Làm thế nào để nuôi vịt con mới nở mau lớn, khỏe mạnh và đạt năng suất cao? Người chăn nuôi cần có các kỹ thuật nuôi vịt con gì để đáp ứng được những tiêu chí đó? Tham khảo ngay bài viết sau để bỏ túi các cách nuôi vịt con mới nở hiệu quả nhất.
Kỹ thuật chọn giống vịt con khỏe mạnh
Để có thể nuôi vịt con mau lớn, khỏe mạnh và đạt năng suất như ý, người chăn nuôi cần nắm rõ kỹ thuật chọn giống vịt chất lượng. Đây là bước đầu tiên cực kỳ quan trọng, quyết định đến kết quả chăn nuôi sau này.
Tùy thuộc vào nhu cầu mà người chăn nuôi có thể chọn các giống vịt khác nhau như chuyên thịt, chuyên trứng hay kiêm dụng.
- Đối với vịt hướng thịt, người chăn nuôi có thể lựa chọn một số giống đạt năng suất cao như: vịt CV Super M/M2/M2 cải tiến, vịt Szarvas, vịt Bắc Kinh, vịt Nông nghiệp 1 – 2,…
- Đối với vịt hướng trứng: Có thể chọn các giống vịt cỏ, Khaki Campbell hay CV200 siêu trứng.
- Còn nuôi vịt kiêm dụng thì có các giống vịt bầu, vịt Kỳ Lừa Lạng Sơn, vịt cỏ, vịt anh đào và vịt bạch tuyết.
Khi lựa chọn vịt con mới nở, người chăn nuôi nên chú ý chỉ lấy những con nhanh nhẹn, mắt tinh, bụng mềm, lông có màu đặc trưng của giống, bông và xốp. Không nên chọn những con yếu ớt, bị bệnh, khô, khoèo chân, bết lông hay bụng cứng.
Ngoài ra, nếu nuôi vịt để sinh sản thì trước khi đưa vào úm nên phân loại vịt đực – cái, sau đó tiến hành nuôi ghép theo tỷ lệ 1 đực – 5 cái.
Cách nuôi vịt con mau lớn
Chuẩn bị chuồng nuôi vịt con mới nở
Vịt con mới nở nên còn khá yếu, thân nhiệt thấp, hệ tiêu hóa và các bộ phận khác chưa phát triển đầy đủ. Bên cạnh đó cũng chưa có khả năng tự vệ và tìm kiếm thức ăn. Lúc này, người chăn nuôi cần tiến hành úm vịt con để ủ ấm và tạo điều kiện cho các cơ quan phát triển toàn diện, khỏe mạnh.
Vịt con cần được tách riêng với con trưởng thành và úm trong hộp hoặc lồng công nghiệp.
Sử dụng dăm bào, mùn cưa, vỏ trấu hay khăn mềm lót xuống dưới để giữ ấm và đảm bảo lồng luôn khô thoáng.
Không nên dùng giấy báo hay các vật liệu trơn trượt để lót. Vì vịt con mới nở còn yếu, đi đứng chưa vững, rất dễ ngã và bị thương.
Lắp đặt đèn chiếu sáng
Khi nuôi vịt con trong giai đoạn này, người chăn nuôi nên ủ ấm chúng vài tuần đầu để có thời gian thích nghi với không khí lạnh bên ngoài vỏ. Đèn ấp có thể tìm mua ở các cửa hàng thức ăn chăn nuôi hoặc chuyên bán thiết bị điện. Khi lắp đặt đèn ấp thì nên gắn phía trên đầu lồng chứa.
Sử dụng bóng đèn hồng ngoại hoặc đèn sưởi gas để có thể cung cấp vừa đủ ánh sáng và lượng nhiệt ấp cho vịt con.
Đồng thời, không để đèn quá gần vịt làm lồng ấp quá nóng hoặc vô tình vịt con bị bỏng.
Nếu nhận thấy vịt con đứng cạnh nhau dưới ánh đèn thì có thể chúng đang cảm thấy lạnh, lúc này cần điều chỉnh nhiệt và tăng công suất đèn lên.
Ngược lại, nếu thấy chúng nằm rải rác và thở hổn hển thì có thể nhiệt độ trong lồng đang khá cao. Người nuôi vịt con cần điều chỉnh lại để giúp chúng bình tĩnh và thoải mái hơn.
Sau vài tuần, khi vịt đã lớn và không cần ủ ấm nữa thì có thể đưa chúng sang chuồng rộng hơn hoặc dời đèn lên cao.
Cung cấp nước và thức ăn khi nuôi vịt con
Người nuôi vịt con cần đặt những bình uống (bình galon nhỏ) trong chuồng để chúng dễ dàng uống và làm sạch lỗ mũi. Thay đổi bình uống định kỳ sao cho phù hợp với từng độ tuổi của vịt.
Ngoài ra cũng nên thay nước hằng ngày để vịt không bị bệnh do uống nước bẩn.
Thức ăn
Vịt con sẽ không ăn trong 24 giờ đầu sau khi nở vì còn hấp thu chất dinh dưỡng từ lòng đỏ trứng. Ở lần cho ăn đầu tiên, người nuôi vịt con chỉ nên sử dụng thức ăn nghiền nhỏ.
Sau đó, chúng đã có thể ăn thức ăn cho vịt dạng viên nhỏ có bán tại các cửa hàng cung cấp thức ăn chăn nuôi. Người nuôi vịt con nên sử dụng máng ăn bằng nhựa, đổ đầy thức ăn rồi cho vào hộp ấp.
Sau khoảng 10 ngày, vịt con có thể ăn thức ăn tăng trưởng. Loại này cũng tương tự như thức ăn ban đầu nhưng ở dạng viên lớn hơn.
Khoảng 16 tuần sau khi vịt nở, chúng đã ăn được thức ăn dành cho vịt trưởng thành.
Ngoài ra, nếu chúng tỏ ra biếng ăn, hãy cho thêm một ít nước vào thức ăn để dễ nuốt. Bên cạnh đó cũng có thể cho một lượng nhỏ đường vào nước trong 2 ngày đầu để bổ sung năng lượng và giúp vịt dễ ăn hơn.
Nuôi vịt con trưởng thành, khỏe mạnh
Ngoài những hướng dẫn nuôi vịt con được giới thiệu trên đây, người chăn nuôi còn cần quan tâm đến hoạt động, sinh hoạt của vịt trong suốt quá trình trưởng thành. Chẳng hạn như giúp vịt con bơi, tự lập và bảo vệ chúng khỏi các yếu tố nguy hiểm.
Vịt rất thích bơi, nếu được cho phép, chúng có thể xuống nước ngay ngày đầu tiên mới nở. Tuy nhiên cần có người giám sát và không để chúng bơi lâu, sẽ rất dễ bị nhiễm lạnh. Sau khi bơi, người nuôi vịt cần dùng khăn bông, mềm để lau khô và cho vào hộp ủ ấm ngay.
Ngoài ra, hãy bảo vệ vịt con khỏi sự tấn công từ những con lớn hơn hoặc thú nuôi khác trong trang trại.
Lưu ý trong cách nuôi vịt con
Vịt con rất mỏng manh, yếu ớt, vì vậy, người chăn nuôi cần trang bị đầy đủ các kiến thức và kỹ thuật nuôi vịt con chính xác, giúp đàn vịt mau lớn, khỏe mạnh, đạt năng suất cao.
Người chăn nuôi cần quan sát tỉ mỉ đàn vịt mỗi ngày, nếu phát hiện vịt bị bệnh, hãy liên hệ ngay với cán bộ, bác sĩ thú y để tìm cách giải quyết.
Không cho vịt con ăn hành, các loại hạt cho chim hoang dã, bánh mì và quả mọng nước. Hệ tiêu hóa non nớt của chúng sẽ không thể hấp thụ được những thức ăn này.
Nếu có các vật nuôi lớn hơn như chó, mèo trong trang trại, hãy giữ vịt con cách xa chúng.
Ngoài ra, người nuôi vịt con cũng cần để ý đến lịch tiêm phòng các bệnh dịch tả, bệnh viêm gan cho đàn vịt của mình. Vệ sinh, sát trùng chuồng trại thường xuyên để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn cho vịt.
Kỹ thuật úm vịt con vào mùa Hè
Vào mùa Hè, nhiệt độ thường khá cao, nóng bức nên cần duy trì nhiệt độ úm trong khoảng 32 – 34°C, sau mỗi tuần thì giảm khoảng 2°C. Mùa Hè cũng là thời gian mưa nhiều, độ ẩm đôi khi tăng cao 80 – 100%, lúc này vịt sẽ rất dễ bị cảm lạnh. Vì vậy, người chăn nuôi cần duy trì độ ẩm trong khoảng 60% – 70%.
Nước uống cũng cần ở mức từ 12 – 30°C và thêm một số vitamin để tăng sức đề kháng cho vịt con trong giai đoạn úm.
Trên đây là một số cách nuôi vịt con mau lớn được nhiều người chăn nuôi áp dụng và đạt năng suất cao. Vịt con mới nở sẽ rất yếu ớt và cần ủ ấm, ăn thức ăn nhuyễn, mịn nhưng chúng cũng sẽ rất mau lớn. Vì vậy, người chăn nuôi cần quan sát và kiểm tra thường xuyên các bất thường để có được một đàn vịt khỏe mạnh, đem lại năng suất cao.
Xem các dụng cụ chăn nuôi gia cầm/thủy cầm tại: https://channuoithuy.com.vn/danh-muc/thiet-bi-chan-nuoi-gia-cam/
Xem thêm kĩ thuật úm vịt con tại: https://kienthucchannuoi.vn/ki-thuat-um-vit-vao-mua-he-nang-nong/