Đột quỵ gây nên những ám ảnh di chứng lâu dài, có thể cướp đi mạng sống của bệnh nhân chỉ trong nháy mắt nếu không cứu chữa kịp thời. Sơ cứu đột quỵ đúng cách sẽ giúp cứu sống người bệnh khi tai biến mạch máu não bất ngờ xảy ra.
Để bạn đọc có được những lời khuyên hữu ích trong việc sơ cứu cho bệnh nhân đột quỵ, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện với BS CKII Nguyễn Thị Phương Nga – Trưởng khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Thống Nhất – một trong những bác sĩ có chuyên môn cao trong việc chữa trị và tư vấn về căn bệnh đột quỵ.
Không để mất thời gian vàng
1. Thưa bác sĩ, khi gặp trường hợp người bệnh đột quỵ thì nên làm gì để sơ cứu trước khi đội ngũ y tế đến? Có những sai lầm nào cần tránh?
Đối diện với trường hợp đột quỵ, những người xung quanh cần xử trí đúng cách, đồng thời liên hệ cơ sở y tế có thể can thiệp đột quỵ. Nếu người bệnh vẫn còn tỉnh thì nên để người bệnh nằm nghiêng sang một bên, phần đầu cao khoảng 30 – 40 độ.
Nếu bệnh nhân nôn ói thì phải giữ bệnh nhân ở tư thế an toàn để chất nôn ói không đi vào đường thở, gây tắc đường thở. Song song với đó là trấn an tinh thần bằng cách trò chuyện, giữ tinh thần tỉnh táo trước khi xe cứu thương đến.
Nếu bệnh nhân đã rơi vào trạng thái ngất xỉu, hôn mê thì phải kiểm tra mạch đập và nhịp thở. Khi thấy người bệnh hít thở yếu hoặc ngừng thở thì phải lập tức xoa bóp tim ngoài lồng ngực, đồng thời, nới lỏng quần áo để cho dễ thở hơn.
Chú ý, khi sơ cứu người đột quỵ nên tránh những sai lầm như cạy miệng bệnh nhân, không cho bệnh nhân uống thuốc hay uống nước. Nếu bệnh nhân bị té xe ngoài đường hay trong toilet, tránh bế xốc nạn nhân bởi sẽ gây tổn thương dập tủy sống cổ, di chuyển người bệnh với một tấm gỗ, cố định chỗ xương gãy mới được đưa đến nơi cấp cứu.
2. Có phải tất cả trường hợp đột quỵ đều được sơ cứu, trị liệu như nhau, thưa bác sĩ?
Chúng ta biết rằng đột quỵ có 2 thể, trong đó có nhồi máu do tắc động mạch (chiếm 80%) và đột quỵ xuất huyết não do vỡ mạch máu não. Việc xử trí huyết áp trong 2 trường hợp đột quỵ này là khác nhau.
Trong trường hợp bệnh nhân bị xuất huyết não thì phải đưa mức huyết áp xuống mức an toàn để tránh việc xuất huyết tiến triển nặng. Ngược lại, nếu trường hợp bị nhồi máu não mà chúng ta điều trị hạ áp nhanh chóng và quá mức thì sẽ làm giảm lượng máu lên não, tình trạng đột quỵ sẽ nặng hơn.
Do đó, nếu nhận định bệnh nhân bị nhồi máu não thì chỉ xử trí huyết áp trong một số tình huống huyết áp tăng quá cao (trên 220/120mmHg). Hoặc mức huyết áp dưới 220/120mmHg nhưng gây ra tổn thương ở cơ quan khác như tim, thận thì chúng ta có thể xử trí hạ áp cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, việc hạ áp cho bệnh nhân cần có sự giám sát về y tế, người sơ cứu không nên tự ý sử dụng thuốc hạ áp ngậm dưới lưỡi, bởi vì khi sử dụng chúng ta sẽ không biết huyết áp sẽ hạ tới mức bao nhiêu và khi hạ huyết áp quá thấp thì không thể đảo ngược tình huống.
3. Bệnh nhân đột quỵ có thể được cứu chữa kịp thời trong khoảng “thời gian vàng”, vậy “thời gian vàng” trong đột quỵ được hiểu như thế nào, thưa bác sĩ?
Thời gian vàng là thời gian giới hạn để có thể chích thuốc hoặc làm thủ thuật can thiệp cấp cứu đột quỵ. Muộn hơn khoảng thời gian này thì các biện pháp cấp cứu không còn hiệu quả và thậm chí gây hại. Khi đó, việc điều trị chỉ còn là giải quyết hậu quả và phòng ngừa tái phát.
Khoảng thời gian vàng này đã được mở rộng đáng kể theo tiến bộ của y học, trước đây là 3 giờ, sau đó là 4,5 giờ và hiện tại là 6 giờ, tính từ khi có triệu chứng đầu tiên của đột quỵ. Tuy nhiên, với mỗi người bệnh, nếu điều trị sớm được phút nào tốt phút ấy, vì mỗi phút chậm trễ có thể làm chết thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh. Đồng thời càng chậm trễ thì càng ít có lựa chọn điều trị, giảm đáng kể khả năng hồi phục sau đột quỵ.
Nếu được cấp cứu đúng thời điểm giờ vàng (3 – 4,5 giờ đầu) bằng các thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, hoặc trong 6 giờ đầu áp dụng lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học đối với các bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não thì khả năng cứu sống cũng như hạn chế được di chứng càng cao.
Cảm ơn bác sĩ đã có những chia sẻ với độc giả báo Tuổi Trẻ!