Hiện nay, một số người thực hiện cách ly tập trung để phòng, chống dịch Covid-19 thắc mắc vì sao phải đóng một khoản tiền. Do thông tin sai lệch đã khiến một số người dân hiểu không đúng bản chất của việc thu tiền dẫn đến trốn tránh khai báo y tế, trốn cách ly vì sợ… phải đóng tiền. Đây là một suy nghĩ rất sai lệch và vô cùng tai hại. Điều đó sẽ khiến cho dịch bệnh lây lan nhiều hơn, khó kiểm soát hơn trong cộng đồng.
Cán bộ, chiến sĩ Ban chỉ huy quân sự huyện Chơn Thành lắp đặt trang thiết bị cần thiết, sẵn sàng cho khu cách ly tập trung 2 đi vào hoạt động. Ảnh: Đỗ Trình
Chỉ phải đóng tiền ăn
Việc đóng tiền ăn tại các khu cách ly y tế tập trung là chuyện hiển nhiên. Mức chi phí này thấp, chỉ là phần nào phụ vào chi phí cho cả quá trình cách ly.
Theo Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 8-2-2021, trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do Nhà nước bố trí: chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80 ngàn đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung. Còn lại các khoản khác đều do ngân sách chi trả.
Riêng người phải cách ly y tế tập trung thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được ngân sách hỗ trợ luôn cả tiền ăn 80 ngàn đồng/người/ngày. Đặc biệt, bắt đầu từ ngày 29-5-2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ đài thọ toàn bộ tiền ăn cho trẻ em từ 0-16 tuổi khi phải cách ly do dịch Covid-19 đến ngày 31-12. Trước mắt, Bộ sẽ hỗ trợ cho 3 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và Điện Biên mỗi tỉnh 1 tỷ đồng.
Lẽ thường nếu ở nhà thì mọi người cũng phải ăn. Trong khu cách ly điều kiện không như ở bên ngoài, chất lượng bữa ăn có thể thấp hơn. Cá biệt đối với một số người, ở khu cách ly tập trung bữa ăn có thể cao hơn hằng ngày ở gia đình.
Với người đi cách ly tập trung chắc chắn đã biết, ngoài ăn, họ còn phải sử dụng rất nhiều thứ phải mua bằng tiền như: chi phí khám bệnh, chi phí bảo vệ, nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng… và các vật dụng thiết yếu, chăm sóc y tế, hậu cần khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly; di chuyển đến cơ sở cách ly tập trung… Và đây là những khoản rất tốn kém mà người đi cách ly đều được miễn phí.
Nghị quyết 16/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 8-2-2021 quy định về chi phí cách ly y tế, chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong thời gian cách ly y tế nêu rõ:
Đối với người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam thuộc đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế thì phải thực hiện cách ly tại khách sạn, resort. Đồng thời chi trả tất cả các chi phí từ đưa đón, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 đến ăn, ở, sinh hoạt theo mức giá do khách sạn, resort, chủ phương tiện vận tải công bố.
Người Việt Nam đi làm việc, lao động, đi du học, du lịch, khám, chữa bệnh, thăm thân ở nước ngoài trở về, trường hợp được UBND cấp tỉnh quyết định cách ly tại cơ sở y tế nhà nước cũng phải tự chi trả các chi phí đưa đón, xét nghiệm, tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày và chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt.
Riêng người Việt Nam trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch chỉ phải tự chi trả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày. Các khoản chi phí khác đều được miền phí. Người phải cách ly thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được miễn phí luôn tiền ăn.
Xem chi tiết nghị định đính kèm
Người mắc bệnh dịch Covid-19 được khám và điều trị miễn phí
Nhà nước ta luôn có những chính sách nhân văn và kịp thời để hỗ trợ người dân, đặc biệt là với những căn bệnh nguy hiểm. Ngày 29-1-2020, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 219/QĐ-BYT bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A. Bởi vậy, việc phòng, chống bệnh dịch này được thực hiện theo quy định với bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Trong khi đó, theo Điều 48 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, những người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí.
Đến ngày 31-1-2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cũng ban hành Công văn số 280/BHXH-CSYT về việc phối hợp thực hiện thanh toán chi phí điều trị nghi ngờ nhiễm virus Corona. Theo đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu BHXH các tỉnh thực hiện những nội dung như: Chủ động phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được kịp thời khám, chữa bệnh hoặc chuyển tuyến khi nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV. BHXH các tỉnh thực hiện việc giám định, thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT theo đúng quy định cho các đối tượng này. Đồng thời, BHXH các tỉnh, đặc biệt là những tỉnh có người bệnh được phát hiện nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm vi rút nCoV phải thực hiện ngay việc tạm ứng kinh phí để bảo đảm hoạt động khám, chữa bệnh BHYT. Rất ít quốc gia nào trên thế giới làm được điều này.
Đừng biến mình thành người vô cảm, ích kỷ
Đi điều trị bệnh không phải đi nghỉ dưỡng? Với căn bệnh thông thường, điều trị nội trú cũng phải chi phí ăn, ở; còn nếu chọn dịch vụ sẽ phải chi phí cao hơn gấp nhiều lần. Còn tại khu cách ly, ngoài tự trả tiền ăn, việc ở cùng với hàng loạt các điều sinh hoạt, đảm bảo an toàn dịch bệnh đi kèm đều miễn phí. Mỗi người nên nhẩm tính sơ bộ để thấy, Nhà nước đã phải chi trả nguồn ngân sách lớn thế nào mới có thể bảo đảm an toàn cho một người đi cách ly tập trung hạn chế thấp nhất nguy cơ nhiễm bệnh dịch Covid-19 (kể cả lây nhiễm chéo). Vậy mà tự trả tiền ăn cho bản thân với suất ăn đủ dinh dưỡng được phục vụ tận nơi sao phải đắn đo, suy tính…?
Đối với F1, trường hợp này rất dễ thành bệnh nhân bởi những dấu hiệu bệnh không dễ dàng, rất khó tiên lượng. F1 có thể trở thành F0, F2 đã từng trở thành F0. Khi nhiễm Covid-19, bất kỳ ai hay lứa tuổi nào đều có khả năng diễn biến nặng và có thể tử vong. Đây là bệnh dịch không cho phép bất kỳ ai được một phút giây chủ quan, lơ là.
Cả hệ thống chính trị đã cùng vào cuộc chăm lo cho dân. Không kể các mạnh thường quân, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ vật chất, tinh thần mà ngay cả nhiều cụ già, bà lão tuổi 80, 90 vẫn góp từng đồng dành dụm được; hay những em bé còn biết đập heo đất với tấm lòng chung tay chống dịch. Nhiều y, bác sĩ, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng vũ trang và sinh viên trường y, các trường trong lực lượng vũ trang đã tình nguyện đến tâm dịch, những thiên thần áo trắng, những chiến binh tham gia phòng chống dịch đang ngày đêm vất vả, đến kiệt sức… Đây không phải là nhiệm vụ của họ phải làm do đã nhận lương, có lương cao và chúng ta biết rằng chẳng ai muốn đổi với họ để nhận lương cao.
Hãy biết cảm thông, chia sẻ với rất nhiều người đã phải hy sinh gấp bội phần cho những người ở khu cách ly tập trung có được bữa ăn, giấc ngủ, điều kiện y tế tốt nhất có thể, trong đại dịch vẫn còn phức tạp hiện nay. Với một đất nước còn khó khăn như Việt Nam mà vẫn đặt hạnh phúc của nhân dân lên hàng đầu, luôn lo cho nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ thì niềm hạnh phúc đó không phải công dân nước nào cũng may mắn có được.