Bụi bay vào mắt là hiện tượng hầu hết trong chúng ta ai cũng sẽ gặp ít nhất vài lần. Tuy nhiên, theo các bác sĩ nhãn khoa cho biết cách xử lý bụi bay vào mắt không đơn giản như chúng ta vẫn nghĩ là dụi mắt hoặc thổi bụi.
Dù chỉ là hạt bụi nhỏ trong mắt cũng có thể gây đau đớn hoặc dẫn đến các vết trầy xước trên giác mạc, nặng hơn có thể nhiễm trùng mắt. Vậy đâu là phương pháp xử lý khi bụi bay vào mắt tránh làm tổn thương mắt? Tìm hiểu ngay bài viết bên dưới.
1Những việc không nên làm khi bụi bay vào mắt
Bản năng đầu tiên của mọi người khi bụi bay vào mắt hầu hết là dụi mắt hoặc ấn vào mắt. Điều này có thể làm cho vấn đề càng trở nên tồi tệ hơn, các hạt bụi trong mắt có thể làm trầy các mô bao phủ và bảo vệ mắt– còn được gọi là giác mạc. Dẫn đến sự mài mòn giác mạc và gây trầy xước giác mạc, chúng thường không nghiêm trọng nhưng có thể gây đau.
Một số trường hợp may mắn bụi nhỏ và trơn có thể tự nhiên biến mất, khiến tròng mắt chỉ đỏ ửng lên do bị kích ứng, nhưng cũng có trường hợp khi dụi mắt quá tay có thể khiến mắt bị tổn thương vĩnh viễn hoặc thậm chí dẫn đến mù lòa.
Không nên căng mắt và nhờ người thân thổi mạnh vào mắt có bụi, bởi trong không khí và nước bọt của người thổi có thể chứa rất nhiều vi khuẩn dẫn tới viêm nhiễm cho mắt.
2Cách xử lý khi bụi bay vào mắt
Đầu tiên là nháy mắt thật nhanh: khi bị bụi, lông mi hoặc một vật lạ nhỏ như côn trùng,…dính vào mắt phản ứng tự nhiên của cơ thể là chớp mắt. Nháy mắt liên tục có thể giúp di chuyển vật lạ trong mắt, lúc đó nước mắt bắt đầu hình thành nhanh và nhiều hơn, đẩy bụi theo dòng trôi ra ngoài.
Nếu cảm thấy phương pháp trên không đẩy được bụi ra ngoài, hãy chắc chắn rằng bàn tay của bạn sạch sẽ, rửa kỹ tay bằng xà phòng và nước sạch, rồi làm theo cách sau:
– Rửa mắt bằng nước muối sinh lý: Bạn sử dụng nước muối sinh lý Natri 0.9% vào mắt 5-6 giọt để rửa sạch bụi bẩn và đẩy bụi ra ngoài.
– Rửa mắt bằng nước lạnh: Bạn có thể mở mắt và đặt mắt bị ảnh hưởng dưới vòi nước sạch đang chảy để rửa. Nước sẽ không làm hỏng mắt của bạn, vì vậy đừng sợ mở mắt. Bụi sẽ theo dòng chảy của nước trôi ra ngoài. Hoặc bạn cũng có thể sử dụng chậu nước ấm sạch, nhúng mặt vào nước và chớp mắt liên tục.
– Sử dụng tăm bông hoặc một góc của miếng vải sạch: Nếu sau khi bạn rửa mắt bằng nước mà vẫn cảm thấy có gì đó trong mắt hãy dùng tăm bông hoặc vải sạch để lấy ra, lau theo chuyển động của mắt nhẹ nhàng và đảm bảo là không bao giờ vuốt qua mắt. Kiểm tra tăm bông và vải sạch sau mỗi lần thử.
Nếu tất cả những phương pháp trên đều thất bại và mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, bạn hãy đến gặp bác sĩ hoặc cơ sở y tế gần nhất để được giúp đỡ bạn nhé!