Cách muối dưa cải bẹ không khó, nhưng để dưa cải bẹ chua vừa lại vàng giòn, có thể để lâu mà không hỏng thì phải biết cách xử lý dưa trước khi đem muối chua.
Dưa chua là món ăn dân dã quen thuộc của người Việt Nam. Dưa cải bẹ Đông Dư giúp chống ngấy với các món nhiều dầu mỡ, kích thích vị giác. Không chỉ ăn trực tiếp mà dưa chua còn có thể kết hợp để nấu nhiều món ăn khác nữa. Để muối dưa chua ngon, cần biết chọn nguyên liệu phù hợp.
Nguyên liệu dưa cải bẹ
- 1 kg cải bẹ Đông Dư
- 1l nước đun sôi để nguội
- 20g đường
- 60g muối hạt loại to
- Hành củ, hành lá
- Hành tây (nếu thích)
- Ớt (nếu thích ăn cay)
- Dụng cụ muối: Vại sành, hũ thủy tinh hoặc âu…
Cách muối dưa chua
Chuẩn bị dụng cụ muối
Vì trong quá trình muối dưa sẽ có axit tiết ra, vì vậy nên sử dụng hũ thủy tinh, hũ sành hoặc dụng cụ nhựa đạt tiêu chuẩn an toàn khi sử dụng.
Hũ đem rửa sạch, để khô ráo. Nếu cẩn thận hơn, có thể vệ sinh hũ bằng cách dùng nước sôi tráng qua hũ và lau thật khô trước khi muối dưa chua.
Sơ chế nguyên liệu
Chọn cải be
Chọn cải tươi, không non vì dễ bị úng khi muối, không già vì khi muối ăn sẽ dai và sơ, không chọn cải héo úa ngả vàng.
Phơi cải
Nhặt bỏ các lá sâu, hỏng sau đó rửa sạch từng bẹ lá (đất hay bám ở phận gốc lá) rồi đem phơi héo. Với ngày nắng lớn chỉ cần phơi 2-3 tiếng, nếu trời không nắng có thể phơi nơi khô thoáng nửa ngày.
Cải bẹ phơi đạt yêu cầu là các lá héo, bẹ lá hơi co, nhìn tàu lá hơi nhăn, rau cầm lên mềm và dai.
Sơ chế
Rửa sạch lại một lần nữa rồi cắt cải thành các khúc 3-5cm, để cho thật ráo nước trước khi muối. Lưu ý khi cắt khúc để riêng phần cọng cải riêng và lá cải riêng.
Hành củ bỏ vỏ, thái lát. Hành lá rửa sạch cắt khúc 3-4cm. Nếu sử dụng thêm hành tây thì bỏ vỏ, cắt khoanh mỏng. Nếu dùng thêm ớt thì bỏ hạt, cắt miếng.
Nước muối dưa cải bẹ
Nước muối dưa quan trọng không kém phần quan trọng so với nguyên liệu muối. Nước muối dưa sẽ quyết định vị của dưa muối.
Pha nước đun sôi để nguội (hoặc có thể dùng nước ấm tầm 40 độ) theo tỷ lệ 1 lít nước kèm 3 thìa muối hạt và 1 thìa đường. Khuấy đều cho tan hết gia vị và nếm lại để điều chỉnh cho phù hợp.
Lưu ý:
-
Muối hạt sẽ mặn hơn bột canh, nếu dùng bột canh thì sẽ cần điều chỉnh lượng cho phù hợp.
-
Có thể bỏ đường, nếu cho đường thì dưa muối sẽ nhanh chua hơn và điều vị của dưa muối. Nếu thích vị dưa muối mặn thuần túy bạn có thể bỏ đường đi.
-
Nếu muốn chua nhanh hơn, có thể cho thêm chút dấm. Tuy nhiên dùng dấm lá cải bẹ nhanh chua hơn nhưng phần cọng lá sẽ chua chậm, dưa không đồng đều ăn dễ bị hăng, nên nếu dùng dấm chỉ cho 1 chút để tăng nhanh hơn quá trình lên men chua, không lạm dụng cho nhiều dấm.
Cách muối dưa giòn chua ngon
Trộn đều riêng phần cọng và lá cải bẹ với hành củ, hành lá (ớt nếu dùng). Riêng với hành tây sẽ trộn với lá cải bẹ, vì hành lá muối nhanh chua. Xếp lần lượt hết cọng cải bẹ trước, sau đó mới cho lá cải lên trên vì cọng cải muối lâu chua hơn.
Đổ nước muối vào đảm bảo nước ngập mặt cải bẹ, nếu không đủ nước thì cần dùng vật nặng (đĩa, túi nước buộc thật kín) hoặc thanh tre để nén cho cải ở dưới mặt nước muối.
Lưu ý quan trọng:
-
Dưa cải phải ngập mặt nước để dưa muối không bị thâm, chín không đều và tránh hỏng các lá ở trên bề mặt.
-
Không đậy kín hũ để quá trình lên men dưa đều, có thể thoát khí và có oxy để lên men.
Cách bảo quản dưa cải muối chua
Sau khi muối xong, để hũ dưa vào nơi thoáng mát, khô ráo khoảng 2 ngày là có thể sử dụng được.
Khi ăn lấy dưa cải từ trên xuống, nếu muốn ăn phần cuống thì sang ngày thứ 3 có thể ăn, lúc này cọng dưa muối đã bớt hăng hơn.
Hũ dưa muối chua để nơi thoáng mát, dưa cải muối sẽ ổn định dùng được lâu dài. Nếu để nơi có nắng, nhiệt độ cao sẽ làm quá trình lên men chua nhanh, dưa cải sẽ chua nhanh, chua gắt và dễ hỏng nếu để lâu.
Xem thêm:
- Cách muối dưa bắp cải
- Cách làm canh sườn non nấu dưa chua