Sâm cau được biết đến với công dụng chính là bổ thận, tráng dương, tăng cường sinh lý. Sâm cau thường được được sử dụng để ngâm rượu và là loại rượu thuốc được các quý ông ưa thích. Thứ rượu thuốc này tốt cho sức khỏe nhưng vẫn có trường hợp ngộ độc rượu sâm cau. Vậy nguyên nhân là gì? Biểu hiện và cách xử trí khi ngộ độc ra sao?
Rượu sâm cau có tác dụng gì?
Trong Đông y, sâm cau còn được biết đến với các tên gọi khác như ngải cau, nốc lan, tiên mao. Đây là một dược liệu quý và bộ phận được sử dụng là củ – nơi tập trung nhiều hoạt chất có lợi cho sức khỏe. Củ sâm cau có hình trụ, do rễ phình to tạo thành. Sâm cau đỏ có lớp vỏ bên ngoài có thể màu đỏ. Sâm cau đen có lớp vỏ bên ngoài màu màu nâu đen thô ráp.
Trong củ sâm cau có nhiều hoạt chất với những tác dụng khác nhau như:
- Nhóm chất Cycloartan Triterpen Saponin kích thích sản sinh testosterone – nội tiết tố nam, giảm ức chế thần kinh, làm thư giãn cơ và chống co thắt.
- Chất Curculigosid bảo vệ tế bào thần kinh và làm dịu căng thẳng trí não.
- Curculigo saponin C và F có thể tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.
- Rượu sâm cau là một trong những loại rượu thuốc có nhiều công dụng đáng kinh ngạc cho cả nam giới và nữ giới, cả người trẻ tuổi và người cao tuổi.
Rượu sâm cau có những lợi ích như:
- Phòng trừ hàn thấp, làm ấm thận, hỗ trợ gân cốt khỏe mạnh.
- Giúp nam giới khắc phục tình trạng liệt dương, yếu sinh lý, thận hư, chân tay yếu mỏi.
- Giúp nữ giới khắc phục tình trạng tiểu đục, khí hư, tử cung lạnh.
- Hỗ trợ điều trị ngực lạnh, bụng lạnh, tiểu tiện khó cầm.
Tuy có nhiều tác dụng, nhưng trong một số trường hợp, ngộ độc rượu sâm cau vẫn có thể xảy ra.
Nguyên nhân ngộ độc rượu sâm cau
Khi uống rượu sâm cau, người dùng có thể bị ngộ độc vì những lý do như:
- Ngâm rượu bằng sâm cau chưa qua khử độc: Các nghiên cứu đã cho thấy trong củ sâm cau có một hàm lượng chất độc nhất định. Việc sử dụng củ sâm cau chưa qua khử độc để ngâm rượu có thể khiến độc tố trong củ hòa tan vào rượu. Khi sử dụng loại rượu này có thể gặp các triệu chứng nhẹ như nôn ói, phát ban ngoài da.
- Dùng quá nhiều rượu sâm cau trong thời gian dài: Bản thân sâm cau là thảo dược có độc tính. Ngay cả khi đã khử độc rồi mới mang ngâm rượu vẫn sẽ còn tồn dư lượng nhỏ độc tố. Nếu dùng rượu sâm cau dài ngày và quá liều vẫn có thể dẫn đến ngộ độc.
- Một số người có cơ địa đặc biệt nhạy cảm với các hoạt chất trong củ sâm cau. Khi uống rượu cũng sẽ gặp các triệu chứng ngộ độc nhẹ.
- Người ngâm sử dụng rượu methanol – loại rượu pha chế từ cồn công nghiệp – để ngâm sâm cau. Tình trạng ngộ độc nạn nhân gặp phải thực chất là ngộ độc rượu methanol chứ không phải ngộ độc sâm cau.
Biểu hiện ngộ độc rượu sâm cau
Biểu hiện khi ngộ độc rượu sâm cau khá giống với biểu hiện ngộ độc rượu cấp. Khi thấy người thân có những triệu chứng sau, người nhà cần theo dõi sát để xử trí kịp thời:
- Lưỡi và miệng sưng phù cùng cảm giác đau.
- Người có cảm giác bí tiện.
- Khả năng vận động tự chủ như cầm bát đũa, rót nước… giảm hoặc mất.
- Không làm chủ được hành vi như không tự đi/đứng/ngồi được, nói ngọng, líu lưỡi, nhầm lẫn giữa người này với người khác.
- Nôn ói và luôn có cảm giác buồn nôn kèm triệu chứng đau bụng.
- Cân tay yếu, không có lực.
- Mắt mờ, hoa mắt và nhận diện màu sắc không chính xác.
Ngộ độc rượu sâm cau mức độ nặng có thể xuất hiện triệu chứng co giật, động kinh, thân nhiệt hạ. Nặng hơn nữa có thể bị nghẹt hoặc ngừng thở, nhịp tim bất ổn và não bị tổn thương. Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời, ngộ độc rượu cấp có thể dẫn đến tử vong.
Cách xử trí ngộ độc rượu sâm cau
Cách sơ cứu bị ngộ độc rượu vô cùng quan trọng và góp phần làm giảm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nạn nhân. Khi nhận thấy những dấu hiệu ngộ độc, người nhà nạn nhân cần lưu ý những điều sau:
- Tìm cách kích thích gây nôn nếu nạn nhân có dấu hiệu khò khè khó thở, miệng và họng ứ đọng nhiều đờm nhầy. Lưu ý khi gây nôn nên giữ nạn nhân ngồi thẳng. Nếu không thể ngồi hãy để họ nằm nghiêng. Tuyệt đối không được cho họ sử dụng thuốc kích nôn khi đang ngộ độc rượu.
- Nếu thấy thân nhiệt hạ, toàn thân lạnh toát cần ủ ấm cho người ngộ độc.
- Khi ngộ độc rượu, nạn nhân có thể cảm thấy mệt mỏi, muốn ngủ. Người nhà không nên để họ nằm một mình và ngủ li bì. Sau vài tiếng nên đánh thức họ dậy để ăn cháo loãng, tránh bị tụt đường huyết.
- Nôn ói và tiêu chảy nhiều có thể dẫn đến mất nước, mất điện giải. Cho nạn nhân uống nhiều nước ấm vừa có thể bù nước, vừa tăng cường đào thải độc tố qua nước tiểu.
- Nếu thấy người ngộ độc rượu sâm cau có dấu hiệu ngủ lịm, gọi không đáp ứng nên gọi cấp cứu ngay.
- Những triệu chứng co giật, thở bất thường, thị lực rối loạn cũng có triệu chứng nặng cần được xử lý ở các cơ sở y tế.
Cách phòng tránh ngộ độc rượu sâm cau
Để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh, mỗi chúng ta cần biết cách phòng tránh ngộ độc nếu có ý định ngâm và uống rượu sâm cau. Cụ thể là:
- Chọn rượu chuẩn để ngâm rượu, tránh mua nhầm rượu pha cồn methanol cực kỳ nguy hiểm.
- Trước khi ngâm rượu cần xử lý khử độc ở củ sâm cau. Bạn có thể sơ chế sạch sẽ rồi ngâm củ sâm cau trong nước vo gạo 2 – 3 tiếng. Nếu có thể ngâm 2 – 3 lần thì càng tốt. Sau khi ngâm bạn mang rửa sạch, hong khô vài nắng rồi mang đi ngâm rượu.
- Lần đầu tiên nên ngâm ngập bình khoảng 1 ngày với rượu 35 – 40 độ. Sau đó chắt nước đổ đi rồi mới chính thức với rượu 40 – 45 độ. Rượu sâm cau sau ngâm 3 tháng là có thể dùng được.
- Để tránh ngộ độc vì quá liều, mỗi bữa ta chỉ nên uống 10 – 15 ml rượu là đủ.
- Phụ nữ mang thai, trẻ em, người mắc các bệnh gan, thận không nên dùng rượu sâm cau.
- Trong thời gian dùng rượu sâm cau nên hạn chế dùng trà bởi trà có tính mát, hạ khí sẽ làm giảm tác dụng kiện tỳ, bổ thận của rượu thuốc.
- Không nên ăn củ cải để tránh làm “tiêu” bớt công dụng của các hoạt chất quý trong sâm cau.
- Không nên ăn thực phẩm cay nóng vì chúng sinh nhiệt, làm giảm hiệu quả của rượu sâm cau.
Trong sâm cau có độc tố nhưng may mắn là lượng độc tố không nhiều, ít có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên ngộ độc rượu sâm cau là điều không ai mong muốn. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích đối với bất cứ ai đang có ý định ngâm và uống rượu sâm cau.
Thanh Hương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp