Cách phát triển bản thân hiệu quả mỗi ngày – Công thức thành công

Phương pháp phát triển bản thân dựa trên những đặc điểm của những người tiến bộ nhanh nhất sẽ là lời giải đáp mà chúng tôi đưa ra cho câu hỏi của những học viên “Cần làm gì để phát triển bản thân“. Bằng cách tìm hiểu và chọn ra những đặc điểm chung của những người tiến bộ nhanh nhất, dường như câu trả lời được tìm ra! Vậy, trước tiên bạn có đang gặp phải:

  • Công việc không thuận lợi
  • Muốn phát triển hơn
  • Những người xuất sắc họ khác gì với người bình thường?

Nếu bạn đọc bài viết này, có thể bạn đang mang những băn khoăn, trăn trở như trên.

Trong bài tôi sẽ phân tích các đặc điểm chung của những người tiến bộ nhanh và liên tục phát triển.

Khi tôi tự hỏi “Mình cần phát triển bản thân như thế nào nhanh nhất!”

Bắt đầu với câu chuyện phát triển bản thân của chính tôi. Những năm đầu sau khi ra trường đi làm (tôi làm việc tại Nhật), tôi thể hiện rất tệ. Trong số các đồng nghiệp vào công ty cùng thời điểm với tôi, có một bạn người Philippines rất xuất sắc. Vì 2 đứa sàn sàn tuổi nhau, lại đều là người nước ngoài học tiếng Nhật, nên vô tình chúng tôi hay bị mang ra so sánh. Tôi vừa nể phục vừa ghen tỵ với tài năng của bạn ấy – sao bạn ấy có thể thích nghi nhanh và làm gì cũng giỏi như vậy?

Càng nghĩ tôi càng nhận ra mình thiếu quá nhiều kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát triển trong công việc. Tôi đặt cho mình câu hỏi: Vậy mình cần phát triển bản thân như thế nào???

Tôi bắt đầu đọc sách về những người có thành tựu lớn, tham gia các lớp học phát triển bản thân. Ban đầu cũng không có kết quả gì nhiều, nhưng tôi vẫn kiên trì học hỏi và tích lũy trong hơn 5 năm qua. Bây giờ tôi đã có nhiều thời gian tự do hơn, được làm công việc đúng sở trường, thế mạnh và đam mê của mình, được giao trọng trách mở đường và xây dựng Học viện Đào tạo Tiềm năng Việt Nam – chi nhánh của Học viện Đào tạo Tiềm năng Nhật Bản.

Nếu băn khoăn của bạn là “làm thế nào để phát triển bản thân”, thì trước hết bạn cần nắm được đặc điểm chung của những người đang phát triển”

phát triển bản thân như thế nào
phát triển bản thân như thế nào

17 đặc điểm chung của những người không ngừng phát triển bản thân nhanh chóng

Nói một cách đơn giản, đặc trưng lớn nhất của những người tiến bộ nhanh và liên tục phát triển là “năng lực hành động”. Bởi chỉ có hành động mới tạo ra sự thay đổi và kết quả.

Vì vậy, phát triển bản thân đồng nghĩa với nâng cao năng lực hành động.

Hãy hiểu như thế này: việc bạn có suy nghĩ muốn phát triển bản thân cho thấy rằng bạn chưa hài lòng với con người bạn hiện tại. Con người hiện tại không giúp bạn đạt được mục tiêu, thực hiện được ước mơ, kiếm được nhiều tiền, thu hút những thứ chất lượng và biến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Nếu muốn cuộc sống khác đi thì bạn phải thay đổi. Mà thay đổi được thể hiện cụ thể bằng hành động.

Những kiến thức, kỹ năng phát triển bản thân tôi đề cập trong bài viết này cũng chính là những đặc điểm chung của những người xuất sắc và không ngừng phát triển. Và tất cả những đặc điểm này đều liên quan tới hành động.

1. Khao khát muốn trở nên tốt hơn

Đặc điểm đầu tiên của những người không ngừng tiến bộ là luôn mang trong mình khao khát “muốn trở nên tốt hơn”. Họ bị ám ảnh bởi suy nghĩ “làm thế nào để phát triển bản thân” nhiều hơn, nhanh hơn.

Khao khát phát triển chính là “nhiên liệu của mọi hành động”.

Giống như một cái xe hết xăng sẽ không thể chạy được, người không có khao khát vươn lên sẽ chẳng tha thiết làm gì.

Mà bạn thấy đấy, không làm gì thì không tạo ra được gì, không dẫn đến sự phát triển. Vì vậy, trước hết, có và duy trì một khao khát mạnh mẽ là bước quan trọng đầu tiên trong hành trình phát triển bản thân của chúng ta.

  • Muốn kiếm thật nhiều tiền
  • Muốn có nhà có xe
  • Muốn mua đồ không phải nhìn giá
  • Muốn trải nghiệm những dịch vụ sang chảnh, đẳng cấp hàng đầu
  • Muốn có nhiều thời gian tự do cho riêng mình
  • Muốn đưa gia đình đi du lịch khắp nơi
  • Muốn báo hiếu bố mẹ, bố mẹ cần gì cũng có thể đáp ứng
  • Muốn thăng tiến, được cấp trên công nhận, đồng nghiệp nể phục
  • Muốn trở thành người có ích, có giá trị hơn, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội

Khi ấp ủ những khao khát như vậy, ở một mức độ nào đó bạn sẽ phải nỗ lực kiếm tiền thì mới thực hiện được. Trong quá trình đó, bạn trau dồi được những kỹ năng cần thiết và trở nên tài giỏi hơn.

Trong cuốn “Nghĩ giàu làm giàu” – best-seller về làm thế nào để phát triển bản thân đã bán được hơn 30 triệu bản trên thế giới, Napoleon Hill cũng khẳng định: “mong muốn cháy bỏng” là điểm khởi đầu của mọi thành công, bước đầu tiên trên nấc thang giàu có.

Để duy trì được khao khát cháy bỏng đó, chúng ta cần tạo thói quen suy nghĩ nghiêm túc và sâu sắc về:

  • Mình muốn trở nên như thế nào sau 1 – 3 – 5 – 10 năm nữa?
  • Mình cố gắng vì ai, cho ai? Tại sao điều đó lại quan trọng?

2. Thường xuyên hình dung rõ ràng về hình ảnh con người mình muốn trở thành

Sau khi đã thắp lên một mong muốn sục sôi, những người xuất sắc liên tục hình dung một cách rõ ràng về hình ảnh con người mình muốn trở thành.

Tâm trí họ thường xuyên nghĩ về hình ảnh:

  • Mình sẽ thăng tiến như thế nào trong công ty
  • Dự án thành công, đơn hàng tới tấp
  • Mình trở nên giàu có như thế nào, có cuộc sống sung sướng như thế nào

Việc hình dung này quan trọng bởi:

  • Giúp bạn mường tượng về quá trình sẽ diễn ra để thành công, từ đó hành động
  • Thường xuyên hình dung sẽ làm tăng động lực, tinh thần phấn chấn
  • Củng cố khao khát mãnh liệt hơn

Thời điểm rất tốt để hình dung về hình ảnh con người bạn muốn trở thành là buổi sáng ngay sau khi ngủ dậy và buổi tối khi đi ngủ. Lúc đó bạn đang ở trạng thái mơ màng, não phát ra sóng alpha, là điều kiện rất tốt để đưa thông tin vào tiềm thức và hình thành niềm tin.

Một cách khác cũng hay được những người thành công áp dụng đó là “Vision Board” (Bảng tầm nhìn). Bạn hãy liệt kê ra những thứ mình muốn có, những việc mình muốn làm, con người mình muốn trở thành và tìm hình ảnh thể hiện cho những điều đó, in ra và dán lên nơi nào bạn dễ nhìn thấy nhất.

Ví dụ, tôi muốn trở thành một diễn giả nổi tiếng. Vì vậy tôi đã in hình của những diễn giả, những nhà đào tạo xuất chúng trên thế giới mà tôi ngưỡng mộ như Jim Rohn, Tony Robbins, Brian Tracy, Bob Proctor, Lisa Nichol, Les Brown, Robin Sharma, Deepak Chopra, Nick Vujicic… và dán kín 2 cánh cửa tủ quần áo.

3. Duy trì sự tò mò hiếu kỳ

Những người liên tục phát triển thường không bỏ lỡ “cơ hội phát triển ở trước mắt”.

Nói cách khác, họ luôn quan tâm hứng thú với những sự kiện đang xảy ra.

Họ hiểu rằng càng mở rộng kiến thức, học hỏi từ những người ưu tú và những chuyên gia, quăng mình vào trải nghiệm sẽ giúp họ ngày càng trưởng thành, phát triển nên họ thường xuyên giương ăng-ten “bắt sóng” để không bỏ lỡ những cơ hội gặp gỡ và học hỏi dù là rất nhỏ.

Thêm nữa, sau khi học được điều gì, họ thường ghi lại, hoặc post lên trang cá nhân theo cách diễn đạt riêng để biến nó thành của mình.

Chính sự tò mò hiếu kỳ này đã dẫn dắt tôi đến với khoa học thần kinh và làm thay đổi cuộc sống của tôi hoàn toàn.

Lần đó, tôi sang Nhật công tác. Ở Nhật tôi có một vị ân sư là một chuyên gia tâm lý trị liệu. Tôi và cô thỉnh thoảng vẫn liên lạc với nhau và đúng dịp đó, tôi thấy cô đăng Facebook giới thiệu một buổi học về khoa học thần kinh ứng dụng của “sư phụ” cô. Trước đó cô đã từng chia sẻ với tôi vài lần là cô đang học thêm về não bộ vì nó hỗ trợ chuyên môn của cô rất nhiều. Vì rất hứng thú nên tôi quyết định đăng ký, và lặn lội gần 300km từ nơi tôi công tác đến chỗ cô chỉ để tham gia buổi học.

Và nó đã trở thành một trong những quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi, là bước ngoặt khiến tôi không bao giờ còn là tôi như trước nữa.

4. Tất cả là do mình

Một đặc điểm chung của những người tiến bộ nhanh trong công việc là họ sống và làm việc với tư tưởng “Mình chịu trách nhiệm về mọi việc”.

Rất hay:  Mẹo 13 cách chụp ảnh đẹp bằng điện thoại hiệu quả nhất (2023)

Lý do là vì khi sẵn sàng chịu trách nhiệm, họ hiểu rằng nếu không hành động thì sẽ không tạo ra kết quả.

Và điều này buộc họ phải hành động, phải khắc phục nỗi sợ hãi và những cản trở để mang lại thành tích.

Đồng thời, để chinh phục được những mục tiêu lớn cần rất nhiều kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, nên họ rất chủ động và tích cực trong việc học hỏi, thực hành.

Chính vì có quá trình này nên càng sẵn sàng gánh vác trách nhiệm, sẵn sàng đứng mũi chịu sào thì họ càng tiến bộ.

Ngược lại, đùn đẩy và trốn tránh trách nhiệm cũng chính là né tránh trưởng thành. Vì ta sẽ không học hỏi thêm được gì.

Nếu có dự án hoặc nhiệm vụ nào bạn có thể thực hiện, hãy mạnh dạn xin được đảm đương.

5. Kiểm soát tinh thần tốt

Kiểm soát tinh thần là một “kỹ thuật” mà những người trưởng thành đều nắm được.

Khi bạn kiểm soát tốt tinh thần, cảm xúc của mình, bạn có thể duy trì đều đặn các hoạt động hàng ngày và thực hiện nhiệm vụ một cách bình thản.

Ngược lại, nếu không kiểm soát tốt, cảm xúc sẽ lên xuống thất thường và chi phối bạn. Lúc tâm trạng lên cao thì không sao, nhưng khi thất vọng chán nản bạn sẽ không cố gắng nữa.

Có một hình ảnh ví von rất hay về những người không kiểm soát được cảm xúc là cái điều hòa nhiệt độ. Người khác cầm điều khiển bấm 18 độ thì bạn 18 độ, người ta bấm 30 độ thì bạn 30 độ. Người ta bảo bạn lạnh là bạn lạnh, muốn bạn nóng thì bạn nóng. Khi không thể tự kiểm soát được phản ứng của mình, bạn sẽ là người chịu hậu quả nhiều nhất.

Điều quan trọng là trở thành người có thể duy trì thực hiện nhiệm vụ một cách bình thản.

Hoàn thành những việc cần làm một cách bình thản. Bằng cách đó, chắc chắn bạn sẽ tiến bộ hơn.

Bản thân tôi trước đây cũng là người sống theo cảm xúc. Hứng lên thì cắm đầu vào làm, chán thì bỏ bẵng vài tháng hoặc bỏ luôn. Tôi cũng rất hay phản ứng gay gắt với những gì khiến mình khó chịu.

Tuy nhiên, tôi nhận ra nếu cứ tiếp tục như vậy, người thiệt thòi đầu tiên chính là bản thân mình. Mình sẽ chẳng thể hoàn thành tốt công việc nếu cứ nay mai thất thường.

Chính trong thời điểm đó, tôi đã tìm đến cô giáo (vị ân sư ở Nhật) và được cô hướng dẫn “Kỹ thuật giải phóng cảm xúc” (Emotional Freedom Technique – EFT).

Hiện nay, bên cạnh sử dụng EFT thì tôi thiền chánh niệm (Mindfulness) khá đều đặn. Mỗi ngày tôi đều thiền 20 phút. Đây là phương pháp vô cùng hiệu quả, không chỉ giúp cân bằng cảm xúc, ổn định tinh thần mà còn tăng khả năng tập trung và cải thiện phong độ làm việc rõ rệt.

6. Biết lắng nghe – khả năng hấp thu như miếng bọt biển thấm nước

Bạn có đồng ý rằng những người tiến bộ nhanh cũng là những người rất biết lắng nghe và biết tiếp thu ý kiến của mọi người xung quanh?

Điều quan trọng là đối với tất cả các ý kiến, chúng ta thử suy nghĩ xem có thể áp dụng được gì để giúp mình phát triển hoặc tạo ra kết quả không.

Nói một cách thẳng thắn thì những người mà ai nói gì cũng nghe, ai nói gì cũng làm theo sẽ không phát triển được. Điểm mấu chốt khi lắng nghe ý kiến của người khác là phải “nghiêm túc suy nghĩ bằng chính cái đầu của mình”. Sau khi đã tự mình suy nghĩ, nếu thấy đó là thông tin thực sự cần thiết hoặc là điều mình thực sự muốn thử thì hãy mạnh dạn bắt tay vào làm. Nếu không làm thực tế thì sẽ không thể đánh giá được thông tin đó có thực sự chính xác hay không.

Khi bạn hành động ở trạng thái tin tưởng 100% thì sẽ dễ tạo ra kết quả hơn.

  • Tiếp nhận thông tin trong tất cả các tình huống
  • Xem xét thông tin đó có thực sự cần thiết hoặc đúng hay không
  • Thử hành động trong thực tế, nếu có kết quả thì đưa vào áp dụng lâu dài

Bằng 3 bước như ở trên, chúng ta có thể biến ý kiến, lời khuyên của người khác thành thứ thực sự hữu ích cho việc phát triển bản thân.

7. Không ngừng học tập để phát triển bản thân

phát triển bản thân như thế nào
Không ngừng phát triển bản thân

Một điểm chung nữa của những người tiến bộ nhanh chóng là họ rất chịu khó học hỏi.

Lý do họ không ngừng học tập là gì?

  • Vấn đề cần giải quyết rất khó. Muốn giải quyết được nhiều vấn đề hơn.
  • Bổ sung kiến thức, kỹ năng để thực hiện mục tiêu.
  • Muốn nâng cao năng lực để kiếm được nhiều tiền hơn
  • Muốn lấy chứng chỉ, kỹ năng cần thiết để xin được công việc tốt hơn

Nếu bạn thấy ai đó tiến bộ vượt bậc, ưu tú hơn người thì chắc chắn họ đã thực hiện rất nhiều, rất nhiều những nỗ lực nhỏ nhoi, âm thầm mà không ai thấy hay tán dương trước khi đạt được thành quả đáng giá.

Có một điểm nữa mà tôi muốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc học.

Có thể chia đặc điểm của những người học theo 2 nhóm: mức độ “ham học” và mức độ tài năng.

5 mức độ “ham học”, thích cố gắng

  • Level 1: Không học
  • Level 2: Học miễn cưỡng, học vì bị bắt buộc (ví dụ trong trường học)
  • Level 3: Bình thường, thỉnh thoảng thể hiện cho mọi người thấy: “tôi đang học đấy”.
  • Level 4: Thích học. Ý thức được sự cần thiết của việc học. Tuy có thể tập trung học trong một giai đoạn nhưng không duy trì được lâu.
  • Level 5: Say mê một lĩnh vực/môn học nào đó đến mức tiếc cả thời gian ăn, ngủ. Có thể âm thầm cố gắng bền bỉ liên tục dù người khác không hề biết.

5 mức độ tài năng

  • Level 1: Ghét học
  • Level 2: Ghét nhưng vẫn học
  • Level 3: Thích học nhưng không sáng dạ lắm
  • Level 4: Có tài nhưng không học
  • Level 5: Vừa có tài vừa nỗ lực

Điều tôi muốn nói đó là, khi chúng ta lên level mới thì chúng ta sẽ gặp những người ở level mới.

Và nếu đối thủ của chúng ta là những người vừa có tài vừa nỗ lực thì chúng ta chỉ có thể thắng khi làm việc mình đam mê đến quên ăn quên ngủ.

Thời sinh viên, đam mê lớn nhất của tôi là tiếng Nhật. Tôi yêu đất nước Nhật, văn hóa Nhật đến nỗi quyết tâm phải giành bằng được học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật để sang Nhật du học. Điều kiện khá khó, ít nhất phải nằm trong top 10 của khối, kèm theo không được trượt môn nào mới được Khoa tiến cử lên Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam để đi thi.

Tôi biết mình sẽ phải cạnh tranh với các bạn học chuyên tiếng Nhật từ cấp 3 và cả những bạn từng sống ở Nhật vài năm. Các bạn ấy vừa giỏi vừa chăm. Nhưng tôi thực sự khao khát muốn giành được học bổng. Hơn tất cả, tôi thực sự rất rất yêu tiếng Nhật. Có hôm tôi ngồi học bài, mải nghiên cứu thế nào mà lúc ngẩng lên nhìn đồng hồ đã 6 giờ sáng. Thời điểm ấy, đối với tôi không có niềm vui thích nào lớn hơn việc được học tiếng Nhật.

Kết quả là tôi không chỉ giành được học bổng qua Nhật 1 năm mà còn tốt nghiệp Thủ khoa. Tôi đã chiến thắng cuộc đua, không phải với tài năng, mà hoàn toàn bằng đam mê, ý chí và nỗ lực.

8. Có mục tiêu rõ ràng

Những người luôn rõ ràng về mục tiêu mình muốn đạt được chắc chắn sẽ không ngừng tiến bộ.

Đồng thời, họ quản lý tiến độ đạt mục tiêu theo từng ngày – tuần – tháng – quý – nửa năm – một năm.

Tự tôi có làm một cuốn sổ tay gọi là “Goal Secrets – 90 ngày kích hoạt tài năng” và dùng nó để theo dõi quá trình thực hiện mục tiêu của mình. Mỗi ngày tôi đều ghi vào sổ những điều mình đã học được trong ngày, điều khiến tôi cảm thấy hài lòng, điều tôi cần cải thiện và 3 điều nhất định tôi sẽ làm ngày mai để tiến gần hơn tới mục tiêu.

Con người là sinh vật rất hay quên. Nếu không có ý thức mục tiêu rõ ràng, chúng ta sẽ dễ dàng để từng ngày trôi đi mà mình cứ vật vờ, và đến một lúc nào đó không còn biết mình đang sống vì điều gì nữa.

9. Thực hành thật nhiều một cách có suy nghĩ

Chắc hẳn bạn biết về “Quy luật Lượng – Chất”: bất cứ sự vật nào trong quá trình phát triển đều là quá trình biến đổi về lượng dẫn đến biến đổi về chất.

Điều này có nghĩa là để tiến bộ và đạt đến mức độ “giỏi” trong một lĩnh vực nào đó, bạn phải thực hiện đủ số lượng yêu cầu cần thiết.

Rất hay:  Cách viết hồ sơ xin việc làm nhà tuyển dụng ưng ý nhất

Tuy nhiên, nếu bạn chỉ hùng hục làm mà không suy nghĩ gì cả thì cũng không thể tiến bộ nhanh được.

Điều quan trọng khi thực hành và cố gắng hoàn thành số lượng là hãy làm một cách có “suy nghĩ”.

Khi quyết định theo đuổi con đường đào tạo, tôi tham gia rất nhiều buổi seminar, workshop của các chuyên gia trong ngành giáo dục, các coach cũng như cho đến bây giờ tôi vẫn học đều đặn với thầy cô bên Nhật về khoa học thần kinh. Tuy nhiên, tôi không đơn thuần là ngồi nghe để lấy kiến thức, để xem nội dung. Tôi quan sát và phân tích bố cục một buổi học, ngôn ngữ cơ thể, cách sử dụng ánh mắt, biểu hiện gương mặt, cử động tay chân, tông giọng, cách tương tác với người học của các thầy cô. Tôi cũng để ý xem những giờ học thú vị, lôi cuốn có đặc điểm chung như thế nào, tại sao lại như vậy. Sau đó tôi suy nghĩ mình sẽ ứng dụng vào giờ học của mình như nào để có thể ra được cái chất riêng của bản thân.

Thực tế, tôi tổ chức nhiều lớp học, nhiều buổi chia sẻ về cơ chế hoạt động và cách sử dụng bộ não tối ưu trong cuộc sống. Mỗi lần như vậy, tôi không đơn giản là lên lớp cho xong, nói những gì muốn nói mà tôi đều suy nghĩ làm thế nào để truyền đạt thật dễ hiểu và khiến người học say mê, hứng thú (đặc biệt khi nói về một nội dung mang tính chuyên môn cao không phải dễ).

Bạn có thể cảm thấy rằng những điều tôi viết thật đương nhiên, nhưng theo quan sát của tôi, không nhiều người ý thức được và thực sự làm điều này.

Việc vừa thực hành, hoàn thành số lượng thật nhiều, vừa không ngừng suy nghĩ xem “làm thế nào để làm tốt hơn?”, “có cách nào hay hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn không?”, “như này đã thật sự tốt chưa?” là cực kỳ quan trọng để bạn trở nên giỏi trong một lĩnh vực nào đó.

10. Hành động

Nếu chỉ được chọn một đặc trưng của những người phát triển nhanh, tôi sẽ không ngần ngại trả lời rằng đó là “năng lực hành động”.

Có nhiều cách học hỏi để phát triển bản thân như đọc sách, đi hội thảo, tham gia các khóa học, nhưng cách trưởng thành nhanh nhất đó là “tự mình thử thách, trải nghiệm và cải tiến”.

Ở mục 9. Thực hành thật nhiều một cách có suy nghĩ, tôi có nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ. Tuy nhiên, có rất rất nhiều người chỉ nghĩ thôi mà không làm, không chịu thực hành và đưa suy nghĩ vào kiểm chứng trong thực tế.

Tất nhiên, hành động thì sẽ khó khăn, sẽ vất vả, sẽ phiền toái. Nhưng chính bằng việc suy nghĩ và đương đầu để vượt qua những khó khăn, phiền toái đó mà chúng ta có thể trưởng thành, tài năng hơn, thông thái hơn, độ lượng hơn.

Nếu hành động ra kết quả tốt, hãy phân tích lý do tại sao lại tốt, nếu thất bại thì kiểm điểm xem sai ở chỗ nào và cải tiến để lần sau không lặp lại. Dù thế nào chúng ta luôn nhận được những bài học. Bài học của thất bại nhiều khi còn giá trị hơn bài học của thành công.

Một chia sẻ nữa, đó là có nhiều trải nghiệm chúng ta cảm thấy “vô ích, không để làm gì” tại thời điểm đó, nhưng về sau lại rất có ý nghĩa trong tương lai.

Thời mới ra trường đi làm, tôi mắc rất nhiều lỗi và để sếp phải sửa rất nhiều. Nhưng kinh nghiệm đó vô cùng quý giá. Sau khi được sếp rèn giũa, tôi trở thành một người cẩn thận, tỉ mỉ và luôn yêu cầu chất lượng cao trong công việc mình làm. Rồi khi khởi nghiệp, thành lập công ty, ban đầu rất khó khăn vì chẳng có lợi nhuận, nhưng tôi được trải nghiệm thực tế về quản lý đội nhóm, marketing, chế tạo sản phẩm, xử lý mâu thuẫn, rắc rối… Nhiều bài học phải trả giá đắt, nhưng nghĩ lại tôi vẫn vô cùng biết ơn và thấy mình may mắn vì đã dám “đâm đầu” vào thử thách.

11. Phấn đấu trong lĩnh vực mình yêu thích

phát triển bản thân như thế nào
phát triển bản thân như thế nào

Ở phần trên, tôi đã khẳng định rằng những người tích cực hành động, dám dấn thân là những người tiến bộ nhanh nhất. Nhưng những người có thể hành động là người như thế nào?

Đó là những người đang phấn đấu trong lĩnh vực họ đam mê, yêu thích.

Khi người ta làm việc mình thích, mỗi ngày đều mang lại niềm vui, họ cũng chủ động học hỏi vì thế tài năng ngày càng được phát triển.

Dù học cùng một nội dung, nhưng so với những người cố gắng một cách miễn cưỡng, những người thực sự say mê sẽ tiếp cận và tiếp thu được khối lượng thông tin lớn hơn rất nhiều, hiệu quả học tập cũng khác hơn hẳn.

Khi bắt đầu bước vào lĩnh vực khoa học thần kinh, tôi thực sự bị “ngộp” và có phần sợ hãi vì khối lượng kiến thức khổng lồ, mới mẻ và có vẻ khó. Hơn nữa, tôi học trực tiếp bằng tiếng Nhật. Khi tra cứu, tôi thường phải tra từ tiếng Nhật sang tiếng Anh rồi từ tiếng Anh sang tiếng Việt vì từ điển Nhật – Việt hầu như chưa phát triển trong lĩnh vực khoa học thần kinh. Tài liệu và thông tin bằng tiếng Việt cũng không nhiều khiến việc tra cứu khá mất thời gian.

Nhưng bất chấp hết những điều đó, tôi vẫn đắm mình một cách vô cùng thích thú. Không phải tôi không thấy khó, nhưng chính vì nó khó nên khi hiểu được tôi lại càng sung sướng. Niềm vui của khám phá, niềm vui của trí tuệ, niềm vui của sự tiến bộ cứ thế tiếp thêm hào hứng cho tôi. Chỉ sau hơn 1 năm, tôi hoàn thành chương trình học cơ sở, sau đó vài tháng tôi trở thành Brain Analyst của Hiệp hội Brain Analyst Nhật Bản, và trở thành Giảng viên được chứng nhận của Học viện.

Ngay cả bây giờ, tôi vẫn đang tiếp tục theo học vì khoa học thần kinh không ngừng phát triển và tôi muốn mình update liên tục.

Bạn thì sao? Có điều gì khiến bạn muốn làm cả lúc tỉnh lẫn khi đi vào trong giấc ngủ không? Nếu bạn tìm thấy nó và phấn đấu để chinh phục nó, bạn sẽ phát triển với một tốc độ mà chính bạn cũng không thể ngờ được.

Tôi thực lòng nghĩ rằng không nên theo đuổi công việc mình ghét.

Vì dù bạn có nỗ lực đến mấy, thì ngoài kia vẫn có rất nhiều người yêu thích công việc đó và ngày ngày đang phấn đấu vì nó một cách say mê.

Hãy dành thời gian nhiều hơn cho điều bạn yêu thích thực sự.

12. Giải quyết những việc mình không thích trước. Không trốn tránh khó khăn

Nghe có vẻ hơi mâu thuẫn với ở trên, tôi vừa mới khuyên nên cố gắng trong lĩnh vực mình yêu thích nhưng giờ lại nói cần giải quyết những việc không thích trước là sao? Tôi sẽ giải thích ngay đây.

“Làm những việc mình không thích trước” là một yếu tố giúp bạn tiến bộ nhanh hơn phần lớn mọi người.

Ví dụ, bài tập hè thời đi học là một việc mà có lẽ không ai trong chúng ta thích. Thực tế, hầu hết mọi người đều để đến gần hết kỳ nghỉ hè mới vội vàng làm cho xong (tôi cũng vậy).

Tuy nhiên, khi trì hoãn những việc mình không thích, có những vấn đề càng để lâu càng khó giải quyết, thời gian lại gấp rút khiến việc “làm cho xong” trở thành mục đích, chúng ta hầu như không thu được gì (kiến thức, kinh nghiệm…)

Mặt khác, khi để sau mới làm những việc mình không thích, ban đầu chúng ta sẽ có nhiều thời gian rảnh và ta thường lãng phí vào những việc giải trí vui vẻ như chơi game, đọc truyện… Điều này làm chậm lại tốc độ phát triển.

Thực ra, hầu hết những việc chúng ta làm trong công việc lẫn trong cuộc sống đều là những việc chúng ta không thích, những việc phiền hà. Ví dụ, đổ rác, dọn dẹp, mua sắm nhu yếu phẩm, thanh toán tiền điện nước, chấm công, viết báo cáo… toàn là những việc phiền toái đúng không?

Nhưng khi chúng ta động não và xử lý tốt những việc phiền phức, những việc mình không thích, chúng ta sẽ làm được nhiều việc hơn những người khác.

Khi thành thạo nhiều việc hơn những người khác, chúng ta sẽ phát triển hơn, vì vậy, không trốn tránh mà giải quyết những việc mình không thích trước chính là bí quyết để bạn phát triển nhanh hơn mọi người xung quanh.

Một điều quan trọng khác, khi làm xong sớm những việc mình không thích, chúng ta sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc “không khẩn cấp nhưng quan trọng”.

Ví dụ, đọc sách, luyện viết, học thêm kỹ năng… đều là những việc không khẩn cấp đúng không? Tuy nhiên, dù không khẩn cấp (không làm cũng không gặp rắc rối ngay) nhưng chúng đều là những việc quan trọng, có ích cho tương lai.

Rất hay:  Cách sắp xếp hoa quả trên bàn thờ trông đẹp mắt và hợp phong thủy

Khi giải quyết sớm những việc mình không thích, bạn sẽ có nhiều thời gian để tập trung hơn cho những việc tuy không khẩn cấp nhưng thực sự quan trọng đối với bạn. Chính điều này sẽ giúp bạn tiến bộ vượt xa những người khác trong tương lai.

13. Chọn bạn để chơi, đôi khi phải chịu được cô độc

Tốc độ trưởng thành của một người có thể thay đổi lớn phụ thuộc vào đối tượng anh ta giao lưu.

Nếu để ý, bạn sẽ nhận thấy những người tiến bộ nhanh thường quen biết với nhiều người ưu tú, đồng nghiệp và cấp trên của họ cũng xuất sắc hoặc tạo ra kết quả thực tế.

Hoặc, họ có những người thầy, người bạn sẵn sàng chỉ cho họ biết cái sai, coi trọng những thứ cần được coi trọng.

Xung quanh bạn là những người như thế nào?

  • Họ có tích cực không?
  • Họ có mơ ước, mục tiêu và làm việc hăng say vì điều đó không?
  • Họ có đang nỗ lực để vượt qua khó khăn không?
  • Họ có truyền cảm hứng cho bạn không?
  • Họ có khiến bạn nể phục, cảm kích không?

Bạn sẽ nhận ra rằng, càng trưởng thành thì đối tượng giao tiếp của chúng ta cũng sẽ thay đổi. Sẽ có những thời điểm, bạn phải đối mặt với sự cô độc. Hãy chấp nhận và làm quen với nó.

14. Thường xuyên đặt mình trong môi trường tốt nhất hoặc tốt hơn hiện tại

Bạn có đang tạo môi trường tốt nhất để nâng cao chất lượng và cải thiện phong độ làm việc không?

Môi trường xung quanh bạn cũng quan trọng như những người mà bạn giao tiếp vậy.

Danh sách những thứ nên chú trọng

  • Trang phục hàng ngày (bao gồm cả túi xách, đồng hồ, ví, giày)
  • Địa điểm ăn uống (nên chọn nơi chất lượng, dịch vụ tốt, không nên lúc nào cũng ưu tiên giá rẻ)
  • Địa điểm học tập, làm việc / máy tính / bàn làm việc (máy tính spec cao, ghế ngồi thoải mái)
  • Sách, chương trình bạn xem (không nên chỉ toàn đọc sách rẻ tiền, đọc cả những cuốn kinh điển sống mãi với thời gian dù giá đắt)
  • Nội thất trong nhà

Những thứ nêu trên tiếp xúc hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày với chúng ta nên có ảnh hưởng rất lớn mà chúng ta không nhận ra. Hãy nâng cấp chúng lên những sản phẩm tốt hơn, dù chỉ một chút thôi cũng được.

Khi sử dụng những sản phẩm/dịch vụ tốt hơn, bạn sẽ bắt đầu chú trọng đến chất lượng, muốn học hỏi và tìm kiếm những chuẩn mực tốt hơn. Định nghĩa về chất lượng, về như thế nào là “tốt”, là “hài lòng” trong bạn cũng sẽ khác và rõ ràng hơn.

Để sở hữu những thứ tốt hơn, đương nhiên chúng ta cần có tiền và thời gian. Để kiếm tiền, chúng ta sẽ nhận ra mình cần phải mang đến sản phẩm, dịch vụ chất lượng hơn cho khách.

Khi đó, chúng ta lại tiếp tục học hỏi và bắt đầu để ý hơn đến những chi tiết nhỏ nhặt như cách đi đứng, tác phong, cách trình bày, thiết kế… để cải thiện mọi thứ có thể.

Thực ra tôi rất thích lối sống giản dị, mộc mạc. Nhưng để cung cấp những thứ chất lượng thì chính chúng ta phải trải nghiệm những thứ chất lượng trước. Vì vậy, định kỳ hoặc thỉnh thoảng, hãy để các giác quan của bạn được tiếp xúc với những thứ cao cấp nhất như một cách để tôi luyện cảm quan và sự tinh tế.

Khi bạn đều đã trải nghiệm cả sự xa xỉ lẫn sự mộc mạc, chắc chắn bạn sẽ chắt lọc được “chất riêng” cho mình và dần dần định hình được phong cách bạn muốn theo đuổi.

15. Kiên trì

Kiên trì nỗ lực cũng là điều kiện không thể thiếu trong quá trình phát triển bản thân.

  • Rome wasn’t built in a day. (Rome không được xây dựng trong một ngày)
  • Hành trình vạn dặm bắt đầu từ một bước chân
  • Quy tắc 1%

Những câu nói nổi tiếng này đều cho thấy, sự trưởng thành không phải là thứ chúng ta có thể đạt được sau một đêm.

Chính những người có thể kiên trì nỗ lực, bình thản giải quyết vấn đề và cải thiện tình hình lại là những người phát triển bản thân với tốc độ nhanh nhất.

Tôi bắt gặp rất nhiều người bắt đầu vô cùng hào hứng, hành động điên cuồng nhưng chỉ sau vài tháng bị burnout (hội chứng cháy sạch), trở nên sức tàn lực kiệt và bỏ cuộc giữa chừng.

Điều quan trọng là bạn trở thành người duy trì được tinh thần ổn định, bình tĩnh và liên tục không chỉ trong 1 hay 3 năm mà suốt cả 5 năm, 10 năm.

16. Coi trọng sức khỏe, giữ gìn phong độ

Những người liên tục tiến bộ hoàn toàn không phải là những người chỉ cắm đầu vào học hoặc làm mà bỏ bê, xem thường sức khỏe. Ngược lại, họ ý thức mạnh mẽ tầm quan trọng của một thể lực dồi dào, bền bỉ và khả năng hồi phục nhanh.

Tôi để ý xung quanh, những anh chị, bạn bè đang là quản lý, giữ chức vụ trưởng phòng, giám đốc hầu như đều chơi ít nhất một môn thể thao nào đó và duy trì như thói quen hàng ngày. Phổ biến nhất là chạy bộ, đạp xe, bơi lội, cầu lông, tennis… Họ là những người hiểu được rằng, để lãnh đạo được người khác, trước hết phải quản lý tốt bản thân mình. Và giữ gìn sức khỏe, duy trì phong độ, năng lượng cao là bước đầu tiên cũng như biểu hiện rõ rệt nhất của sự tự kỷ luật.

Họ cũng ý thức rõ sức khỏe suy yếu mang đến nhiều tổn thất về tiền bạc, thời gian, sự tập trung.

Ngoài ra, một điều thú vị là nhiều nhà điều hành doanh nghiệp lớn trên thế giới rất chú trọng đến thời gian và chất lượng giấc ngủ.

  • Bill Gates (Microsoft): 7 tiếng
  • Jeff Bezos (Amazon): 7 tiếng
  • Tim Cook (Apple): 7 tiếng

Rõ ràng đảm bảo thời gian nghỉ ngơi là yếu tố cần thiết không thể thiếu để quá trình phát triển bản thân diễn ra hiệu quả.

17. Tin tưởng đến cùng vào khả năng phát triển của mình và không dừng lại

Một đặc trưng nữa của những người không ngừng trưởng thành và tiến bộ là họ “tin tưởng đến cùng vào tiềm năng của mình và không từ bỏ việc phát triển bản thân”.

Cũng giống như một cái cây cần thời gian để cao lớn, con người cũng cần thời gian để trưởng thành.

Mỗi người lại có những thời điểm để tài năng thăng hoa và nở rộ khác nhau, và không ai trong chúng ta biết trước rõ được lúc nào thời của mình sẽ đến.

Sẽ có những lúc ta cảm thấy mình đã đã đã đã cố rất nhiều mà sự tiến bộ chẳng nhúc nhích thêm được mấy mili.

“Nỗ lực rồi sẽ được đền đáp” nghe như một lời nói dối.

Vô vàn những giây phút đối diện với bản thân và nghi ngờ chính mình.

Nhưng sự trưởng thành nào cũng cần những khoảng lặng, khoảng lùi. Trước khi bật nhảy thật cao, bạn phải chùng người xuống thật sâu.

Chỉ cần không dừng lại (bạn có thể từ bỏ nhưng đừng dừng lại), chắc chắn sẽ đến một lúc bạn cảm nhận được mình đã tiến xa hơn trước rất nhiều.

Ngoại trừ việc bạn dừng lại, mọi điều khác đều là quá trình học hỏi và trưởng thành.

Hãy là người tin tưởng vào khả năng của bạn nhất, chính bạn, và đừng bao giờ ngừng việc phát triển bản thân.

Bạn có thể phát triển bản thân như thế nào?

Những người không ngừng phát triển và tiến bộ liên tục có 17 đặc điểm chung như sau:

  1. Khao khát muốn trở nên tốt hơn
  2. Thường xuyên hình dung rõ ràng về hình ảnh con người mình muốn trở thành
  3. Duy trì sự tò mò hiếu kỳ
  4. Tất cả là do mình
  5. Kiểm soát tinh thần tốt
  6. Biết lắng nghe – khả năng hấp thu như miếng bọt biển thấm nước
  7. Không ngừng học tập
  8. Có mục tiêu rõ ràng
  9. Thực hành thật nhiều một cách có suy nghĩ
  10. Hành động
  11. Phấn đấu trong lĩnh vực mình yêu thích
  12. Giải quyết những việc mình không thích trước. Không trốn tránh khó khăn
  13. Chọn bạn để chơi, đôi khi phải chịu được cô độc
  14. Thường xuyên đặt mình trong môi trường tốt nhất hoặc tốt hơn hiện tại
  15. Kiên trì
  16. Coi trọng sức khỏe, giữ gìn phong độ
  17. Tin tưởng đến cùng vào khả năng phát triển của mình và không dừng lại

Hy vọng rằng bài viết này đã mang đến cho bạn một vài gợi ý về việc Phát triển bản thân như thế nào và giúp bạn tăng tốc hơn trong hành trình phát triển. Tôi thực lòng cầu chúc cho những việc trước đây không suôn sẻ sẽ trở nên thuận lợi và bạn ngày càng tự tin hơn vào chính bản thân mình.