Quấn khăn, chũn hay ủ kén là một phần không thể thiếu khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Trẻ được quấn tã đúng cách sẽ cảm thấy thoải mái, ngủ ngon và bớt quấy khóc. Vậy cách quấn tã cho trẻ sơ sinh thế nào là đúng chuẩn? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây mẹ nhé!
1. Có nên quấn tã cho trẻ sơ sinh không?
Việc quấn tã cho trẻ sơ sinh giúp tạo cho bé một chiếc kén ấm áp quấn quanh cơ thể giúp bé có cảm giác an toàn, yên tâm như những ngày được bao bọc trong bụng mẹ. Tùy vào thói quen hoặc vùng miền mà cách làm này còn được gọi là quấn khăn, quấn chũn hoặc ủ kén cho trẻ. Việc quấn tã, ủ kén cho trẻ sơ sinh mang lại nhiều lợi ích:
1.1. Giúp bé ngủ ngon và sâu giấc
Bé mới sinh dễ bị giật mình gây thức giấc Quấn chũn cho bé giúp giảm giật mình hay phản xạ Moro. Đây là phản xạ nguyên thuỷ mà bé không tự điều khiển được. Đồng thời, quấn chũn giúp giảm số lần thức giấc cũng như thời gian khóc giúp bé ngủ ngon và sâu giấc hơn.
Các bé đã quen với tình trạng có áp lực và cọ xát khi còn trong tử cung. Quấn khăn sẽ làm bé cảm thấy an toàn như đang ở trong bụng mẹ, giúp xoa dịu, trấn an để bé dễ đi vào giấc ngủ.
Quấn khăn đúng cách cho trẻ sơ sinh giúp bé ngủ ngon và an toàn
1.2. Giữ ấm cho bé
Khi ở trong bụng, thân nhiệt của bé sẽ luôn cao hơn của mẹ khoảng từ 0.5 – 1 độ. Sau khi sinh nhiệt độ đột ngột thay đổi, nó giảm xuống so với trong bụng mẹ nên sẽ làm bé bị lạnh. Việc quấn khăn sẽ đảm bảo bé được giữ ấm và không bị sốc nhiệt.
1.3. Tốt cho sức khoẻ của bé
Không những có tác dụng giữ ấm cho cơ thể bé, việc quấn khăn còn giúp làm giảm nguy cơ gây ra Hội chứng tử vong sơ sinh đột ngột SIDS ở trẻ. Ngoài ra, khăn quấn cũng giúp bé tránh tình trạng cào cấu lên mặt làm xước da, giữ người bé thẳng khi bé sơ sinh chưa kiểm soát được cổ.
1.4. Nhược điểm khi quấn chăn, tã cho bé sơ sinh
Ba mẹ cũng cần biết rằng việc quấn tã/chũn cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, chân của trẻ thường được giữ thẳng và điều đó làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề về khớp háng. Ngoài ra, nếu tấm khăn dùng để quấn trẻ bị lỏng và rời rạc, cùng với sự cử động của trẻ có thể dẫn đến tình trạng nghẹt thở. Do đó cần phải có kỹ thuật quấn khăn đúng để tránh khỏi các tác hại này.
2. Các loại chăn, tã dùng để quấn cho trẻ sơ sinh
Tã vải chéo là một loại tã vải truyền thống, được sử dụng từ xa xưa. Mẹ cũng có thể dùng tấm khăn vuông bằng cotton hoặc chất liệu vải mềm thích hợp, nhẹ dịu với làn da mỏng manh, nhạy cảm của bé để quấn tã.
Nếu không sử dụng tã vải, mẹ có thể dùng một tấm chăn mỏng hay chăn ủ kén để quấn cho con. Lưu ý khi quấn chăn cho bé cần chọn chất liệu vải thoáng khí, tránh để trẻ bị nóng. Chăn sẽ khó ôm vừa người bé, do đó mẹ nên chọn kích thước chăn phù hợp và hoàn thiện kỹ thuật quấn thật chuẩn nhé!
Được làm từ chất liệu cotton mềm mịn, các mẫu chăn ủ kén của Mothercare là sự lựa chọn hoàn hảo trong việc giữ ấm và chăm sóc giấc ngủ của bé yêu.
Mẹ nên lựa chọn loại khăn mềm mại, thoáng mát để quấn cho trẻ sơ sinh
3. Cách quấn tã cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Cách quấn tã cho trẻ sơ sinh đúng chuẩn
Để quấn tã cho trẻ sơ sinh, mẹ hãy thực hiện theo các bước sau đây:
3.1. Gấp tã, khăn để tạo thành hình kim cương
Trải rộng miếng tã trên bề mặt phẳng, giường, cũi hay thảm thay tã. Gập góc trên cùng vào bên trong.khoảng 15cm như một viên kim cương. Sau đó, đặt bé nằm ngửa với phần cổ nhô cao ra ngoài miếng khăn.
3.2. Gấp phần vải bên trái
Bắt đầu cuốn tã từ phía bên trái qua bên phải sao cho vùng tay trái và cơ thể bé được bao phủ và cuốn chặt bởi 1/2 chiếc tã. Sau đó nhấc tay phải của bé lên cao và đưa phần tã xuống phía dưới lưng bên phải của bé.
Đảm bảo tay bé để 2 bên người và thoải mái. Không cần ép bé thẳng tay. Mẹ cũng không nên quấn quá chặt mà nên cho bé thoải mái.
3.3. Gấp phần vải phía dưới chân
Thực hiện cuốn góc thứ ba, ở dưới chân bé. Cuốn tã từ dưới chân bé lên để che kín phần chân, rồi nhồi phần tã vào vị trí ở góc tã thứ hai đã cuốn.
3.4. Gấp phần vải bên phải
Góc thứ tư, lặp lại động tác giống hệt bước thứ 2, chỉ khác là cuốn tã từ phía bên phải. Sau đó đưa phần tã còn lại xuống phía dưới lưng bên trái của bé. Để cố định chăn quấn, mẹ nhẹ nhàng đặt một tay lên ngực bé, tay kia lấy mép khăn còn lại quấn quanh người bé và cố định khăn quấn.
4. Lưu ý khi quấn tã cho trẻ sơ sinh
4.1. Việc quấn tã cho trẻ sơ sinh là không bắt buộc
Mẹ nên quan sát con có thoải mái khi quấn khăn hay không. Một số bé sơ sinh cảm thấy ngột ngạt, cố gắng tỏ ra “chống đối” việc quấn khăn của ba mẹ bất cứ lúc nào có thể. Theo Whattoexpect, nếu việc quấn khăn làm cho trẻ khó chịu, thì ba mẹ không cần thiết phải quấn khăn cho bé.
Nếu bé thích để tay tự do thì đừng ép bé nằm trong khăn. Các bé sẽ tự học cách trấn an và điều chỉnh cảm xúc của mình.
Chỉ quấn tã cho con nếu trẻ sơ sinh nếu bé cảm thấy thoải mái, dễ chịu
4.2. Luôn đặt trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa khi quấn tã
Không bao giờ quấn bé ở tư thế nằm sấp. Việc này rất nguy hiểm và tăng nguy cơ bị hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh. Hãy đảm bảo sau khi quấn khăn và đặt vào nôi, bé phải ở tư thế nằm ngửa.
Ba mẹ cũng nên lưu ý quan sát tư thế khi bé ngủ vì bé có thể lăn qua lăn lại và ngọ nguậy làm tã/chăn bị xô hoặc tung ra.
4.3. Thường xuyên kiểm tra bé có bị nóng/lạnh hay không?
Quấn tã chéo quá chặt/lỏng, hay tã quấn quá dày/mỏng có thể khiến bé bị nóng/lạnh. Mẹ có thể thấy bé quấy khóc, da mặt bé hồng đỏ hơn và khô lại để nhận biết bé bị nóng. Tương tự khi bé lạnh da có thể tái hơn, chân tay lạnh, bé ngủ không ngon.
4.4. Kiểm tra tã ít nhất mỗi 3 giờ
Bình thường trẻ sơ sinh đi phân su trong 24 giờ đầu sau sinh. Bé đi tới 8-10 lần/ngày. Vì vậy kiểm tra tã để thay giúp bé dễ chịu, khô thoáng.
4.5. Đảm bảo cho bé thoải mái nhất
Đảm bảo chân bé vẫn cử động thoải mái được, hông bé cũng cử động được. Nếu bị quấn trong tư thế ép chân thẳng bé có khả năng bị kém phát triển phần hông.
Tránh quấn chũn cho bé quá chặt. Bé vẫn cần đủ không gian để thở và cử động trong tấm khăn.
4.6. Không quấn quá chặt/lỏng, tránh khiến bé cảm thấy nóng, khó chịu
Quấn quá chặt sẽ là bé khó khăn trong việc cử động, cảm thấy khó chịu, bức bí. Còn đối với khăn quấn quá lỏng sẽ khiến trẻ không nằm yên, không ngon giấc.
Mẹ nên dùng các loại khăn cho trẻ sơ sinh với chất liệu mềm mại, không quá dày và có kích thước phù hợp với cơ thể trẻ. Tránh dùng nhiều khăn cùng lúc vì bé có thể bị nóng. Bé có thể chỉ cần mặc tả rồi quấn khăn hoặc mặc thêm một bộ đồ sơ sinh là đủ mẹ nhé!
4.7. Nguy hiểm khi quấn khăn/tã sai cách cho trẻ sơ sinh
Nếu cách quấn tã cho trẻ sơ sinh không đúng có thể gây nguy cơ đột tử cao hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển xương hông.
Một nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh) chỉ ra nguy cơ trẻ đột tử cao hơn nếu trẻ bị quấn khăn ngủ trong tư thế nghiêng hoặc ngửa. Ở lứa tuổi từ 4-6 tháng tuổi có thể tự do di chuyển trong lúc ngủ, vì vậy, nếu ở lứa tuổi này mà quấn trẻ trong chiếc khăn khi ngủ thì rủi ro đột tử sẽ cao hơn.
Các chuyên gia đề nghị, quấn khăn hay tã cho bé cần để chân tay bé tự do cử động. Trường hợp bị quấn chặt, sau này trẻ có thể bị mắc bệnh xương hông và phải đeo nẹp ở chân hoặc phẫu thuật để chữa dứt điểm.
4.8. Nên sử dụng các loại túi ngủ cho trẻ sơ sinh thay thế
Để khớp hông của trẻ phát triển khỏe mạnh, chân của trẻ cần được co duỗi một cách thoải mái và không cố định trong tã. Trẻ được quấn tã trong một khoảng thời gian ngắn có vẻ an toàn nhưng nếu trong một khoảng thời gian kéo dài, ba mẹ nên cân nhắc sử dụng loại túi ngủ chuyên dụng cho trẻ để hai chân của trẻ được cử động dễ dàng. Điều này nhằm làm bé thoải mái hơn và an toàn cho hai khớp hông của trẻ sau này.
Túi ngủ cho bé là vật dụng an toàn thay thế cho chăn và khăn mỏng như truyền thống.
Túi ngủ cho bé là vật dụng an toàn, không giống như các loại khăn hay chăn quấn, túi ngủ sẽ giữ cho cơ thể con ấm áp, thoải mái và tránh trường hợp bị che mặt do các cử động vô tình. Khi sử dụng túi ngủ, bé cũng tạo thành thói quen nhận biết đã đến giờ đi ngủ.
Khi nào nên ngừng quấn tã, ủ kén cho trẻ sơ sinh?
Không có thời gian cụ thể thời điểm mẹ nên ngưng quấn khăn cho trẻ sơ sinh bởi mỗi bé sẽ phát triển và làm quen với môi trường mới khác nhau. Một số chuyên gia cho rằng ba mẹ nên ngưng quấn khăn cho bé từ 2 tháng trở đi nhưng cũng có người cho là 6 tháng.
Quấn khăn cả người chỉ phù hợp với bé 0-3 tháng tuổi. Khi được 3-6 tháng tuổi, các bé chỉ thích quấn từ eo trở xuống. Khi bé biết lật quấn khăn còn giúp giữ cho bé có tư thế nằm ngửa lúc ngủ.
Quấn tã đúng cách giúp trẻ thoải mái, ngủ ngon vì thế ba mẹ hãy tham khảo và thực hành cách quấn tã cho trẻ sơ sinh trên đây để đảm bảo an toàn cho bé nhé!