Làm thế nào để có thể ôn thi hiệu quả vào lớp 10 và vượt qua các rào cản tâm lý là câu hỏi của không ít học sinh khi chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ diễn ra kỳ thi chuyển cấp quan trọng này.
“Bí kíp” được “bật mí” bởi hai thủ khoa của Hà Nội là em Trần Tùng Bách (học sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Kim Liên, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2021 với 57/60 điểm) và em Nguyễn Thị Thanh Lam (học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông Yên Hòa, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm 2019 với 56,75/60 điểm).
Môn ngữ văn: Cần tìm logic thay vì học thuộc
Chia sẻ về quá trình học tập của mình, Trần Tùng Bách cho hay em từng rất sợ môn ngữ văn và điểm số môn này ở đầu năm lớp 9 rất lẹt đẹt. “Môn văn cần ghi nhớ nhiều mới có thể phân tích được. Với những bạn có khả năng cảm thụ tốt thì chỉ cần học ý chính, nhưng em lại không có khả năng này, diễn đạt cũng tệ nên em đã từng thấy rất bế tắc và không biết làm thế nào. May mắn là sang đến học kỳ hai, em đã tìm ra cách để vượt qua nỗi sợ này,” Bách chia sẻ.
Bí quyết của chàng thủ khoa này là sử dụng sơ đồ tư duy. Bách cho hay việc sử dụng sơ đồ tư duy giúp tăng khả năng ghi nhớ rất nhanh. Lời khuyên của em dành cho các học sinh lớp 9 là hãy cố gắng thử nhiều phương pháp khác nhau để tìm được phương pháp phù hợp nhất với mình vì mỗi người có những ưu, nhược điểm khác nhau.
[Hà Nội dự kiến tổ chức thi vào lớp 10 trong hai ngày 18 và 19/6]
Cần học cách tư duy để nắm được kiến thức cơ bản thay vì cố gắng học thuộc cũng là lời khuyên của Thanh Lam với các học sinh lớp 9 khi học môn ngữ văn. Theo Lam, đây là môn học rất dễ gây chán nản với học sinh vì có khối lượng kiến thức lớn. Bí kíp của Lam để chinh phục môn học này là đa dạng phương thức học tập. Bên cạnh việc sử dụng sơ đồ tư duy như Bách còn có thể dùng biện pháp hóa thân vào nhân vật, in văn bản tác phẩm thơ ra giấy A4 và ghi chú, đánh dấu highlight… để có thể nắm được kiến thức cơ bản.
“Để đạt điểm cao thì bài làm cần phải có cấu trúc rõ ràng mạch lạc để người chấm không phải đi tìm ý, mò ý. Phần ‘ăn điểm’ nhất của văn nghị luận xã hội là phần phản đề và liên hệ bản thân, gắn cuộc sống của mình vào vấn đề đặt ra để tạo nét riêng trong bài làm, vừa giúp bài viết vừa độc đáo, sinh động, chân thực, vừa thể hiện khả năng tư duy của người viết. Để làm được điều này, thí sinh nên chủ động tìm hiểu các vấn đề trong cuộc sống, các vấn đề thời sự để tư duy xem người ra đề liệu có thể hỏi gì và mình có thể trả lời như thế nào,” Lam chia sẻ.
Toán và ngoại ngữ: Làm thật nhiều đề
Với môn toán và ngoại ngữ, bí quyết của cả hai thủ khoa là phải làm thật nhiều các đề ôn tập. “Với hai môn này, chỉ cần luyện đề là sẽ nắm được kiến thức và các dạng bài cơ bản,” Thanh Lam nhận định.
Tùng Bách cho hay việc luyện đề giúp cho thí sinh có cơ hội tiếp xúc với nhiều dạng toán đa dạng khác nhau, cải thiện khả năng ứng biến, khả năng tư duy và tốc độ làm bài. Tương tự, việc luyện đề môn tiếng Anh cũng là cách tốt nhất để học từ vựng, các cấu trúc ngữ pháp vì mỗi đề lại có các nội dung, mẫu câu khác nhau.
“Trong quá trình luyện đề sẽ gặp phải những bài toán hóc búa, dù dành nhiều thời gian nhưng vẫn không giải được và có thể khiến thí sinh mệt mỏi, ức chế. Tuy nhiên đó cũng là lúc giúp mình phát hiện ra các mảng kiến thức còn thiếu, từ đó lên kế hoạch để tăng cường ôn tập cho phần hổng này,” Bách chia sẻ.
Nắm vững kiến thức, tư duy tốt nhưng Bách cũng lưu ý các thí sinh về việc phải cẩn thận để không mất điểm oan trong các bài thi môn toán do những lỗi sai nhỏ nhặt. “Trong quá trình ôn thi vào lớp 10, em rất hay mắc các lỗi trong quá trình trình bày bài như sai đơn vị, thiếu bước do làm tắt nên dễ mất điểm oan, hoặc mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó nên không còn thời gian để làm các câu còn lại dẫn đến tổng điểm thấp. Em đã từng rất hoang mang và lo lắng về tình trạng này và phải rèn luyện sự cẩn trọng trong từng bước của bài làm, ưu tiên câu hỏi dễ, vừa để kiếm điểm, vừa tránh bị ảnh hưởng tâm lý,” Bách nói.
Chiến lược ôn thi hiệu quả
Theo em Nguyễn Thị Thanh Lam, trong giai đoạn ôn tập nước rút trước kỳ thi, thí sinh cần có chiến lược và sắp xếp thời gian hợp lý để vừa ôn thi hiệu quả, vừa không tạo thêm áp lực cho bản thân.
Để quản lý tốt thời gian, Lam cho rằng thí sinh không nên đi học thêm quá nhiều. Theo Lam, việc học thêm nhiều vừa gây áp lực cho thí sinh, vừa khiến các em mất đi sự tự chủ khi mải chạy theo các bài giảng của các giáo viên mà không có thời gian tự nhìn nhận lại bản thân, tự hệ thống lại kiến thức để biết mình còn hổng ở phần kiến thức nào để có sự bổ sung phù hợp. Lam cũng khuyên thí sinh nên phân bổ thời gian học trong ngày đều cho các môn để giảm sự mệt mỏi và nhàm chán khi tập trung quá lâu vào một môn học.
“Các em cũng cần giữ gìn sức khỏe, quản lý giấc ngủ tốt, nên đi ngủ trước 23 giờ để có tinh thần thoải mái và buổi sáng có thể dậy sớm để học bài vì đây là thời gian học rất hiệu quả, nhất là với môn văn,” Lam nói./.