Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh: TL
Thưa bà, trong 6 tháng năm 2022, giá hàng hóa phi mã nhưng chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp, số liệu thống kê có chính xác?
– Trong 6 tháng đầu năm 2022, có một số yếu tố đã tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như: Giá xăng dầu được điều chỉnh 16 đợt, làm cho giá xăng A95 tăng 11.960 đồng/lít; xăng E5 tăng 11.540 đồng/lít và dầu diezen tăng 13.900 đồng/lít. Bình quân 6 tháng, giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,87 điểm phần trăm. Giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới, giá gas 6 tháng đầu năm tăng 25,92% so với cùng kỳ năm trước, góp phần làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm.
Dịch COVID-19 đã được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng nên giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3 điểm phần trăm. Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở 6 tháng tăng 7,95% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có một số yếu tố đã giúp kìm giữ CPI 6 tháng ở mức 2,44%. Cụ thể là giá các mặt hàng thực phẩm 6 tháng đầu năm giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI giảm 0,08 điểm phần trăm. Giá dịch vụ giáo dục giảm 3,56% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn giảm học phí từ học kỳ I năm học 2021-2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, làm CPI chung giảm 0,19 điểm phần trăm. Giá bưu chính viễn thông giảm 0,55% so với cùng kỳ năm trước do giá điện thoại di động giảm.
Đồng thời, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội.
Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 1.2.2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 1.1.2022 đến hết ngày 31.12.2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 1.4.2022.
Do đó, chúng ta đã kiểm soát được lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 2,44%.
Bà đánh giá thế nào về cách tính CPI của Việt Nam? Cách tính đó có tương đồng với cách tính của thế giới?
– Về phương pháp tính CPI, Tổng cục Thống kê áp dụng từ năm 1995 đến nay theo đúng hướng dẫn của quốc tế và hiện nay thực hiện theo Tài liệu hướng dẫn biên soạn Chỉ số giá tiêu dùng mới nhất của các tổ chức quốc tế ban hành năm 2020.
Do đó, phương pháp tính CPI của Tổng cục Thống kê phản ánh sát diễn biến giá tiêu dùng trên thị trường và bảo đảm tính so sánh với số liệu của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực.
Hàng năm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cử chuyên gia đến Việt Nam rà soát và đánh giá nguồn thông tin, phương pháp tính, mặt hàng đại diện và quyền số dùng để tính CPI theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế. Các tổ chức quốc tế khác như Cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc (UNSD), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đều sử dụng số liệu CPI của Tổng cục Thống kê trong các báo cáo và đánh giá phương pháp tính CPI của Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố hàng quý và hàng năm tuân thủ nguyên tắc nào, thưa bà?
– Về phương pháp tính GDP, hầu hết các quốc gia trên thế giới khi biên soạn chỉ tiêu GDP đều dựa trên phương pháp luận về Hệ thống tài khoản quốc gia do cơ quan Thống kê Liên Hợp Quốc biên soạn và hướng dẫn cho các quốc gia thành viên. Chỉ tiêu GDP của Việt Nam do Tổng cục Thống kê biên soạn và công bố hàng quý và hàng năm cũng tuân thủ chặt chẽ về phương pháp biên soạn của cơ quan Liên Hợp Quốc từ khâu thu thập, xử lý thông tin, sắp xếp các ngành, hoạt động theo các phân tổ đến việc áp dụng phương pháp tính.
Chỉ tiêu GDP của Việt Nam hàng quý, năm được biên soạn theo 2 phương pháp, từ góc độ sản xuất gọi là phương pháp sản xuất và từ góc độ sử dụng gọi là phương pháp sử dụng. Hai phương pháp này dựa vào hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng của các chủ thể của toàn bộ nền kinh tế. Đây là cách làm khoa học, vừa đảm bảo xem xét được đầy đủ hoạt động sản xuất và hành vi tiêu dùng cũng như vừa có thể so sánh, đối chiếu để đánh giá tính chính xác của từng phương pháp, bổ trợ thông tin để kiểm tra chéo về chuỗi các hoạt động sản xuất – tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo phương pháp sản xuất, kết quả sản xuất của các ngành kinh tế của cả nước tạo ra trong quý được tiếp cận từ các đơn vị sản xuất gồm: Doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty, hộ sản xuất nông, lâm thủy sản, cơ sở kinh doanh cá thể phi nông lâm thủy sản, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, các đơn vị sự nghiệp… qua các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, sản lượng, diện tích… từ các nguồn gồm: Điều tra thống kê, chế độ báo cáo thống kê quốc gia, hồ sơ hành chính…
Theo phương pháp sử dụng, GDP được tính toán dựa vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ; số liệu về thu, chi ngân sách Nhà nước (từ Bộ tài chính); trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ (số liệu từ Tổng cục Hải quan); kết quả hoạt động xây dựng, nhập khẩu máy móc thiết bị và từ kết quả nhiều cuộc điều tra khác…
– Xin cảm ơn bà!
Số liệu thống kê phản ánh theo quy luật số lớn, những số liệu do Tổng cục Thống kê tính toán và công bố đã phản ánh sát tình hình hình kinh tế – xã hội của đất nước và từng địa phương, không có tình trang “làm đẹp con số”. Việc kiểm soát chất lượng thông tin thống kê được Luật hóa bằng Luật Thống kê năm 2015 và được kiểm soát bằng những biện pháp kỹ thuật.
Với góc nhìn đa chiều, kết quả tính toán GDP dù ở thời điểm nào cũng phải tuân theo các quy định cụ thể, chặt chẽ về phương pháp luận và đảm bảo logic, phù hợp với thực trạng kinh tế của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sau khi công bố kết quả tính toán GDP, Tổng cục Thống kê cũng cung cấp số liệu này cho các cơ quan, tổ chức quốc tế như: UNSD, IMF, WB, ADV, Cơ quan Thống kê Asean và đều được các tổ chức này đánh giá cao về chất lượng thông tin và đảm bảo tính so sánh quốc tế với các quốc gia khác trên thế giới”.
(Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương)