Đường vô xứ Nghệ quanh quanh (ảnh chụp tại Cầu Cấm). Ảnh tư liệu
Tôi nhớ mãi câu chuyện sau: Vào một sẩm tối mùa Đông năm 1981, tôi đang đi bộ ra đến gần đường Đại Cồ Việt trên con đường nay gọi là phố Tạ Quang Bửu, thì nghe một nhóm sinh viên Bách Khoa đi trước đang nói chuyện với nhau về các bạn Nghệ Tĩnh. Nội dung tôi nghe được là: “Công nhận bọn Nghệ Tĩnh chơi với nhau gắn bó thật. Mà buồn cười lắm nha, cái bọn này, cứ đang nói tiếng Bắc với bọn mình bình thường như thế, nhưng bên cạnh xuất hiện một người nói giọng Nghệ là ngay lập tức đổi giọng, nghe không thể tin được í. Cứ như tiếng nước ngoài”. Câu chuyện tôi nghe được trên đường cách nay hơn 40 năm đó cứ ở mãi trong ký ức của tôi, như phần nào làm cho tôi thêm tự hào về sự gắn bó của người Nghệ mình khi xa quê, của tiếng Nghệ khi người miền khác mới nghe, cứ như là ngoại ngữ vậy.
Sau đó, tôi đi dạy tiếng Việt ở Campuchia từ năm 1982 đến năm 1990. Tôi nhớ hồi năm 1983, tôi gặp và kết bạn với một nhóm lính tình nguyện Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ khu vực Bộ Tư lệnh tiền phương của Quân tình nguyện Việt Nam. Tôi hơi bị bất ngờ vì họ toàn là lính Nghệ. Trong một buổi uống bia với nhau, tôi mới biết có khoảng gần 200 lính Nghệ đang thực hiện nhiệm vụ ở đây. Một cậu trong nhóm này tên là Thuần quê làng Vinh Ân, xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương quê tôi thường qua chỗ tôi chơi. Cậu ấy bảo, còn có một người nữa người Thanh Lĩnh ở cách chỗ tôi 15 cây số. Một hôm cuối tuần, bỗng thấy cậu người Thanh Lĩnh đến nhà tôi, nói: Em là Văn ở Thanh Lĩnh, em nghe thằng Thuần nói có anh Nam người Thanh Văn dạy ở Trường Đại học Y – Dược – Nha Phnôm Pênh, em muốn lên chơi với anh, tưởng mượn được xe đạp nhưng xe họ lại hỏng nên em đi bộ lên đây!
Tôi cảm động vì anh lính 20 tuổi trẻ măng đã cuốc bộ một buổi sáng 15 cây số để đến thăm anh đồng hương mới chỉ nghe tên mà chưa từng gặp mặt. Văn ở chơi với tôi cả ngày. Sau đó, anh em thỉnh thoảng lại hẹn gặp nhau với 3-4 lính đồng hương Thanh Chương khác như Thuần, Khánh… Tôi nhớ, dịp Tết Văn được về phép nên đã mang thư và quà của tôi gửi mẹ và em gái tôi ở quê, ăn cơm ở nhà tôi, khi sang lại thì mang bánh ong mẹ tôi làm gửi tôi. Kỷ niệm về cậu lính cùng quê đi bộ 15 cây số tìm đồng hương là tôi trong một ngày cuối tuần của mùa khô năm 84 cứ ám ảnh tôi mãi về tình quê/tình người xứ Nghệ.
Tiếng Nghệ là một trong các khu vực thuộc phương ngữ miền Trung. Bên cơi trầu, ấm chè xanh, câu chuyện rổn rảng nơi hiên nhà của các bà, các chị thắm đượm hồn quê, tình quê. Ảnh tư liệu: Cao Đông
Năm 2017, tôi sang công tác tại Đại học Paris Diderot (Pháp). Một cô giáo người Việt trong cộng đồng người Việt tên là Gai Joé Nguyen, tên tiếng Việt là Gái, là học viên của tôi trong lớp Phương pháp giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt ở nước ngoài, do Bộ Ngoại giao và Bộ Giáo dục phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào tháng 8 hàng năm, đã đưa tôi đi tham quan Paris.
Biết tôi là người Thanh Chương, cô gọi điện thoại cho một người bạn thân, từng cùng học với cô ở khoa Pháp, Trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Đà Nẵng, lấy chồng người Bỉ và đang định cư tại Longwy, vùng Đông Bắc nước Pháp. Cô bạn thân của cô Gái tên là Nhàn, người Thanh Chương quê tôi. Cô Gái gọi nói là có thầy Nam người Thanh Chương đang ở đây, khi đó chúng tôi đang đứng trên một cây cầu gần tháp Eiffel và chuyển điện thoại để tôi nói chuyện với Nhàn. Đầu dây kia là giọng Thanh Chương đặc sệt vang lên, tôi cũng chuyển giọng Thanh Chương…
Nói chuyện một lúc, Nhàn mời tôi đi xuống chỗ gia đình Nhàn ở Longwy chơi, tôi nói là để ít bữa nữa, vợ tôi sang rồi nếu có thể thì cả vợ chồng tôi cùng đi. Nói là nói thế, nhưng trong đầu nghĩ là không thể đi được, vì quãng đường đến nơi Nhàn ở rất xa. Nhưng tình cờ, cơ may lại đến với tôi là khi đó anh rể họ, chồng chị con cậu ruột tôi đang làm Đại sứ ở Bỉ-Luxembourg và chị họ tôi qua facebook biết tôi đang công tác ở Pháp nên đã nhắn tin mời vợ chồng tôi qua Bỉ chơi.
Sau khi tham khảo ý kiến cô Gái, cô đưa ra phương án như sau: Cuối tuần, hai mẹ con cô sẽ cùng chúng tôi đi xuống nhà vợ chồng Nhàn ở một khu phố tại ngã ba biên giới ba nước: Pháp, Luxembourg, Bỉ. Chúng tôi sẽ chơi ở đó từ chiều qua một đêm rồi sáng hôm sau đi tham quan khu vực xung quanh nhà Nhàn, chiều hôm sau sang Luxembourg chơi chừng 3 tiếng rồi chia tay ở sân ga Luxembourg, vợ chồng tôi sẽ sang Bỉ. Đi như thế vừa thăm được nhà Nhàn, vừa biết thêm một quốc gia là Luxembourg. Và thế là chúng tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời xuống Longwy.
Náo nức hội làng xứ Nghệ. Ảnh tư liệu: Trung Hà
Longwy là vùng được công nhận di sản thế giới về các công trình pháo đài do Vauban thiết kế. Longwy nằm ở vùng Lorraine gần biên giới với Bỉ, được biết đến như quê hương của những chiếc bình gốm “Cloisonné” trang trí nhiều màu sắc rất ấn tượng. Gia đình Nhàn có 4 người, anh chồng người Bỉ, tên là Soblet Dominique, một người rất thú vị, 2 đứa con một gái, một trai. Cháu gái tên là Ngọc Ánh Océane, năm đó 11 tuổi. Cháu trai tên là Ngọc Bảo Kylian, năm đó 9 tuổi. Điều làm tôi bất ngờ và cảm động đến gai người là 2 cháu con Nhàn có thể nói tiếng Việt giọng Thanh Chương khá tốt, nhất là Ngọc Ánh. Khi tôi nghe Nhàn nói với Ngọc Bảo là: “Răng con cứ lười nói tiếng Việt rứa. Con mà không học chị, không chịu nói tiếng Việt nhiều thì mẹ không cho con về thăm bà với dì mô, nghe chưa”, thì tôi cảm thấy quê hương thật là gần gũi dù đang ở một miền quê xa xôi của nước Pháp.
Kỷ niệm của chuyến đi đó thật tuyệt vời, ấm áp. Được biết là anh chồng Bỉ của Nhàn rất tâm lý, trừ hồi dịch Covid-19, năm nào cũng đưa vợ con về quê vợ ở xã Đồng Văn, huyện Thanh Chương chơi tháng, vài tháng. Sau khi quen biết, năm 2018, 2019 về khi về Nghệ An, cả nhà Nhàn đều ghé ở chơi nhà tôi ở Hà Nội mấy hôm rồi mới về trong quê. Tôi vẫn còn cái clip cháu gái con của Nhàn nói tiếng Nghệ với tôi ở nhà tôi tại Hà Nội, khi tôi hỏi, “Cháu có thích về Đồng Văn không?” cháu trả lời “có”; tôi hỏi “Vì răng cháu thích về Đồng Văn?”, cháu trả lời: “Vì có bà với dì”.
Bà và cháu. Ảnh tư liệu: Quốc Đàn
Năm 2020, tôi sang Hàn Quốc dạy tiếng Việt 1 năm, một bữa đi họp ở sứ quán, tình cờ gặp một anh cũng đang làm đại diện phía Việt Nam của tổ chức kinh tế ASEAN tại Seoul, nghe âm sắc giọng Nghệ, thế là “bắt sóng” ngay và anh em thường đến tập trung ở nhà Thắng uống rượu liên hoan những dịp cuối tuần, vì nhà Thắng rất rộng và đẹp. Khi về Hà Nội, một bữa tôi liên lạc rủ Thắng đi uống bia hơi ở một quán ở Bạch Mai, khi Thắng đi xe máy đến, có chở theo mẹ Thắng ở quê ra chơi. Thắng nói, em đưa mẹ em đi với em cho vui. Tôi cảm động vô cùng. Bà chỉ ngồi cười vui, ăn mấy hạt lạc.
Tôi kể ra những kỷ niệm này để thấy rằng, tiếng Nghệ đối với người Nghệ, khi xa quê thì nó như là một tín hiệu đầy xúc cảm đầu tiên rút ngắn khoảng cách xã giao bình thường, giúp kết nối thật nhanh những người đồng hương xa xứ với nhau. Phải chăng vì vậy mà nhạc sĩ Lê Xuân Hòa đã phổ nhạc bài thơ của nhà thơ Lương Khắc Thanh thật đúng chất Nghệ và tựa đề rất gợi, rất thân thương “Giọng Nghệ tìm về”. Dĩ nhiên, nói như thế không phải là những người đồng hương xứ khác thì không gắn bó. Nhưng quả thật, dường như người Nghệ thường làm cái gì cũng đến cùng, có thể là hơn những vùng khác một chút nên được mang biệt danh “gàn”, “cực đoan”. Ừ thì cái gì đôi khi quá cũng có phần hạn chế. Quan trọng là người đi xa, giữ được bản sắc quê mình, gắn bó, ấm cúng với nhau nhưng đừng để trở thành bè phái, phân biệt vùng miền, rồi trở thành “cục bộ”.
Về mặt ngôn ngữ thì những nhà Ngôn ngữ học lịch sử coi tiếng Nghệ là một nguồn dữ liệu quý giá để hỗ trợ cho việc nghiên cứu tiến trình vận động và phát triển của tiếng Việt. Tiếng Nghệ vẫn còn lưu giữ nhiều “trầm tích” của tiếng Việt cổ, tiếng tiền Việt Mường xa xưa, thậm chí cả giai đoạn tiếng tiền Việt Mường còn chưa tách khỏi các ngôn ngữ Môn – Khmer.
Khi tôi ở Campuchia, tôi phát hiện ra những từ Khmer cùng gốc với tiếng Nghệ, chẳng hạn như tiếng Khmer: nis, tiếng Nghệ: ni, tiếng Việt: này; tiếng Khmer: th’ngay, tiếng Nghệ: ngay, tiếng Việt: ngày; tiếng Khmer: ch’ngai, tiếng Nghệ: ngái, tiếng Việt: xa; tiếng Khmer ch’hô, tiếng Nghệ đứng nhưng có liên quan đến từ chọ hỏ (ngồi chọ hỏ = ngồi xổm, tức là kiểu ngồi đứng), tiếng Việt: đứng. Người phát hiện ra từ ch’hô có nét nghĩa liên quan đến yếu tố chọ hỏ trong ngồi chọ hỏ của tiếng Nghệ là học giả Phan Ngọc, cũng là một người Nghệ. Trong một cuộc gặp gỡ với ông vào năm 1985 khi tôi về Hà Nội thì ông đã vô cùng khoái chí khoe với tôi về phát hiện kiểu ngồi chọ hỏ trong tiếng Nghệ nhà mình chính là ngồi đứng tức ngồi xổm, chứ không phải ngồi bệt là liên quan tới từ ch’hô trong tiếng Khmer. Ông vừa nói vừa cười và ông vỗ đùi vì phát hiện này. Ông bảo với tôi: “Mình thích nói với ông chuyện ni vì ông biết tiếng Nghệ. Quân ngoài ni, nói chuyện ni, hần không hiểu nên không thích nghe”.
Đặc biệt là về ngữ điệu, tôi nghe và thấy nhiều câu có sự gần gũi giữa ngữ điệu tiếng Nghệ và ngữ điệu tiếng Khmer. Phải chăng nhờ thế mà tôi học nói tiếng Khmer rất dễ và khi tôi nói tiếng Khmer, nhiều người Campuchia nhận xét là tôi nói như người bản ngữ vậy.
Cung đường uốn lượn ven hồ thủy lợi Đồng Đanh xã Thanh Thủy là một trong những tuyến đường đẹp nhất trên địa bàn huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: Huy Thư
Tiếng Nghệ (giọng Nghệ) là một di sản quý báu từ ngàn xưa truyền lại, cùng với thời gian, có những trầm tích tiếng Việt cổ vẫn còn mãi, nhưng cũng có sự chuyển hóa về mặt từ vựng, ví dụ người Nghệ xưa gọi: gú, gấu rồi bây giờ gọi là gạo, xưa gọi con ghí, rồi con gấy, giờ nhiều vùng vẫn đang gọi là con gấy, có vùng thì đã gọi là con gái như tiếng phổ thông.
Những người Nghệ xa quê mà tôi tiếp xúc thì phần lớn có biệt tài đổi giọng. Kiểu như biên tập viên Diễm Chi, Quang Vinh, MC Khánh Chi (nói giọng Bắc ra Bắc, Nam ra Nam, Nghệ ra Nghệ); một phần thì có đổi giọng một chút, theo kiểu Nghệ là chính, nhưng vẫn lai giọng vùng mà người Nghệ định cư (Bắc/Nam), và có một số người thì dù đi đến đâu vẫn không đổi giọng/không đổi được giọng, chỉ dùng từ phổ thông mà thôi. Tôi có bà o (cô) ruột (người Thanh Chương), nay cả o, dượng đều đã về miền mây trắng. Dù o theo dượng tôi (người Đô Lương) đi khắp nơi, rồi định cư ở Hà Nội từ sau năm 1954, xa quê hơn 60 năm nhưng o tôi vẫn giữ giọng Nghệ và từ Nghệ xưa. Tôi nhớ có hôm tôi đến nhà o ở Trần Hưng Đạo, thấy tôi vào, con mèo của o cứ nhảy lên xoắn xuýt. O tôi nói: hần bợn đò mi ạ (nó dỡn đấy mày ạ). Ôi cái từ bợn, đã hàng chục năm tôi không nghe mà sao thật lạ lùng, tuổi thơ tôi cứ dào dạt trở về trong ký ức theo từ bợn mà o tôi nói.
Kết lại là trong lòng mỗi người Nghệ xa quê dường như đều đau đáu một nỗi niềm quê hương xứ sở với bao chuyện xưa. Đó là bến đò xưa thao thức dù nay chỉ còn trong kỷ niệm, là điệu ví, câu hò đêm trăng trên đê làng và những người chèo đò dọc trên sông Lam nay cũng là quá vãng. Và khi một người Nghệ xa xứ gặp được đồng hương, họ liền đổi giọng kiểu “Anh người mô đó?” thì mọi khoảng cách lễ nghi được rút ngắn nhanh một cách kỳ diệu.
Đúng là:
Nghe tiếng ai quen giữa dòng người xa lạ
Một cái bắt tay nì anh ngài mô đó?
Cái giọng quê ta đậm đà sâu nặng
Tiếng nói quê mình mộc mạc mà thương
Tiếng của quê hương về trong nỗi nhớ
Đã gặp nhau rồi rành dễ làm quen
Thương nhau tìm về hai chữ đồng hương…
(Lời bài hát “Giọng Nghệ tìm về” ).