Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã gửi tin nhắn đến người dân hướng dẫn cách để tra cứu website lừa đảo thông qua tin nhắn hoặc hệ thống tra cứu tên miền.
Theo Bộ TTTT, hiện nay tình trạng các trang web lừa đảo mọc lên ngày càng nhiều, tình trạng vi phạm pháp luật trên Internet cũng từ đó mà tăng cao. Thủ đoạn này được các đối tượng xấu thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: giả mạo các website của ngân hàng hay kể cả của các cơ quan nhà nước.
Hành vi này nhằm đánh cắp thông tin của khách hàng như thông tin về tài khoản, tài chính để chiếm đoạt tài sản.
Nhằm ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về hệ thống tra cứu thông tin tên miền từ đó hỗ trợ người dân nhận diện, xác thực nguồn thông tin chính thức qua môi trường mạng, Bộ TTTT đã có Văn bản đề nghị các doanh nghiệp viễn thông di động căn cứ điều kiện kỹ thuật nghiệp vụ, năng lực hệ thống thiết bị trong quá trình hoạt động xem xét hỗ trợ nhắn tin tuyên truyền.
Song, gửi tin nhắn hướng dẫn người dùng cách kiểm tra website lừa đảo thông qua tin nhắn hoặc hệ thống tra cứu tên miền.
Xem thêm bài viết PHHS cảnh giác với thủ đoạn sử dụng mạng viễn thông để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản
Cách kiểm tra website lừa đảo
Bộ TTTT hướng dẫn người dân 02 cách để tra cứu website lừa đảo một cách dễ dàng, nhanh chóng, cụ thể:
– Cách 1: Soạn tin nhắn theo cú pháp:
TCTM < tên miền hoặc link website > gửi 156
Ví dụ: TCTM thuvienphapluat.vn gửi 156.
– Cách 2: Mở trình duyệt trên điện thoại hoặc máy tính và truy cập vào hệ thống tra cứu tên miền của Bộ TTTT tại đây, nhập địa chỉ trang web cần kiểm tra và nhấn Tìm kiếm.
Thông tin trả về sẽ bao gồm loại tên miền, tên chủ thể đăng ký sử dụng, nhà đăng ký quản lý, ngày đăng ký, ngày hết hạn.
Nếu nghi ngờ website lừa đảo, người dùng có thể bấm vào tùy chọn Báo cáo website lừa đảo với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC).
Một số điểm nhận diện trang web lừa đảo
(1) Nhận biết qua đường dẫn link độc hại
Địa chỉ web lừa đảo sẽ thường có các dấu hiệu sau:
– Lỗi chính tả: Địa chỉ web thường đặt lệch ký tự, thiếu hoặc thừa một vài ký tự, hoặc thay thế một vài ký tự với ký tự khác gần giống.
– Tên miền có tiền tố hoặc hậu tố sử dụng ký tự lạ.
– Tên miền phụ có chèn thêm tên miền của một trang hợp pháp.
(2) Giao diện trang web lừa đảo
Giao diện các trang web có dấu hiệu lừa đảo thường sẽ nhái lại các logo, hình nền của trang web thật nhưng sẽ thay đổi ở một số chỗ rất nhỏ, đôi khi sẽ có khác biệt về màu sắc hoặc font chữ,… Trong khi trang web thật thường có giao diện chuyên nghiệp; hình ảnh và chữ viết đúng quy chuẩn; tương thích cho cả điện thoại, laptop hay máy tính bảng.
(3) Nội dung trang web lừa đảo
– Nội dung chứa lỗi chính tả và dùng từ thường không chính xác mắc lỗi diễn đạt.
– Các liên kết đến các trang mạng xã hội của trang web: Theo đó, các link liên kết mạng xã hội có thể dẫn đến trang chủ của trang web hoặc hồ sơ trống hoặc không ở đâu cả.
– Trang web lừa đảo thường yêu cầu người dùng cập nhật thông tin cá nhân nhằm đánh cắp thông tin để trục lợi bất chính.
(4) Nhận biết trang web lừa đảo qua các thông báo trên web
Đây có lẽ là cách nhận biết dễ dàng nhất đối với các trang web giả mạo. Cụ thể, chúng thường sẽ “giăng bẫy” bằng cách đưa ra những thông báo giật gân khiến mọi người hoảng sợ, hoặc vui mừng. Ví dụ như thông báo về sự cố giao dịch hoặc thông báo trúng thưởng, khuyến mãi, quà tặng…. kèm theo đó là yêu cầu mọi người nhập thông tin tài khoản, mật khẩu, số thẻ tín dụng để xác minh.
Vì vậy cần nắm rõ những cách nhận biết các trang web lừa đảo để tránh các trường hợp thiệt hại về tài sản không đáng có.
Xem thêm bài viết Cảnh báo: Giả mạo tin nhắn ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.