Những người nhạt nhẽo đôi khi họ chẳng nhận ra điều đó, là người nhạt nhẽo không phải là cái tội, nhưng nó khiến cuộc sống của bạn luôn nhàm chán và ít có bạn bè hơn.
Ai trong chúng ta cũng mong muốn có được một cuộc sống thú vị hơn. Để có cuộc sống thú vị, không nhất thiết bạn phải là tỷ phú hay là một giám đốc, người nổi tiếng để nhận được sự chú ý từ mọi người.
Có nhiều người thắc mắc, vì sao có những người rất bình thường nhưng lại luôn trở thành người thú vị trong mắt mọi người xung quanh. Để có thể trở nên thú vị, họ đã áp dụng những cách dưới đây.
1. Học hỏi nhiều kỹ năng mới
Giúp đỡ mọi người xung quanh chắc hẳn sẽ khiến bạn cảm thấy vui vẻ hơn. Nhưng để làm được điều đó, tất nhiên bạn cần phải có kiến thức nhất định, có thể là công nghệ hay cuộc sống…
Khi đã có những kỹ năng nhất định về mọi lĩnh vực, bạn sẽ trở thành một tâm điểm chú ý của mọi người xung quanh.
2. Hãy luôn tò mò mọi vấn đề
Những người nhạt nhẽo thường không thích thú khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống, bởi họ cho rằng những điều đó cũng chẳng có gì là thú vị. Chính vì thế họ cứ mãi là một con người nhạt nhẽo, sẽ chẳng có những thay đổi gì cho cuộc sống.
Một tác giả từng nói: “Hãy có suy nghĩ mở, luôn tò mò. Hãy cho phép một thế giới phức tạp với tầng tầng lớp lớp trong bản thân mình. Học tập nhiều nữa lên để mở rộng hơn tầm nhìn của chính bạn”.
3. Học cách kể một câu chuyện thật tốt
Có những người có học thức rất tốt, là người từng trải, vượt qua những khó khăn, thách thức trong cuộc sống. Thế nhưng, họ lại vẫn là người kém hấp dẫn, nhàm chán. Lý do vì sao ư? Chỉ vì họ không biết cách kết nối, không biết dẫn dắt câu chuyện của mình đến mọi người.
Muốn được mọi người chú ý, thì bên cạnh việc có một câu chuyện hay, nội dung thú vị thì cách diễn đạt, giọng đọc cũng là những yếu tố thu hút mọi người xung quanh.
Để trở thành người có khả năng kể chuyện tốt có 2 cách, cách đầu tiên là lắng nghe thật nhiều, nghe xem những người biết kể chuyện nói những gì, họ diễn đạt trải nghiệm của mình ra sao. Cách thứ 2 là đọc thật nhiều, tất nhiên nó cũng với mục đích học tập cách thức thể hiện.
4. Có một số câu chuyện hay và sẵn sàng để chia sẻ nó
Ok, giờ thì bạn đã biết cách kể chuyện, thế nhưng bạn không thể gặp 10 người chỉ với 1 câu chuyện duy nhất. Hãy chuẩn bị cho mình một số câu chuyện để giao lưu, đối đáp với người khác.
Hãy học tập những diễn viên kịch hay người dẫn chương trình truyền hình. Họ không lên sóng, lên sân khấu và nói bừa bãi những gì mình nghĩ ra trong đầu, mọi thứ đều có kịch bản và họ đều học thuộc kịch bản của mình trước khi đối đáp, phát biểu trước người khác. Hãy có sẵn 3 loại chuyện: giải trí, có tính thông tin và những câu chuyện buồn để luôn sẵn sàng “tiếp đón” bất kì người nào bạn gặp.
5. Học cách lắng nghe và thể hiện cảm xúc
Bạn sẽ làm gì khi mọi người cùng bình luận về một tấm hình vui nhộn nào đó, được cộng đồng mạng truyền tay nhau đã lâu nhưng bạn chẳng biết tí gì về nó?
Mọi người lại cười ồ lên chỉ còn bạn nghệt mặt ra nhìn và xôn xao hỏi xem chuyện gì đã xảy ra. Không phải cứ quá phụ thuộc vào mạng xã hội nhưng thỉnh thoảng cũng nên cập nhật thông tin xem mọi người đang bàn tán chuyện gì, những loại từ ngữ mới mà mọi người đang dùng để hiểu được câu chuyện của người khác và cũng góp phần tạo nên vốn sống phong phú, tạo ra câu chuyện của chính bạn và hoàn thiện kỹ năng giao tiếp của bản thân.
6. Hãy nói lên suy nghĩ của mình
Những người thú vị sẽ có những chính kiến riêng của bản thân, nên họ cũng không ngại bày tỏ quan điểm của mình trước một vấn đề gì đó. Nếu bạn cứ im lặng trước những gì người khác nói, thì họ sẽ nhanh chón chán ngán bạn mà thôi.
Khi tranh luận hoặc đưa ra ý kiến của bản thân, hãy nói một cách nhẹ nhàng, lịch sự để người nghe dễ hiểu và cảm thấy được tôn trọng, từ đó tạo nên sự gắn kết, giúp bạn trở thành người thú vị hơn.
7. Đọc, đọc nữa, đọc mãi
Nếu có tiền và thời gian thì một chuyến du lịch để khám thế giới và học hỏi những điều mới lạ sẽ là một điều vô cùng tuyệt vời. Thế nhưng, nếu không có thời gian cũng như tiền bạc thì bạn cũng có thể trải nghiệm trực tiếp ngay trên sách vở.
Không chỉ trên sách vở mà những bài viết trên báo chí, blog… cũng là nơi chứa những kiến thức quý báu rất đáng để đọc và suy ngẫm. Những thông tin mới mẻ, đa chiều sẽ giúp cho kiến thức bạn trở nên dồi dào hơn.
8. Cách sử dụng từ ngữ để nói chuyện hài hước
Bạn có để ý thấy rất nhiều câu chuyện nhàm chán trở nên hấp dẫn chỉ vì từ ngữ đã được thay đổi bằng những từ độc đáo, thú vị, ngộ nghĩnh hơn? Hay đơn giản, nhiều người học cách nói chuyện hài hước bằng việc sử dụng các từ ngữ có tính tạo hình, gợi cảm xúc, từ láy… để câu chuyện trở nên sinh động hơn.
Để sử dụng từ ngữ tạo tính hài hước cho câu chuyện, bạn nên đọc nhiều sách, tiểu phẩm, truyện ngắn để trau dồi vốn từ của mình. Đọc các hài kịch để xem cách biến tấu và sử dụng ngôn ngữ của họ. Hài kịch của Molière có thể là nguồn tham khảo của bạn với tính chất trào phúng đầy tính kịch của nó. Xem nhiều hài kịch có ý nghĩa (chứ không phải hài nhảm đâu bạn nhé) cũng là cách để bạn nâng cao tính hài hước của mình.
9. Hãy tận dụng những thứ kì quặc của bản thân
Trở nên thú vị cũng có liên quan tới những yếu tố độc đáo, kì lạ mà chỉ một mình bạn có. Ví dụ như một người có điệu cười rất khả ố, giọng nói khó nghe lại được đánh giá là người thú vị. Lý do vì sao ư? Vì họ mang tới sự khác biệt, nó là thứ khiến người nghe chú ý.
Giả sử có cả chục người cùng có câu chuyện giống nhau, người kể thu hút nhất sẽ là người có giọng đọc kì quặc nhất. Hãy ngẫm mà xem!
Sự kì quặc này còn tới từ suy nghĩ, có nhiều người luôn liên tưởng các sự việc, hành động tới những thứ… kì lạ, ai cũng có những sự kì quặc riêng, hãy tận dụng nó nếu muốn là người thú vị.
(sưu tầm)