIT INFORMATION CENTRE OF VIETNAM.
Sau đó “Đăng ký” nếu chưa có tài khoản. Trường hợp đã có tài khoản, bấm chọn “Đăng nhập”.
Bước 2: Điền đầy đủ thông tin trên màn hình hiển thị như: Họ và tên, số điện thoại, ảnh chụp CMND/CCCD,…
Bước 3: Chờ kiểm tra và phê duyệt, thời gian mất khoản từ 1 – 3 ngày (trừ cuối tuần và các ngày Lễ).
Bước 4: Xem kết quả.
Sau khi hệ thống CIC đã phê duyệt, bấm chọn vào mục “Khai thác báo cáo” và nhập lại mã OTP (được gửi về điện) để xác thực. Sau đó vào mục “Xem báo cáo” để biết được kết quả nợ xấu của mình)
2.3 Kiểm tra nợ xấu tại ngân hàng bằng CMND/CCCD
Với cách này, khách hàng cần đến trực tiếp ngân hàng cho vay tín dụng
Bước 1: Cung cấp Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân cho tổ chức tín dụng
Bước 2: Tổ chức tín dụng sẽ tiến hành kiểm tra và thông báo kết quả rằng có đang bị nợ xấu Ngân hàng hay không.
3. Muốn xóa nợ xấu, phải làm thế nào?
Sau khi tiến hành kiểm tra nợ xấu, trong trường hợp phát hiện có nợ xấu cần tiến hành xóa nợ xấu như sau:
– Đối với khoản nợ xấu dưới 10 triệu: Hoàn tất các khoản nợ có giá trị nhỏ hơn 10 triệu đồng để không bị dính lịch sử nợ xấu.
– Đối với khoản nợ xấu trên 10 triệu: Cần phải nhanh chóng hoàn tất trả cả gốc và lãi. Sau khi tất toán, yêu cầu ngân hàng xác nhận việc hoàn thành trả nợ để không bị ảnh hưởng đến điểm CIC.
Sau 12 tháng, nợ xấu được trả hết thì lịch sử tín dụng của người vay có thể đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng.
– Đối với khoản nợ xấu lớn: Thời hạn để xử hoàn tất các khoản nợ lớn là 5 năm, sau đó hệ thống tiếp tục ghi nhận lịch sử tín dụng và đưa ra đánh giá điểm tín dụng theo quy định. Nếu vẫn có nhu cầu vay vốn, ngân hàng sẽ dựa vào điểm tín dụng này để xem xét hồ sơ.
Trên đây là hướng dẫn 3 cách tra cứu nợ xấu nhanh nhất. Mọi vấn đề còn vướng mắc vui lòng liên hệ 19006192 để được LuatVietnam hỗ trợ, giải đáp cụ thể.