Thận là một bộ phận quan trọng của cơ thể, là cửa ngõ sinh mệnh của mỗi người. Bởi khi chức năng thận suy yếu sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của các cơ quan khác, khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều nguy cơ biến chứng bệnh nguy hiểm.
1.Thận suy yếu là gì?
Thận suy yếu là tình trạng chức năng của thận bị suy giảm bởi nhiều nguyên nhân. Điều này làm cho thận mất dần khả năng lọc máu, đào thải chất thải và lượng độc tố ra ngoài cơ thể.
Thận suy yếu diễn ra một cách âm thầm và kéo dài trong nhiều tháng. Người bệnh khó phát hiện và chỉ nhận biết khi thận đã bị tổn thương nghiêm trọng. Căn cứ vào thời gian mắc bệnh, thận yếu được chia thành hai nhóm: suy thận cấp tính và suy thận mãn tính.
2. Những dấu hiệu cảnh báo chức năng thận bị suy yếu
2.1. Bất thường khi đi tiểu:
Thận có nhiệm vụ tạo nước tiểu và loại bỏ các chất thải qua đường tiểu. Do đó, người bệnh không nên bỏ qua những thay đổi bất thường khi đi tiểu như :
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày đặc biệt là về đêm. Lượng nước tiểu thay đổi đột ngột, có thể nhiều hoặc ít hơn bình thường.
- Nước tiểu có bọt cho thấy có sự hiện diện của protein trong nước tiểu.
- Nước tiểu có lẫn máu.
2.2. Huyết áp cao:
Thận có vai trò quan trọng trong việc giữ huyết áp ở mức ổn định. Khi thận bị tổn thương, chức năng thận bị ảnh hưởng, khả năng điều hòa huyết áp tự động giảm, làm cho huyết áp tăng cao. Tình trạng suy thận và huyết áp cao khiến bệnh thận của người bệnh càng nặng hơn.
2.3. Bọng mắt:
Một dấu hiệu nhận biết sớm cho thấy thận bị suy yếu là sự xuất hiện của protein trong nước tiểu. Do thận thải một lượng lớn protein vào trong nước tiểu thay vì giữ lại giữ lại trong má và phân phối khắp cơ thể nên làm giảm áp lực keo của máu và gây ra bọng mắt.
2.4. Khó ngủ:
Khi thận hoạt động không hiệu quả, lượng độc tố không được thải lọc ra khỏi cơ thể và bị đọng lại ở trong máu. Mức độ độc tố tăng cao khiến người bệnh khó đi vào giấc ngủ, thời gian ngủ ít hơn và càng làm tăng nguy cơ suy giảm chức năng thận.
Một số trường hợp người mắc bệnh suy thận mạn thường có hội chứng ngưng thở khi ngủ. Mỗi lần ngưng thở có thể kéo dài từ vài giây đến một phút.
2.5. Mệt mỏi và suy nhược cơ thể:
Thận khỏe mạnh giúp cơ thể sản sinh ra hormone Erythropoietin. Chất này có vài trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào hồng cầu mang oxy cung cấp cho não bộ và các cơ quan trong cơ thể. Khi thận hoạt động không hiệu quả, lượng Erythropoietin ít hơn, từ đó có ít các hồng cầu vận chuyển oxy, người bệnh nhanh chóng mệt mỏi, tinh thần uể oải.
Mặt khác, những người bị suy thận mãn tính thường bị thiếu máu. Nên mặc dù cơ thể được nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc nhưng người bệnh vẫn tiếp tục trải qua cảm giác mệt mỏi, thiếu năng lượng.
2.6. Da khô kèm theo ngứa ngáy:
Thận có chức năng loại bỏ chất thải dư thừa từ máu, tạo ra các tế bào hồng cầu và duy trì lượng khoáng chất trong cơ thể. Khi thận hoạt động không hiệu quả làm mất cân bằng các khoáng chất và chất dinh dưỡng làm xảy ra tình trạng da khô và ngứa xuất hiện.
2.7. Miệng có mùi hôi:
Chất độc bị tích tụ trong máu làm thay đổi mùi vị thức ăn đồng thời để lại mùi hôi khó chịu trong miệng. Điều này khiến người bệnh có cảm giác chán ăn và ăn không ngon miệng.
2.8. Khó thở:
Khi thận bị suy yếu, người bệnh sẽ xuất hiện triệu chứng khó thở, đặt biệt là sau vận động gắng sức. Nguyên nhân là do thận lọc không hiệu quả làm cơ thể bị ứ dịch và làm ảnh hưởng đến hoạt động của phổi. Đồng thời, tình trạng thiếu giảm hồng cầu làm giảm sự vận chuyển lượng oxy của cơ thể.
2.9. Sưng phù bàn tay, bàn chân và mắt cá chân:
Chức năng thận bị suy giảm sẽ không loại bỏ được hết lượng chất thải ra khỏi . Điều này khiến natri bị giữ lại trong cơ thể gây ứ dịch và gây sưng ở mắt cá chân, bàn chân và bàn tay.
2.10. Đau lưng:
Suy giảm chức năng của thận khiến chất thải không được bài tiết, cơ thể bị ngộ độc và mệt mỏi. Mức độ đau phụ thuộc vào mức độ bệnh nặng hay nhẹ. Đau lưng phát triển tùy theo mức độ nặng nhẹ:
- Nếu bệnh nhẹ, hiện tượng này xảy ra khi người bệnh vận động, khó khom lưng hoặc đứng thẳng.
- Nếu bệnh nặng, các cơn đau nặng nề hơn, kèm theo hiện tượng đau cả bàn chân và gót chân.
2.11.Chức năng sinh lý suy giảm:
Nam giới bị thận yếu có thể gặp phải các vấn đề về yếu sinh lý, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm, thậm chí là liệt dương, vô sinh. Thận suy yếu còn gây khó khăn trong điều trị rối loạn cương dương, khiến đời sống vợ chồng không hoàn mỹ.
3. Các nguyên nhân gây bệnh thận yếu
Chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh giúp đánh giá đúng tình trạng bệnh và có biện pháp điều trị phù hợp. Một số nguyên nhân dẫn tới tình trạng thận yếu là:
3.1. Người bị béo phì, thừa cân:
Những người bị béo phì, thừa cân có nguy cơ bị bệnh thận yếu cao hơn những người bình thường. Nguyên nhân do lượng mỡ thừa trong cơ thể bị gia tăng quá mức gây cản trở lưu thông máu đến thận. Nếu kéo dài, thận bị thiếu máu, ảnh hưởng đến chức năng hoạt động khiến thận bị suy yếu.
3.2. Do các bệnh lý nền:
Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận yếu:
- Người bị đái tháo đường: mạch máu trong thận bị thu hẹp, cản trở máu đến thận dẫn tới thận suy giảm chức năng.
- Người bị sỏi thận, sỏi niệu quản: sỏi ngăn cản quá trình đào thải độc tố qua đường tiểu, khiến chúng bị tích tụ trong thận nhiều hơn, tăng nguy cơ suy thận.
- Viêm bàng quang, tắc niệu quản: khiến thận bị ứ nước và làm tổn thương các đài bể thận dẫn tới suy thận.
- Ngoài ra, u xơ tuyến tiền liệt… có thể ảnh hưởng tới đường tiểu, khiến chức năng thận suy yếu.
3.3. Do lạm dụng thuốc:
Một số loại thuốc điều trị có thể chứa một lượng độc tố nhất định. Nếu lạm dụng thuốc hoặc sử dụng chúng trong khoảng thời gian dài khiến thận và gan phải hoạt động quá công suất nhằm đào thải độc tố.
3.4. Lối sống thiếu khoa học:
Một số thói quen có thể khiến thận bị suy yếu:
- Uống nhiều rượu bia và sử dụng các chất kích thích.
- Lười uống nước hoặc uống ít nước khiến thận hoạt động khó khăn hơn, làm tăng nguy cơ tạo sỏi thận và khiến độc tố tích tụ lại trong thận.
- Thói quen nhịn tiểu khiến thận phải chịu những áp lực lớn trong thời gian dài dẫn tới tình trạng thận hư, thận yếu.
4. Điều trị thận yếu đúng cách
Tình trạng suy thận có thể điều trị được nếu phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị tích cực.
4.1. Điều trị bệnh thận suy yếu bằng thuốc:
Sau khi xác định được mức độ tổn thương thận cùng với triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, một số loại thuốc có thể được chỉ định:
- Thuốc lợi tiểu: nhằm hỗ trợ thận trong việc đào thải nước, muối cùng với lượng độc tố trong cơ thể. Thuốc hạ huyết áp: giúp người bệnh điều hòa huyết áp về mức ổn định.
- Thuốc điều trị thiếu máu.
- Thuốc kiểm soát acid uric: giúp cân bằng lượng acid uric trong máu.
4.2. Các phương pháp khác điều trị thận suy yếu
Trong trường hợp bệnh thận yếu giai đoạn cuối, phương pháp điều trị bắt buộc là chạy thận nhân tạo, thẩm phân phúc mạc hoặc ghép thận.
Lưu ý: các thông tin về cách điều trị đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.
Thận suy yếu có thể ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phát hiện bệnh càng sớm thì tỷ lệ điều trị thành công càng cao. Do đó, mỗi người cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh để từ đó có biện pháp chăm sóc và điều trị thích hợp.