Tại Việt Nam, chim cu gáy được nhiều người mê thú kiểng nuôi như một loại chim cảnh. Vì giống này rất nhút nhát nên chúng ta cần lưu ý những điểm sau đây trong việc cho ăn và chăm sóc chim cu gáy để chúng nhanh nổi.
Phải làm gì khi mới đưa chim cu gáy về
Chim cu gáy là giống chim thuộc họ bồ câu, rất phổ biến ở các vùng đồng bằng ở nước ta. Chúng có đặc điểm rất rụt rè, hay nhảy lung tung khi gặp người lạ và dễ bị tác động từ môi trường xung quanh.
Vì vậy, khi mới đưa chim cu gáy về nhà, việc đầu tiên bạn cần làm là nhốt chúng trong chuồng riêng, phủ vải che bên ngoài và đặt ở nơi yên tĩnh. Trong chuồng cần để sẵn thức ăn, nước uống đầy đủ, thời gian đầu chỉ nên cho chim ăn thóc.
Sau nửa ngày, bạn hãy sờ vào diều của chim cu gáy để kiểm tra xem chúng có ăn chút nào không. Nếu đã ăn thì không vấn đề gì, còn ngược lại thì bạn phải trực tiếp nhét thóc vào diều để chúng có thể cầm cự trong thời gian sắp tới
Vào mấy ngày tiếp theo, người nuôi cần kiên nhẫn lặp lại việc kiểm tra như vậy, duy trì hành động này cho đến khi chim cu gáy tự mổ thức ăn.
Cách giúp chim cu gáy sớm thích nghi
Để chim cu gáy quen dần với chủ và trở nên dạn dĩ hơn, mỗi buổi sáng bạn nên lặp đi lặp lại hành động cho tay vào chuồng đưa thức ăn. Duy trì thói quen này trong vòng từ 1 đến 2 tháng, chim cu gáy sẽ hiểu khi bạn mở lồng và đưa tay vào là để cho chúng ăn chứ không phải muốn làm hại chúng. Dần dần, chim cảnh nhà bạn sẽ không còn cảnh giác và sợ hãi như trước nữa. Lưu ý thêm là mỗi lần cho ăn bạn chỉ cần cung cấp một lượng vừa đủ, không nên để thừa.
Sau một thời gian, nếu nhận thấy chim cu gáy đã trở nên dạn dĩ hơn, có thể tự mổ thức ăn và không bay lung tung nữa, bạn hãy chuyển chúng từ chuồng vào một chiếc lồng phù hợp.
Lúc mới chuyển sang lồng, bạn nhớ phủ kín vải xung quanh, chọn vị trí yên tĩnh. Làm như vậy để chim cu gáy đỡ hoảng sợ hay bị tác động từ tiếng ồn bên ngoài.
Đến tầm 7 ngày sau, bạn hãy hé tấm vải phủ ra một khoảng để chim cu gáy tập làm quen với không gian bên ngoài. Mỗi ngày mở thêm chút ít như vậy, tới khi mở được một nửa lồng là ổn.
Song song với đó, người nuôi cần theo dõi xem chúng có gáy hay không. Nếu chim cu bắt đầu gáy, hãy đợi tới khi tiếng gáy của chúng trở nên tự nhiên thì đưa tới nơi có các đồng loại của mình. Việc này giúp chim cu gáy bớt rụt rè, trở nên hăng hái hơn và hoàn toàn thích nghi với môi trường mới.
Cho chim cu gáy ăn gì nhanh nổi?
Trong quá trình nuôi dưỡng chim cu gáy, việc cho ăn là quan trọng nhất, nó quyết định xem chim của bạn có nhanh nổi hay không. Vậy nên chuẩn bị khẩu phần ăn cho chúng như thế nào?
Theo lời khuyên từ các chuyên gia, chim cu gáy nên lấy thóc làm thức ăn chính, chiếm khoảng 90% trong khẩu phần hàng ngày. 10% còn lại bao gồm các loại hạt và đậu như lạc, vừng, đậu xanh, đỗ tương, hạt kê v.v…
Trong đó, các hạt chứa dầu như lạc (đậu phụng) hay vừng (mè) có tác dụng làm mượt lông. Đỗ tương trợ giúp khả năng vận động và củng cố sức khỏe. Đậu xanh thì tăng sức đề kháng, chống các bệnh cảm cúm. Hạt kê lại giúp kích thích vị giác, khiến chim cu gáy ăn ngon miệng hơn, đồng thời chất giọng cũng hay hơn.
Vệ sinh cho chim cu gáy như thế nào?
Bên cạnh việc cho ăn đúng giờ giấc và với thành phần, khối lượng hợp lý, công đoạn vệ sinh, tắm rửa cũng là một phần không thể thiếu trong việc chăm sóc chim cu gáy. Chỉ như vậy, chú chim bạn nuôi mới đảm bảo sức khỏe và mức độ linh hoạt.
Khi thời tiết nóng nực, oi bức, bạn cần tắm cho chim cu gáy mỗi ngày. Nhớ đặt chúng trên tay trong quá trình tắm để khiến chim dạn dĩ và quen thuộc với bạn hơn, hỗ trợ cho công cuộc huấn luyện.
Nếu thời tiết mát mẻ hay trở lạnh, bạn nên chuyển sang tắm cho chim cu gáy ít hơn, tầm 2 – 3 ngày 1 lần. Sau khi tắm xong, có thể dùng máy sấy để lông nhanh khô và giúp chúng không bị nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, bạn còn cần làm vệ sinh cho lồng chim cu gáy hàng ngày, để chúng có thể sống trong môi trường sạch sẽ, thoải mái, không bị bốc mùi, rụng lông hay các loại bệnh khác.
Cách huấn luyện cho chim nhanh gáy
Để huấn luyện cho chim cu gáy, bạn chụm ngón tay lại thành hình dạng tương tự đầu chim. Hướng đầu ngón tay lên trên, đồng thời miệng phát ra âm thanh mô phỏng tiếng chim cu gáy.
Nếu không có khả năng giả giọng, bạn còn một cách khác là mở các clip hoặc audio thu tiếng chim cu gáy ở trên mạng. Tuy nhiên cách này sẽ ít hiệu quả hơn so với việc bạn tự phát ra âm thanh để huấn luyện trực tiếp.
Cứ kiến trì tập cho chim cu gáy phản xạ như vậy một thời gian, sau đó chim bạn nuôi sẽ bắt chước theo và dần dần tự gáy.
Lưu ý khác để chim cu gáy nhanh nổi
Ngoài những bí quyết như Dogily đã chia sẻ bên trên, các bạn cũng có thể khiến chim cu gáy nhanh nổi hơn bằng cách nuôi từ 2 con chim trở lên ở cạnh nhau. Việc này giúp chúng sớm trở nên quen thuộc với môi trường mới chứ không còn quá bỡ ngỡ hay lo lắng. Khi nghe đồng loại gáy, các chú chim còn lại cũng sẽ gáy cùng theo bản năng.
Ngoài ra, các bạn còn cần chú ý chọn lồng chim cu gáy với kích cỡ phù hợp, nếu chật quá hoặc rộng quá thì chúng sẽ không chịu gáy. Bên cạnh đó, bạn đừng bao giờ bỏ bê việc cho ăn hay chăm sóc chúng, vì khi thiếu chất dinh dưỡng hoặc bị bệnh, chim cu sẽ không đủ sức hoặc không muốn gáy nữa.