Trầu têm cánh phượng – nét đẹp văn hóa giao tiếp – Báo Bình Phước

Trong phong tục văn hóa giao tiếp của người Việt, miếng trầu luôn là “đầu câu chuyện”. Với người dân quê hương Bắc Ninh – Kinh Bắc, miếng trầu têm cánh phượng còn hàm chứa, biểu đạt cách đối nhân xử thế trọn nghĩa vẹn tình của người quan họ, nhất là trong các canh hát giao duyên hay sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

Ở Bình Phước, có một phụ nữ đã duy trì việc têm trầu cánh phượng gần 30 năm qua như cách giữ gìn nét đẹp văn hóa mời trầu của xứ Kinh Bắc quê bà. Đó là bà Vũ Thị Thiện ở xã Tân Tiến, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Dân ca huyện Đồng Phú.

Bà Vũ Thị Thiện hướng dẫn cách têm trầu cánh phượng – Ảnh: Đặng Hùng

Trong những buổi tập luyện hay biểu diễn dân ca quan họ Bắc Ninh, ngoài chịu trách nhiệm chuyên môn, bà Thiện còn tích cực, chịu khó chuẩn bị phần cau, trầu têm cánh phượng để phần biểu diễn của “liền anh”, “liền chị” trong câu lạc bộ luôn được trọn vẹn. Bà Thiện cho biết: Mỗi lần đi hát quan họ ở đâu thì tôi lại chuẩn bị một ít trầu têm cánh phượng để phục vụ quan khách, bà con nơi đó, nhất là trong các hội nghị cơ quan nhà nước. Đây cũng là một phần bản sắc của câu hát, canh hát quan họ.

Nguyên liệu để có têm trầu – Ảnh: Đặng Hùng

Rất hay:  Cách đăng bài viết, hình ảnh trên Instagram từ điện thoại, PC và

Theo bà Thiện, việc têm trầu, nhất là trầu cánh phượng đòi hỏi sự cẩn thận, cầu kỳ và tỉ mỉ trong nhiều công đoạn mới có thể tạo được một sản phẩm duyên dáng, đẹp mắt và mang đến giá trị thẩm mỹ cho người thưởng thức.

Ông Nguyễn Quang Rầm ở xã Tân Tiến, thành viên Câu lạc bộ Dân ca huyện Đồng Phú cảm nhận: Tôi thấy các chị têm miếng trầu rất đẹp. Theo truyền thống của hát quan họ thì phải có miếng trầu thể hiện việc mời nước, mời trầu khi gặp nhau. Trầu têm cánh phượng là bản chất của điệu hát quan họ Bắc Ninh nên khi hát phải có thì mới đủ đầy ý nghĩa.

Miếng trầu cánh phượng vừa được hoàn thành – Ảnh: Đặng Hùng

Khay trầu têm cánh phượng vừa hoàn thành – Ảnh: Đặng Hùng

Hiện trên địa bàn tỉnh cũng không nhiều người còn biết têm trầu cánh phượng. Vậy nên, bà Thiện luôn tâm huyết hướng dẫn một số chị em trong câu lạc bộ để ngày càng có nhiều phụ nữ biết và có thể têm được. Trầu têm cánh phượng kỳ công nên không phải ai cũng có thể thực hiện được ngay trong lần đầu học cách têm. Từ cách bổ cau, vấn vỏ cau, cắt lá trầu… tất cả đều phải chính xác từng thao tác thì thành quả cuối cùng mới được như ý.

Chị Ngô Thị Bích Nhuần, thành viên Câu lạc bộ Dân ca huyện Đồng Phú cho biết: Trầu têm cánh phượng thì tôi thấy nhiều rồi. Song thực tế khi được hướng dẫn têm, lúc đầu tôi thấy khó lắm, nhất là việc cắt lá trầu, không khéo là không ra hình cánh phượng. Nhưng tập têm dần thì thành quen và sẽ thuần thục nếu chịu khó học hỏi.

Rất hay:  Xem Ngay Top 20+ lực ma sát là gì lớp 8 [Đánh Giá Cao]

Trầu cánh phượng, vật phẩm không thể thiếu trong các canh hát quan họ – Ảnh: Đặng Hùng

Còn chị Mai Thị Hiền hào hứng chia sẻ: Tôi thích trầu têm cánh phượng, nhìn rất đẹp. Khi được bà Thiện hướng dẫn và tự tay têm được miếng trầu, tôi rất vui.

Têm trầu, một nét đẹp duyên dáng của người phụ nữ xưa. Với người dân miền quê quan họ, trầu têm cánh phượng và văn hóa mời trầu thấm đượm tình người, giàu giá trị thẩm mỹ và nhân văn sâu sắc đã trở thành nét văn hóa đặc sắc từ bao đời nay và luôn được gìn giữ, phát huy trong đời sống hiện đại. Hy vọng ngày càng có nhiều người muốn học cách têm trầu cánh phượng để giá trị văn hóa tốt đẹp này được phát huy, lan tỏa không chỉ ở những phụ nữ Kinh Bắc mà còn là phụ nữ Bình Phước, phụ nữ Việt Nam.