Sơ chế nguyên liệu
Củ cải và cà rốt bào vỏ, rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn. Các bạn có thể cắt tỉa 1 chút để củ cải và cà rốt trông được đẹp mắt hơn.
Đối với củ cải, có rất nhiều cách thái để làm muối chua ngọt. Ví dụ như thái lát tròn mỏng, thái miếng vuông, hình chữ nhật hay là hình xúc xắc. Riêng Cookbeo thường thái con chì có độ dày chừng 1 – 1,5cm, chiều dài khoảng 5-6cm. Thường thì thái lát mỏng hoặc là xắt xợi thì phù hợp để muối xổi, ăn cùng thịt nướng hay là kẹp ăn cùng bánh mì hơn.
Còn đối với cà rốt, các bạn cũng có thể thái con chì, khúc, khoanh tròn hay tỉa bông hoa… tuy nhiên độ dày của cà rốt nên mỏng hơn 1 chút vì cà rốt cứng và khó thấm gia vị hơn, nếu thái dày khi ăn sẽ có vị hăng. Trung bình bạn thái cà rốt có độ dày 0,5cm là phù hợp.
Củ cải và cà rốt sau khi cắt thái bạn ướp cùng với 2 thìa canh muối hạt trong khoảng 15-20 phút.
Nhiều nơi người ta còn ướp muối qua đêm, đến khi củ cải gieo lại, họ sẽ rửa lại và đem phơi khô, sau đó có thể đem muối, để được rất lâu. Tuy nhiên khi ướp cùng muối trong thời gian dài, củ cải sẽ phần nào ngấm vị mặn, chính vì vậy ngoài việc rửa lại thì khi pha nước chua ngọt, các bạn cần giảm lượng muối xuống, tránh cho củ cải muối bị đậm quá.
Ngoài củ cải trắng thì các bạn cũng có thể làm củ cải vàng. Tuy nhiên củ cải vàng thì hay muối theo kiểu Hàn Quốc hơn. Và ngoài muối chua ngọt như thế này, bạn cũng có thể muối củ cải chua, kim chi củ cải hay làm củ cải khô ngâm đường cũng rất ngon.
Củ cải cà rốt sau khi ướp muối được khoảng 20 phút đem đi rửa lại, xả hết vị mặn đi rồi tráng qua 1 lớp nước lọc và để nguyên liệu thật ráo nước. Hoặc cẩn thận hơn các bạn có thể ngâm củ cải và cà rốt với ít dấm, rồi vớt ra để ráo.
Trong lúc đợi củ cải ráo nước bạn tranh thủ sơ chế các nguyên liệu còn lại và pha nước muối chua ngọt. Tỏi sau khi bóc vỏ thì các bạn có thể ép dập hay thái lát mỏng tùy ý. Ớt cũng sơ chế tương tự.
Hũ lọ đựng đồ muối cần được rửa sạch và lau thật khô. Nếu được có thể tráng qua lọ bằng nước muối ấm cho sạch sẽ. Lọ đựng sạch khuẩn thì khi muối su hào không bị úng, váng.