Cách muối dưa hành miền Bắc trắng giòn đúng chuẩn, tăng hương vị truyền thống cho ngày Tết Nguyên Đán. Tìm hiểu chi tiết cụ thể trong bài viết dưới đây.
Tết Nguyên Đán là thời điểm bắt đầu một năm mới theo văn hóa truyền thống của người Việt. Cùng với những nét văn hóa được gìn giữ từ ngàn đời nay, Tết cũng là lúc người ta chuẩn bị những món ăn ngon, mang tính truyền thống như bánh trưng, giò mỡ, canh măng… Trong đó không thể bỏ qua món dưa hành chua chua, hăng hăng thơm ngon độc đáo.
Dưa hành với hương vị đặc trưng giúp điều vị cho những ngày Tết thêm ngon miệng hơn, giải ngán cực tốt.
Món ăn này cũng được chế biến với cách làm đơn giản, nguyên liệu không hề khó kiếm. Bạn cũng có thể tự tay chế biến tại nhà. Liệu rằng bạn đã nắm được cách làm này hay chưa, làm sao để hành muối chua, không bị nổi váng hay hăng quá độ? Để tìm được công thức món ngon, mời bạn tham khảo một số chi tiết cụ thể được giới thiệu cụ thể trong bài viết dưới đây.
Cách muối dưa hành miền Bắc đúng chuẩn
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”
Từ lâu đây đã là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc ta. Thiếu đi một thứ coi như ngày Tết chưa đủ đầy. Dưa hành cũng là một trong số đó. Đây là món ăn đặc trưng của ngày Tết, nhất là ngày Tết của người miền Bắc. Vừa ngon, lại có tác dụng chống ngấy rất hiệu quả khi đã ăn quá nhiều loại thịt.
Tuy nói cách muối dưa hành miền Bắc không khó. Thế nhưng muối làm sao để thu được thành phẩm là những củ dưa hành trắng giòn thì không phải ai cũng biết. Tham khảo ngay công thức dưới đây, chắc chắn bạn sẽ có được hũ dưa hành thơm ngon đúng ý.
Nguyên liệu để muối dưa hành miền Bắc
– Hành trắng khô: 300g
– Dấm ngon: 200ml
– Nước lọc: 100ml
– Đường: 50g
– Muối: 40g
– Nước vo gạo: bạn có thể trữ khoảng sau 2 bữa nấu cơm là đủ nước vo gạo để ngâm hành.
Cách muối dưa hành miền Bắc
Bước 1: Sơ chế hành: Hành trắng khô sau khi mua về bạn bóc lớp vỏ đất bên ngoài, sau đó cho vào nước gạo để ngâm qua đêm.
Sau khi ngâm, bạn vớt hành ra rồi cắt rễ, bóc sạch vỏ. Vừa bóc vừa cho vào chậu nước muối ngâm (1,5 lít nước + 20g muối, hòa tan). Khi đã sơ chế hết hành thì vớt ra rổ, để cho thật ráo nước.
Chú ý: không nên cắt rễ quá sát như khi bóc hành để nấu, hãy trừ lại một chút gộc, để khi muối tránh tình trạng hành bị nhũn, nhanh hỏng.
Mẹo: Khi bóc hành trắng khô, bạn có thể sẽ bị cay mắt, “nước mắt tuôn trào”. Tuy nhiên, mách nhỏ cho bạn một mẹo hay đó là hãy dùng dao con để bóc hành, trước khi bóc hãy làm ướt dao, đảm bảo sẽ không bị cay mắt đâu nhé.
Bước 2: Nấu nước ngâm
Cho dấm + nước lọc + đường + muối vào một chiếc nồi, bắc lên bếp. Nấu cho đến khi thấy hỗn hợp hòa tan hết thì tắt bếp, nhắc nồi xuống và để nước ngâm nguội.
Bước 3: Tiến hành ngâm hành
Xếp hành đã ráo nước vào lọ sach, khô ráo, sau đó dùng que tre đè chặt trên bề mặt hành. Cuối cùng bạn chỉ cần đổ nước ngâm ngập hành là được.
Đậy lọ hành muối lại, để ở nơi khô ráo và thoáng mát, chỉ sau khoảng 4 ngày là bạn đã có thể lấy ra thưởng thức rồi đấy.
Yêu cầu thành phẩm
Củ hành cần có màu trắng muốt, giòn, thơm ngon để ăn suốt cả mấy ngày Tết. Vậy là dưa hành muối của bạn đã đạt chuẩn rồi đấy.
Bạn thấy đấy, chỉ từ nguyên liệu chính là củ hành khô, thêm một vài nguyên liệu có sẵn trong gia đình, qua 3 bước đơn giản là bạn đã có thể chế biến ra món ăn kèm thơm ngon cho ngày Tết rồi đấy. Dưa hành muối ngon nhất khi ăn kèm với bánh chưng rán đấy, nếu bạn chưa biết thì hãy thử xem.
Xem thêm: Cách làm dưa món miền Trung chống ngán cho bữa ăn nhiều thịt
Cách muối dưa cải chua miền Bắc vàng giòn
Dưa cải chua thường góp mặt trong bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình miền Bắc. Những miếng dưa cải muối vàng ươm, giòn thơm, chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm rồi.
Nguyên liệu để muối dưa cải chua miền Bắc
– Cải bẹ xanh già: 1kg
– Đường: 2 thìa cà phê
– Muối hạt: 60g
– Hành lá: 100g
– Nước đun sôi để nguội: 1 lít
Cách muối dưa cải chua miền Bắc
Bước 1: Khi mua rau cải về, bạn không nên muối ngay mà hãy đưa ra phơi ngoài nắng cho cải héo bớt. Trong trường hợp trời không nắng, bạn có thể để cạnh góc bếp. Tại sao phải phơi héo cải trước khi muối? Rất đơn giản, làm như vậy vừa để giảm chất độc có trong cải (nếu có) và giúp dưa sau khi muối được giòn hơn.
Bước 2: Sau khi phơi, bạn cắt khúc cải thành từng khúc vừa ăn, rửa thật sạch với nước lạnh sau đó để cho ráo nước.
Hành lá cắt gốc, rửa sạch, để ráo nước rồi cắt khúc dài khoảng 5cm là được.
Bước 3: Pha nước muối dưa
Cách pha nước muối dưa cải chua miền Bắc cũng khá đơn giản. Cho nước đun sôi để nguội vào nồi, sau đó cho muối hạt và đường vào khuấy đều là được.
Bước 4: Chuẩn bị lọ muối dưa thật sạch sẽ, khô ráo. Bạn có thể dùng nước sôi tráng qua rồi để cho khô cũng được. Làm sạch và khô lọ muối dưa sẽ giúp dưa không bị váng, tránh tình trạng bị hỏng.
Bước 5: Tiến hành muối dưa
Cho dưa vào lọ, sau đó cho thêm hành lá lên trên. Dùng vài thanh tre đè lên trên cùng, nén chặt để dưa không bị nổi lên trên. Cuối cùng bạn chỉ cần đổ hỗn hợp nước muối sao cho ngập bề mặt dưa là được.
Thời gian dưa chín là bao lâu? Thông thường sau 2 ngày bạn sẽ thấy dưa chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt, lúc đó dưa đã có thể ăn được rồi đấy. Tuy nhiên nếu bạn thích ăn dưa chua hoặc muốn dùng dưa kết hợp với các nguyên liệu khác để xào, nấu canh, hấp…thì cần để khoảng 3-4 ngày nhé.
Đặc biệt, vào mùa đông, thời gian dưa chua sẽ lâu hơn đấy. Để tránh tình trạng dưa nhanh bị hỏng, bạn nên tuân thủ các bước như đã hướng dẫn ở trên nhé. Có ti tỉ món ăn ngon được chế biến từ món dưa cải muối chua đấy. Vào ngày Tết, dưa cải chua cũng là món ăn có công dụng chống ngấy rất tốt nữa. Nhanh tay đi chợ, mua nguyên liệu và muối ngay một hũ dưa chua thật thơm ngon để cả nhà cùng thưởng thức.
Chúc bạn thành công với cách muối dưa cải chua và cách muối dưa hành miền Bắc mà JAMJA’s BLOG đã hướng dẫn ở trên. Bữa ăn ngon miệng sẽ giúp gia đình thêm hạnh phúc. Vì vậy, hãy dành thời gian để nấu cho gia đình những món ăn ngon bạn nhé.
Comments
comments