1. Lựa chọn địa điểm và dụng cụ nuôi ong
1.1. Lựa chọn địa điểm và sắp xếp đàn ong
– Địa điểm: Để đạt được hiệu quả cao trong việc nuôi ong lấy mật cần chú ý một số nội dung sau:
+ Đặt ong ở nơi có nhiều loài cây ra hoa có nguồn mật và phấn hoa. + Đăt ong cách xa các nhà máy, kho chứa hóa chất, khu chăn nuôi, xưởng sản xuất… có môi trường, không gian bị ô nhiễm. + Không đặt ong gần các trại nuôi ong khác và tránh xa nơi ồn ào như: Trường học, đường giao thông thường xuyên có nhiều phương tiện đi lại tạo ra tiếng ồn và những rung động mạnh.
– Sắp đặt các đàn ong.
+ Đối với ong nội: Khoảng cách đặt hai thùng ong cách nhau tối thiểu là 1m, không đặt quá dày và không nên đặt thẳng hàng với nhau. Tốt nhất nên đặt thành từng cụm từ 3 đến 4 đàn và quay cửa tổ về các hướng khác nhau.
+ Đặt thùng ong nơi cao ráo, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, kê cao thùng ong từ 25 – 30cm so với mặt đất và có dụng cụ chống các loại thiên địch gây hại.
1.2. Chuẩn bị dụng cụ nuôi ong
– Thùng nuôi ong: Dùng các kiểu thùng gỗ thông dụng tự chế theo cách riêng, nhưng hiện nay thường dùng kiểu thùng có hai cửa sổ để đóng mở, phía trên có nắp đậy để chống mưa nắng. Kích thước bên trong của thùng có chiều dài là 46,5 cm, rộng 38 cm và cao 24,5 cm.
– Khung cầu: Phía bên trong thùng ong là nơi đặt các cầu cho ong xây bánh tổ hay gọi là khung cầu có thể nhấc ra, đặt vào khi lấy mật, trên khung cầu này nên đặt khuôn bánh tổ để cho ong xây. Nuôi ong bằng khung cầu di động là dụng cụ để khai thác mật thuận tiện nhất, cho năng suất mật cao.
– Các dụng cụ khác như: Bộ tạo chúa, bộ gắn tầng chân, dao cắt, thùng quay mật… cần chuẩn bị để phục vụ việc chăm sóc, nuôi dưỡng và khai thác mật ong sao cho thuận tiện nhất.
2. Chọn giống ong
Việc chọn ong làm giống phải dựa trên 5 đặc tính cơ bản gồm: Tính hung dữ, sản lượng mật, tình trạng ấu trùng, mức độ nhiễm bệnh và khả năng dọn vệ sinh trong tổ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của đàn ong. Nếu chọn giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng; ong chúa trẻ và đẻ khỏe sẽ tạo nhiều ong thợ và cho năng suất mật cao.
3. Kiểm tra đàn ong lấy mật
Có hai cách kiểm tra đàn ong, gồm: Kiểm tra bên ngoài và bên trong.
– Kiểm tra bên ngoài: Được áp dụng hàng ngày, người nuôi ong ngồi bên cạnh cửa tổ đàn ong để theo dõi hoạt động đi làm của ong thợ, thông qua đó đánh giá được tình hình của đàn ong và có các biện pháp kỹ thuật xử lý kịp thời; Nên tiến hành theo dõi vào lúc 7-8 giờ sáng khi ong đi làm nhiều.
– Kiểm tra bên trong thùng, gồm có:
+ Kiểm tra điểm: Là phương pháp kiểm tra một số đàn điển hình, mỗi thùng chỉ kiểm tra một vài cầu; kết hợp kiểm tra luôn về dự trữ mật, khả năng xây bánh tổ, khả năng chia đàn, tình hình bệnh v.v… thường kiểm tra trước vụ và cuối vụ mật.
+ Kiểm tra toàn bộ: Là kiểm tra tổng các đàn ong hiện có trong trại, kiểm tra tất cả các cầu trong một thùng. Phương pháp này thường được định kỳ mỗi tháng 1lần vào thời điểm giao mùa hoặc chuyển vụ hoa.
4. Kỹ thuật cho ong ăn bổ sung và uống nước
– Kỹ thuật cho ăn bổ sung
+Phương pháp cho ăn: Cho đường vào nước theo tỷ lệ 2:1… đun sôi, để nguội và cho ăn 3 đến 4 tối liên tục, khi ống mật vít nắp thì dừng hoặc lấy phấn hoa + mật ong và có thể trộn thêm Vitamin C, B1 viên thành cục để trên mặt xà cầu hoặc sử dụng bột đậu tương + lòng đỏ trứng gà trộn đều với đường, cho ăn vào lúc chập tối, khi nhiệt độ < 120C thì không cho ong ăn.
– Kỹ thuật cho ong uống nước:
Vào những ngày khô hanh, nóng bức, phải chú ý cung cấp nước cho ong bằng cách đổ nước vào máng như cho ăn bổ sung hoặc đặt thùng nước ở gần tổ ong và cho chảy nhỏ giọt qua máng, nền bê tông để ong bay đến lấy nước.
Trên đây là hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng quản lý ong mật, trong chuyên mục kỳ sau, Trung tâm Khuyến nông tiếp tục hướng dẫn kỹ thuật khai thác mật và phòng chống thiên địch hại. Đề nghị người chăn nuôi ong mật thực hiện tốt, đạt hiệu quả kinh tế cao./.