Rút bảo hiểm xã hội một lần: Còn quá nhiều ý kiến khác nhau

Trưa 21-4, dù chưa đến giờ làm việc nhưng nhiều người lao động đã xếp hàng chờ mở cửa tại Bảo hiểm xã hội quận Gò Vấp (TP.HCM) – Ảnh: TỰ TRUNG

Theo dự luật, phương án 1, người lao động tham gia dưới 20 năm bảo hiểm xã hội (BHXH) và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì được rút một lần. Người lao động được rút 100% quá trình đóng bảo hiểm xã hội nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.

Phương án 2, cho người lao động rút một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Cả hai phương án rút bảo hiểm xã hội vẫn còn bất cập

Góp ý đối với phương án 2, Bộ Tư pháp cho rằng quy định này là chưa rõ người lao động có tiếp tục được hưởng BHXH một lần nếu có yêu cầu hay không. Bộ Tư pháp cũng chỉ rõ dự thảo luật đã quy định điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Tuy nhiên, cả hai phương án trong dự thảo vẫn quy định điều kiện hưởng là người lao động có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm. Từ đó Bộ Tư pháp nhận định quy định này là chưa phù hợp với tinh thần của nghị quyết 28 của trung ương cũng như chưa bảo đảm tính thống nhất với các nội dung khác của dự thảo luật.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội) cũng nêu quan điểm về cả hai phương án quy định việc rút BHXH một lần tại dự án Luật BHXH (sửa đổi) đều có ưu điểm và nhược điểm. Tuy nhiên, cả hai phương án này đều chưa phải là phương án ông ủng hộ.

Theo ông Nghĩa, đối với phương án thứ nhất, không giải quyết được các vấn đề bất cập trong thực tiễn. Hiện nay tình trạng rút BHXH một lần tương đối nhiều. Theo thống kê, trong vòng 5 – 6 năm trở lại đây số lượng người rút BHXH một lần gần bằng số người tham gia BHXH mới. Đây là tình trạng cần phải báo động khi đầu ra gần bằng đầu vào và như vậy có nghĩa số người tham gia BHXH thực chất trong một năm không nhiều.

Rất hay:  Cách đọc tên các hợp chất hóa học vô cơ và hữu cơ - HayHocHoi

Trong khi đó với BHXH tự nguyện dù có mở rộng nhưng tỉ lệ tham gia trên tổng số người dân trong độ tuổi lao động vẫn chưa cao. Như vậy cho thấy rất khó có thể đảm bảo mục tiêu mà nghị quyết trung ương Đảng đưa ra là tiến tới BHXH toàn dân.

Đối với phương án 2 chỉ cho phép rút 50%, còn giữ lại 50% thì sẽ phát sinh hàng loạt câu hỏi như tại sao không phải 70% hay 60% mà lại 50%. Số tiền 50% đóng BHXH còn lại sẽ được quản lý, sử dụng như thế nào? Quyền lợi của người lao động trong trường hợp này được đảm bảo ra sao?

Trong trường hợp người lao động không tiếp tục tham gia quan hệ lao động nữa thì có trả tiếp 50% không hay tính toán ra sao? Trường hợp người lao động tiếp tục tham gia thì nối tiếp sẽ thực hiện như thế nào?

Làm thủ tục về BHXH tại quận Hoàng Mai, Hà Nội – Ảnh: NAM TRẦN

Cần có điểm cân bằng

Trên cơ sở phân tích hai phương án, theo đại biểu Nghĩa, để có một giải pháp tổng thể trong vấn đề này, cần có điểm cân bằng. Trong đó, cần đảm bảo lợi ích của người lao động, chủ sử dụng lao động.

Tiếp đó là cơ quan quản lý BHXH và cuối cùng là phía Nhà nước. Bởi lẽ Nhà nước phải đảm bảo mọi người lao động khi tham gia BHXH phải có khoản để tích lũy, sau này khi về già, không có thu nhập sẽ có nguồn tiền đảm bảo đời sống, tránh là gánh nặng cho xã hội, gia đình. Cơ quan BHXH phải làm sao để bảo đảm duy trì an toàn, phát triển của quỹ BHXH.

Rất hay:  Cách bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh đảm bảo an toàn

Người lao động, doanh nghiệp cũng cần có quyền lợi sát sườn, trong đó người lao động cũng phải tính xem nên để đó, sau này hưởng lương hưu hay rút ra tại một thời điểm tốt nhất cho lợi ích của họ.

Ông Nghĩa đề xuất nên chia BHXH hưu trí thành hai phần.

– Một phần là chế độ hưu trí bắt buộc, tức mức sàn (ví dụ có thể chiếm 10 – 20%) để đảm bảo mức sống tối thiểu gần bằng mức trợ cấp xã hội của Nhà nước sau này. Đối với phần bắt buộc này thì người lao động không được rút để trong trường hợp xấu, rủi ro nhất, không có thu nhập thì Nhà nước vẫn có trợ cấp cho họ. Còn khi họ chưa có nhu cầu thì có thể tạm thời chia sẻ cho người khác.

– Phần còn lại hay là phần tăng thêm, bổ sung cần được coi là khoản tiết kiệm cá nhân của người lao động, có sự đóng góp của người chủ sử dụng lao động. Khi người lao động có nhu cầu rút sẽ rút phần tiết kiệm này. Cần có số liệu thống kê, tính toán cụ thể từ đó làm bằng chứng để hoạch định chính sách về vấn đề này.

Kết quả thăm dò trên Tuổi Trẻ Online đến chiều 21-4 – Đồ họa: T.ĐẠT

Rút 50% có lợi hơn cho người lao động

TS Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, cho rằng BHXH là trụ cột cơ bản của hệ thống an sinh xã hội nhằm bảo đảm cuộc sống cho người dân khi về già. Tuy nhiên, Luật BHXH hiện nay cho phép rút 100% dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm, “lợi trước mắt nhưng hại lâu dài”. Chưa kể số tiền khi rút BHXH một lần thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã đóng vào quỹ BHXH.

Theo ông Lợi, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra phương án 2 là cho phép rút 50% còn để lại 50%. Ông nói đây được coi là phương án ưu việt và có lợi hơn cho người lao động. Ông phân tích với phương án này khi người lao động gặp khó khăn được rút 50% cộng với các chính sách xã hội, ưu đãi khác như các cơ chế sinh kế, tạo việc làm, vay vốn… sẽ giúp họ có thể vượt qua.

Rất hay:  Cách mua thẻ nạp card Garena online miễn phí - Điện Thoại Vui

“Nhiều người lo ngại nhất là số 50% còn lại sẽ ra sao, có tồn tại hay sinh lợi không? Có hay không việc 100 đồng để lại sau lấy chỉ còn 10 đồng? Những điều này cần phải được giải thích rõ rằng số 50% còn lại sẽ được bảo lưu, không mất đi và vẫn tăng trưởng, phát triển lên khi mang đi đầu tư. Quan trọng nhất ở đây, với chính sách này, phải công khai, minh bạch và người lao động luôn biết nó vẫn tồn tại, không sợ mất đi. Quan trọng nhất cần đả thông tâm lý cho người dân”, ông Lợi nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Duy Cường, vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH – cơ quan soạn thảo dự luật), cũng cho hay dự luật sửa đổi đề xuất mức rút BHXH một lần là 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Người rút bảo hiểm phải đóng BHXH dưới 20 năm và sau 12 tháng không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện. Ông nói thời gian chờ một năm là quãng chờ cần thiết để người lao động tìm việc mới, cân nhắc lại khi rút BHXH một lần.

“Quy định này nhằm giúp người lao động vượt qua khó khăn trước mắt như trang trải nợ nần, chi trả sinh hoạt phí, trả tiền học cho con và có thể có lương hưu lâu dài. Bởi nếu cứ khó khăn, nguời dân rút BHXH một lần thì về già rất khó khăn, tạo gánh nặng an sinh xã hội”, ông Cường nêu.

Ông Cường dẫn chứng một người đóng BHXH trong 10 năm, nếu rút một lần sẽ tính số tiền và thời gian đóng tối đa 5 năm. Số còn lại sẽ bảo lưu khi về hưu hoặc nếu tham gia bảo hiểm trở lại sẽ cộng dồn thêm. Nếu người lao động không đủ số năm đóng bảo hiểm có thể đóng bù số năm thiếu một lần để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hằng tháng kèm bảo hiểm y tế. Cuối cùng người lao động muốn rút BHXH một lần vẫn được giải quyết.

“Ban soạn thảo đang tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện dự thảo Luật BHXH sửa đổi”, ông Cường nêu thêm.

Người dân điền thông tin thủ tục bảo hiểm lương hưu tại BHXH TP.HCM – Ảnh: HỮU HẠNH