-
Nguyên nhân gây ra đờm ứ đọng
Có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng đờm dãi bị ứ đọng ở người cao tuổi. Thông thường, người ta chia thành những nguyên nhân dưới đây:
- Do tuổi già, người cao tuổi suy giảm sức khoẻ làm giảm khả năng tự khác nhổ. Khi còn trẻ, chúng ta dễ dàng thực hiện động tác này. Tuy nhiên, về già việc này trở nên khó khăn, nhất là với những người già yếu, nhiều bệnh kèm theo.
- Nằm tại giường trong thời gian dài. Người cao tuổi vì một lý do nào đó phải nằm yên tại giường một thời gian dài như bệnh tật hay mệt mỏi. Việc này làm cho người bệnh giảm khả năng đào thải đờm dãi.
- Các bệnh đường hô hấp: Hầu hết các bệnh đường hô hấp đều gia tăng khả năng tiết dịch. Tuy nhiên, ở người già điều này xảy ra càng thường xuyên và mạnh mẽ hơn. Điều này càng tăng lên khi người bệnh có kèm theo phải nằm tại giường lâu ngày. Các bệnh đường hô hấp thường được biết đến như viêm phổi, viêm phế quản,…
- Các bệnh mạn tính khác: Một số bệnh mạn tính như ung thư giai đoạn cuối, tai biến mạch máu não gây liệt nửa người,…làm người bệnh phải nằm liệt giường và càng tồi tệ hơn với người cao tuổi. Tình trạng này dễ gây ứ đọng đờm dãi làm bệnh tật nặng nề hơn.
-
Tác hại của việc ứ đọng đờm dãi ở người cao tuổi
Đối với người cao tuổi, vấn đề này là một vấn đề cực kỳ nan giải. Bởi vì với người bình thường khả năng khạc nhổ có thể tống các chất cặn ra khỏi cơ thể thì với người già yếu thì việc này thực sự khó khăn. Nhất là đối với những người đang có những bệnh kèm theo càng làm suy giảm sức khỏe người cao tuổi.
Người cao tuổi có sức đề kháng đã suy giảm thì việc đờm dãi bị ứ đọng làm là một điều kiện vô cùng thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Từ đó chúng gây viêm nhiễm cho đường hô hấp mà việc điều trị lại trở nên khó khăn. Nó như một vòng xoắn, càng làm bệnh ban đầu nặng nề hơn, càng làm suy giảm sức khỏe người bệnh.
Việc đờm dãi ứ đọng trong đường hô hấp là yếu tố làm tắc nghẽn đường hô hấp. Kèm theo đó, khi viêm nhiễm thì đường hô hấp thường phù nề, co thắt làm cho người bệnh càng khó thở hơn. Có thể nói, yếu tố đờm dãi làm cản trở việc hồi phục bệnh, tăng cường khả năng gây hại của bệnh. Do đó, vấn đề làm sạch đường thở cho người cao tuổi là rất cần thiết, nhất là với những người đang được chăm sóc tại nhà, thiếu sự quan tâm y tế.
-
Hút đờm dãi cho người cao tuổi
Bài viết dưới đây chia sẻ các cách hút đờm dãi thường dùng cho người cao tuổi tại nhà. Nhằm đưa tới cho bạn đọc những thông tin cần thiết, thao tác đơn giản nhất.
-
Thông tin ban đầu
Trước khi đi vào thao tác, chúng ta cần tìm hiểu về cấu trúc cơ bản của đường hô hấp. Đường hô hấp gồm hai phần chính là hô hấp trên từ mũi, miệng, hầu đến trên thanh quản. Còn đường hô hấp dưới thường là dưới thanh quản.
Trong hút đờm dãi cho người già tại nhà, chỉ nên hút đờm dãi tại đường hô hấp trên, tránh đưa xuống thấp vì có thể gây nên nhiễm khuẩn thứ phát.
-
Mục đích của phương pháp
- Làm sạch chất dịch xuất tiết, khai thông đường thở.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông, trao đổi khí dễ dàng.
- Đề phòng nhiễm khuẩn do tích tụ dịch đường hô hấp.
- Tránh các biến chứng cho đường hô hấp.
-
Chuẩn bị
- Người thực hiện: người nhà hoặc người giúp việc đã được tìm hiểu và thành thạo các thao tác hút đờm dãi.
- Phương tiện, dụng cụ:
+ Ống hút đờm dãi vô khuẩn sử dụng một lần, lựa chọn kích cỡ phù hợp
+ Gạc miếng, cốc dùng một lần, đè lưỡi hoặc canuyn
+ Máy hút hoặc nguồn hút áp lực âm. Nếu điều kiện không có có thể sử dụng xilanh 20-50ml
+ Natri clorid 0,9%, dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
+ Các dụng cụ khác.
- Người bệnh được thông báo, giải thích rõ ràng trước khi làm thủ thuật. Nếu có thể, cho người bệnh tập thở sâu, tập ho, được vỗ rung.
- Các bước tiến hành
- Nhận định người bệnh: kiểm tra nhịp thở, toàn trạng
- Người thực hiện rửa tay, đeo găng, đeo khẩu trang và kính bảo hộ.
- Cho người bệnh nằm nghiêng sang 1 bên để không bị sặc, trải khăn ra trước ngực người bệnh.
- Đổ dung dịch Natri clorid 0,9% vào cốc.
- Lắp ống hút vào máy, bật máy kiểm tra sự hoạt động của máy. Điều chỉnh áp lực phù hợp. Mở túi đựng ống thông.
- Mở cửa sổ van hút, nhẹ nhàng đưa ống thông vào cánh mũi người bệnh.
- Nếu hút đường miệng họng thì cần canuyn để giữ tư thế miệng rồi đưa ống hút vào.
- Tiến hành hút: đóng cửa sổ hút, kéo ống thông từ từ, xoay nhẹ ống thông để hút hết các vị trí xung quanh.
- Lặp lại động tác cho đến khi hết dịch trong đường hô hấp. Mỗi lần kéo dài không quá 15s để không ảnh hưởng tới hô hấp.
- Hút nước tráng ống, tháo ống thông đưa vào dung dịch khử khuẩn.
- Tháo găng, đưa người bệnh về tư thế nghỉ ngơi.
- Kiểm tra lại người bệnh và thu dọn dụng cụ.
-
Một số lưu ý trong quá trình thực hiện
- Không nên thực hiện bằng động tác quá thô bạo nhằm tránh tổn thương niêm mạc mũi miệng người bệnh
- Điều chỉnh áp lực hợp lý nhằm tránh tổn thương cơ quan.
- Không đưa ống vào quá sâu và quá lâu gây kích thích và khó khăn trong hô hấp.
- Cần chú ý nhịp thở và nhịp tim người bệnh trước, trong và sau khi thực hiện.
- Nếu đờm đặc quá có thể làm loãng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn.
- Trong quá trình hút, chú ý đưa ống hút vào tới nơi mới thực hiện hút.
Như vậy, trên đây chúng tôi đã trình bày quy trình thực hiện hút đờm dãi cho người cao tuổi một cách chi tiết. Hi vọng, bạn đọc có những thông tin bổ ích cho bản thân và gia đình. Nếu quá trình có khó khăn, người nhà cần đưa bệnh nhân đi tới cơ quan y tế để được xử trí tốt nhất.